Hình như ai đến đây cũng đều giấu đi thân phận và cảm xúc của mình, tôi cũng vậy. Buổi sáng từ 7 đến 8 giờ đoàn xe bus đi gom mọi người cao tuổi ở rải rác quanh vùng chở đến đây và 1 giờ trưa chở về, vì từ 1 giờ trưa đến 6 giờ chiều còn một ca sinh hoạt khác.
Ở Mỹ này có nhiều chuyện ngộ: có nhà giữ trẻ và cũng có nhà giữ người già, mỗi tuần từ thứ hai đến thứ sáu. Thứ bảy và chủ nhật họ ở nhà một mình hoặc có phước có phần ở chung với cháu con!
Tôi nghỉ hưu gần một năm nay, từ Pennsylvania về New Jersey để được gần con cháu. Mấy đứa nhỏ thấy tôi buồn nên xin cho tôi vào đây để gặp gỡ đồng hương cao niên cho vui. Nhưng sau vài tuần tôi muốn “cáo lão qui điền” vì ở đây… chán quá. Ngày nào cũng y chang như vậy: sáng vô điểm danh, ký tên, ngồi vô bàn của mình ăn sáng, rồi tập thể dục nửa tiếng, rồi chơi đá banh thùng, thảy vòng vịt, chơi bingo, nói chuyện dưới đất trên trời… Khoảng 10 giờ đến 10 giờ rưỡi được cho uống sữa, uống juice, ăn kem..rồi chờ ăn trưa, rồi xếp hàng ra xe bus về nhà.
Chắc tôi phải nói thêm về cách làm việc ở đây. Điều kiện được đưa vào trung tâm này phải trên 65 tuổi và có Medicaid và trong diện nghèo. Có nhà ở thì OK nhưng nếu có xe thì trị giá xe không quá năm ngàn đô la và trong nhà bank không có quá hai ngàn. Trung tâm này ở thành phố Cherry Hill, New Jersey với cái bảng hiệu “Prestige Adult Medicare Daycare”. Như vậy ở đây có bác sĩ trông nom sức khỏe, dĩ nhiên là bệnh tật sơ sài thôi, và sẵn sàng giúp mọi người gọi 911 để vào bệnh viện miễn phí.
Đã gọi là “nơi giữ người già” nên người nào cũng hom hem, lụi đụi, không bệnh ít cũng bệnh nhiều. Ở nhà buồn quá không ai trông nom nên tìm vào đây để giải sầu. Tôi là một trường hợp đó, nhưng tôi không vui mấy vì người Việt Nam ít quá, chỉ chiếm khoảng 10%, số còn lại là Mễ Tây Cơ và người Mỹ gốc Phi Châu. Lúc nào họ cũng ồn ào nói cười, kêu gọi nhau hoặc nhảy cà tưng theo nhạc của họ.
Người đời thường nói khi trở về già người ta giống như con nít từ sinh hoạt cá nhân mỗi ngày hay sinh hoạt vui chơi. Họ cũng tranh nhau trong giờ chơi để thắng điểm để được trung tâm phát tiền… âm phủ. Đó là tiền giả để cuối tuần dùng tiền đó mua những vật dụng trong nhà như xà bông rửa tay, xà bông giặt, kem đánh răng, giấy vệ sinh… Cứ nhìn họ vui vẻ đi shopping tại chổ với vẻ vui mừng như trẻ được quà chúng ta thấy được “già y như trẻ” là vậy. Để rồi, lúc ra về họ phải è ạch mang mấy thứ lục cục đó lên xe. Tài xế phải phụ giúp mấy vị đó mang lên xe nào là wheelchair, gậy chống, khăn áo lùng chùng…
Trung tâm này nằm trong khu biệt lập, xa đường chính nên khá yên tĩnh. Phòng sinh hoạt chính khá rộng với mười mấy cái bàn tròn rộng phủ khăn và trên bàn lúc nào cũng có chậu hoa… ni-lông cũng khá sáng đẹp. Bên trái là văn phòng, sau văn phòng là phòng nghỉ ngơi của các cụ khi thấy mệt. Quí vị vào phòng này sẽ thấy lòng mình buồn tênh vì vài người già nằm trên ghế dài trùm chăn, hơi thở mệt nhọc. Tôi cũng là người cao tuổi nhưng còn linh hoạt hơn họ đôi chút, nghĩ rằng rồi mình cũng sẽ nằm thở dốc như họ một ngày không xa!
Bàn tròn của người Việt Nam lùi vào phía trong của gian phòng rộng, lác đác chừng năm bảy người, toàn là đàn ông.Nghe nói lúc trước có vài phụ nữ Việt Nam nhưng họ xin đổi xuống ca chiều có nhiều người cùng xóm cho vui.Bàn của chúng tôi có hai vị tuổi 82 còn lại cũng trên dưới 70.Mọi người đều xuề xòa, duy chỉ có một ông lúc nào mặt cũng hằm hằm, hình như không mấy có thiện cảm với tôi.Thằng cha này lúc nào cũng trầm tư biếng nói, ít cười và đặc biệt lúc nào cũng có cái mũ nồi trên đầu. Có lẽ hắn nhỏ tuổi hơn tôi và có tên là Hiền mà mặt mày chẳng hiền chút nào, giống như dân đứng bến hay ít ra cũng là dân chợ trời hay dấm dúi bán chui á phiện! Không ai biết gì về gã, đó là lý do tôi không vui khi đến đây. Về phía đám đông Mexico và Mỹ Phi Châu kia thì lúc nào cũng như cái chợ chồm hổm, ăn uống nói chuyện ồn ào, nếu có chút nhạc thì loi choi nhảy múa như điên!
Kể ra họ còn có chút vui. Sao đám Việt Nam chúng tôi lại eo sèo đến thế? Nhiều lúc tôi tự hỏi: “Tuổi già sống khắc khoải như thế này đề làm gì, đang chờ đợi điều gì, nếu không phải chờ… ngày về với đất?” Có khi cũng không cần đất cát gì, chỉ đốt thành tro bụi rồi rải ra biển lớn. Thế là xong.
Tôi định rút lui khỏi cái câu lạc bộ này nếu không có một sự việc xãy ra hôm tuần trước.
II.
Thật ra, tôi cũng là người già nhưng khác hơn mấy ông già Việt Nam này đôi chút.Tôi xin vào đây để làm thiện nguyện, giúp người già Việt Nam thông dịch vì đa số họ không rành Anh ngữ, chủ yếu là tôi muốn tìm bạn đồng hương. Thành phố này khá yên tĩnh, ban ngày vẫn nghe được tiếng chim hót trên cành cây cao và ban đêm chừng 4 giờ rưỡi sáng chúng đã líp chíp quấy rầy tôi rồi. Thức giấc vì tiếng chim tôi thấy tuổi già trôi qua thật nhanh và từng bước chân đi của mình cũng chậm dần.
Buổi sáng hôm đó, tôi mang theo lon nước chanh gừng vì cảm thấy cổ họng đau rát. Đặt cái lon guigoz lên bàn, tôi đã thấy thằng cha mũ nồi ngồi thu lu một góc rồi. Lão già này không ưa tôi nên ít khi chào hỏi nhau. Hôm đó Hiền lại chào tôi rôm rã và nói nhanh:
- Ủa, ông cũng ở K5 Vĩnh Phú sao?
A, thì ra trên cái lon guigoz tôi có khắc chữ K5-VP. Tôi gật. Lão cười nụ, méo xệnh:
- Tui ở Nghệ Tỉnh, quê hương…
Lão định nói “quê hương bác Hồ” nhưng tôi ngăn lại.Tôi không muốn nghe hết câu.Bổng tôi thấy nét xúc động trên gương mặt tối hù của gã. Lần đầu tiên, gã kéo cái mũ nồi đặt lên bàn.Mớ tóc bù xù, lốm đốm muối tiêu của gã rớt xuống vùng trán với những “luống cày” sắc nét. Chỉ có đôi mắt mang nét quả quyết, và không… hiền chút nào!
Rồi câu chuyện bắt đầu. Chúng tôi nhận ra nhau, chúng tôi là những người lính già thua trận, tù tội, xương máu, hận thù đau đớn trải dài từ Bắc xuống miền Đông Nam Nam phần từ trước 1975. Hiền nói về mình, về gia đình tan nát của mình và… nói luôn nỗi oán hận cuộc đời mà Hiền vẫn còn đeo đẵng cho đến hôm nay.
Hiền lôi tôi ra ngoài nói là đi dạo, nhưng thật tình, hắn muốn trút bầu tâm sự ôm ấp từ lâu.Đi chán mỏi chân, hai thằng già ngồi trên ghế đá bên hông khu nhà với ly cà phê nguội ngắt.Hắn nói giọng từ tốn, chậm rãi, đôi mắt mơ màng như đang sống với quá khứ không mấy vui vẻ của đời mình.
- Khi rời quân trường, tôi gặp người này, theo lời giới thiệu của người chị họ và kết hôn sau đó vài tháng, đây là cuộc hôn nhân gán ghép vì tôi muốn thoát ra cái gia đình “u tối” của mình. Giữa tôi và cô ấy không có thứ tình nào hết, không là tình bạn học, không là tình yêu. Anh cũng hiểu rằng giữa năm 1973 chiến tranh Việt Nam leo thang với những trận đánh ác liệt. Chúng ta là những người lính, cái chết cận kề bên lưng…
Tôi chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng ngắt lời Hiền:
- Theo chú, cuộc hôn nhân này không toại nguyện?
Hiền gật, nói nhanh:
- Chính thế. Gia đình nàng giàu có, muốn con gái có một tấm chồng, trong khi tôi muốn có một chổ dung thân những ngày về phép. Gia đình cha mẹ tôi không là tổ ấm, đó là ổ của bài bạc, rượu chè, cuộc sống lem luốc… Tôi muốn trốn chạy, tôi đã sai lầm. Cuộc hôn nhân không tình yêu… cho nên đổ vỡ sau đó là chuyện tất nhiên.
Tôi ngồi thừ, lẳng lặng nghe Hiền nói tiếp:
- Sau đó, chúng ta vào tù sau tháng 4/75 như anh biết… và vợ tôi chưa hề đến thăm tôi một lần nào. Chúng tôi có một đứa con trai, và khi tôi ra tù, bà ấy thẳng thừng đề nghị ly dị vì không chịu nỗi sự nghèo túng, vất vả. Lúc đó, đôi dép lào đứt quai hay vỏ xe đạp xì lốp cũng không có tiền mua dép hay bơm xe, thì… làm sao giữ được hạnh phúc gia đình? Tủi nhục lắm anh ơi… Ôm đứa con nhỏ, tôi phải làm đủ mọi thứ nghề đề nuôi con. Căn nhà trước đó đã thay người chủ mới. Nhờ sự cứu giúp của người bạn học cũ, cha con tôi mới sống sót được đến ngày nay!
Hiền thở dài, không nói thêm gì nữa. Tôi không biết nói gì để an ủi Hiền, chỉ vỗ vỗ vào lưng bạn và trở vào câu lạc bộ.
Từ đó chúng tôi trở thành đôi bạn rất thân. Hiền có vẻ vui tươi hơn trước. Mỗi lần đến thăm Hiền, tôi đều cảm thương cho hoàn cảnh bạn: Căn apartment nhỏ với cây đàn và chú chó Lucky thân yêu. Hiền thật sự cô độc với tuổi già hiu quạnh của mình. Có lần tôi bạo dạn hỏi Hiền:
- Qua đây hơn 20 năm, sao chú không tìm được người bạn đời khác?
Hiền cười cay đắng:
- Anh thử nghĩ coi, lon lá không còn, tiền bạc không có, đàn bà nào yêu cho nổi? Thật ra tôi sợ. Con chim bị đạn một lần thường sợ những cành cây cong… Thằng Hiếu bây giờ hơn 40, có vợ con ở NY city, tôi không muốn con mình bận bịu nên ở đây một mình. Trong những ngày lễ ở Mỹ này, thằng con tôi ghét nhất ngày lễ Mẹ, Mothers Day. Hiện nay bả còn ở Saigon, giàu có lắm nhưng thằng Hiếu không nhìn. Nó nói với mọi người rằng mẹ nó đã chết từ lúc nó hai tuổi. Bả đổ thừa cho hoàn cảnh bỏ chồng bỏ con. Cái đau khổ của tôi là bả lại lấy thằng cha bí thư huyện ủy!
Nếu mượn bài hát “và con tim đã vui trở lại” của Đức Huy để nói về Hiền cũng không sai chút nào.Mỗi ngày gặp nhau, tôi đều nói với Hiền về niềm tin và tìm thấy lẽ sống cho những ngày còn lại.Hiền đàn rất hay.Tiếng đàn guitar điêu luyện ấy đã trở nên thân thuộc với tôi và mọi người khi có lễ lộc ở “day care” này. Hiền vui hơn mọi ngày, cho đến một hôm…
Tôi nói với Peter, giám đốc trung tâm tôi vắng mặt hai ngày vì phải lo thu xếp việc nhà. Tôi phải đi phi trường JFK ở NY city để đón vợ tôi. Bà ấy về Việt Nam hơn tháng nay đón cô em định cư qua Mỹ. Đơn bảo lãnh từ 2004 đến nay cô ấy mới được đến vùng đất tự do này. Hiền nói với tôi giọng vui vẻ:
- Nếu không gì bất tiện, niên trưởng cho em theo cho vui?
Tôi nghiêm nghị:
- Đi với tôi thì OK, nhưng đề nghị với cậu là bỏ đi từ niên trưởng. Tủi nhục quá mà, đau khổ quá mà niên trưởng với niên chảng gì. Cứ gọi tôi là anh Phúc phải gọn không?
Trên đường đi Hiền nói với tôi về thành phố New York mà cách đây hơn 20 năm, cha con Hiền ngơ ngác đến đây do sự sponsor của người tiểu đoàn trưởng cũ. Hiền cũng cho tôi biết gia đình người con trai đang sinh sống ở Brooklyn đường ra phi trường. Tôi nói:
- Cậu có muốn tranh thủ thăm con cháu không?
Hiền xua tay nói nhanh:
- Thưa không anh, chúng nó đi làm cả. Tụi nó sẽ về thăm tôi ngày lễ Fathers Day sắp tới đây.
Đến nơi trời choạng tối. Hai anh em giúp người mới đến đem hành lý ra xe. Tôi vội vã giới thiệu với Hiền:
- Đây là Ngọc, bà xã tôi, và đây là cô em tên Nguyệt.
Bỗng nhiên Nguyệt la lớn:
- Trời ơi anh Hiền, phải anh là Hiền Tân Định không?
Hiền chết trân. Một giây sau hắn gật đầu lia lịa:
- Đúng, tôi là Hiền. Hiền Tân Định đây!
Những bàn tay không rời nhau. Tôi nói mau:
- Mời mọi người lên xe. Lên xe rồi nói chuyện sau. Trời tối rồi, về đến New Jersey chắc phải chín mười giờ đêm!
Bây giờ Ngọc mới lên tiếng:
- Vậy ra hai người quen nhau sao?
Nguyệt nói dòn dã:
- Chị Ngọc quên sao, hồi đó văn nghệ liên trường Petrus – Gia Long – Võ Trường Toản – Trưng Vương năm em học Đệ Tam, chị Đệ Nhất Gia Long đó, anh Hiền này ở Petrus Ký đoạt giải nhất đơn ca!
Đến phiên Ngọc la vui:
- Trời đất, đó là năm 1967, em nhớ giỏi quá. Ờ ha, 50 năm rồi mọi người ơi!
Hiền rôm rã:
- Cám ơn Nguyệt vẫn nhớ tôi. Bây giờ già hết rồi, dâu biển nhiều rồi…
Nói xong Hiền thở dài:
- Bây giờ tôi già lắm rồi, Nguyệt nhớ tôi thật là giỏi. Cám ơn Nguyệt. Hồi đó hình như Nguyệt cũng đoạt giải thưởng phải không?
- Dạ em giải nhì. Cho nên em nhớ anh là vì hồi đó em “cay cú” với thằng cha Petrus!
Mọi người cười vang.
III.
Cuối tuần, gia đình các con ào về nhà vợ chồng tôi để mừng mẹ và dì từ Việt Nam mới sang, nhân thể bày tiệc mừng sinh nhật 62 của dì Nguyệt. Nguyệt đã hơn 60 nhưng trông bề ngoài chỉ chừng hơn 50 vì nàng độc thân không phải lo lắng tất bật chuyện chồng con. Bà xã tôi nói rằng, Nguyệt là em kế của bà nhưng từ lúc thanh niên 20-30, nàng không hề nghe Nguyệt nói gì về bạn trai hay có quen biết và yêu đương một người đàn ông nào. Nguyệt chỉ mải mê học vấn và làm việc. Nguyệt có bằng thạc sĩ kinh tế và giảng dạy ở các trường đại học ở Saigon. Bây giờ, nàng hưu trí từ tuổi 55.
Một điều lạ lùng nhất là Hiền đến nhà tôi hôm nay, khác hẳn mọi ngày. Một tay ôm cây guitar và một tay ôm bó hoa hồng lớn làm cả nhà tò mò đoán già đoán non. Dĩ nhiên, hoa hồng tặng sinh nhật Nguyệt, chứ không phải tặng Ngọc, bà xã nhà tôi.
Mấy đứa con gái tôi cười rúc rích, ra chiều đắc thắng.
Trong bữa ăn chúng tôi chỉ nói chuyện Việt Nam, hỏi thăm sức khỏe nhau. Vợ chồng tôi bận bịu chơi với cháu ngoại, hai đứa con gái lo việc dọn dẹp dưới bếp. Hai đứa rể bận không đến được, nên khách chỉ là Nguyệt và Hiền.
Hai người này thích ca hát văn nghệ từ hồi còn đi học nên thử giọng hát hò với nhau. Hiền đàn hát thật hay. Nguyệt ngồi nghe mơ màng. Tiếng đàn, tiếng hát dứt mọi người ùa ra phòng khách vỗ tay cổ vũ. Hiền cười vui rạng rỡ nhưng có chút ngượng ngùng.
Bây giờ tôi mới ngắm kỹ Hiền. Chàng già này bữa nay sao khác hẳn. Cái mũ nồi biến mất. Mái tóc bạc cũng thế. Hôm nay sao nó thay hình đổi dạng nhanh thế: râu tóc gọn ghẽ, nhẵn nhụi, quần áo thẳng nếp, giày tây bóng loáng y như chú rể ra mắt nhà vợ. Cái gì, điều gì đã thay đổi thằng cha mà tôi từng ghét quá ghét trước đây?
Câu chuyện có lẽ dừng ở đây được rồi. Kết cục thế nào tùy độc giả. Nhưng, với con mắt của người lính già lăn lóc gió sương như tôi, tôi thấy Hiền như được hồi sinh. Người đàn ông đau khổ với tuổi già hiu quạnh như Hiền, ngày tối vào ra với con chó Lucky là bạn, với cây đàn guitar réo rắc những cung bậc bi thương, sầu não đó, đã vực dậy vì tình bạn, tình “huynh đệ chi binh” và có thể, hắn sẽ tìm được một tình yêu cuối đời? Có thể lắm chứ. Cuộc đời ơi hãy mĩm cười với bạn tôi!
Ban đầu, Nguyệt định ở New Jersey với chúng tôi vài tuần, sau đó, sẽ đi Cali ở với đứa cháu. Nhưng, có lẽ nàng thay đổi ý định khi tôi “bày trò” nhờ Hiền chở Nguyệt đi làm giấy tờ và những yêu cầu của người mới đến Mỹ. Cầu mong hạnh phúc sưởi ấm hai tâm hồn đơn lẻ bấy lâu!
Cám ơn “Prestige Adult Medicare Center” đã kết nối tôi và Hiền, cám ơn cái lon guigoz của một thời lao tù khổ sai tăm tối… để chúng tôi tìm đến nhau trong tình người, tình chiến hữu. Cái lon guigoz này tôi sẽ làm quà cưới nếu hai “đứa già” này trong tương lai quyết định cùng nhau “đi trọn đường trần”.
Tháng 6/2017
Song Lam
Ở Mỹ này có nhiều chuyện ngộ: có nhà giữ trẻ và cũng có nhà giữ người già, mỗi tuần từ thứ hai đến thứ sáu. Thứ bảy và chủ nhật họ ở nhà một mình hoặc có phước có phần ở chung với cháu con!
Tôi nghỉ hưu gần một năm nay, từ Pennsylvania về New Jersey để được gần con cháu. Mấy đứa nhỏ thấy tôi buồn nên xin cho tôi vào đây để gặp gỡ đồng hương cao niên cho vui. Nhưng sau vài tuần tôi muốn “cáo lão qui điền” vì ở đây… chán quá. Ngày nào cũng y chang như vậy: sáng vô điểm danh, ký tên, ngồi vô bàn của mình ăn sáng, rồi tập thể dục nửa tiếng, rồi chơi đá banh thùng, thảy vòng vịt, chơi bingo, nói chuyện dưới đất trên trời… Khoảng 10 giờ đến 10 giờ rưỡi được cho uống sữa, uống juice, ăn kem..rồi chờ ăn trưa, rồi xếp hàng ra xe bus về nhà.
Chắc tôi phải nói thêm về cách làm việc ở đây. Điều kiện được đưa vào trung tâm này phải trên 65 tuổi và có Medicaid và trong diện nghèo. Có nhà ở thì OK nhưng nếu có xe thì trị giá xe không quá năm ngàn đô la và trong nhà bank không có quá hai ngàn. Trung tâm này ở thành phố Cherry Hill, New Jersey với cái bảng hiệu “Prestige Adult Medicare Daycare”. Như vậy ở đây có bác sĩ trông nom sức khỏe, dĩ nhiên là bệnh tật sơ sài thôi, và sẵn sàng giúp mọi người gọi 911 để vào bệnh viện miễn phí.
Đã gọi là “nơi giữ người già” nên người nào cũng hom hem, lụi đụi, không bệnh ít cũng bệnh nhiều. Ở nhà buồn quá không ai trông nom nên tìm vào đây để giải sầu. Tôi là một trường hợp đó, nhưng tôi không vui mấy vì người Việt Nam ít quá, chỉ chiếm khoảng 10%, số còn lại là Mễ Tây Cơ và người Mỹ gốc Phi Châu. Lúc nào họ cũng ồn ào nói cười, kêu gọi nhau hoặc nhảy cà tưng theo nhạc của họ.
Người đời thường nói khi trở về già người ta giống như con nít từ sinh hoạt cá nhân mỗi ngày hay sinh hoạt vui chơi. Họ cũng tranh nhau trong giờ chơi để thắng điểm để được trung tâm phát tiền… âm phủ. Đó là tiền giả để cuối tuần dùng tiền đó mua những vật dụng trong nhà như xà bông rửa tay, xà bông giặt, kem đánh răng, giấy vệ sinh… Cứ nhìn họ vui vẻ đi shopping tại chổ với vẻ vui mừng như trẻ được quà chúng ta thấy được “già y như trẻ” là vậy. Để rồi, lúc ra về họ phải è ạch mang mấy thứ lục cục đó lên xe. Tài xế phải phụ giúp mấy vị đó mang lên xe nào là wheelchair, gậy chống, khăn áo lùng chùng…
Trung tâm này nằm trong khu biệt lập, xa đường chính nên khá yên tĩnh. Phòng sinh hoạt chính khá rộng với mười mấy cái bàn tròn rộng phủ khăn và trên bàn lúc nào cũng có chậu hoa… ni-lông cũng khá sáng đẹp. Bên trái là văn phòng, sau văn phòng là phòng nghỉ ngơi của các cụ khi thấy mệt. Quí vị vào phòng này sẽ thấy lòng mình buồn tênh vì vài người già nằm trên ghế dài trùm chăn, hơi thở mệt nhọc. Tôi cũng là người cao tuổi nhưng còn linh hoạt hơn họ đôi chút, nghĩ rằng rồi mình cũng sẽ nằm thở dốc như họ một ngày không xa!
Bàn tròn của người Việt Nam lùi vào phía trong của gian phòng rộng, lác đác chừng năm bảy người, toàn là đàn ông.Nghe nói lúc trước có vài phụ nữ Việt Nam nhưng họ xin đổi xuống ca chiều có nhiều người cùng xóm cho vui.Bàn của chúng tôi có hai vị tuổi 82 còn lại cũng trên dưới 70.Mọi người đều xuề xòa, duy chỉ có một ông lúc nào mặt cũng hằm hằm, hình như không mấy có thiện cảm với tôi.Thằng cha này lúc nào cũng trầm tư biếng nói, ít cười và đặc biệt lúc nào cũng có cái mũ nồi trên đầu. Có lẽ hắn nhỏ tuổi hơn tôi và có tên là Hiền mà mặt mày chẳng hiền chút nào, giống như dân đứng bến hay ít ra cũng là dân chợ trời hay dấm dúi bán chui á phiện! Không ai biết gì về gã, đó là lý do tôi không vui khi đến đây. Về phía đám đông Mexico và Mỹ Phi Châu kia thì lúc nào cũng như cái chợ chồm hổm, ăn uống nói chuyện ồn ào, nếu có chút nhạc thì loi choi nhảy múa như điên!
Kể ra họ còn có chút vui. Sao đám Việt Nam chúng tôi lại eo sèo đến thế? Nhiều lúc tôi tự hỏi: “Tuổi già sống khắc khoải như thế này đề làm gì, đang chờ đợi điều gì, nếu không phải chờ… ngày về với đất?” Có khi cũng không cần đất cát gì, chỉ đốt thành tro bụi rồi rải ra biển lớn. Thế là xong.
Tôi định rút lui khỏi cái câu lạc bộ này nếu không có một sự việc xãy ra hôm tuần trước.
II.
Thật ra, tôi cũng là người già nhưng khác hơn mấy ông già Việt Nam này đôi chút.Tôi xin vào đây để làm thiện nguyện, giúp người già Việt Nam thông dịch vì đa số họ không rành Anh ngữ, chủ yếu là tôi muốn tìm bạn đồng hương. Thành phố này khá yên tĩnh, ban ngày vẫn nghe được tiếng chim hót trên cành cây cao và ban đêm chừng 4 giờ rưỡi sáng chúng đã líp chíp quấy rầy tôi rồi. Thức giấc vì tiếng chim tôi thấy tuổi già trôi qua thật nhanh và từng bước chân đi của mình cũng chậm dần.
Buổi sáng hôm đó, tôi mang theo lon nước chanh gừng vì cảm thấy cổ họng đau rát. Đặt cái lon guigoz lên bàn, tôi đã thấy thằng cha mũ nồi ngồi thu lu một góc rồi. Lão già này không ưa tôi nên ít khi chào hỏi nhau. Hôm đó Hiền lại chào tôi rôm rã và nói nhanh:
- Ủa, ông cũng ở K5 Vĩnh Phú sao?
A, thì ra trên cái lon guigoz tôi có khắc chữ K5-VP. Tôi gật. Lão cười nụ, méo xệnh:
- Tui ở Nghệ Tỉnh, quê hương…
Lão định nói “quê hương bác Hồ” nhưng tôi ngăn lại.Tôi không muốn nghe hết câu.Bổng tôi thấy nét xúc động trên gương mặt tối hù của gã. Lần đầu tiên, gã kéo cái mũ nồi đặt lên bàn.Mớ tóc bù xù, lốm đốm muối tiêu của gã rớt xuống vùng trán với những “luống cày” sắc nét. Chỉ có đôi mắt mang nét quả quyết, và không… hiền chút nào!
Rồi câu chuyện bắt đầu. Chúng tôi nhận ra nhau, chúng tôi là những người lính già thua trận, tù tội, xương máu, hận thù đau đớn trải dài từ Bắc xuống miền Đông Nam Nam phần từ trước 1975. Hiền nói về mình, về gia đình tan nát của mình và… nói luôn nỗi oán hận cuộc đời mà Hiền vẫn còn đeo đẵng cho đến hôm nay.
Hiền lôi tôi ra ngoài nói là đi dạo, nhưng thật tình, hắn muốn trút bầu tâm sự ôm ấp từ lâu.Đi chán mỏi chân, hai thằng già ngồi trên ghế đá bên hông khu nhà với ly cà phê nguội ngắt.Hắn nói giọng từ tốn, chậm rãi, đôi mắt mơ màng như đang sống với quá khứ không mấy vui vẻ của đời mình.
- Khi rời quân trường, tôi gặp người này, theo lời giới thiệu của người chị họ và kết hôn sau đó vài tháng, đây là cuộc hôn nhân gán ghép vì tôi muốn thoát ra cái gia đình “u tối” của mình. Giữa tôi và cô ấy không có thứ tình nào hết, không là tình bạn học, không là tình yêu. Anh cũng hiểu rằng giữa năm 1973 chiến tranh Việt Nam leo thang với những trận đánh ác liệt. Chúng ta là những người lính, cái chết cận kề bên lưng…
Tôi chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng ngắt lời Hiền:
- Theo chú, cuộc hôn nhân này không toại nguyện?
Hiền gật, nói nhanh:
- Chính thế. Gia đình nàng giàu có, muốn con gái có một tấm chồng, trong khi tôi muốn có một chổ dung thân những ngày về phép. Gia đình cha mẹ tôi không là tổ ấm, đó là ổ của bài bạc, rượu chè, cuộc sống lem luốc… Tôi muốn trốn chạy, tôi đã sai lầm. Cuộc hôn nhân không tình yêu… cho nên đổ vỡ sau đó là chuyện tất nhiên.
Tôi ngồi thừ, lẳng lặng nghe Hiền nói tiếp:
- Sau đó, chúng ta vào tù sau tháng 4/75 như anh biết… và vợ tôi chưa hề đến thăm tôi một lần nào. Chúng tôi có một đứa con trai, và khi tôi ra tù, bà ấy thẳng thừng đề nghị ly dị vì không chịu nỗi sự nghèo túng, vất vả. Lúc đó, đôi dép lào đứt quai hay vỏ xe đạp xì lốp cũng không có tiền mua dép hay bơm xe, thì… làm sao giữ được hạnh phúc gia đình? Tủi nhục lắm anh ơi… Ôm đứa con nhỏ, tôi phải làm đủ mọi thứ nghề đề nuôi con. Căn nhà trước đó đã thay người chủ mới. Nhờ sự cứu giúp của người bạn học cũ, cha con tôi mới sống sót được đến ngày nay!
Hiền thở dài, không nói thêm gì nữa. Tôi không biết nói gì để an ủi Hiền, chỉ vỗ vỗ vào lưng bạn và trở vào câu lạc bộ.
Từ đó chúng tôi trở thành đôi bạn rất thân. Hiền có vẻ vui tươi hơn trước. Mỗi lần đến thăm Hiền, tôi đều cảm thương cho hoàn cảnh bạn: Căn apartment nhỏ với cây đàn và chú chó Lucky thân yêu. Hiền thật sự cô độc với tuổi già hiu quạnh của mình. Có lần tôi bạo dạn hỏi Hiền:
- Qua đây hơn 20 năm, sao chú không tìm được người bạn đời khác?
Hiền cười cay đắng:
- Anh thử nghĩ coi, lon lá không còn, tiền bạc không có, đàn bà nào yêu cho nổi? Thật ra tôi sợ. Con chim bị đạn một lần thường sợ những cành cây cong… Thằng Hiếu bây giờ hơn 40, có vợ con ở NY city, tôi không muốn con mình bận bịu nên ở đây một mình. Trong những ngày lễ ở Mỹ này, thằng con tôi ghét nhất ngày lễ Mẹ, Mothers Day. Hiện nay bả còn ở Saigon, giàu có lắm nhưng thằng Hiếu không nhìn. Nó nói với mọi người rằng mẹ nó đã chết từ lúc nó hai tuổi. Bả đổ thừa cho hoàn cảnh bỏ chồng bỏ con. Cái đau khổ của tôi là bả lại lấy thằng cha bí thư huyện ủy!
Nếu mượn bài hát “và con tim đã vui trở lại” của Đức Huy để nói về Hiền cũng không sai chút nào.Mỗi ngày gặp nhau, tôi đều nói với Hiền về niềm tin và tìm thấy lẽ sống cho những ngày còn lại.Hiền đàn rất hay.Tiếng đàn guitar điêu luyện ấy đã trở nên thân thuộc với tôi và mọi người khi có lễ lộc ở “day care” này. Hiền vui hơn mọi ngày, cho đến một hôm…
Tôi nói với Peter, giám đốc trung tâm tôi vắng mặt hai ngày vì phải lo thu xếp việc nhà. Tôi phải đi phi trường JFK ở NY city để đón vợ tôi. Bà ấy về Việt Nam hơn tháng nay đón cô em định cư qua Mỹ. Đơn bảo lãnh từ 2004 đến nay cô ấy mới được đến vùng đất tự do này. Hiền nói với tôi giọng vui vẻ:
- Nếu không gì bất tiện, niên trưởng cho em theo cho vui?
Tôi nghiêm nghị:
- Đi với tôi thì OK, nhưng đề nghị với cậu là bỏ đi từ niên trưởng. Tủi nhục quá mà, đau khổ quá mà niên trưởng với niên chảng gì. Cứ gọi tôi là anh Phúc phải gọn không?
Trên đường đi Hiền nói với tôi về thành phố New York mà cách đây hơn 20 năm, cha con Hiền ngơ ngác đến đây do sự sponsor của người tiểu đoàn trưởng cũ. Hiền cũng cho tôi biết gia đình người con trai đang sinh sống ở Brooklyn đường ra phi trường. Tôi nói:
- Cậu có muốn tranh thủ thăm con cháu không?
Hiền xua tay nói nhanh:
- Thưa không anh, chúng nó đi làm cả. Tụi nó sẽ về thăm tôi ngày lễ Fathers Day sắp tới đây.
Đến nơi trời choạng tối. Hai anh em giúp người mới đến đem hành lý ra xe. Tôi vội vã giới thiệu với Hiền:
- Đây là Ngọc, bà xã tôi, và đây là cô em tên Nguyệt.
Bỗng nhiên Nguyệt la lớn:
- Trời ơi anh Hiền, phải anh là Hiền Tân Định không?
Hiền chết trân. Một giây sau hắn gật đầu lia lịa:
- Đúng, tôi là Hiền. Hiền Tân Định đây!
Những bàn tay không rời nhau. Tôi nói mau:
- Mời mọi người lên xe. Lên xe rồi nói chuyện sau. Trời tối rồi, về đến New Jersey chắc phải chín mười giờ đêm!
Bây giờ Ngọc mới lên tiếng:
- Vậy ra hai người quen nhau sao?
Nguyệt nói dòn dã:
- Chị Ngọc quên sao, hồi đó văn nghệ liên trường Petrus – Gia Long – Võ Trường Toản – Trưng Vương năm em học Đệ Tam, chị Đệ Nhất Gia Long đó, anh Hiền này ở Petrus Ký đoạt giải nhất đơn ca!
Đến phiên Ngọc la vui:
- Trời đất, đó là năm 1967, em nhớ giỏi quá. Ờ ha, 50 năm rồi mọi người ơi!
Hiền rôm rã:
- Cám ơn Nguyệt vẫn nhớ tôi. Bây giờ già hết rồi, dâu biển nhiều rồi…
Nói xong Hiền thở dài:
- Bây giờ tôi già lắm rồi, Nguyệt nhớ tôi thật là giỏi. Cám ơn Nguyệt. Hồi đó hình như Nguyệt cũng đoạt giải thưởng phải không?
- Dạ em giải nhì. Cho nên em nhớ anh là vì hồi đó em “cay cú” với thằng cha Petrus!
Mọi người cười vang.
III.
Cuối tuần, gia đình các con ào về nhà vợ chồng tôi để mừng mẹ và dì từ Việt Nam mới sang, nhân thể bày tiệc mừng sinh nhật 62 của dì Nguyệt. Nguyệt đã hơn 60 nhưng trông bề ngoài chỉ chừng hơn 50 vì nàng độc thân không phải lo lắng tất bật chuyện chồng con. Bà xã tôi nói rằng, Nguyệt là em kế của bà nhưng từ lúc thanh niên 20-30, nàng không hề nghe Nguyệt nói gì về bạn trai hay có quen biết và yêu đương một người đàn ông nào. Nguyệt chỉ mải mê học vấn và làm việc. Nguyệt có bằng thạc sĩ kinh tế và giảng dạy ở các trường đại học ở Saigon. Bây giờ, nàng hưu trí từ tuổi 55.
Một điều lạ lùng nhất là Hiền đến nhà tôi hôm nay, khác hẳn mọi ngày. Một tay ôm cây guitar và một tay ôm bó hoa hồng lớn làm cả nhà tò mò đoán già đoán non. Dĩ nhiên, hoa hồng tặng sinh nhật Nguyệt, chứ không phải tặng Ngọc, bà xã nhà tôi.
Mấy đứa con gái tôi cười rúc rích, ra chiều đắc thắng.
Trong bữa ăn chúng tôi chỉ nói chuyện Việt Nam, hỏi thăm sức khỏe nhau. Vợ chồng tôi bận bịu chơi với cháu ngoại, hai đứa con gái lo việc dọn dẹp dưới bếp. Hai đứa rể bận không đến được, nên khách chỉ là Nguyệt và Hiền.
Hai người này thích ca hát văn nghệ từ hồi còn đi học nên thử giọng hát hò với nhau. Hiền đàn hát thật hay. Nguyệt ngồi nghe mơ màng. Tiếng đàn, tiếng hát dứt mọi người ùa ra phòng khách vỗ tay cổ vũ. Hiền cười vui rạng rỡ nhưng có chút ngượng ngùng.
Bây giờ tôi mới ngắm kỹ Hiền. Chàng già này bữa nay sao khác hẳn. Cái mũ nồi biến mất. Mái tóc bạc cũng thế. Hôm nay sao nó thay hình đổi dạng nhanh thế: râu tóc gọn ghẽ, nhẵn nhụi, quần áo thẳng nếp, giày tây bóng loáng y như chú rể ra mắt nhà vợ. Cái gì, điều gì đã thay đổi thằng cha mà tôi từng ghét quá ghét trước đây?
Câu chuyện có lẽ dừng ở đây được rồi. Kết cục thế nào tùy độc giả. Nhưng, với con mắt của người lính già lăn lóc gió sương như tôi, tôi thấy Hiền như được hồi sinh. Người đàn ông đau khổ với tuổi già hiu quạnh như Hiền, ngày tối vào ra với con chó Lucky là bạn, với cây đàn guitar réo rắc những cung bậc bi thương, sầu não đó, đã vực dậy vì tình bạn, tình “huynh đệ chi binh” và có thể, hắn sẽ tìm được một tình yêu cuối đời? Có thể lắm chứ. Cuộc đời ơi hãy mĩm cười với bạn tôi!
Ban đầu, Nguyệt định ở New Jersey với chúng tôi vài tuần, sau đó, sẽ đi Cali ở với đứa cháu. Nhưng, có lẽ nàng thay đổi ý định khi tôi “bày trò” nhờ Hiền chở Nguyệt đi làm giấy tờ và những yêu cầu của người mới đến Mỹ. Cầu mong hạnh phúc sưởi ấm hai tâm hồn đơn lẻ bấy lâu!
Cám ơn “Prestige Adult Medicare Center” đã kết nối tôi và Hiền, cám ơn cái lon guigoz của một thời lao tù khổ sai tăm tối… để chúng tôi tìm đến nhau trong tình người, tình chiến hữu. Cái lon guigoz này tôi sẽ làm quà cưới nếu hai “đứa già” này trong tương lai quyết định cùng nhau “đi trọn đường trần”.
Tháng 6/2017
Song Lam