Saturday, June 11, 2016

KHU RỪNG YÊN TĨNH



 -Canh bạc đã đến hồi quyết liệt. Chỉ mới vừa từ sáng nay thôi sau khi Toán lãnh tiền thưởng hành quân. Chúng tôi từ một bệnh viện của quân đội Mỹ về đến căn cứ CCN ngày hôm qua sau chuyến xâm nhập vùng hạ Lào (kết quả không giống ai!)
   -Tự dưng bật cười, tôi quay mặt vào trong tránh hình ảnh những con người máu đen đỏ, mà phần đông đặt “ăn ké” Xập xám chướng. Trong cái trại Biệt kích này… tự do được đặt lên hàng đầu (âu cũng là một khuyến khích…mại dô…) Có những quyến mà bất cứ một quân đội nào cũng ngăn cấm nhất là trong những giờ làm việc…Nhậu, nổ súng, đánh bạc, đánh lộn thậm chí cả đến sử dụng chất ma túy v.v.  Tôi bật cười thêm về chuyến công tác vừa qua…
     -Sáng ngày thứ ba trong mục tiêu vừa leo lên con dốc suối tỏa hơi lạnh êm êm. Đưa tay vuốt giọt mồ hôi đang lăn xuống má. Một làn gió len lỏi đến chợt lạnh run da thịt nhưng trong áo lúc này tôi biết là đang đẫm mồ hôi. Gió lại đưa tiếp vào người “cái gai gai…giật mình…” mà tay chân hình như bủn rủn. Người đi đầu ngồi xuống nghỉ tuy chưa có lệnh của Trưởng Toán… nhưng hầu như cả mọi người đều đồng ý đặt phịch người xuống đất!! Thời gian nặng nề trôi. Giò vẫn thi thoảng và mặt trời trên ngọn cây tỏa ánh nắng xuyên lá. Thiếu úy Điệp nhìn tôi như dò hỏi và quanh đây đã có tiếng rên run. Lượng tình hình tôi cho là nghiêm trọng trong khi tay chân mình nặng nề không còn hơi sức và tôi nói khẽ với Điệp “dù sao cũng phải chờ Covey” rồi dựa lưng hẳn vào gốc cây.
   -Tiếng kêu rống và gầm gừ của hai con thú làm chợt tỉnh theo sau động cơ của chiếc Covey đang đến. Phản ứng mạnh trỗi dậy trong cơ thể khi tôi nghĩ đến triệt xuất và bãi đáp. Tôi gọi Covey báo tình hình và xin triết xuất khẩn. Thế rồi sau bao cố gắng gượng sức tìm bãi đáp… Toán được cứu dưới ánh nắng đang ngả về tây với người y tá Mỹ dìu từng người lên trực thăng bay thẳng về một bệnh viện của quân đội Mỹ tại Quảng Trị… Điều trị bảy ngày với bồn nước đá và truyền dịch có thuốc. Hỏi ra bệnh án ghi “nhiễm vi rút”
     -Trung úy Trần đình Ngọc ào vào phòng như cơn gió lốc. Ông ta vừa thay thế Đại úy Trấn trung Ginh trong chức vụ Đại đội trưởng Đại đội Thám sát “CCN Recon Company” theo sau vẫn là Trung sĩ Lê Nam… thường vụ Đại đội. Đến chỗ tôi ông bảo “… hai giờ chiều lên TOC (Trung tâm hành quân chiến thuật) trình diện.” Đám đánh bài cũng thỏa thuận chơi ván chót để cơm trưa. Cô giúp việc của Toán tay ôm mớ quấn áo mới khô váo phòng để ủi.
    -Giấc ngủ trưa bị đánh thức sau những bước chân chạy rấm rập ngoài hành lang. Nhìn ra cửa phòng ba người tay súng mặt hầm hầm miệng chửi thề…”Đm. Xin cặp giò nó…” Đã có người bao quanh hỏi chuyện. Tôi lắng nghe và được biết Toán Adder (Toán Mỹ) có người bị Sĩ quan An ninh Trại đánh mấy bạt tai ở nhà ăn, thế là cả Toán xách súng tìm Đại úy… Xin cặp giò!  Tôi chặc lưỡi xoay mặt vào trong ngủ tiếp… Nắm nhưng cũng nhún đôi vai vì nơi đây đó cũng chỉ là chuyện bình thường, chuyện cơm bữa và nhớ lại cách đây hai năm cả một xe GMC chở đầy Biệt kích với súng ống đầy đủ ra đánh nhau với Cảnh sát ngoài Thị xã Đà nẵng… Tấn công hẳn vào đồn tìm địch thủ. Anh hùng tính được khuyến khích và nghiễm nhiên nẩy nở rất nhanh trong cuộc sống đầy nguy hiểm của nhiệm vụ.
    -Nhận lãnh công tác tại TOC với thời gian hai tiếng chuẩn bị đồ đoàn. Nhiệm vụ thay thế người Thông ngôn Toán Hải Điểu bị bệnh bất thường. Người ta đẩy cho tôi xem bệnh án từ Căn cứ xuất phát ghi đậm những chữ… ”Hạ bộ sưng tấy… có dấu hiệu côn trùng cắn.” Rất bình tĩnh tôi nhân định… ”Mẹ kiếp, lại đút “chim” vào ổ kiến để tránh công tác? ! Cái trò này nhiều khi cũng hữu dụng nhưng hiển nhiên bị khinh khi… Miệng chửi thề, bụng tức lộn ruột lên được, chân bước lên nhà kho lãnh đồ hành quân.`
    -Chiếc xe Jeep đón tôi từ sau chiếc C130 của Thủy quân lục chiến Mỹ. Người Trung sĩ da mầu đon đả trong lời mời thuốc hút… hỏi uống beer hay nước ngọt có trong thùng nước đá. Xe vụt đi vào khoảng mờ tối dưới ánh đèn lấp loáng trong tiếng gấm rú của động cơ máy bay vừa cất cánh. Ngang qua một Câu lạc bộ đêm nay có nhạc sống và xe chạy một đỗi nữa chiếc Jeep quẹo vào căn cứ. Vừa xuống xe tôi đã thấy Thiếu úy Dứa đi nhanh ra đón rồi đưa vào phòng Toán. Trung sĩ Kim Hoàng, BK Cao văn Hoàng BK La văn Vượng BK Dương Bửng đưa tay chào và chỉ cho tôi chiếc giường bố.
      -Mây trời thật thấp lững lờ theo làn gió Đông nhẹ. Mặt trời vừa lên đã hắt tia nắng đổ xoài người xuống sân trực thăng. Toán đã yên vị trên tầu chờ phi hành đoàn và Toán trưởng đự thuyết trình không quân. Trực thăng đầu có chỗ cho tôi và Trưởng Toán sẽ đổ bộ trước cùng ngay giữa chiếc chiếu pháo cuộn tròn nằm ngang. Toán còn lại bốn người xâm nhập từ chiếc tầu thứ hai. Hai trực thăng đậu tiếp nhau theo hàng dọc đang được hai người Mỹ gắn vào sáu Biệt kích bằng hình nộm… chiếc hai, chiếc bốn. Dùng làm kế nghi binh. Sáng nay lúc 6 giờ Toán chúng tôi được thuyết trình mục tiêu và kế hoạch xâm nhập. Giờ đây đoàn người túa ra từ phòng hành quân và chúng tôi đeo ba lô vào vai sẵn sàng.
       -Đoàn trực thăng nhanh chóng bay theo đội hình và tôi chắc rằng ông mặt trời đang tà tà theo sau… Viên Trung ùy người Mỹ ngồi trong lòng trực thăng nhiệm vụ thả Toán đưa tay chỉ hai trực thăng chở hình nộm trông như thật. Rừng xanh bạt ngàn và dãy Trường sơn bất tận chắn ngang chờ chúng tôi leo qua. Một đám mây ập vào tầu và tôi nghĩ ngay đến nhiệm vụ đầu tiên là kiểm chứng kết quả trận đánh của chiếc C130 mang theo trái bom 15.000 cân anh mới vừa được thả từ đêm qua để lấy chỗ cho bãi đáp trực thăng xâm nhập vì khu này đặc kín rừng rậm. Mặt trời đã ngang tầm như đuổi theo khi ẩn khi hiện bởi phải vật lộn với những đám mây dần trôi. Ngoái lại phía sau không còn thấy biển và giờ chỉ toàn mầu xanh núi rừng chen sương trắng. Tiếng máy trực thăng như gượng lại có tí đanh sắc hình như không muốn lao về phía trước. Và tôi đã nhìn rõ chiếc OV10 cùng hai Cobra với cánh chém gió loang loáng bên dưới. Sĩ quan thả Toán giơ tay mắt nhìn hai bên xem và ra thêm dấu chuẩn bị. Càm giác nao nao nơi bụng theo những tiếng o o rít lên từ bộ máy trực thăng và tôi biết rằng nó đang theo lệnh xuống bãi thả. Mầu xanh cây lá nhanh chóng dâng lên rõ dần rồi trực thăng như ồ lên đứng khựng theo tay vỗ của Trung úy ra lệnh xuất phát. Tôi xoay người tay ghì sợi dây hãm cùng đôi chân vừa bung khỏi càng trực thăng tay xả dây hãm tụt ào xuống… Thời gian vừa đủ để siết dây hãm nhằm làm giảm sức rơi rồi đôi mắt đưa tìm mặt đất với cú siết dây thứ hai chân vừa chạm bãi. Tháo vội sợi dây khỏi bụng tôi lao ngay vào gốc cây đổ chuẩn bị tình thế tác chiến. Thiếu úy Dứa cũng vừa xuống đang thực hiện nhiệm vụ tháo chốt từ cuộn chiếu pháo theo sau chúng tôi từ trực thăng thả xuống. Chiếc thứ hai lập tức đã đứng trên đầu thả bốn người còn lại, tích tắc họ đã tháo khỏi dây tụt và hợp đoàn. Trưởng Toán đã trải xong chiếu pháo và giật dây nổ chậm rồi khoác tay di chuyển. Tôi nhanh chóng làm bổn phận mình là ước lượng hiện trường… bao xa ngoài khu vực bị tàn phá rồi xoáy vào cái hố rông khoảng gấn 50 mét có chiều sâu ước chừng 10 mét. Toán vội vã di chuyển cùng chui lòn qua những cây đổ dọc ngang trong 10 phút chờ chiếu pháo sẽ nổ…khởi đầu cho giai đoạn hai của kế hoạch… Thời gian trôi nhanh trong vội vã chóng mặt giờ đã nhìn thấy rừng và bên cánh phải một cây cổ thụ vụt lao vút lên cao như thách thức. Đúng lúc này tiếng nổ liên tục như một cuộc chạm súng. Tôi vội báo Covey xâm nhập an toàn và chiếu pháo đang nổ. Xong gấp rút Toán tiếp tục di chuyển. Muỗi ở đâu kéo đến lăn xả váo mặt bất chấp làn thuốc trừ muỗi bóng lưỡng trên từng gương mặt. Tiềng trực thăng sau lưng lúc một rõ để rồi từ hố bom xâm nhập họ sẽ thả xuống và câu lên… sáu Biệt kích hình nộm bằng hai trực thăng thẳng về căn cứ để… cất vào kho.
     -Đoàn trực thăng rời khỏi khu vực trả lại vẻ nguyên si của rừng. Chiếc OV10 cũng sau hết rời khu vực khi biết rõ cuộc xâm nhập thành công. Tôi bỗng cười trong bụng khi nghĩ tới trái bom 15000 cân anh được thả từ đêm qua chỉ để tạo khoảng trống cho trực thăng đáp…Đánh giặc kiểu nhà giầu, kiểu này thật phí của!? Và chỉ tạo cảnh cây rừng gẫy đổ chồng chéo bằng sức tàn phá ước chừng 200 mét đường kính tính bởi bước chân chúng tôi đi qua từ hố bom còn đỏ au mầu đất. Một quả hạt trước sức nóng mặt trời trên cao tầng cây nổ bỏ hạt tạo ấn tượng thời gian và bất giác bụng kêu đói… nhìn đồng hồ 11 giờ 20. Rừng cây cao liền lạc bóng cả che phủ gần hết ánh mặt trời tạo quang cảnh tối đường hầm cho cây chồi non mọc dầy khó di chuyển nhưng lại che chắn tốt cho hành tung của Toán. Hoàng đi đầu dừng lại bên gốc cây và Thiếu úy Dứa ra lệnh ăn trưa. Đã có gió trên tầng cây cao lao xao rồi ào ạt hình như quanh quẩn rắc vội những lá rơi tới tấp chao đảo kèm theo tiếng đàn chim hốt hoảng kéo nhau ùa xà xuống tầng cây chồi quẩn quit. Gói cơm từ sáng giờ đã nguội ngắt nhưng hộp thit ba lát được hâm nóng bằng mẩu C4 loại chất nổ dạng bột dẻo có mầu trắng mà lính Biệt kích chúng tôi dùng để nấu nướng… Lại một sự phí của!  Miếng cơm nhai và tiếng con chim đất từ phía sau gáy rúc lên não nuột âm vang một chặp như dục chúng tôi tiến bước… Rừng vẫn một mực im hơi lặng tiếng.
      -Mặt trời đang chen xuống núi, vùng sáng mầu da cam dần nhòa trên biển xanh cây lá khi cái lạnh gờn gợn của rừng sâu dần bủa xuống. Bữa cơm chiều nhẩn nha chờ trời nhá nhem và chúng tôi có phần lạc quan… Khu vực không một tiếng súng truyền tin hay săn bắn thường gặp trong sinh hoạt vùng địch. Con đường mòn được phát hiện không dấu vết mới sử dụng. Một tiếng nổ lớn âm vang truyền sóng dào dạt như đứt quãng vẻ rất xa hòa cùng thú kêu hú thênh thang báo hiệu rừng trở mình vào đêm. Ngọn gió mang hơi lạnh như muốn đẩy lùi những bước chân đang đi theo địa thế lên cao tìm chỗ nghỉ đêm trong khi bóng tối ập đến rất nhanh phút chốc đã mờ mịt mặt nhau. Toán dừng lại Thiếu úy Dứa đến bên báo cho chúng tôi có một cái hang trước mặt có thể làm chỗ nghỉ đêm nhưng còn phải chờ động tĩnh. Muỗi quá nhiều ào vào mặt và xa xa tiếng sấm chợt nghe vang rền chạy từ đông sang tây. Hoàng vừa thám thính xong chỗ nghỉ đêm và thật tuyệt vời giữa đêm rừng giá lạnh một nơi nghỉ ấm áp được an toàn một nửa chỉ phòng thủ một mặt với hai trái mìn được gài.
     -Đêm của những chập chờn giấc ngủ. Trong cái áo đi mưa ấm áp đã bao lần thu mình để chống lại cơn gió thốc vào hang mang theo những hạt mưa. Đã quá nửa đêm, giật mình thức giấc giữa tiếng gió hú và mưa ào ạt. Đồng hồ chỉ bốn giờ và thế là lũ gà rừng chết rét không cất nổi tiếng gáy. Nhìn ngoài hang màu đen kịt trong ánh chớp lan dài và tiếng sấm rền rền giờ ở trên mây trong khi mưa thì ấm ào như trút nước. Hoàng bên cạnh dựa hẳn vào người tôi chìm trong giấc ngủ… biết vậy tôi vẫn để yên chiều vì rõ rằng giấc ngủ rang hay nướng là cả một tuyệt vời… Thiếu úy Dứa và Trung sĩ Kim Hoàng hai khuôn mặt theo ngọn lửa từ đáy ca nước tuy rằng chất dẻo C4 đốt lên chẳng bao giờ loang xa. Cặp Dương Bửng với La văn Vượng đang xoắn xuýt ca cà phê tỏa múi thật dễ chịu. Trời mờ sáng, bớt gió và mưa nhỏ. Nhìn ra tôi mới biết thêm về địa thế. Toán đang ở trên nơi cao mà trước mặt thoai thoải cánh rừng xa tít ít cây chồi phô toàn gốc lớn vươn thẳng tắp dễ chừng có đến cao khoảng 30 mét. Rừng im như tờ chỉ thấy gió và mưa. Mắt tôi vừa chạm ngoài xa mái nhà lá… tuy trong mưa nhưng nhìn rất rõ vì không bị những cây chồi án ngữ. Báo cho Toán biết tôi gọi Hoàng dậy. Mưa lại bắt đầu lớn ào ào và gió đi qua những tầng cây chạm ngả nghiêng vào rừng lá ken dầy tiếng hú. Con nước bất ngờ đổ xuống băng đi qua những mốc đá lúc vỡ òa lúc hòa nhập trong mưa gió nhưng vẫn tạo nên điệu đàn giao hưởng… ”mưa rừng…” Toán vào bữa sáng sau khi bàn định tình hình… Tuy bất ổn trước mái nhà lá và những cơn mưa cứ tuấn tự kéo đến, mưa trái mùa sao dai dẳng đến thế?  Riêng tôi đang nghĩ đến một loại mưa… mưa nhân tạo?! Để có thể khó dễ và làm ngưng trệ hệ thống chuyển vận của địch quân… Người Mỹ đang tận dụng khoa học kỹ thuật phục vụ cho chiến tranh.  Một cành cây rắc ầm gẫy trước hang ào chụp xuống chặn ngang dòng nước làm nó tung lên sô đẩy cứ thế lật từng vòng chầm chậm trôi rồi tấp vào gốc cây. Tôi liên tưởng đến nếu không có cái hang trú ẩn này biết đâu cành cây gẫy cũng trở thành sát thương… to chuyện. Và tin có bàn tay Thượng đế luôn theo phù hộ bên mình. Cơn mưa chợt ngớt nhưng chưa tạnh, còn gió thì lúc này hung hãn bất ngờ… Nó làm ngả nghiêng cây lá để lộ tí bầu trời cơn đen.
    -Đã qua đêm thứ hai trong mục tiêu. Tiếng gà gáy cất vang như là một thay đổi tất nhiên… ”Sau cơn mưa trời lại sáng”. Mưa cả ngày qua làm khựng lại bước chân. Toán chỉ tập trung vào phòng thủ và quan sát động tĩnh. Tất cả đều đồng ý với nhau… thời tiết như vầy ai mà đi ra khỏi nhà! Và an tâm tại nơi trú ẩn… Cái hang đá của trời ban. Thiếu úy Dứa ra lệnh phải rời khỏi hang trước khi trời sáng. Mìn phòng thủ đã gỡ và trong bóng đêm âm thầm khởi hành. Biệt kích Cao văn Hoàng thi thoảng dừng lại căn địa bàn để bảo đảm vào đúng mục tiêu. Lũ gà rừng gáy đua như bù lại cho ngày hôm qua. Sương lạnh đeo dính gương mặt may mà gió thì đứng im. Một gốc cổ thụ lờ mờ cùng làn sương trắng. Nhìn đồng hồ đã sáu giờ cũng vừa lúc Trưởng Toán chỉ cho Hoàng gốc cây có nhiều rễ bạnh để Toán ăn sáng. Công việc diễn tiến rất tuần tự giờ trên tay ca cà phê nghe tiếng chim cháo ngày mới… Chóng vánh và đã no đủ quả đúng là… nhanh như lính. Tôi đã nghe tiếng Covey nhưng ở rất xa. Xem bản mật mã… bật lại tần số trong ngày và chờ đợi. Đàn khỉ trên cây vừa ném cái gì xuống chỗ chúng tôi rồi nhe răng cười. Rất nhanh đã liên lạc xong rồi Covey qua bao vùng khác. Trong bụng lấy làm lạ khu vực không một tiếng súng đi săn thường vào buổi sáng như những mục tiêu khác.
      -Sáng ngày thừ năm trong vùng. Nhiệm vụ Reconnaissance Team gần hoàn tất sau Bomb Damage Assessment (Toán thàm sát khu vực và kiểm chứng kết quả trận đánh bom) Ngoài ra còn phải tìm cho ra hố bom thứ hai để triệt xuất theo đúng kế hoạch vì nơi đây không một chỗ trống để làm bãi đáp. Những phát hiện trong mấy ngày qua chỉ toàn là những con đường mòn bỏ không, những căn nhà lá ngồi cả tiếng quan sát chẳng có động tĩnh. Đặc biệt một khu cánh rừng cây rậm cao lớn che phủ, bên dưới trống trải vì cây chồi bị phá quang cạnh một con đường xe chạy nhưng vắng tanh cùng gió quẩn… chỉ có thể là địa điểm tập trung chuyển vận và được Toán lưu trong máy ảnh. Rừng ken dầy cây cao xum lá, không có chỗ cho nắng lọt xuống. Chiếc áo diệp lục rộng lớn nguyên sinh rập rớn xanh sóng biếc thật phiêu diêu và cũng thật sâu đắm lắng đọng những cảm thức nghiệm suy. Nắng  trên tầng lớp ngàn xanh, tiếng Covey sau lưng như đuổi theo những bước chân đang dò dẫm di chuyển. Một cơn gió bất chợt ào ạt khi tôi nói với Trưởng toán kiếm chỗ nghỉ để liên lạc… Đúng lệnh tôi phải gọi Covey trước với tần số và mật mã trong ngày.
            -Whisky oscar… Romeo bravo… over.
            -Romeo bravo đây Whisky oscar… hãy chờ khi nào thi hành kế hoạch tôi sẽ báo cho bạn… sẵn sàng OK.
Covey vừa ra khỏi khu rừng chồi phía trái… một chiếc O2 như treo trên bầu trời trong xanh. Thiếu úy Dứa đang căn lại bản đồ theo đường di chuyển từng ngày qua và ước lượng khoảng cách phù hợp. Đàn khỉ tự dưng tụ tập trên cây lơ láo nhìn chúng tôi tay chỉ trỏ nhe răng khịt khịt.
            -Romeo bravo đây Whisky oscar hãy chuẩn bị. Tôi bắt đầu đếm số và xuống bải thả xâm nhập. Khi đếm đến OK có nghĩa là mức khởi đầu để tới bãi triệt xuất.
            -Whisky oscar rõ 5/5.
Màn chỉ điểm bãi đáp đã được hoạch định trong kế hoạch hành quân và tiếng đếm số của Covey vang lên trong máy rồi OK để Toán chuẩn bị.
            -Whisky oscar… bingo.
Thiếu úy Dứa dõi theo hướng bay để biết bãi triệt xuất và Bingo là tiếng tôi vừa báo cho Covey Toán đang ở trước mũi bên dưới máy bay… Nó vụt qua rồi nhanh chòng bôc lên.
            -Romeo bravo… chỗ ở của bạn chỉ còn cách bãi đáp khoảng 10 km cứ thẳng hướng tây…thoát.
       -Mặt trời ửng lên những tia nắng hồng. Chim hót vang trên cành và lũ khỉ lô nhô trên cây. Ngày hôm qua Toán không phát hiện gì mới. Khu rừng càng lúc càng bí ẩn cùng vẻ nguyên sinh. Cao văn Hoàng được lệnh chuẩn bị di chuyển sau khi Trung sĩ Kim Hoàng gỡ xong trái mìn phòng thủ. Nắng đã lên chiếu ánh vàng chóe trên cây, Thiếu úy Dứa căn lại bản đồ và chỉ hướng đi cho Hoàng còn tôi nhiệm vụ bảo đàm về tần số trong máy liên lạc và mật mã trong ngày… Ngày hôm nay Toán xong nhiệm vụ và triệt xuất. Làn gió nhẹ khuấy động mảng sương mù bay bay bên hai tay áo tôi đã đẫm ướt lành lạnh. Covey lên bao vùng và tiếng động cơ như dội ấm lòng. Thiếu úy Dứa luôn chỉ hướng đi cho Hoàng vì chúng tôi đều biết rằng bãi đáp chỉ ở đâu đây thôi. Một vách đá chắn ngang vẫn còn hơi sương bừng mở sắc mầu Phong lan. Rừng vẫn là một bí ẩn. Và cảm thức sự bé nhỏ của con người được lật mở, khơi gợi. Toán dừng lại để tôi liên lạc Covey. Vừa ngồi xuống tôi đã nhìn thấy nắng rõ hơn ngang tầm cây cao lao vút cành lá.
                  -Kilo hotel… Xray November gọi
                  -Đây là Kilo hotel… anh là ai?
               -Xray November… Xray November… Xray November.
Ba lần xưng danh và mật mã trao đổi… nghĩa là liên lạc được nối kết. Thời gian này đơn vị chống Biệt kích của địch hoạt động rất hữu hiệu và nguy hiềm nhất là họ được trang bị máy dò làn sóng.
                  -Kilo hotel đây Xray November… tôi cần giai đoạn kế hoạch phụ… anh chỉ cho tôi.
Covey vừa ngang và nó vòng lại bay mở một cánh rộng như quan sát.
                 -Xray November… xin chú ý.
Tôi báo cho Toán chuẩn bị thế rồi từ Covey trái rocket khói được bắn xuống chỉ điểm bãi đáp. Tiếng nổ không to lắm nhưng cũng đủ để chúng tôi xác định hướng đi cũng như khoảng cách. Trên địa bàn lần này đi về hướng Nam có nghĩa mục tiêu ở bên hông. Có một điều Toán chỉ nghe được tiếng nổ chú không thấy khói đâu bởi cây cao rậm lá nhưng mừng thầm vì không phải leo qua vách đá kia thơm nức mùi hoa lan.
       -Thời gian được đếm trên những đôi chân vội vã nhưng cẩn thận đề phòng. Ngọn gió trên tầng cây cao rắc vội những cánh hoa tim tím từ cây Bằng lăng dễ chừng phải hai người ôm mới hêt vòng nơi gốc. Muỗi trên mặt và vắt dứới chân ngọ ngoạy. Thiếu úy Dứa và Hoàng dừng lại quan sát và đưa tay ra sau với dấu hiệu số 1… Tôi hiểu ngay bãi đáp được tìm thấy… Tiếng Covey bao vùng nơi xa và mặt trời xuất hiện ngang tấm đầu. Đảo mắt tôi thấy ngay vòng tròn cây rừng khoe gốc thân vút lên cao với dấu tích một hố sâu chính giữa…cây chồi mọc thấp chen cùng cây đổ sõng soài có cây gác lên nhau trơ gọng.
                  -Kilo hotel đây Xray November. Tôi đã ra được bãi đáp.
                  -Xray November… tôi sẽ đến ngay.
Thiếu úy Dứa căn lo bố phòng… Trung sĩ Kim Hoàng và Biệt kích Dương Bửng cũng gài xong hai trái mìn phòng thủ.
                  -Xray November… mở cửa sổ khi anh thấy tôi… OK
Trung sĩ Kim Hoàng cầm gương nơi tay và lấy ánh sáng vào… chuẩn bị.
                  -Kilo hotel… đã thấy anh và tôi sẽ mở cừa sổ…
Gương được chớp liên tục… đó là mật hiệu Toán phải theo nếu không muốn bị cho là địch quân.
                  -OK Xray November Rõ 5/5 anh có thời gian 40 phút chuẩn bị triệt xuất… Dứt.
     -Mặt trời như đếm thời gian nhích dần như kim đồng hồ. Đứng trên đỉnh đầu tỏa sáng khắp ngàn xanh và lũng sâu chạy dài bất tận. Non cao thật bí hiểm, thâm u và lạnh lùng. Bầu trời yên tĩnh cùng chiếc Covey đã ra khỏi vùng chắc chắn để đổi tua chiếc khác.. Một con heo rừng to lớn đen trụi dẫn bầy theo sau dễ chừng có đến mười con be bé.. Nó đứng lại hít hà chúng tôi rồi ụt ịt đi thẳng. Chim trên cành lanh chanh thưởng thức mồi ngon, có con thích thú hót véo von. Tiếng Covey tôi nghe rất rõ và tiếng gọi vang trong máy.
                   -Xray November đây Kilo hotel gọi.
             -Kilo hotel đây Xray November… Xray November… Xray November…
Mật hiệu được trao đồi và rồi Covey xuất hiện nhanh chóng gần tới.
                   -Xray November… cho tôi cửa sổ nhà anh và panel mật hiệu.
Toán đã đáp ứng lời yêu cầu của Covey và lúc này trên bầu trời hướng đông những hạt đậu vãi rõ dần theo cơn gió quẩn… muốn đẩy chúng tôi vào lại rừng…trong cái cười mỉm của hố bom như không có sự sống và nhạt dần mầu đất. Đoàn trực thăng nhanh chóng trên đầu và Kim Hoàng cùng Dương Bửng cũng gỡ xong mìn phòng thủ.
                -Xray November… bạn chuẩn bị triệt xuất 2 rồi 4 OK… Stabo.
Yên tâm hơn vì hai Cobra đang dọn bãi bằng những loạt đại liên. Trung sĩ Kim Hoàng và La văn Vượng cũng đứng vào vị trí câu dây. Một trực thăng đứng bên trên rồi thả xuống hai dây câu rồi tích tắc sau cái ra hiệu của Kim Hoàng lên phía trên…trực thăng dần lên rồi bay đi. Loạt đạn 40 ly nổ dài ấm áp không đanh nhọn như đại liên sáu nòng theo sau là trực thăng thứ hai xuống đón…. thả xuống bốn dây câu từ hai cửa. Bốn người còn lại móc khóa từ dây câu vào chốt ở hai vai. Thiếu úy Dứa kiểm soát xong ra hiệu lên trực thăng. Chân vừa rời khỏi mặt đất bằng cái rút nhanh nhưng sao lại đưa hẳn chúng tôi vào gần phía cây rừng? ! Tôi chuẩn bị đưa tay che chắn đầu mắt nhìn quan sát phía trên và hoảng hốt bật thét lên “Hoàng ơi…ơi…” Nhành cây de hẳn ra bìa rừng như khoe với ánh nắng vừa vặn chạm vào cổ của Hoàng và kéo xuống… Đẩy người vào sát bên tôi bằng khuôn mặt tức khắc biến dạng dị thường… đầu cúi gập, mắt trợn trừng, bộ lưỡi đưa khỏi miệng có cùng chất giãi hòa máu… nhiễu cả vào tay và mặt tôi. Tôi lặng người qua phút giây giờ trực thăng đã ở trên cao đang bay về căn cứ. Gió vẫn thi thoảng mang theo chất nước từ miệng Hoàng thoảng mùi tanh. Lòng tôi bỗng đau xót từ cái bấn loạn khởi đầu từ chân, mắt không dám nhìn lên trên thật gần gũi và có khuôn mặt của Hoàng… Biệt kích Cao văn Hoàng. Một cái chết êm đềm, yên tịnh khi chiến trường không một tiếng súng địch và khu rừng… Thâm u giữa đại ngàn, lạnh lùng mang đầy bí ẩn có hai hố bom 15000 cân anh. Cái chết của những người trẻ trong chiến tranh mà chưa hề một lần nắm tay thiếu nữ cũng như bao cô gái còn ngây thơ đi lãnh tiền tử của chồng vừa khóc vừa đếm tiền… ”Ông ơi, đổi cho tôi đồng này rách…”

LH Nguyễn Văn Hải CĐ1XK

Thursday, May 19, 2016

Trần Kim Tuyến Ông Trùm Hoàn Hảo

BẢN TIN CỦA TẠP CHÍ DÂN VĂN
 
(XIN TIẾP TAY PHỔ BIẾN THẬT RỘNG RÃI - CHÂN THÀNH CẢM TẠ.)
---------------------------------------------------------------
LTS: TCDV đồng quan điểm với nhận xét về BS Trần Kim Tuyến của tác giả Trần Trung Chính, thập niên 80 thế kỷ trước, tôi có dịp qua Vương Quốc Anh, được anh Hoàng Gia Thìn giới thiệu và diện kiến với nhân vật kỳ bí của nền đệ Nhất Cộng Hoà VN. BS Tuyến tiếp tôi rất thân mật nhưng yêu cầu không đem cuộc gặp gỡ này lên mặt báo vì ông biết tôi đang điều hành một tờ báo uy tín tại Châu Âu.
-----------------------------------------------------
 
Trần Kim Tuyến , Ông Trùm Hoàn Hảo -
Trần Trung Chính
(Kính dâng hương hồn các chiến sĩ tình báo của VNCH bị thảm sát bởi những tay sai của Việt Cộng núp dưới danh nghĩa các lãnh tụ đảng phái chính trị và các lãnh tụ tôn giáo)
 
Từ sau năm 2005, nhất là sau khi ông Phạm Xuân Ẩn qua đời , mỗi năm vào dịp 30 tháng 4, người ta lại đăng lại bài viết của ký giả Hoa Kỳ viết về ông cùng một số bài viết của một số tác giả khác (người Việt Nam và có lẽ là phía “bên thắng cuộc”). Những người viết về ông Phạm Xuân Ẩn đã khéo tặng ông danh xưng “người điệp viên hoàn hảo” và nêu bật thành tích của ông là đã cứu thoát bác sĩ Trần Kim Tuyến – Trùm Mật Vụ của chế độ VNCH – vào lúc Sài Gòn đang trong tình trạng “dầu sôi lửa bỏng” sắp sửa rơi vào vòng tay của bộ đội Cộng Sản Bắc Việt. Những gì đã được viết ra trong quá khứ thì không sai và cũng không có gì “cường điệu” so với sự thật; nhưng đó chỉ là hình ảnh của “hiện tượng” mà không phải là chi tiết của “bản chất” trong mối liên hệ “kỳ quặc” của “điệp viên nhị trùng Phạm Xuân Ẩn” với ông trùm mật vụ Trần Kim Tuyến!!!
 
Cả 2 nhân vật Trần Kim Tuyến và Phạm Xuân Ẩn đều đã qua đời từ lâu, nhưng bác sĩ Trần Kim Tuyến kỳ bí hơn ông Phạm Xuân Ẩn vì bác sĩ Trần Kim Tuyến không để lại bất cứ chứng từ nào về cuộc tham gia chính trị của cá nhân ông, cũng như chưa bao giờ có ký giả nào đến “phỏng vấn” hay quay film về sự nghiệp của ông. Vì vậy tất cả những sự kiện sắp sửa được nêu ra trong bài viết này đều là những “lý đoán”, cho nên độc giả nào đòi hỏi người viết phải đưa ra những văn bản hay hình ảnh để minh họa hay dẫn chứng các sự kiện đã nêu thì người viết xin trả lời chung là “impossible”.
Thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo VNCH, chức vụ chính thức của bác sĩ Trần Kim Tuyến được bổ nhiệm là “Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị”, tuy nhiên không ai biết lương bổng hay nghi vệ của bác sĩ Tuyến như thế nào, lại càng không biết “trách nhiệm và phận sự” của Sở Nghiên Cứu Chính Trị mà bác sĩ Trần Kim Tuyến là Giám Đốc. Người ta cũng có thể dịch nhóm chữ MẬT VỤ sang tiếng Anh là SECRET SERVICE (có nghĩa là dịch vụ bí mật), tuy nhiên theo thói quen sử dụng của người Mỹ, Secret Service chỉ giới hạn trong việc “bảo vệ các yếu nhân” của Hoa Kỳ. Trong khi đó, về phía người Việt, Mật Vụ có nghĩa là Công An, Lính Kín, Cảnh Sát Đặc Biệt…Trong phạm vi rộng rãi hơn, Mật Vụ cũng có thể là Phản Gián, Tình Báo Xâm Nhập, An Ninh, Đặc Vụ…theo nhận xét của người viết: Sở Nghiên Cứu Chính Trị là tiền thân của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo thời Đệ nhị Cộng Hòa.
Tôi gọi bác sĩ Trần Kim Tuyến là nhân vật “Kỳ Bí ” bậc nhất của VNCH vì những lý do sau đây :
1. Không ai biết rõ lý do nào bác sĩ Tuyến đã rời Sài Gòn từ 1962 để đi làm Tổng Lãnh Sự tại Cairo (Egypt).
2. Sau 1 tháng 11 năm 1963, cũng không ai biết bác sĩ Tuyến trở lại Sài Gòn vào thời điểm nào.
3. Không thấy bác sĩ Tuyến tham chính hay trở lại làm việc trong môi trường An Ninh - Tình Báo của VNCH.
4. Người ta đồn đoán là bác sĩ Tuyến làm việc “cho” CIA (dễ hiểu là bác sĩ Tuyến không phải là tỉ phú nên phải cần có phương tiện tài chánh để hoạt động) .
5. Việt Cộng có thói quen là bôi bác bêu xấu tất cả những “lãnh đạo của VNCH” với những bài viết có văn phong của những tên viết mướn vô học và thiếu giáo dục, dù những kẻ viết mướn này đã thành danh hay chưa thành danh. Cứ xem những tài liệu mà bọn đàn em của Lê Duẩn và Lê Đức Anh công khai xuất bản để bêu riếu và hạ nhục Đại Tướng Võ Nguyên Giáp thì đủ tỏ bọn Việt Cộng sẽ hạ nhục các cấp lãnh đạo của Việt Nam Cộng Hòa như thế nào. Tuy nhiên tôi không thấy bài viết nào đề cập đến bác sĩ Tuyến, không phải bọn chúng sợ uy lực của ông (VNCH đã sụp đổ thì uy lực bác sĩ Tuyến đâu có còn hiện hữu) mà là vì chúng không có bất cứ tài liệu về ông – dù là những tài liệu của Sở Nghiên Cứu Chính Trị hay của báo chí đề cập đến những thất bại hay thành công của ông!!!
6. Bác Sĩ Tuyến vẫn ở Sài Gòn hoạt động Tình Báo, đã tiếp xúc một cách giới hạn với một số ít nhân vật có ảnh hưởng lớn về mặt quân sự và chính trị, nhưng khi ông rời Sài Gòn vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, phía bên Việt Cộng bị “chấn động”. Cũng không ai hiểu tại sao bác sĩ Tuyến lại chọn Anh Quốc (mà không phải là Hoa Kỳ) là nơi cư trú tỵ nạn, và rồi ông sinh sống ra sao cho đến ngày lìa đời khoảng 1999 - 2000 (nghĩa là gần 25 năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975).
Người viết không có tham vọng viết lịch sử hay bình luận về thân thế và sự nghiệp của bác sĩ Trần Kim Tuyến, do đó trong tầm giới hạn của trí nhớ, tôi cố gắng phác họa những dữ kiện rời rạc xuất xứ từ nhiều nguồn gốc khác nhau để độc giả có thể mường tượng ra được những chiến công của chiến sĩ điệp báo Trần Kim Tuyến trong công cuộc đấu tranh gìn giữ sự sống còn của phần đất của người quốc gia trước sự xâm lăng bỉ ổi, trắng trợn và tàn nhẫn của bọn Việt Cộng (được sự yểm trợ toàn diện của Đế Quốc Cộng Sản).
Năm 1959, tại Sài Gòn, học giả Hoàng Văn Chí đã xuất bản quyển sách với tựa đề Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc. Năm 1986, nhà báo Từ Nguyên phỏng vấn cụ Hoàng Văn Chí (bài phỏng vấn này được in trong tập san Tự Do số 50, đề ngày 16 tháng 11 năm 1986 và phát hành tại Bỉ - Belgium ), trích đoạn:…Tôi làm việc một mình. Tôi liên lạc được với một Ủy Viên trong Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến. Họ đi Hà Nội như đi chợ. Mỗi tuần họ cắp về Sài Gòn cho tôi tất cả báo chí xuất bản ở Hà Nội…” – Hết trích.
Thực ra, cụ Hoàng Văn Chí chỉ nói một phần sự thật, toàn vẹn của sự thật như sau :
1/ Mạng lưới thu thập thông tin tình báo của Sở Nghiên Cứu Chính Trị do bác sĩ Trần Kim Tuyến lãnh đạo đã thu thập tất cả những báo chí xuất bản ở Hà Nội.
2/ Ủy Viên trong Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến là Ấn Độ (có một số nhân viên làm việc cho Tình Báo Hải Ngoại của Anh Quốc) – vì vậy họ đi Sài Gòn ra Hà Nội như đi chợ, nhân viên người Ấn Độ chỉ là người chuyển hàng chứ không phải là người đi thu thập sách báo in tại Hà Nội (người Ấn Độ không đọc được tiếng Việt).
3/ Người chuyển các sách báo in tại Hà Nội không giao hàng tại Sài Gòn mà giao hàng tại Rangoon (thủ đô Miến Diện ) khi những người Ấn quá cảnh tại Rangoon trước khi máy bay đáp xuống New Dehli. Nhân viên của Sở Nghiên Cứu Chính Trị làm việc trong Tòa Đại Sứ VNCH tại Rangoon mới chuyển hàng từ Rangoon trở lại Sài Gòn. Nói như cụ Hoàng Văn Chí, hàng giao tại Sài Gòn làm sao tránh được những con mắt dòm ngó của Việt Cộng nằm vùng?
3 điểm mà tôi vừa nêu trên chứng tỏ bác sĩ Trần Kim Tuyến đã làm việc với Tình Báo Hải Ngoại của Anh Quốc từ 1955: chúng ta nhớ lại rằng đích thân Tổng Thống Eisenhower bổ nhiệm Đại Tá Landsdale cầm đầu phái đoàn Tình Báo của Hoa Kỳ đi Sài Gòn vào năm 1953 để dọn đường cho một chính quyền được Mỹ “bảo trợ” nhằm thay thế chính quyền do người Pháp đã và đang “khuynh đảo” chính quyền miền Nam. Ông Landsdale không có tiếp xúc với chính giới miền Bắc và không đặt cơ sở hoạt động của CIA tại miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Khi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền ngày 25 tháng 6 năm 1954 thì giải pháp chia cắt đất nước đã được bàn tán vì chiến trường Điện Biên Phủ sắp đến hồi kết thúc với sự thắng lợi nghiêng về phía Việt Cộng. Rồi Hiệp Định Đình Chiến giữa Pháp và Việt Minh được ký kết tại Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954 với 300 ngày giao thời để nhân dân miền Bắc có quyền lựa chọn “đi vào Nam” hay “ở lại miền Bắc”. Đây chính là khoảng thời gian mà bác sĩ Trần Kim Tuyến cộng tác với Sở Tình Báo Hải Ngoại Anh Quốc để thiết lập “mạng lưới tình báo” nhằm dò la tin tức của Bắc Việt.
Ngay sau khi liên danh John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson đắc cử, các chính khách của Hoa Kỳ (bao gồm cả 2 đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ) đến Sài Gòn đàm đạo với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, kín đáo đưa đề nghị Hoa Kỳ đem quân đội trực tiếp chiến đấu tại Việt Nam. Mọi người đều biết là Tổng Thống Ngô Đình Diệm thẳng thừng bác bỏ lời đề nghị này. Tình Báo Hải Ngoại của Anh Quốc biết rõ mục tiêu của Hoa Kỳ là dùng quân lực Hoa Kỳ để tiêu diệt tiềm năng chiến tranh của Bắc Việt và cũng biết rõ là Tổng Thống Diệm không cho quân đội Hoa kỳ vào Việt Nam cho nên Hoa Kỳ chắc chắn “đốn bỏ” chướng ngại vật là anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Vì không có thế lực nào cản trở được ý định của Hoa Kỳ, nên Cơ Quan Tình Báo Hải Ngoại của Anh Quốc khuyến cáo bác sĩ Tuyến nên “lánh mặt” khỏi Việt Nam vì nếu ở lại Sài Gòn, ở vào vị thế thân cận của ông, chắc chắn bác sĩ Tuyến sẽ bị giết. Đó là lý do, bác sĩ Trần Kim Tuyến xin đi làm Tổng Lãnh Sự tại Cairo và rời Sài Gòn từ 1962 (trước ngày 1 tháng 11 năm 1963 cả hơn một năm trời ).
Sau khi Trung Tướng Nguyễn Khánh mở cuộc “chỉnh lý” vào ngày 31 tháng giêng năm 1964 để đảo chính Tướng Dương Văn Minh, bác sĩ Trần Kim Tuyến trớ lại Sài Gòn và làm việc cho Tình Báo Hải Ngoại của Anh Quốc. Đành rằng vì sự quen biết trước, nên bác sĩ Tuyến làm việc cho Cơ Quan Tình Báo Hải Ngoại của Anh, nhưng bác sĩ Tuyến không làm việc cho CIA vì nguyên nhân thầm kín sau đây:
A. Làm việc với CIA thì phải trung thành với CIA, phải tuân thủ những kỷ luật của chef CIA tại Sài Gòn, trong khi làm việc cho Cơ Quan Tình Báo Anh Quốc – dĩ nhiên phải “trung thành”, nhưng bác sĩ Tuyến được toàn quyền hành động – không chịu sự điều động cai quản của chef nào cả (vì Cơ Quan Tình Báo Hải Ngoại của Anh Quốc chỉ lấy tin tức chứ không nhúng tay vào các hoạt động chính trị của chính quyền Sài Gòn).
B. Bác sĩ Trần Kim Tuyến muốn bảo vệ mạng lưới thâu nhận tin tức của riêng ông đã gầy dựng từ 1955 ở ngoài Bắc. Họ là những chiến sĩ chống Cộng thật sự, nên họ trung thành với cá nhân của ông. Nếu bác sĩ Tuyến làm việc cho CIA, mạng sống của các chiến sĩ tình báo này (kể cả thân nhân trong gia đình ) có thể bị lâm nguy vì CIA có thể “bán” họ hầu đánh đổi lấy tù binh Mỹ đang bị giam tại Hỏa Lò Hà Nội !!!
Tôi đoan chắc bác sĩ Trần Kim Tuyến không làm việc cho CIA vì nếu là nhân viên của CIA, ông và gia đình đã có tên trong “danh sách di tản”. Ngày 29 tháng 4 năm 1975, điệp viên nhị trùng Phạm Xuân Ẩn phải đưa bác sĩ Tuyến lên phi cơ trực thăng của “các nhà báo Mỹ” !!!
 
Theo như ông Phạm Xuân Ẩn kể lại : sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, bác sĩ Tuyến được một Thiếu Tá - mà bác sĩ Tuyến giới thiệu là người cháu – chở tới Văn Phòng của ông, nhờ ông đưa vào Tòa Lãnh Sự Mỹ để di tản…Tôi nhận thấy có những điểm “bất bình thường” như sau :
1. Bác sĩ Trần Kim Tuyến đến văn phòng ông Phạm Xuân Ẩn chỉ có một mình, có nghĩa là “vợ con và gia đình đã di tản trước“ rồi.
2. Ngày 29 tháng 4 năm 1975 là hạn chót cho người Mỹ di tản. Trong khi đó sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, hải quân VNCH vẫn còn trên sông Sài Gòn và bến Bạch Đằng, Dẫn chứng, qua cuộc điện đàm giữa Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang và Tổng Thống Dương Văn Minh, tướng Cang hỏi Tổng Thống DVM có rời Sài Gòn hay không để ông chờ đón tại bến Bạch Đằng. Tổng Thống DVM nói ông không thể bỏ Sài Gòn được, nhưng xin cho gia đình của con gái và người con rể là Đại Tá Nguyễn Hồng Đài đi theo HQVN rời Sài Gòn. (Đại Tá Nguyễn Hồng Đài hiện ở Pasadena –Nam Cali). Tướng Cang nghe lời đầu hàng của Tổng Thống DVM trên hệ thống phát thanh, ông chỉ thốt ra được 3 chữ THẰNG KHỐN NẠN !!!
 
Bác sĩ Trần Kim Tuyến có thừa sức di tản bằng các phương tiện khác, nhưng ông đến gặp ông Phạm Xuân Ẩn để “nhờ vả” chỉ để test lại bài toán. Đó là nếu ông Phạm Xuân Ẩn trở mặt và không chịu giúp bác sĩ Tuyến rời khỏi Sài Gòn thì “đao phủ thủ” (là viên Thiếu Tá – mà bác sĩ Tuyến giới thiệu là cháu) sẽ hạ sát “điệp viên nhị trùng” ngay lập tức, rồi sau đó 2 người sẽ xuống tàu rời Sài Gòn ngay. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Ẩn dù đứng khác chiến tuyến, nhưng thông cảm cho “người bạn” đang lâm vào thế kẹt nên ông tận tình giúp. Cũng nhờ vậy, tôi đoan chắc rằng chính lòng trắc ẩn có tình người của ông Phạm Xuân Ẩn đã giúp ông sống còn, nếu không ngày 29 tháng 4 lại là ngày giỗ hàng năm của ông rồi còn đâu!!!
Tôi cũng đoan chắc là khi ông Ẩn lái xe đưa bác sĩ Tuyến đến địa chỉ số 39 đường Gia Long, “đao phủ thủ” vẫn lái xe gắn máy bám sát theo xe của ông Ẩn và chờ đến khi bác sĩ Tuyến lên được chiếc trực thăng, viên Thiếu Tá này mới trở về nhà của mình. Hiện nay chưa một ai xác nhận được lai lịch của vị Thiếu Tá đã chở bác sĩ Tuyến đến văn phòng của ông Ấn.
3. Trước ngày Tổng Thống Thiệu chịu trao quyền cho Tổng Thống Trần Văn Hương, bác sĩ Tuyến đã mưu toan lật đổ Tổng Thống Thiệu, vậy lý do nào ngày 29 tháng 4 năm 1975, bác sĩ Tuyến mới chịu rời Sài Gòn ?. Theo ý kiến của riêng tôi, bác sĩ Tuyến là vị chỉ huy có tinh thần trách nhiệm với thuộc cấp: ông đã dùng uy tín của ông để đưa các nhân viên và gia đình của họ rời khỏi Sài Gòn bằng nhiều phương cách khác nhau. Đồng thời ông cũng xóa các “dấu vết” trong mạng lưới tình báo của ông để Việt Cộng khi kiểm soát toàn thể Sài Gòn không thể mò tìm gây phiền toái và nguy hiểm cho những người vì nhiều lý do không thể rời khỏi Sài Gòn được.
Bên ngành Cảnh Sát Đặc Biệt cũng có trường hợp tương tự: Trung Tá Nguyễn Hữu Hải- nguyên Phụ tá Đặc Biệt của Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Quân Khu 2, khi di tản về tới Sài Gòn thì các tướng Huỳnh Thới Tây, tướng Nguyễn Văn Giàu… đã rời Việt Nam. Nhận thấy Văn Khố của Cảnh Sát Đặc Biệt vẫn còn nguyên, Trung Tá Hải đã ra lệnh tiêu hủy và ông là sĩ quan cao cấp nhất của ngành Cảnh Sát Đặc Biệt đã bàn giao cho Việt Cộng tại Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia trên đường Võ Tánh tại Sài Gòn (Ghi nhớ : Biện Lý Triệu Quốc Mạnh – kẻ nằm vùng của Việt Cộng – được Tổng Thống DVM bổ nhiệm làm Giám Đốc Nha Cảnh Sát Đô Thành, nằm trên đường Trần Hưng Đạo chớ không phải được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Cảnh Sát nên Triệu Quốc Mạnh không biết gì về Văn Khố của Cảnh Sát Đặc Biệt). Trung Tá Nguyễn Hữu Hải bị Việt Cộng trả thù bằng cách giam giữ ông tới 17 năm, ông ra tù sau tướng Lê Minh Đảo và đưa thẳng sang Hoa Kỳ vào năm 1993 (tội của ông không được ghi trên văn bản nhưng Việt Cộng giam giữ lâu vì ông ra lệnh phá hủy các văn kiện tối mật mà chúng muốn biết).
4. Sau khi bốc Trung Tướng Trần Văn Đôn và bác sĩ Trần Kim Tuyến rời khỏi Sài Gòn, chắc chắn chiếc trực thăng chỉ đủ xăng bay ra Hạm Đội 7, đổi phi cơ trên Hàng Không Mẫu Hạm nhưng tôi không rõ phi cơ chở 2 vị bay sang Thái Lan hay bay vào căn cứ Clark trên đất Philippines, chỉ biết rằng Trung Tướng Trần Văn Đôn thì đến Pháp định cư, còn bác sĩ Tuyến thì đến Anh định cư. Có lẽ Cơ Quan Tình Báo Hải Ngoại của Anh Quốc trả tiền “về hưu” cho bác sĩ Tuyến nên ông dùng số tiền này mua một motel nhỏ để dưỡng già: bác sĩ Tuyến vừa làm manager, vừa làm bồi phòng, vừa làm janitor, vừa đun nước sôi pha trà… cho khách, giống như một cao thủ võ lâm “rửa tay gói kiếm” trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của Trung Hoa.
5. Tôn Tử khi viết quyển BINH PHÁP cách nay hơn 2,500 năm, trong chương “Dụng Gián”, ông có phân loại nhiều loại gián điệp mà Tử Gián có nghĩa là Gián Điệp chỉ được dùng có 01 lần duy nhất. Tôi gọi bác sĩ Trần Kim Tuyến là Ông Trùm Hoàn Hảo (như tiêu đề bài viết này) vì sau khi giúp bác sĩ Tuyến rời khỏi Sài Gòn, điệp viên nhị trùng Phạm Xuân Ẩn đã bị bọn lãnh đạo của Việt Cộng nghi ngờ lòng trung thành, chúng vinh thăng cho ông Ẩn từ Đại tá lên Thiếu Tướng Tình Báo nhưng cô lập và không cho tiếp xúc với bất kỳ ai khiến ông bất mãn. Theo như tiết lộ của bà Irina trong tập Bút Ký Irina xuất bản hồi 1992 tại Hoa Kỳ,trước khi Liên Sô sụp đổ, bà Irina sang Việt Nam phỏng vấn ông Ẩn (vì bà là Trưởng Ban Việt Ngữ của đài phát thanh Moscow), ông chua chát nói: “ông chỉ có làm tình và làm báo, chớ ông không có làm tình báo” !!!
 
Bác sĩ Trần Kim Tuyến đã đẩy điệp viên nhị trùng Phạm Xuân Ẩn trở thành Tử Gián nghĩa là vô hiệu hóa khả năng làm tình báo của ông Ấn sau năm 1975. Bác sĩ Trần Kim Tuyến lìa đời trước ông Phạm Xuân Ẩn chừng non 10 năm, nhưng bác sĩ Tuyến ra đi với tấm lòng thanh thản. Trong khi đó, ông Phạm Xuân Ẩn lìa đời với tấm lòng buồn bực ấm ức, chả thế mà trong di chúc, ông dặn lại con cháu: “sau khi ông chết, xin đừng chôn chung với những người Cộng Sản…”
Đọc Tam Quốc Chí, đoạn nói về Khổng Minh bị Tư Mã Ý bao vây mà trong thành chỉ còn vài trăm quân lính, Khổng Minh liền cho mở cửa thành, ngồi ở cuối đường ngó thẳng vào thành, cầm quạt phe phẩy, vậy mà Tư Mã Ý không dám tiến quân, rồi sau đó cho lui binh. Mao Tôn Cương bàn rằng : …Kế của Khổng Minh thành công vì Khổng Minh biết Tư Mã Ý là người suy tính cẩn thận. Mưu kế ấy sẽ trở nên thất bại nếu người vây thành là Trương Phi hay Hứa Chữ thì không xong vì 2 ông tướng nóng nẩy này cho dù biết có cả vạn binh phục kích đi nữa cũng không care!
Tương tự như vậy, chính vì quá hiểu biết tâm tư + tính tình của bọn lãnh tụ Việt Cộng nên bác sĩ Tuyến mới triệt hạ được khả năng làm “điệp viên hai mang” của ông Phạm Xuân Ẩn.
Xin gửi cả sự TÂM PHỤC lẫn KHẨU PHỤC đến bác sĩ Trần Kim Tuyến về tài năng và trí tuệ tuyệt vời của ông.
San Jose ngày 19 tháng 5 năm 2015
Trần Trung Chính

Friday, May 13, 2016

Người tù binh hồi chánh bên bờ sông Ba

 Chuyên viên Tình Báo Hoa Kỳ và Đại Tá Việt Cộng Hồi Chánh

Tôi gặp lại anh trong một dịp rất tình cờ. Mùa hè năm 2008, vợ chồng tôi cùng mấy người bạn trên đường từ thác Niagra trở lại New York bằng chiếc mini-van, ghé lại thành phố Buffalo để tìm mua một hộp thuốc nhỏ mắt. Đến quày Pharmacy trong một cửa hàng Target, tôi may mắn gặp một dược tá người Việt.  Nếu không nhìn kỹ cái bản tên trên nắp túi áo, và với cái tên khá đặc biệt, chắc chắn tôi không thể nào nhận ra anh, người tù binh, đã bị Đại Đội Trinh Sát của đơn vị tôi bắt trong một cuộc hành quân thám sát bên bờ sông Ba, nằm trong địa phận quận An Túc (An Khê) vào giữa tháng 2 năm 1972.
oOo
Đúng vào sáng ngày 30 Tết Nhâm Tý (1972) khi chuẩn bị cho buổi tiệc khao quân  tất niên tại bản doanh Sông Mao, Trung Đoàn 44 nhận lệnh phải di chuyển gấp lên An Khê để cùng Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh tăng phái, thành lập một chiến đoàn, thay thế vị trí của một Lữ Đoàn thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ vừa rút quân về nước, làm lực lượng trừ bị cho Quân Đoàn. Giai đoạn đầu, Chiến Đoàn phối họp với Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn, hành quân tảo thanh tiêu diệt các lực lượng địch dọc theo hai bên QL-19 và đảm trách giữ an ninh lộ trình 24/24 con đường huyết mạch này từ Bình Khê đến Pleiku, để kịp thời cho các nhu cầu chuyển quân, tiếp tế lên chiến trường Pleiku và Kontum. Thời gian này Sư Đoàn 22BB đang bổ sung quân số quân dụng, chuẩn bị di chuyển lên Tân Cảnh để đối phó với tình hình đột biến. Một lực lượng lớn Cộng quân từ miền Bắc và Lào ào ạt xâm nhập qua biên giới, tăng cường cho Mặt Trận B-3 của Tướng CS Hoàng Minh Thảo, trong ý đồ đánh chiếm Tây Nguyên.
Buổi tiệc khao quân tất niên bị hủy bỏ, thực phẩm phân phát cho binh sĩ và trại gia binh. Chúng tôi rời bản doanh Sông Mao lúc 12 giờ trưa. Chi Đoàn 2/ 8 TK tăng phái hộ tống lực lượng bộ binh đến Đèo Cả, ranh giới tỉnh Phú Yên. Sau đó được lực lượng Thiết Kỵ của Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn mở đường và đón đơn vị chúng tôi từ Đèo Cả đến Đèo Cù Mông, Bình Định. Nghỉ đêm và đón giao thừa tại Vạn Giã, sáng hôm sau  tiếp tục di chuyển. Chúng tôi đến căn cứ An Khê lúc 4 giờ chiều ngày mồng một Tết.
Một Bộ Chỉ Huy “Chiến Đoàn 44” được nhanh chóng thành hình. Trung Tá Trần Quang Tiến, Trung Đoàn Trưởng 44BB là Chiến Đoàn Trưởng, Trung Tá Trần Lý Hưng, Thiết Đoàn Trưởng TĐ 3KB là Chiến Đoàn Phó. Cá nhân tôi đảm trách Trưởng Ban 3 Chiến Đoàn. Một toán liên lạc của Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn, do một vị Đại Tá chỉ huy, được đặt bên cạnh BCH Chiến Đoàn. Ngoài Thiết Đoàn 3 KB, Chi Khu An Túc và một tiểu đoàn Địa Phương Quân của TK Bình Định cũng được đặt dưới quyền chỉ huy, điều động của Chiến Đoàn.
Hai hôm sau, Chiến Đoàn được lệnh tổ chức một một cuộc hành quân khẩn cấp, giải tỏa hai căn cứ cấp đại đội thuộc Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn nằm trên Đèo An Khê, vừa bị một lực lượng Công quân bất ngờ tấn công và đang vây hãm. Sư Đoàn Mãnh Hổ đã phái một lực lượng tiếp ứng, nhưng bị phục kích, thiệt hại khá nặng. Lực lượng địch được uớc tính gồm một tiểu đoàn và một đại đội đặc công của Sư Đoàn 2 Sao Vàng.
Nhờ hỏa lực hùng hậu và những kỵ binh dũng cảm trên các chiến xa M-113 của Thiết Đoàn 3KB, cùng các phi công tài ba gan dạ thuộc Phi Đoàn Mãnh Sư 243, sau những kế hoạch nghi binh, tạo các bãi đáp giả, lừa địch rất hiệu quả, từng đại đội bộ binh được tuyển lựa các binh sĩ trẻ, trang bị nhẹ, đổ xuống, vừa khép vòng vây vừa ngăn chặn lực lượng tăng viện của địch. Đại Đội 44 Trinh Sát nổi danh thiện chiến, với hai toán Viễn Thám được trang bị mặt nạ chống hơi ngạt, chia làm hai cánh bất ngờ nhảy xuống ngay sau lưng địch, từng toán nhỏ lao vào tấn công bằng hơi cay, lựu đạn, và cả M-72, dưới sự yểm trợ chính xác hữu hiệu của các trực thăng võ trang, nhanh chóng tiêu diệt hai cái chốt chặn của địch ở hai bên dốc đèo, làm đầu cầu cho lực lượng Thiết Giáp có bộ binh tùng thiết, đồng loạt tấn công, nhanh chóng làm chủ chiến trường. Chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai căn cứ đã được giải tỏa, địch quân tháo chạy, bị các đơn vị bao vây tiêu diệt, có mấy tên bị ta bắt sống. Chiến Đoàn đã ghi một chiến tích vẻ vang cho đầu năm mới.
Sáng hôm sau Đại Tướng Cao Văn Viên TTMT và Tưóng Tư Lệnh Lực Lượng Đại Hàn tại Việt Nam từ Sài gòn bất ngờ bay ra An Khê quan sát chiến trường và ngợi khen các đơn vị tham chiến.
Ngay chiều hôm ấy, qua hệ thống siêu tần số, Tướng Lam Sơn, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn II cho biết, theo tin tức không ảnh của Mỹ ghi nhận, có dấu hiệu địch xuất hiện trong khu vực bên kia bờ sông Ba, khu này nằm tiếp giáp “Vùng Oanh Kích Tự Do”, lệnh Chiến Đoàn cho một đơn vị cấp đại đội thâm nhập, thám sát tình hình. Ông Chiến Đoàn Trưởng bảo tôi và Đại Úy Trần Công Lâm, Đại Đội Trưởng 44 Trinh Sát, dùng CNC bay dọc theo bờ sông, thám sát địa thế, tìm một khúc sông thuận lợi và an toàn nhất để vượt sông. Sáng sớm hôm sau, sau khi thông báo cho TTHQ/Quân Đoàn và Sư Đoàn Mãnh Hổ, yêu cầu tạm ngưng mọi cuộc tác xạ hay oanh kích trong vùng,  đúng 5 giờ sáng,  hai toán Viễn Thám vượt sông trước làm đầu cầu để toàn bộ Đại Đội Trinh Sát sang sông. Nhiệm vụ hành quân lục soát trong khu vực được ấn định 16 cây số vuông, theo đề nghị của Quân Đoàn.
Sau hai tiếng đồng hồ, không có cuộc đụng độ nào, Chiến Đoàn nhận được báo cáo của Đại Đội Trinh Sát bắt được 2 tù binh, một nam một nữ, và cả hai xin được hồi chánh
Theo trình bày của anh Đại Đội Trưởng Trinh Sát. Người đàn ông bị phát giác trước, khi đang trên đường xuống sông lấy nước. Anh ta khai là y sĩ thuộc một tiểu đoàn chính quy CS, đã đào ngũ hơn một tuần. Anh xin được hồi chánh cùng với người vợ mới gặp, cô là người Thượng, dân ở vùng này, không phải đồng chí của anh. Sau đó, anh hướng dẫn đến một hốc đá, chỉ người con gái, và cây súng K-54 được chôn trong một bụi rậm gần đó.
Vì cuộc hành quân đang tiếp diễn, nên tôi yêu cầu Đại Đội Trinh Sát an ninh bãi đáp để tôi dùng CNC bốc về khai thác. Khi trực thăng đáp xuống, đích thân Đại Úy Lâm “dẫn giải” đến giao cho tôi cùng giấy chứng nhận “y sĩ” và mấy tấm ảnh. Hai người được giữ lại BCH Chiến Đoàn để tiếp tục khai thác trước khi chuyển giao cho Ty TT Chiêu Hồi Bình Định.  Khi cô con gái bước lên trực thăng, chúng tôi đã khá bất ngờ,  ngạc nhiên về sắc đẹp kỳ lạ của cô. Thấy áo quần rách rưới, chúng tôi mua cho cô mấy bộ bà ba. Khi mặc vào, trông cô thích thú lắm.
Vì cả hai đang bị bệnh, người đàn ông thỉnh thoảng lên cơn sốt, nên chúng tôi sắp xếp cho ở tạm trong trạm xá (đang trống) của Đại Đội Quân Y để điều trị. Tất nhiên có sự canh gác đề phòng. Anh Bác sĩ Quân Y lại là bạn thân đồng hương, nên tôi thường ghé lại đây thăm và nhân tiện có nhiều dịp nói chuyện với vợ chồng anh tù binh hồi chánh. Mặc dù đã được Ban 2 (Tình Báo) cho chúng tôi biết khá đầy đủ chi tiết sau khi khai thác, nhưng qua những cuộc tâm tình riêng, tôi biết thêm nhiều điều lý thú khác.
Anh tên Trúc Bạch, họ Hồ. Làm tôi nhớ tới cái hồ có tên Trúc Bạch mà người phi công Mỹ nổi danh John McCain đã nhảy dù xuống và bị bắt, khi phi cơ của ông bị bắn rơi, lúc ấy ông còn ở trong nhà tù Hilton Hà Nội. Tôi hỏi anh có biết sự việc này không, hay là anh đã có công trạng gì, nên được mang tên cái hồ đặc biệt này kể cả họ Hồ? Anh cười ngượng ngùng, bảo là, bố mẹ anh gặp nhau lần đầu tiên bên bờ hồ này, rồi sau đó nên duyên và đặt tên cho anh, thằng cu đầu lòng để làm kỷ niệm. Ông bà đều là giáo viên. Trước dạy ở Hà Nội, nhưng vì lý lịch nên sau này phải đổi lên “vùng sâu vùng xa” mới giữ được nghề cũ. Bố anh gốc người Phát Diệm. Gia đình theo đạo Công Giáo từ mấy đời trước đó. Bố anh chỉ có một bà chị, nhưng đã theo chồng di cư vào Nam từ 1954. Ngày ấy cả xứ họ đạo đều đi, nhưng vì mẹ mang thai anh gần đến ngày sinh, nên bố đành ở lại. Bà cô anh vào Nam, một thời gian ở Ngã Ba Ông Tạ, nhưng sau đó mất liên lạc, không biết đã chuyển đi đâu. Bố anh bảo người bà con trong làng vào Nam rất đông, nên nếu tìm bà cô cũng không khó lắm. Tôi cho anh biết là tôi có quen nhiều bạn bè ở vùng Công Giáo Hố Nai, đa số là người Bùi Chu Phát Diệm, tôi có thể hỏi thăm tin tức cho anh. Đang học trường Trung Học Y tế thì anh bị động viên chuyển sang Quân Y, và được đưa vào B (chiến trường miền Nam) bổ sung cho Sư Đoàn 2 Sao Vàng. Dù học chưa xong, anh vẫn được cho làm y sĩ. Anh bảo chỉ biết cứu thương và học được một số thuốc Nam, trị bệnh bằng các loại lá cây. Hơn nữa đơn vị cũng chẳng có thuốc men gì, ngoài một ít thuốc ký ninh của Trung Cộng viện trợ.
Anh cũng kể về sự nghèo nàn khốn khổ của dân chúng miền Bắc, chính sách hộ khẩu như một hình thức nắm cái bao tử để tạo áp lực với dân, đặc biệt là ép buộc thanh thiếu niên phải vào Nam chiến đấu. Anh cũng kể về mối tình đầu của anh với một cô bạn học, khá xinh. Khi biết cô là con của một đảng viên trong ban bí thư thành phố, anh ngại.  Chưa kịp lùi bước, thì cô cũng kịp khám phá anh ta gốc Công giáo, gia đình lại có đông người di cư vào Nam, nên cô bảo thẳng thừng rồi chia tay. Anh biết trước nên chẳng bất ngờ, cũng chỉ buồn buồn một chút rồi thôi..
Cô con gái đang ngồi với anh, anh gọi là vợ, người sắc tộc, có cái tên rất khó nhớ. Điều đặc biệt là cô khá đẹp. Cái đẹp man dại của một cô gái núi rừng có một ma lực hấp dẫn đến kỳ lạ. Chính vì điều này đã làm anh có thêm dũng khí để trốn khỏi đơn vị, thực hiện ý định hồi chánh, mà anh đã ấp ủ từ lúc bị chuyển vào miền Nam.
Tiểu đoàn đang ẩn quân ở vùng núi Cheo Reo, nhiều bộ đội bị sốt rét, nên anh cùng một người lính trong tổ Quân y “tranh thủ” đi vào rừng để tìm lá cây làm thuốc. Khi đến bờ một con suối nhỏ bên triền núi, anh bắt gặp một cô gái đang trồng khoai bên cái chòi tranh sơ sài trong hốc đá. Anh ngạc nhiên, sao lại có một người con gái dám sống lẻ loi giữa núi rừng quạnh vắng. Đến gần anh giật mình ngạc nhiên hơn, không tin vào đôi mắt của chính mình. Không thể giữa núi non hẻo lánh này lại có một cô con gái đẹp đến lạ lùng, một nét đẹp hoang dã, cuốn hút anh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Da ngâm đen với đôi mắt thật to, chiếc mũi cao, đôi môi mọng đỏ. Cô khác hẳn với những cô gái Thượng mà anh đã gặp trong các vùng hành quân. Anh mơ hồ nhớ đến chuyện ngày xưa, khi còn bé, anh thường nghe mẹ kể về những cô tiên mắc phải lỗi lầm bị đọa xuống trần gian.  Người bạn lính đi theo anh cũng ngẩn ngơ trước điều bất ngờ kỳ lạ này. Cô gái chỉ nói một ít tiếng Việt, nhưng cũng đủ để hai người hiểu được. Cô bảo cô bị người trong buôn cho là ma, nhiều lần đòi giết cô, nên ông trưởng làng đày ra sống ở đây. Cha mẹ thỉnh thoảng được đến thăm, nhưng cô không được phép về buôn. Anh bực dọc cảm thấy có điều gì bất nhẫn. Sau khi được cô gái chỉ đường đến buôn, anh và người bạn lính tìm đến gặp ông trưởng làng để cố thuyết phục xin được thả cô ra, nhưng không những bị từ chối, mà ông trưởng làng còn cho biết là chờ đến mùa lũ, họ sẽ trói cô lại và bỏ trôi sông để cúng thánh thần, tránh tai họa cho buôn.
Sau khi về đơn vị, anh suy nghĩ bằng cách nào để cứu được cô con gái. Ý muốn đào ngũ để hồi chánh bao nhiêu lần lóe lên trong đầu, bây giờ càng thôi thúc anh thực hiện. Hai ngày sau, anh báo cáo riêng với tay thủ trưởng, xin đi lấy lá thuốc Anh đi một mình, thật sớm. Để tránh nghi ngờ, nhất là người bạn “đồng chí” Quân Y hôm trước, anh để lại balô, chỉ mang theo ít lương khô và khẩu súng K-54 phòng thân. Anh tìm đến giải cứu cô gái Thượng, kể lại cho cô nghe lời của ông trưởng làng, sẽ thả cô trôi sông. Cô gật đầu, mang theo cái gùi chứa ít bắp, khoai và hai cái bình chứa nước làm bằng vỏ trái bầu.. Anh dắt cô gái đi thật nhanh. Buổi chiều khi gặp con sông Ba, hai người tiếp tục đi dọc theo bờ sông cho đến tối. Nghĩ đã hơn một ngày đường, đơn vị không thể nào đuổi theo, anh dừng lại và ẩn trốn trong một hốc đá an toàn. Ăn bắp khoai sống tạm, chờ tìm đường ra hồi chánh. Không ngờ một tuần sau thì bị đơn vị tôi bắt.
Tin tức đơn vị Cộng quân do anh tù hồi chánh cung cấp được kịp thời báo cáo lên Quân Đoàn. Một lực lượng Biệt Động Quân đang hoạt đông trong khu vực Hàm Rồng được tung vào khu vực, nhưng địch quân đã di chuyển đi nơi khác mấy ngày trước. (Sau này được biết đơn vị này bị thiệt hại nặng nề bởi hỏa lực Không Quân của ta oanh kích, khi bọn chúng bao vây tấn công một căn cứ tại Thuần Mẫn, do một đơn vị đia phương quân trú đóng).
Mấy hôm sau, khi sức khỏe tạm hồi phục, vợ chồng anh được chuyển giao cho Ty Chiêu Hồi Tỉnh Bình Định.  Qua nhiều lần nói chuyện, nhìn thấy ở anh có sự chân thành, nhất là việc Sư Đoàn 2 Sao Vàng của anh bị thiệt hại nặng nề, bộ đội chết quá nhiều không kịp bổ sung quân số, chúng tôi thấy tội nghiệp cho người dân miền Bắc, nhất là những thanh thiếu niên bị cưỡng bách, tuyên truyền “xẻ dọc Trường Sơn cứu nước”, để rồi có biết bao người phải “sinh Bắc tử Nam!”
Ngày 24.4.72, Tân Cảnh thất thủ, khi BTL/SĐ22BB bị địch quân tràn ngập, vị Tư Lệnh liêm sĩ và khí phách đã cùng đồng đội chiến đấu tới giây phút cuối cùng, và vùi thây nơi chiến địa, Trung Đoàn 44 chúng tôi có lệnh di chuyển khẩn cấp lên phi trường Cù Hanh, Pleiku để được không vận lên Kontum. Chỉ sau một ngày đến Kontum, thay thế cho một Liên Đoàn Biệt Động Quân ở tuyến Tây Bắc, đơn vị tôi đã đánh một trận lẫy lừng, tiêu diệt cả một trung đoàn của Sư Đoàn 320 CS và một đại đội chiến xa T-54, khi bọn chúng từ Tân Cảnh tràn xuống tấn công, trong ý đồ chiếm lấy Kontum. Chiến thắng này đã mở màn cho nhiều chiến thắng sau đó để giữ vững Kontum trong suốt Mùa Hè Đỏ Lửa. Và thành phố địa đầu Tam Biên này chỉ rơi vào tay CS, khi Quân Đoàn 2 có lệnh “triệt thoái”vào giữa tháng 3/75, tạo nên cuộc di tản đẫm máu kinh hoàng trên con đưởng tử lộ 7-B.
oOo
Đã hơn 36 năm, bất ngờ gặp lại anh giữa một nơi xa lạ. Chỉ mới nhắc lại một vài chi tiết bên bờ sông Ba ở An Khê năm nào là anh nhớ ra tôi ngay. Tôi không dám vồn vã vì đang đo lường phản ứng của anh. Nhưng bất ngờ anh ôm chầm lấy tôi, gọi tên tôi trong nỗi vui mừng pha chút cảm động. Anh lễ phép xưng em với tôi, bảo là vợ chồng luôn nhớ đến tôi, nhớ anh bác sĩ quân y bạn tôi và nhớ mấy ngày đặc biệt ở căn cứ An Khê. Anh ca ngợi khả năng và lòng nhân đạo của những người lính VNCH. Anh bảo làm sao anh có thể quên được một kỷ niệm lớn lao đã làm thay đổi cả cuộc đời anh vả cả vợ anh. Anh khẩn khoản mời chúng tôi ở lại một vài ngày với gia đình anh.  Tôi ra xe kể qua câu chuyện cho mấy người bạn.  Ai cũng thích thú, nhất là muốn xem dung nhan của cô tiên nữ người Thượng bây giờ ra sao. Tôi vào báo cho anh biết là chúng tôi chỉ có thể ở chơi với vợ chồng anh đến sáng ngày mai, nhưng xin anh tìm giúp một hotel ở gần nhà để chúng tôi ngủ qua đêm, vì đông người quá, ngại làm phiền. Anh cười, bảo một đêm thì quá ít để anh có thể kể bao nhiêu chuyện về cuộc đời của vợ chồng anh. Anh gọi điện thoại về nhà báo tin cho vợ biết và vào xin boss nghỉ sớm để đưa chúng tôi về nhà. Anh cho biết đã đặt giùm khách sạn, nhưng muốn mời chúng tôi về nhà anh chơi, đến khi nào ngủ anh sẽ đưa ra khách sạn. Anh lái xe chạy trước và bảo chúng tôi cứ chạy theo anh. Đường lạ nhưng không nhiều xe lắm, bọn tôi ai cũng nôn nao, mong sớm đến nhà để nhìn dung nhan cô gái Thượng ngày xưa.
Ngôi nhà khá đẹp nằm trong khu vườn rộng, trồng đủ các loại hoa. Điều đặc biệt là trước nhà có cả một khóm dã quỳ. Loại hoa màu vàng tôi thường thấy ở Vùng Pleiku, An Khê ngày trước. Khi chúng tôi vừa xuống xe, một người đàn bà mở cửa bước ra chấp hai tay trước ngực và cúi đầu chào.  Anh chồng chưa kịp giới thiệu  thì chúng tôi đã ồ lên. Chị cười thật tươi và đưa tay bắt từng người.  Có lẽ đã nghe chồng kể qua về chuyện bất ngờ gặp lại tôi, nên chị nhìn từng người để cố nhận ra tôi. Và chị đã nhận ra khi tôi là người cuối cùng bắt tay chị. Điều làm tôi bất ngờ là chị chào hỏi bằng tiếng Việt rất sõi.  Mấy người bạn và cả vợ tôi ai cũng trầm trồ trước nhan sắc của chị.  Riêng tôi lại có một chút thất vọng. Đúng là với tuổi bây giờ, chị là một người đàn bà đẹp, nhưng là cái đẹp của một “hoa hậu phu nhân”, mang nét quí phái với chút phấn son. Không còn cái đẹp man dại núi rừng của cô ngày trước. Cái đẹp đặc biệt và hiếm hoi ấy dễ làm mê hoặc người ta hơn.
Anh chị mời chúng tôi ra vườn sau, ngồi quanh cái bàn tròn dưới gốc một cây bơ phủ bóng. Chúng tôi phụ anh chị làm một bữa BBQ.
Tôi bảo là hồi đó tên chị khó đọc quá, nên tôi không còn nhớ. Chị cười bảo là H’ Niê. Sợ không hiểu chị lấy một que cây viết xuống đất. Vừa viết chị vừa nói:
- Sau này ông xã em đặt tên cho em là H’ An Khê. Sang Mỹ lấy họ chồng, bây giờ em là An Khê Hồ.
Nói xong, chị nhìn sang tôi cười:
- Cái chỗ An Khê mà các anh đã cứu vợ chồng em đấy!
Tôi đùa:
- Bọn tôi phải cám ơn chị. Sắc đẹp của chị đã giúp bọn tôi bớt đi một kẻ thù, và anh Bạch cũng phải mang ơn chị, vì nhờ chị mà anh mới quyết tâm thực hiện giấc mơ hồi chánh của mình, nếu không thì chắc đã trở thành liệt sĩ vô danh từ lâu rồi!
Suốt buổi chiều hôm ấy, anh ngồi kể say sưa cho chúng tôi nghe về cuộc đời của anh và đời sống của vợ chồng sau ngày hồi chánh.
- “Em chỉ có một cô em gái, Mãi đến năm 1985 em mới liên lạc được và sau này đã bão lãnh sang Mỹ cùng với chồng và một đứa con trai.  Bố mẹ em đã chết từ lâu, và vẫn cứ tưởng em là liệt sĩ. Sau ngày được chuyển về Bộ Chiệu Hồi, vợ chồng em đều được đối xử rất tốt và giúp đỡ tận tình. Đáng mừng và cảm động nhất là họ đã cố gắng bỏ nhiều công sức để tìm đươc bà cô ruột của em. Bà có hai người con trai đều là sĩ quan VNCH, một anh ở Biệt Động Quân, nghe nói đánh giặc có tiếng, tiếc là anh đã tử trận trong Tết Mậu Thân, hình như lúc mang “hàm” trung úy, và một anh là Thiếu tá Hải Quân. Cũng nhờ anh này mà cả nhà và vợ chồng em mới được rời khỏi Sài gòn vào sáng sớm ngày 30.4.75. Năm 1974 vợ em sinh con trai đầu lòng, sang đây thì có thêm cô con gái. Hai cháu đều đã lập gia đình. Lúc trước gia đình em ở Philadelphia, nhưng từ khi vợ chồng thằng con trai nhận việc làm ở đây, bọn em chuyển lên đây sống gần các cháu.”
Buổi chiều, cả vợ chồng cậu con trai và cô con gái chạy xe đến, mang theo mấy chai rượu đỏ và nhiều thức ăn dành cho buổi tối. Các cháu rất lễ phép, dễ thương, nói được tiếng Việt nhưng không giỏi lắm. Đặc biệt cô con gái, chắc nhờ thừa hưởng sắc đẹp của mẹ, nên rất xinh xắn. Nhìn đôi mắt của cháu tôi nhớ lại đôi mắt ngây dại của mẹ cháu ngày xưa, khi còn là cô gái Thượng hoang dã. Đôi măt to, đen láy, mang cả hình bóng núi rừng và mây trời cao nguyên thưở ấy. Điều làm chúng tôi bất ngờ và thích thú hơn. Cháu gái đang là một dược sĩ và cậu con trai là Thiếu Tá Bác sĩ của một đơn vị trú đóng ở đây. Cô vợ người Mỹ cũng là một bác sĩ quân y cùng đơn vị. Bọn tôi nâng cốc ca ngợi anh chị và chúc mừng cho sự thành đạt của các cháu.
Sáng hôm sau, hai vợ chồng đến khách sạn rất sớm, mời chúng tôi ăn điểm tâm trước khi chia tay. Khi tôi đến quày check out, người thu ngân của khách sạn cho biết có người đã thanh toán tiền phòng rồi. Tôi phàn nàn trách, anh cười, ôm vai tôi nói nhỏ:
- Biết trả bao nhiêu cho đủ so với tấm lòng và sự giúp đỡ của các anh.
Cả vợ chồng ôm từng người chúng tôi và mong có ngày tái ngộ. Khi bắt tay từ giã anh, một người bạn của tôi hỏi đùa:
- Thế Hổ Trúc Bạch có gặp “giặc lái” John McCain chưa?
Anh cười, nói lớn:
- Em đã gặp ông trong một cuộc vận động bầu cử. Em bảo với ông là, tôi và gia đình sẽ bỏ phiếu cho ông, vì ông đã nói một câu rất đúng: “Điều đáng buồn là trong cuộc chiến Việt Nam, kẻ man rợ đã thắng!”
Anh chị lái xe hướng dẫn chúng tôi đi một đoạn đường. Đến ngã rẽ qua xa lộ, anh dừng lại, đưa tay ra cửa vẫy chào tiễn biệt. Chia tay vợ chồng anh, suốt cả đoạn đường dài, tôi miên man hồi tưởng về những ngày tháng cũ và hình dung lại từng khuôn mặt đồng đội bạn bè, một số đã chết tại các chiến trường khốc liệt An Khê Cheo Reo, Pleiku, Kontum, số còn lại sau những năm tháng tù đày nghiệt ngã, giờ đang lưu lạc bốn phương trời, mang theo những vết thương chưa thể lành được trong lòng. Đặc biệt, tôi nhớ tới Trần Công Lâm, người Đại Đội Trưởng Trinh Sát lừng danh, đã chỉ huy cuộc hành quân bên bờ sông Ba ngày ấy. Lâm là bạn chí thân, cùng khóa Thủ Đức, cùng Trung đội SVSQ, và nằm giường trên tôi, lúc còn ở quân trường. Hai thằng đã rủ nhau về cùng đơn vị. Lâm đã hy sinh vào cuối tháng 3/73 trên đỉnh núi Ngok Wang, Kontum khi đang là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3/44. Và cuối cùng, tôi cũng nhớ đến đôi mắt đẹp man dại của cô gái Thượng, cùng hình ảnh người tù hồi chánh ở An Khê lúc trước, khi Lâm “dẫn giải”  đến trực thăng giao lại cho tôi.
Phạm Tín An Ninh