Khi tấm ảnh này được đăng lên ở đây, nếu người lính (thủy quân lục chiến của miền Nam) này vẫn còn thì hãy cho ông nhà báo chiến trường này được gặp. Hoặc ai biết anh ấy thì xin mách mối giúp.
Hình ảnh hai người lính của hai chiến tuyến
Nếu những kẻ lảnh đạo CS Bắc Việt chỉ cần có tâm hồn và niềm suy tư rất chân tình như hai người lính này . Có lẽ nước Việt Nam chúng ta bây giờ không sa sút thua xa Hàn Quốc- Nhật Bản một cách thê thê thảm như bây giờ !
Họ là hai người lính ở hai bên chiến tuyến. Một người là bộ đội miền Bắc, người kia là lính thủy quân lục chiến của miền Nam.
Khoảnh khắc được ông Chu Chí Thành, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), ghi lại vào tháng 4-1973
Cả hai cùng đóng quân tại vùng ranh giới Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị.
Trong một buổi chiều tạm yên tiếng súng, họ cùng choàng vai nhau chụp chung một bức hình kỷ niệm.
Khoảnh khắc này được ông Chu Chí Thành, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), ghi lại vào thời điểm tháng 4-1973. Hơn 40 năm sau, tác giả bức ảnh đã cất công đi tìm lại nhân vật của mình...
Tấm ảnh lịch sử
Ông Chu Chí Thành nay đã ngoài tuổi thất tuần, vẫn còn rất minh mẫn. Trong ngôi nhà có phần cũ kỹ của ông ở một con hẻm trên đường Minh Khai (Hà Nội), rất nhiều bức ảnh về cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc được ông trưng bày.
Nằm ngay ở vị trí trang trọng nhất trong phòng riêng của ông là bức ảnh được phóng khá to về hai người lính khoác vai nhau - một người mặc quân phục bộ đội giải phóng, người còn lại mặc quân phục thủy quân lục chiến của quân đội Việt Nam cộng hòa. Sau lưng hai người là trảng cát rộng của vùng giới tuyến trải dài hơn 2km.
Ông Chu Chí Thành trầm ngâm một lúc lâu như để lục lại ký ức về khoảnh khắc này hơn 40 năm về trước. “Lúc đó, tôi cùng anh Trần Mai Hưởng, cũng là phóng viên của TTXVN, đến chốt Long Quang. Thật bất ngờ về tất cả những gì đang diễn ra ở đây” - ông Thành nói.
Đó là thời điểm tháng 4-1973, tức chỉ khoảng hơn một tháng sau ngày hiệp định Paris được ký kết. Chiến sự được tạm dừng ở vùng ranh giới hai miền. Ông Thành vẫn nhớ rất rõ thời điểm ông đến chốt Long Quang, ở hai bên ranh giới vẫn chĩa súng về phía nhau.
Tuy nhiên, đến buổi chiều thì mọi chuyện hoàn toàn thay đổi. Một nhóm bộ đội miền Bắc ra vẫy tay gọi í ới vào chốt của quân đội miền Nam ở bên kia ranh giới, mời mấy anh em qua bên này uống nước chè xanh.
“Tôi cứ ngỡ là chuyện đùa. Nhưng mấy phút sau một nhóm bốn năm người lính cộng hòa kéo dây ranh giới để qua chốt của quân giải phóng” - ông Thành kể chậm rãi.
Hai bên bắt tay, chia nhau chén nước chè xanh, hút chung điếu thuốc lá Điện Biên và cùng trò chuyện cười đùa. Những người lính phía miền Nam nói giọng miền Nam cũng mang sang một chai rượu nếp đen làm quà cho bộ đội miền Bắc.
Một anh lính thủy quân lục chiến thấy ông Chu Chí Thành cầm máy ảnh nên gọi: “Nhà báo ơi, chụp cho tôi với anh bộ đội giải phóng tấm hình kỷ niệm”.
Nói rồi, hai người lính đến khoác vai nhau tươi cười hồn nhiên. Bấm xong mấy bức hình, ông Thành đứng trân người đến mức quên mất chuyện hỏi tên tuổi của hai người lính.
“Cách đó mấy cây số về phía nam súng vẫn đang nổ, nhưng tại điểm ranh giới này họ nói chuyện với nhau rôm rả, không giống những người lính ở hai bên chiến tuyến. Nhìn cái cách mà hai người lính ấy choàng tay nhau, tôi biết rằng ngày đất nước thống nhất đã sắp đến” - ông Thành xúc động.
Tìm người trong ảnh
Ông Thành ở vùng giới tuyến giai đoạn này hơn ba tháng mới về Hà Nội. Từ lúc chụp bức ảnh tại chốt Long Quang cho đến khi về rửa phim, tráng ảnh xong, ông mới sững người vì đã quên hỏi tên của hai người lính đó.
Tấm ảnh được ông giấu kỹ cho đến năm 2007 mới công bố. Ông đặt tên cho tấm ảnh là Hai người lính. Dù ảnh đã có tên, nhưng ông Thành nói vẫn cứ luôn canh cánh trong lòng một nỗi niềm. Ông thấy mình như còn mắc nợ vì cái sự “quên” đáng trách đó nên quyết đi tìm thông tin về hai người lính.
Ông mang tấm ảnh tìm đến những người bạn từng chiến đấu tại chiến trường thành cổ Quảng Trị giai đoạn từ 1972-1973 để hỏi. Hết người này đến người khác đều lắc đầu. “Ai cũng nói chiến tranh bom đạn ác liệt, chỉ những người cùng tiểu đội mới biết nhau. Có người cùng đơn vị chưa kịp hỏi tên nhau đã hi sinh”.
Cách đây mấy năm, ông có quen một nữ phóng viên, ông cũng đưa tấm ảnh cho cô này nhờ đưa lên mạng Internet để “may có người biết”.
Tính đến khi chúng tôi tìm gặp ông, đã hơn 40 năm sau khoảnh khắc ấy và cũng đã hơn chục năm ông tìm kiếm, nhưng vẫn vô vọng.
Gặp chúng tôi, ông cũng không quên gửi gắm nỗi lòng của mình, có cách gì tìm giúp ông. Và chúng tôi đã cất công đi tìm. Thật may mắn, trong khi tìm về điểm chốt Long Quang (Quảng Trị) ngày ấy, chúng tôi đã gặp được một manh mối.
Ông Phan Tư Kỳ, nguyên là xã đội trưởng xã Triệu Trạch thời điểm năm 1972-1973, xem kỹ bối cảnh tấm ảnh rồi dẫn chúng tôi ra lại đường ranh giới hai miền giữa trảng cát năm nào để xác định vị trí nơi ra đời tấm ảnh.
Đây là vị trí mà vào thời điểm sau hiệp định Paris, trung đoàn 48 thuộc sư đoàn 320 đóng quân. Nhưng có đến năm đại đội thuộc hai tiểu đoàn được rải quân theo từng nhóm đóng chốt dọc theo đường ranh giới dài hơn 2km.
“Tôi chỉ biết chừng đó. Không thể nhớ được là người trong ảnh thuộc đại đội nào” - ông Kỳ lắc đầu.
Ông Lê Vũ Bằng, nguyên ủy viên Ủy ban xã Triệu Trạch, phụ trách binh vận tại chốt Long Quang thời điểm đó, dù “thấy quen quen” nhưng cũng không nhớ là ai. Liên lạc với một số cựu binh thuộc trung đoàn 48 thời điểm ấy tại Quảng Trị nay ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, chúng tôi cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Đã tìm được người bộ đội
Trời Quảng Trị trở gió bấc khi dịp kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất đến gần. Cuộc điện thoại ngắn ngủi thông báo cho ông Chu Chí Thành về kết quả tìm kiếm không được như ý vừa dứt trong tiếng thở dài tiếc nuối, thì một cuộc điện thoại khác bất ngờ đến.
Điện thoại từ ông Phan Tư Kỳ. “Có manh mối rồi. Ngày mai có một đoàn cựu binh C5 (đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 48) ở Thạch Thất (Hà Nội) sẽ ghé về Long Quang thăm chiến trường xưa” - ông Kỳ reo lên.
Ông Chu Chí Thành - nguyên chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên phóng viên ảnh TTXVN, tác giả của bức ảnh Hai người lính - trước hội trường Thống Nhất, TP.HCM chiều 26-4 - Ảnh: Thuận Thắng
Đúng 9g sáng 21-4, chiếc ôtô chở đoàn cựu binh vừa đến Long Quang, ông Phan Tư Kỳ mang theo bức hình của chúng tôi chạy ra đưa cho đoàn. Hơn 20 người lính C5 chuyền tay nhau bức ảnh và lục lại ký ức hơn 40 năm trước. Ai cũng nói thấy người bộ đội trong bức ảnh quen mặt nhưng không nhớ là người nào.
Trong buổi trưa cùng ngày, bức ảnh được những cựu binh này chuyển đi khắp tất cả các ban liên lạc của trung đoàn 48 tại các tỉnh thành trong cả nước qua đường Internet. Đúng 16g40 cùng ngày, một cuộc điện thoại lạ bất ngờ đến. Đó là ông Đỗ Bê, nguyên là đại đội trưởng đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 48.
Ông Bê khẳng định người trong bức hình chính là lính của đại đội mình năm ấy. Để chúng tôi chắc chắn, ông Bê nối điện thoại cho chúng tôi gặp ông Đỗ Thành Chấm, là một người lính của đại đội 5.
Ông Chấm khẳng định người bộ đội trong bức hình này là bạn thân của ông từ thời niên thiếu ở thôn 2, Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội, tên là Dương Minh Sắc, sinh năm 1954. Hai người nhập ngũ cùng ngày và ở cùng đơn vị nhiều năm.
Tuy nhiên, ông Chấm thở dài: “Tiếc là Sắc đã mất vì bệnh nặng cách đây mấy năm”. Lần theo địa chỉ của ông Chấm đưa, chúng tôi vào Huế tìm vợ của ông Sắc. Bà Đỗ Thị Thim, vợ ông Sắc, vào Huế sống với anh trai là một cựu chiến binh người Thái Bình hiện kinh doanh khách sạn ở đây.
Tay run run cầm bức ảnh chúng tôi đưa, bà Thim chạy vào tủ lấy ra một tập hình kỷ niệm của vợ chồng đem ra so sánh. “Đây, cái mũi và cặp mắt này thì không lẫn đâu được. Đúng là ông Sắc nhà tôi thời trẻ” - bà Thim nói.
Theo bà Thim, hai ông bà gặp nhau tại Nga khi cả hai cùng đi xuất khẩu lao động năm 1990, một năm sau thì cưới nhau và sinh con. Thời điểm bà gặp ông Sắc cách thời điểm chụp bức ảnh này đến 17 năm sau nên ngoại hình ông có nhiều thay đổi.
Nhưng những nét trên khuôn mặt này rất khó nhầm lẫn. Khi lấy nhau, ông Sắc cũng kể cho bà nghe rất nhiều về cuộc chiến ác liệt ở Quảng Trị, nhưng ông chưa một lần kể về việc chụp bức ảnh này.
“Những ngày ở Nga ông ấy cũng hay kể chuyện chiến trường. Có lúc kể về giai đoạn sau hiệp định Paris mới thấy ông vui hơn một chút. Bởi khi đó, lính hai bên tại vùng giáp ranh qua lại với nhau rất bình thường. Văn công về biểu diễn bên này thì cũng gọi lính bên kia qua xem chung” - bà Thim nói.
Năm 2008, tức gần một năm trước khi mất, ông Sắc cứ nằng nặc đòi về thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị.
Và sau khi thỏa nguyện ước mong này, ông qua đời. “Chồng tôi chỉ có hình ảnh từ thời điểm năm 1990 trở về sau. Khi đó anh Sắc đã 37 tuổi. Không ngờ anh lại còn một hình ảnh ở tuổi 20 như thế này” - bà Thim nói.
Mong tìm được người còn lại trong bức ảnh
Vậy còn người lính Việt Nam cộng hòa trong bức ảnh là ai? Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Lai, từng là lính địa phương của quân đội Việt Nam cộng hòa đóng tại vùng ven thị xã Quảng Trị thời điểm năm 1972-1973, cũng đóng quân ở xã Triệu Trạch, hiện sống tại Vũng Tàu.
Ông Lai nhớ đóng ở chốt Long Quang thời điểm đó là một đơn vị quân chủ lực thuộc lực lượng thủy quân lục chiến của quân đội Việt Nam cộng hòa. Ông Phan Tư Kỳ, nguyên xã đội trưởng xã Triệu Trạch thời điểm đó, xác nhận người lính cộng hòa trong bức ảnh thuộc tiểu đoàn 5, lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến Việt Nam cộng hòa.
“Thời điểm đó tôi cũng hay nói chuyện với lính bên đơn vị này. Họ toàn nói giọng miền Nam và nhiều người cho biết họ lớn lên từ cô nhi viện” - ông Kỳ nói.
Ông Chu Chí Thành là người vui nhất khi tìm được một người trong bức ảnh này. Ông cũng giải tỏa được nỗi niềm trong lòng mình mấy mươi năm qua. Tuy nhiên, ông vẫn rất muốn tìm lại người lính Việt Nam cộng hòa chụp chung trong bức hình đó.
“Tôi luôn xem tấm ảnh này như là biểu tượng hòa hợp của hai miền” - ông Thành nói. Khi tấm ảnh này được đăng lên ở đây, nếu người lính này vẫn còn thì hãy cho ông nhà báo chiến trường này được gặp. Hoặc ai biết anh ấy thì xin mách mối giúp.
Quốc Nam
From: TH
Tôi với anh
Hai mái đầu xanh
Xanh như màu quân phục...
Làng tôi sông Hồng nước đục
Quê anh Vàm Cỏ lở bồi
Mẹ nhớ tôi, hết đứng, lại ngồi
Má mong anh, vào nhà, ra ngõ
Tôi đã ngỏ lời vào một đêm trăng tỏ-Trước lúc lên đường
Ba lô anh có kỷ vật người thương-Đêm giở ngắm trên đường hành tiến
Người ta bảo anh đi bảo vệ quốc gia
Người ta bảo tôi vào nam cứu nước
Tôi và anh
Có bao giờ tính suy mất được
Cho bản thân mình, cho mẹ, cho em
Chỉ nghe kèn trống nổi lên
Người hối thúc đưa ta vào chiến trận
Đồng quê tôi cỏ mọc xác xơ
Nước quê anh cá chết dạt bờ
Người con gái quê anh, quê tôi héo hắt đợi chờ
Mình mê mải với giấc mơ bạo chúa
Tôi và anh
Hai mái đầu còn xanh
Xanh như màu quân phục
Nào...!
Hãy khoác vai nhau ta cùng chúc phúc
Để tôi về ngoài ấy đắp đê
Nước Vàm Cỏ cũng đang gọi anh về
Cùng cày cấy nuôi mẹ già anh nhé
Mê muội qua rồi, chia tay trên lối rẽ
Gửi cho nhau lời xin lỗi muộn màng
Một cánh mai tươi, một nén hương vàng
Ta về tặng cho những người đồng đội
Ta bá vai nhau để những người kia xóa tội
Dưới suối vàng
Họ...!
Chắc cũng đã ôm nhau...!
Sắp đến ngày 30/4 trên các phương tiện truyền thông người ta bắt đầu tuyền truyền cho ngày chiến thắng. Chính trong những ngày này, tôi tình cờ đọc được bài thơ của một người lính đã từng cầm súng đổ máu trong cuộc chiến tranh này đi kèm một tấm hình hai người lính trẻ của hai phía đứng bên nhau. Tôi đọc bài thơ và rưng rưng xúc động. Bài thơ trĩu nặng suy tư về một thời đã qua. Cái thời mà lẽ ra người ta phải đóng băng nó lại, Cất nó vào những trang sách sử để cho các đời sau của dân tộc Việt đọc lại, suy ngẫm rút ra những kinh nghiệm quý báu từ những sai lầm của cha ông thì người ta lại trương nó ra, dùng tay vạch lại những vết thương chưa kín miệng trong tâm hồn dân tộc và làm cho vết thương lại rỉ máu. Bốn mươi năm rồi vết thương ấy chưa bao giờ kín miệng.
Không hiểu sao đọc xong bài thơ, trong đầu tôi lại hiện lên cái lễ tiếp nhận đầu hàng của quân đội miền bắc và miền nam trong cuộc chiến tranh nam bắc Mỹ cách đây hơn hai trăm năm. Không một tiếng hò reo vui mừng của người chiến thắng. Không một tiến trống thúc. Khi những người lính miền bắc, kẻ chiến thắng định bắn các loạt đại bác chào mừng thì tướng Grant đã ra lệnh ngừng ngay những hoạt đọng chào mừng lại . Ông bảo với họ “ Chiến tranh đã kết thúc bây giờ họ là đồng bào của chúng ta” . Hai đội quân hiên ngang đứng đối mặt nhau trong con mắt họ ánh lên một sự kính trọng đối thủ. Im lặng! Một sự im lặng thiêng liêng trùm lên hai đạo quân. Đây không phải là một lễ đầu hàng . Họ! Hai đứa con Mĩ hư hỏng đánh lộn nhau và giờ đây Mẹ Mỹ choàng ôm lấy hai đứa con hư, kéo chúng vào bầu vú căng sữa của mình để mặt chúng giáp lại bên nhau, cùng hít thở mùi sữa mẹ để chúng nhận ra “ Chúng là hai anh em”. Tôi bỗng hiểu vì sao nước mĩ lại hùng mạnh đến thế và bỗng hiểu vì sao chúng ta cứ mãi mãi là một nước nhược tiểu. Nước Mĩ hùng mạnh bởi những nhà lãnh đạo Mĩ là những người có tầm cao văn hóa. Ngay sau chiến tranh, người Mĩ đã đánh tan mối thù hận giữa hai miền nam bắc. Cả nước trở thành một khối không còn cái mặc cảm của kẻ chiến bại và cũng không còn cái vui mừng của người chiến thắng. Nước Mỹ có 11 lễ hội kỷ niệm cấp quốc gia nhưng trong đó không có ngày kỉ niệm chiến thắng nam bắc Mỹ. Còn chúng ta? Những ngày tháng tư này tôi cứ nghe ra rả những lời ngợi ca chiến thắng. Chúng ta chiến thắng ư? Chiến thắng ai? Khi phảỉ nghe những lời ca ngợi ấy, trong tôi lại vang lên câu thơ của Tào Thực cách đây đã hơn một nghìn năm
Cành đậu đun hạt đậu
Hạt đậu khóc hu hu
Cùng sinh ra một gốc
Thiêu nhau nỡ thế ru
Hạt đậu khóc hu hu
Cùng sinh ra một gốc
Thiêu nhau nỡ thế ru
Không! Chúng ta! Hai miền Nam Bắc đều là kẻ chiến bại. Có kẻ chiến thắng nhưng kẻ đó không phải là chúng tôi. Đó là kẻ mà ông Lê Duẩn đã nói “Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung quốc” Họ đã thắng mà không phải đổ chút xương máu nào. Họ quyết tâm chống Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng. Chao ơi! Có gì để hãnh diện! Có gì để tự hào khi mà ta, cả miền nam, miền bắc chỉ là những tên lính đánh thuê. Ta cầm súng lao vào bắn giết lẫn nhau mà chẳng biết vì cái gì
Người ta bảo anh đi bảo vệ quốc gia
Người ta bảo tôi vào nam cứu nước
Người ta bảo tôi vào nam cứu nước
. “Người ta”! Người ấy xa lạ lắm chẳng liên quan gì đến anh và tôi, chẳng quan tâm gì đến lợi ích của anh và tôi . Còn tôi và anh nói như nhà thơ chế Lan Viên đều trở thành” con rối cho cuộc đời giật dây” mà là những con rối thì đã tốt. Hai chúng ta chỉ là những con tốt bị thí một cách không thương tiếc cho những giá trị mơ hồ dối trá .”Người ta” Xa lạ quá và cũng mơ hồ quá! Ngày xưa, cách đây bốn mươi năm khi tác giả bài thơ này còn trẻ, còn bị cái chính sách ngu dân dối trá bưng bít khiến cho hai mươi triệu người dân miền bắc ai cũng nghĩ “Mình đang cứu nước” Cái “Người ta” lúc ấy gần gũi lắm, cụ thể lắm.
Bác bảo đi là đi
Bác bảo thắng là thắng.
Tố hữu
Bác bảo thắng là thắng.
Tố hữu
Chọn thời mà sống chăng? Anh sẽ chọn thời gian nào thế nhỉ
Cho tôi được sinh trong buổi đảng dựng xây đời.
Chế lan Viên
Cho tôi được sinh trong buổi đảng dựng xây đời.
Chế lan Viên
Còn nay ! sau bốn mươi năm, khi sự thật không thể che dấu mãi làm chúng ta bừng tỉnh.Chúng ta ân hận. Một nỗi ân hận muộn màng
Gửi cho nhau lời xin lỗi muộn màng.
Gửi cho nhau lời xin lỗi muộn màng.
Và đấy cũng là lúc những thứ cụ thể, thiêng liêng, gần gũi ngày xưa trở nên nhòa nhạt trong chúng tôi, biến thành thứ “Người ta” xa lạ
Anh được gì trong cuộc chiến ây ? Tôi được gì trong cuộc chiến ấy?
Anh được gì trong cuộc chiến ây ? Tôi được gì trong cuộc chiến ấy?
Đồng quê tôi cỏ mọc xác xơ
Nước quê anh cá chết dạt bờ
Người con gái quê anh, quê tôi héo hắt đợi chờ
Nước quê anh cá chết dạt bờ
Người con gái quê anh, quê tôi héo hắt đợi chờ
Và cái « Người ta » xa lạ ấy đã quan tâm gì đến những mất mát đau thương của gia đình tôi và gia đình anh ?
Hình như Đại việt sử kí toàn thư đã nhầm. Không phải là mẹ Âu Cơ mang năm mươi người con xuống biển mà là sau khi li hôn mẹ Âu Cơ mang năm mươi người con vào Miền nam còn bố Lạc Long Quân giữ năm mươi người con ở lại miền bắc . Trong sự tức giận , Lạc Long Quân đã đốt chiếc bọc chứa một trăm quả trứng thành than, rắc tro của nó xuống biển đông và bảo với các con rằng : « Từ nay, chúng nó không còn là « Đồng bào » của ta nữa » và thế là năm mươi đứa con của mẹ âu cơ với năm mươi đứa con của bố lạc long quân trở thành kẻ thù không đội trời chung. Mối hận thù tiền kiếp ấy cho đến bây giờ vẫn chưa tan.
Có những dân tộc trong một thời điểm hiếm hoi nào đó của lịch sử, dưới sự dẫn dắt của lòng tự tôn dân tộc, và sự dối trá, lừa bịp của những kẻ cầm quyền mà trở nên cuồng tín. Khi đó gần như toàn bộ dân tộc đó trở nên độc ác và tàn bạo. Nhưng họ chỉ tàn bạo và độc ác với những người khác chủng tộc với họ còn với dân tộc họ họ vẫn là những con người mà Đức và Nhật trong đại chiến thế giới lần thứ hai là hai ví dụ diển hình. Còn chúng ta? Chúng ta độc ác với chính dân tộc mình.
May mắn cho hai dân tộc đó, họ đã bại trận. Niềm tự hào man dại của họ đã buộc phải quỳ gối trước cái thiện, cái tốt đẹp của con người. Ngọn lửa ấy tắt ngấm trong tâm hồn họ để cho họ nhận ra rằng « Máu người không phải nước lã » và « Sinh mạng và phẩm giá là hai thứ trân quý nhất mà tạo hóa đã dành cho con người”. Tiếc thay dân tộc ta không có được cái may mắn của dân tộc Đức và Nhật. Chúng tôi đã chiến thắng. Chúng tôi đã chiến thắng các anh, người anh em của tôi. “Đồng bào” của tôi Và cái ngọn lửa man dại đó đã được tiếp thêm nhiên liệu để cho nó tiếp tục cháy không biết đến bao giờ.
Đọc bài thơ này, đọc những comment trong bài thơ này, tôi lại ngậm ngùi cho số phận những người lính các anh trong những trại “Cải tạo” của chúng tôi. Dưới ánh sáng của ngọn lửa chiến thắng man dại, Cái “Người ta “ ấy đã “Cải tạo” các anh bằng cách thắp lên trong các anh một ngọn lửa hận thù.
Tôi đọc lại bài Cáo Bình Ngô mà trong lòng bỗng nhiên ngờ ngợ. Dân tộc này kì lạ quá, rất nhân đạo với kẻ thù nhưng lại tàn nhẫn với chính mình
Thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền,
Ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa,
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền,
Ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa,
Chao ôi! người ta vẫn tự hào rằng “Người ta” nhân đạo. Không có cuộc tắm máu nào sau chiến thắng. Cũng đúng! So với phát xít Hít le, với Pinôchê , với pôn pốt thì quả “ Người ta” nhân đạo hơn thật. Nhưng sao con mắt của “người ta” chỉ luôn cắm đầu nhìn xuống đám bùn đen dưới chân mình mà không ngửa mặt lên nhìn bầu trời cao lồng lộng? Hay đấy là tâm thức của văn hóa Việt? Chỉ luôn so sánh mình với những cái kém hơn. Mà ta ở đâu trong thế giới rộng lớn này? Ta ở gần đáy của nó. Đáy cách ta một gang tay, bầu trời cách ta cả ngàn cây số thế mà ta chỉ nhìn xuống dưới chân mình thì làm sao ta có thể cất mình lên .
Đọc bài thơ tôi lại liên tưởng đến những nước Đông Âu đã bị sụp đổ. Bao nhiêu nước nhưng duy nhất có hai người bị kết án tử hình vì kẻ đó đã ra lệnh cho quân đội bắn vào đoàn biểu tình còn lại tất cả đều được tha thứ . Không một ai bị tù đầy và nó cũng là một trong những nguyên nhân khiến những nươóc đó tiến những bước dài trong kinh tế.
Mê muội qua rồi, chia tay trên lối rẽ
Mê muội qua chưa? Chưa qua đâu! Có thể với nhà thơ, người viết bài thơ này đã thoát khỏi cơn mê sảng nhưng sâu trong tiềm thức của bao nhiêu người dân miền bắc cái ngọn lửa hào hùng chiến thắng vẫn cháy và trong hàng triệu người miền nam ngọn lửa hận thù vẫn cháy. Và vết rạn của dân tộc vẫn cứ hiện hữu trong mỗi chúng ta.
Bao giờ chúng ta mới có thể ôm nhau trong vòng tay mẹ Việt để cho cái ước mơ của người viết bài thơ này trở thành hiện thực.
Bao giờ chúng ta mới có thể ôm nhau trong vòng tay mẹ Việt để cho cái ước mơ của người viết bài thơ này trở thành hiện thực.
Ta bá vai nhau để những người kia xóa tội
Dưới suối vàng
Họ...!
Chắc cũng đã ôm nhau...!
Dưới suối vàng
Họ...!
Chắc cũng đã ôm nhau...!
Hà nội 8/4/2015
Tôi hứa với anh viết tặng anh một bài bình nhưng không hiểu sao những suy tư trăn trở của anh cứ lôi tôi vào những suy tư mà bài thơ anh chưa nói đến. Cho tôi xin lỗi! Nhưng một bài thơ có thể lôi người đọc vào những suy tư có lẽ đó là lời khen lớn nhất rồi phải không anh
Hình này rất vô lý.
ReplyDeleteCứ xem thời gian chụp hình ( tháng 4 năm 1973 ) và ngày hiệp định Paris có hiệu lực ( khoảng 18 tháng ba 1973 ). Tối thiểu là 11 ngày, trừ một vài nơi có tí hòa bình còn đa số các nơi khác thì đánh nhau llọan càào cào. Nhưng trong bài ANH HÙNG BẠC MẠNG do trung uy` Trần Thy-Vân viết thì thời giang này đơn vị BDQ của anh đánh nhau tơi bời vơ1i VC đẻ lấy lại Sa Huỳnh, và anh đã thành công.
Vậy, hình trên là không có thực.
Tấm hình này là tấm hình xạo.Tháng tư 1973 hai phe đánh nhau chí tử thì làm gì có cảnh hai phe chụp hình chung.
ReplyDeleteĐỪNG TIN NHỮNG GÌ vc NÓI.