Thursday, June 25, 2015
Chuyến Đi Không Tên
Đáng lẽ tôi không muốn nhắc lại các vết thương lòng đã xảy ra từ lâu, vì khơi lại chỉ làm lòng tôi đau xót, nhức nhối. Nhưng việc không lên tiếng của tôi sẽ làm tôi có lỗi với những người đi trước, với các NT, anh chị em đã nằm xuống cho đất Mẹ VN.
Nhân đây tôi cũng muốn gửi một nén hương để tưởng nhớ đến công ơn dìu dắt, và nâng đỡ tôi trong thời gian đang công tác như cố Đại tá Lê Quang Tung, cố Đại Tá Lam Sơn (Phạm Đình Thứ, 1964), cố Đại tá Trần Văn Hổ (1964-1966).
Nguyễn Văn Tuyết.
Từ thuở còn học sinh tôi có người bạn tên Trần Hiếu Hòa. Ngoài học văn hóa, tôi và bạn tôi còn say mê học võ thuật. Chính vì điểm này, cả hai có cơ hội vào ngành Tình báo rất sớm, mặc dù hoàn cảnh gia đình cũng như tình trạng học vấn không bắt chúng tôi làm như vậy.
Nói đến hai chữ Tình Báo thì đa số hiểu là làm một việc gì đó có tính cách bí mật. Nhưng nếu đi vào chuyên môn, thì đây là một lãnh vực đa dạng, với mỗi cá nhân nhận những nhiệm vụ riêng biệt, từ thấp đến cao, qua mỗi lần thi hành xong một nhiệm vụ rồi trở về hậu cứ. Lần sau khi xuất phát, người đi công tác phải học lại cho phù hợp với thực tế, vì trang thiết bị và vũ khí cho mình và của địch luôn thay đổi theo thời gian. Tôi và Hoà đã tham gia các khóa học đặc biệt về Tình báo. Theo thời gian chúng tôi dần dần trưởng thành qua những lần công tác.
Sau một thời gian công tác, tôi trở về Phòng Hoạt Động của Tổng Thống Phủ (P42) còn Hòa về làm Trưởng Phòng 5 của ông Đỗ Cao Thanh.
Sau ngày 1-11-1963, tôi đã bị gọi lên thẩm vấn điều tra. May mắn thay, tôi đã được Đại tá Ngô Du gửi đi học khoá Trung Cấp Tình Báo vì biết tôi không có những liên hệ nào đặc biệt với chế độ cũ. Năm 1964, tôi được thuyên chuyển về Phòng 6 Bộ Tổng Tham Mưu.
Đến tháng 6-1964, tôi chính thức làm việc tại Phòng 6 của Sở Kỹ Thuật (đổi tên thành Sở Khai Thác Địa Hình) và được lĩnh lương sai biệt. Tôi được lệnh đưa các toán Biệt kích tới Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng. Đầu tháng 11 năm 1964, việc huấn luyện của các toán đã qua giai đoạn 2 và sẽ thực tập Nhảy dù tại Đà Lạt, sau đó theo học khóa HT 98 tại trường Truyền Tin Vũng Tàu. (Chỉ huy trưởng là Thiếu Tá Hoàng Hữu Gia.) Khi đến đây, mọi thủ tục giữ bí mật được áp dụng, các Học viên không được nói sự thật về đơn vị mình đang phục vụ để bảo toàn an ninh. Để giống mọi người, các học viên mặc Quân phục kaki vàng, và Quân phục tác chiến giống TQLC.
Mới vào Quân trường nên một số người ngoài đơn vị cũng đến làm quen và hỏi thăm vì tò mò muốn tìm hiểu. Một số khác không quan tâm. Nhưng lại có người không tin, gây sự cho là khóa sinh mới đã ăn cấp kiểu Quân phục của họ và gây lộn. Thiếu tá Hoàng Hữu Gia đã phải đưa đại đội ứng trực xuống để ổn định tình hình. Vì người bị ăn cắp đồ là Thiếu úy Kim, Khóa 11 TĐ, là cháu Trung tướng Nguyễn Ngọc Lễ, nên Đại tá Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh TQLC, phải ra tận nơi để giải quyết. Sau đó Thiếu tá Gia đã bị đổi đi và Thiếu tá Vũ Duy Tạo về thay thế làm Chỉ huy trưởng trường Truyền Tin.
Vào khoảng giữa năm 1965, Trần Hiếu Hòa giới thiệu với tôi Trung úy Bình (tức Nguyễn Hữu Luyện) một Sĩ quan mới về nhậm chức tại đơn vị. Qua bạn Hòa, tôi được biết anh Luyện là người thẳng thắn, có thâm niên Quân đội, và có nhiều kinh nghiệm tác chiến. Anh Hòa và anh Luyện muốn lập các toán xâm nhập miền Bắc. Anh Luyện sẽ là Trưởng Công Tác đầu tiên đi cùng toán. Anh Hoà sẽ lo việc tuyển dụng nhân viên, sắp xếp, tổ chức theo ý của anh Luyện, và được sự chấp thuận của Trung Ương.
Việc tuyển dụng nhân viên không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong khi làm việc, tôi đã phải từ chối một người tên Nghiã vì anh này khai dối là đã đủ 18 tuổi. Hơn nữa, trong nhà đã có mấy anh lớn phục vụ trong Quân đội, và Nghiã là con út đang đi học. Theo luật thì Nghiã không phải bị động viên. Thời gian qua khi đủ 18 tuổi, anh này lại làm đơn xin gia nhập một lần nữa. Về tình tôi đã xiêu lòng, nhưng về lý buộc tôi phải hỏi cha mẹ anh có đồng ý hay không ? Một khi tin không lành đến nhà thì gia đình họ sẽ có đủ lý do để bắt lỗi tôi. Vả lại, tôi cũng đã bị phiền toái nhiều lần vì cha mẹ vợ con người bị tử nạn đến ăn vạ, bắt đền. Khi được biết Nghiã đã nói dối cha mẹ là đi Cảnh sát, tôi đã từ chối thẳng.
Sau một thời gian, tôi lại nhận được đơn tình nguyện của Nghiã lần thứ ba. Lần này, Nghiã đã thuyết phục được bố mẹ của mình. Tôi đã nhận được tờ giấy "ưng thuận cho con đi lính" với chữ ký của người mẹ. Khi tôi dến để xác minh lần chót, cha mẹ Nghiã có một yêu cầu nhờ tôi giúp đỡ. Đó là tôi ở đâu thì Nghiã ở đó. Trong khi tôi còn đang chần chờ thì Nghiã đã đạp chân tôi nhiều lần ở dưới gậm bàn mong tôi chấp thuận. Tôi đã biết có nhiều người trẻ tuổi, chỉ sau một thời gian, đã nản chí không muốn phục vụ nữa. Chính vì suy nghĩ như vậy nên tôi tạm thời chấp thuận.
Đúng lúc này, anh Luyện đang tuyển dụng nhân viên. Tôi đã chuyển hết hồ sơ cho anh Luyện với một điều kiện tiên quyết là Nghiã không được xa tôi. Tôi đã sắp xếp cho Nghiã học Truyền Tin để sau này có thể hoán chuyển dễ hơn.
Tháng 10-1965, khi việc tuyển dụng tạm xong, tôi được chuyển đến Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng, Long Thành, Biên Hòa cùng anh Hòa và anh Luyện. Tại đây, khoá huấn luyện được đặt tên là Bắc Bình. (Muốn giống đội quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ.) Đại đa số tinh thần các học viên rất cao, nhưng kinh nghiệm chưa có. Để thuận tiện công tác trên lãnh thổ Lào, anh Luyện có nhờ tôi liên lạc với anh Nguyễn Mạnh Hải, một Việt Kiều từ Thái Lan về nước, đang là một Hạ sĩ quan sửa chữa vũ khí binh đoàn thuộc Trung Đoàn 12, Sư Đoàn 7. Anh Luyện đã sắp xếp tôi, Hòa, và Hải tại ban chỉ huy của toán. Mỗi toán được chia thành 4 toán nhỏ độc lập, với hơn chục người mỗi toán. Nguyễn Ngọc Lân làm Trưởng Toán A1, Hà Huy Tuấn, Trưởng Toán A2, Mai Nhuệ Anh, Trưởng Toán B1, Hoàng Đình Khả, Trưởng Toán B2.
Các khóa sinh được học chuyên môn, từ vũ khí, nhảy dù, phá hoại, chất nổ, tình báo, tâm lý chiến, bản đồ, địa bàn, đến truyền tin... Giữ lời hứa với gia đình Nghiã, tôi đã lo cho anh đủ điều, như đưa tiền cho anh ta chi tiêu lặt vặt, trong khi tôi đã giữ tiền lương tháng của Nghiã. Sau vài ba tháng khi Nghiã được đi phép, tôi đã đưa lại để anh mang về cho gia đình. Một người khác, cũng đã nhờ tôi giữ hộ lương của mình, giống như Nghiã.
Một thời gian sau, Trần Hiếu Hòa được cử đi tuyển dụng toán độc lập khác.
Tháng 5-1966, các toán Biệt kích thực tập xâm nhập trên đất địch, nhảy dù tại Đà Lạt, và được đánh giá về khả năng hoạt động độc lập. Sau khi toán được rút về trung tâm và nghỉ phép, họ đã được chuyển lên Kontum và Khâm Đức để thực tập bằng trực thăng bán phản lực. Cuối tháng 6-1966, tôi được lệnh về trình diện Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, để nhận nhiệm vụ mới. Tôi đã xin hoãn lại một thời hạn với lý do sắp xếp tình cảm với anh em, sao cho tình lý được vẹn toàn. Chính vì lẽ đó, tôi trở lại TTHL Quyết Thắng làm việc. Nơi đây, các toán đã được huấn luyện đổ bộ bằng trực thăng và thám sát đường mòn HCM. Đến trung tuần tháng 6, các toàn chuyển ra trại 6 Mỹ Khê, Đà Nẵng sẵn sàng thi hành nhiệm vụ.
Anh Luyện dự trù sẽ dẫn toán đi đợt 1. Đại úy Nguyễn Văn Vinh vốn là một trưởng công tác dày dạn kinh nghiệm chịu trách nhiệm lương bổng. Đa số thành viên trong toán 2 hăng say nhưng thiếu kinh nghiệm nên anh Luyên đã yêu cầu tôi ở lại toán này để quyết định việc xâm nhập cùng 3 toán trưởng còn lại. Chuẩn úy Đặng Đình Thúy sẽ cùng đi nhưng đến vùng công tác sẽ sắp xếp để làm cố vấn bản đồ, địa bàn cho toán B2 của anh Hoàng Đình Khả. Trong lúc chờ lên đường tại bãi Mỹ Khê, Đà Nẵng, anh Hoàng Đình Mỹ gặp tôi xin ở lại để cùng đi với toán 2 của tôi. Tôi đã thẳng thắn từ chối vì đây thuộc thẩm quyền của anh Luyện, trưởng toán.
Sau khi chia tay, toán HECTOR 1 lên đường xâm nhập vào vùng công tác vào hạ tuần tháng 6-1966. Khi nhận được công điện của Bản Văn số I có đoạn “MẶT TRỜI MỌC”, tôi được ông Vinh cho biết toán đã được thả an toàn. Trong lúc chờ lệnh lên đường, toán 2 vẫn tiếp tục thực tập tại bãi biển Mỹ Khê.
Ông Phan Trọng Sinh, đại diện Sở Liên Lạc tại Quân Đoàn I, đã đến gặp chúng tôi, yêu cầu cử một toán Biệt kích xuống Thường Đức, vì Thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm không muốn xử dụng một đơn vị Lôi Hổ cho công tác đặc biệt tại vùng này. Theo nguyên tắc, khi một toán được cử đi công tác, bắt buộc phải có cố vấn người Mỹ, cùng các máy truyền tin, đi theo để sẵn sàng yểm trợ. Trung tá Cố Vấn Mỹ Simon đã không đồng ý nên kế hoạch này không thể thực hiện. Trong khi nói chuyện, ông Sinh đã hỏi tôi có đồng ý thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này ?
Biến động Phật Giáo Miền Trung đã ảnh hưởng nhiều đến tình hình an ninh QK I, cũng như hạn chế phần nào hoạt động Quân sự của ta tại đây. QĐ I muốn giải tỏa vùng Thường Đức vẫn còn bị VC chiếm đóng, nhưng Quân Báo của Sư đoàn 2 và QĐ I chưa sẵn sàng thực hiện. Chưa kể, nếu tiến hành ngay thì các đơn vị Quân Báo cũng không dễ gì hoàn thành nhiệm vụ, và khó tránh khỏi thương vong. Cũng cần thêm, Thường Đức là yết hầu của Đà Nẵng. Chừng nào Thường Đức còn bị VC chiếm đóng thì chừng đó tình hình an ninh của Đà Nẵng, nói riêng và QĐ I còn gặp nhiều nguy hiểm. Đánh giá được nhiệm vụ quan trọng này nên tôi đã đồng ý dùng toán của tôi nhảy vào khu vực do Tướng Lãm yêu cầu. Dĩ nhiên, chúng tôi phải được Trung Ương chấp thuận.
Sau khi nhận lời, tôi đã vội bay vào Sài Gòn để trình bày cùng ‘thượng cấp” về đề nghị của Tướng Lãm. Tuy nhiên, tôi lại nhận được tin không vui. Người bạn thân của tôi, Trần Hiếu Hoà, đang bị giam tại “cải hối thất” thuộc Bộ TTM vì vi phạm kỷ luật. Sau khi tìm hiểu lý do vi phạm của bạn tôi tại Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng, tôi quay lại Bộ TTM vào gặp các bạn tôi đang ở trong tù, gồm có : Trần Hiếu Hòa -Trưởng Toán T, Phạm Bá Toán - Trưởng toán KERN B, Nguyễn Văn Thái A - Toán KERN B Nguyễn Văn Sáng - Lôi Hổ - Sở Liên Lạc - Nguyễn Văn Tân (Tân Bé).
Khi trình diện “thượng cấp”, ông đã yêu cầu tôi sắp xếp công việc, rồi về nhận nhiệm vụ mới. Tôi đã xin ông cho tôi hoãn một thời gian nữa. Tôi cũng đã trình bày trường hợp vi phạm của bạn tôi và xin ông nhẹ tay.
Ông Vinh sau đó cho tôi biết, theo ý “thượng cấp”, Hoà sẽ thay tôi ở Đà Nẵng chiụ trách nhiệm toán HECTOR II, nếu không thì phải có sự đồng ý của cấp chỉ huy TTHL Quyết Thắng. Được ông Vinh phân công, tôi sẽ gặp ông Nông A Pan (Tức Võ Văn Đang), một thẩm quyền cũ của tôi tại Lào và Đà Nặng. Tôi đã cố thuyết phục ông, thậm chí còn lấy cá nhân tôi để bảo đảm cho lời nói. Sau khoảng một tiếng đồng hồ sau, tôi và ông Vinh đã gặp nhau. Ông hỏi :
- Kết quả thế nào ?
Tôi cười và nói ngay :
- Bây giờ chúng ta phải quay lại TTM.
Thú thật khi đón Hòa ra khỏi trại tù, tôi còn gặp các anh em còn lại chưa được thả. Họ cũng có ý định nhờ tôi giúp. Tôi biết là khả năng có hạn, nên tôi cảm thấy buồn khi không trả lời họ.
Khi định đáp máy bay đi Đà Nẵng thì được ông Giám Đốc hỏi chuyện về lời hứa với Thiếu tướng Lãm, Tư Lệnh Quân Đoàn I và về việc Trung tướng Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, gọi tôi về trình diện. Tôi đã thuyết trình về kế hoạch nhảy vào Thường Đức với ông. Tôi trình bày kế hoạch tuyển người, phương tiện máy bay để thả các toán xuống sát biên giới Lào - Việt, để toán không dùng máy liên lạc dễ bị lộ mà chỉ dùng máy định vị, thời gian xâm nhập và di chuyển khi hoàn tất nhiệm vụ, việc không yểm cho 3 bãi đất trống ở Thường Đức... Tôi cũng xin ông cho mấy anh em phạm lỗi được đoái công chuộc tội bằnh cách cho họ tham gia vào chiến dịch này.
“Thượng cấp” đã đồng ý thả 4 người, vốn đã qua huấn luyện tại trại Quyết Thắng là các anh Toán, A, Sáng, và Tân. (Như đã đề cập ở trên.)
Tôi đã ghé Hoà Cấm, lấy thêm 2 người H ‘Mông và 2 người Vân Kiều trước đây đã sống ở Thường Đức. Cả toán Biệt Kích, gồm 8 người, đã thực tập, thao dợt tại một sân bay cũ của TQLC Mỹ, và thực tập đổ bộ bằng trực thăng cả tuần lễ. Sau khi thuần thục, toán đã được thả xuống biên giới Việt - Lào vào đầu tháng 7-1966. Với vỏ bọc là người Thượng, mang theo đặc sản của núi rừng để đổi lấy muối, họ đã nói như người Thượng, mặc quần áo rách rưới, đeo những “gùi” của người Thượng với phiá trên là cá khô, thịt rừng khô nhưng dưới là máy truyền tin và súng đạn. (Cũng cần nói rõ, người Thượng ở đây đã có cuộc sống vô cùng khó khăn và nghèo khó vì chiến tranh.)
Theo dõi máy định vị, tôi biết toán đã rời bãi đáp, đang len lỏi từ sát biên giới đi dần vào vùng Thường Đức, đang thu nhặt tin tức tình báo và đánh dấu vị trí địch quân. Trong khi đó, pháo binh của TQLC Mỹ và máy bay ném bom sẵn sàng can thiệp khi cần. Khi máy định vị bị tắt bất ngờ thì cả toán sẽ là những con chốt thí. Sau 2 tuần, toán đã ra được Bãi Số 2 và dùng PCR 64 liên lạc. Tại hậu cứ Đà Nẵng, trực thăng và máy bay yểm trợ đã sẵn sàng cất cánh, bốc về. Sau khi toán vừa rời khỏi bãi đáp thì hoả lực của Không Quân và Pháo Binh đã nhịp nhàng tác xạ vào các vị trí mà máy định vị đang liên tục phát sóng. Các đơn vị Quân đội đang án binh chờ lệnh cùng tiến vào đánh đuổi VC ra nơi đây, ngay lập tức. QĐ I đã giải tỏa Thường Đức ngay ngày hôm ấy.
Toán đang nghỉ ngơi khoảng 3 ngày tại Đà Nẵng thì được Thiếu Tướng Lãm, đến tận nơi, ân thưởng huy chương cho những nguời có công. Từ đấy, dù ông cùng đoàn tuỳ tùng đi đâu, vào bất cứ lúc nào, khi thấy anh em Biệt Kích, ông đều cho xe dừng lại. Ông gọi thân mật họ là “bọn chết sống lại”, và cho ngồi chung xe quá giang. Đó là tình cảm ông dành cho anh em Biệt Kích. Chúng tôi không bao giờ quên được tình cảm của NT đã dành cho chúng tôi. Trong toán vừa thực hiện xong nhiệm vụ, 4 người đã ở QĐ I được ở lại Đà Nẵng. Bốn người đã phạm lỗi trước đó thì được tha cho về phục vụ các toán của Mỹ tại Vùng III Chiến Thuật.
Hạ tuần tháng 7 năm 1966, Trung tá Nguyễn Khắc Bình và Trung tá Hồ Văn Kỳ Thoại đã ra thanh tra và chuyển giao một số cơ sở đường biển cho đơn vị khác. Nhân dịp này, các NT muốn biết các nhận xét về hiệu quả hoạt động của các toàn và kết quả chương trình huấn luyện tại Trung Tâm Quyết Thắng. Tôi đã thẳng thắn trả lời :
- Tinh thần các khoá sinh thì cao nhưng kinh nghiệm di chuyển trong rừng núi khá yếu, thể chất không đủ dẻo dai, dễ bị đối phương theo dõi.
- Tại sao ? Ông hỏi.
- Rèn luyện thể chất ở trại Quyết Thắng kém hơn ở Nha Trang hay Đà Nẵng. Vì ở đây, chạy trên cát nên sức khoẻ các học viên rất dẻo dai và nhanh nhẹn khi di chuyển trong rừng.
Trung tá Bình gật gù tỏ vẻ đồng ý. Một thời gian sau, ông đã chuyển một số toán ra Đà Nẵng.
Cuối tháng 7-1966, qua các công điện từ vùng hoạt động của H1 (tức Nguyễn Hữu Luyện), tôi biết toán HECTOR 2 còn phải chờ một thời gian nữa trước khi được cử đi công tác. Tôi đã xin thượng cấp cho cả toán 2 về Saigon nghỉ phép và chờ lệnh xuất phát để họ yên tâm, cũng như để thân nhân họ không đặt câu hỏi là người nhà của họ ở đâu.
Tháng 8-1966, trên yêu cầu, sau khi nghỉ phép, toán 2 phải ở trong khu vực cấm chờ đi công tác. Vì thế cả toán đã đáp chuyến máy bay C123 từ Đà Nẵng về Saigon. Trong chuyến máy bay này có Trung tá Nguyễn Khắc Bình và gia đình cùng đi. Trung tá Bình chuyển về Saigon để nhậm chức Tham Mưu Trưởng Sở Kỹ Thuật lúc bấy giờ.
Toán 2 được đưa về “khu vực cấm” tại TTHL Quyết Thắng. Khi được đi phép, tôi đã cùng Nghiã về thăm cha mẹ của anh. Riêng tôi còn nhiều việc phải giải quyết, nhất là tình cảm của tôi với người tôi yêu tên Mai Thanh.
Nàng mới tốt nghiệp đại học Sư Phạm và vừa được bổ nhiệm đi Mộc Hóa, một địa phương sát biên giới với Kampuchia. Trăn trở với nỗi lòng riêng, tôi đã cùng nàng đi xem phim tại rạp Rex nhưng thực tâm tôi chẳng biết phim đang chiếu gì. Tôi đang trăn trở nhiều điều nhưng không thể nói thành lời. Tôi chỉ muốn nói cho nàng hiểu rõ tương lai bấp bênh của một người lính như tôi. Tôi đã quen nàng từ khi còn học trường trung học Trưng Vương, từ nhiều năm, trước khi nàng vào Đại học. Trong buổi gặp gỡ đó, nàng đã nói với tôi rất nhiều chuyện : về việc nàng đang dạy học, về việc tôi đang làm, và về tương lai của hai người... Nhưng tôi là người theo đạo Thiên Chúa không dám nói dối nên tôi chỉ là ậm ừ cho qua. Tôi doán là nàng đã ít nhiều hiểu lầm tình cảm của tôi dành cho nàng, nhưng tôi không biết làm sao cho phải. Cuối cùng, tôi chỉ nói với nàng,
- Sau này, nếu anh lấy vợ, người đầu tiên anh chọn sẽ làm em. Bây giờ đất nước đang thời khói lửa, anh còn có nhiệm vụ phải làm nên tạm xa em. Nếu không có gì thay đổi, cuối năm anh sẽ về cùng em đi dự lễ Giáng Sinh.
Lúc chia tay, tôi thoáng thấy thái độ cam phận của nàng cùng nét mặt gượng vui không đủ che dấu nỗi buồn ẩn dấu bên trong. Khi nhớ đến bài hát “Biết Trả Lời Sao ?” của Duy Khánh, tôi mới thấy vô cùng thấm thiá. Sự mâu thuẫn giữa tình cảm tha thiết của tôi đối với nàng và một tương lai vô định, không rõ tương lai của người lính Biệt Kích khiến tôi gần như tuyệt vọng. Tôi đã cố dấu nàng qua bề ngoài bình thường, khá lãnh đạm, trong khi lòng tôi đau đớn không nguôi. Làm sao tôi có thể cho nàng biết rằng tôi đang mang một trách nhiệm lớn lao mà sự thành bại, vốn hung nhiều lành ít, chỉ tùy thuộc một phần vào sức chịu đựng của con người ? Nỗi trăn trở này không phải chỉ mới có khi gặp nàng mà đã nằm sâu trong tiềm thức mà tôi đã dấu chính tôi. Tất cả lời hứa hẹn đều vô nghiã, khi tôi không thể biết rõ tương lai đầy bất trắc của chính mình.
Qua điện thoại với “thượng cấp”, ông Vinh cũng không biết được ý định của tôi sẽ ra sao ? Tôi có trình diện nhiệm sở mới hay không ? Tôi có rời toán 2 hay không ? Vì lời hưá với cha mẹ Nghiã, tôi không đành lòng bỏ Nghiã lại một mình đi công tác mà không có tôi. Đôi lần, tôi đã đặt vấn đề với Nghiã,
- Nếu em muốn trở lại học đường, tôi sẽ cung cấp học phí cho em như lãnh lương hàng tháng tại trại. Hay là em muốn đi đơn vị khác, anh sẽ lo liệu.
Mỗi lần như thế, Nghiã chỉ ậm ừ không chịu trả lời rõ. Tôi cần quyết định về việc chọn lưạ có nên về đơn vị mới hay ở lại đơn vị cũ, nên đã ướm lời hỏi Nghiã,
- Khi anh đi thì em có buồn không ?
- Không buồn. Nghĩa tỏ vẻ tự tin trả lời.
Tôi luôn nghĩ đến cha mẹ Nghĩa tin tưởng gửi gấm cho tôi. Nếu Nghiã có mệnh hệ nào thì tôi làm sao cho ổn thỏa ? Thôi cũng đành, tôi đã làm tròn lời hứa với cha mẹ Nghiã.
Sau kỳ nghỉ phép, toán 2 đã trở lại “Khu vực cấm”, được xây cất riêng biệt với khu trại chính. Khu vực này được 4 bức tường cao ngăn cách rào dây kẽm và một cổng ra vào có Quân Cảnh gác. Trong khu cấm có một hạ sĩ quan ở ngày đêm cùng các toán viên đang chuẩn bị nhảy toán. Trong giai đoạn này, tôi cũng xin lệnh thượng cấp cho Nguyễn Minh Hùng được về lại gia đình vì tình trạng gia cảnh đặc biệt của anh, và cho Nguyễn Ngọc Việt ra làm tại thư viện của trại.
Trong lòng tôi cảm thấy đã dễ chịu vì đã giải quyết được nhiều việc cho nhân viên dưới quyền.
Giờ đây, tôi đã sẵn sàng...
Westminster, ngày 3 tháng 3 năm 2015
Nguyễn Văn Tuyết
H. 21
Subscribe to:
Posts (Atom)