Wednesday, March 15, 2017

Hồi Ký Một Cánh Hoa Dù - Phần 1

Ba mươi năm qua, bao đổi thay, bao thống khổ chồng chất; giờ đây trên đất khách tha hương kẻ còn người mất ! Ngồi ôn cố tri tân, nhớ đến bạn bè và chiến hữu thân thương,
nhớ lại những trận chiến khi còn ở các đơn vị Nhảy Dù tưởng chừng như mới hôm qua”

a). Mặt trận Tại Thị Xã Quảng Trị
Sau nhiều ngày hành quân tìm và tiêu diệt địch dọc theo dãy Trường Sơn, phía Bắc sông Thạch Hãn, từ Đông Hà đến Đèo Ba Dốc thuộc tỉnh Quảng Trị. Rồi vào Huế ở Nam Hoà, Phú Thứ, La Vân, Đồng Xuyên Mỹ Xá. Chiến đoàn Nhảy Dù được ngừng hành quân nghỉ ngơi ăn Tết tại những điểm quan yếu trong các Thị trấn. Tiểu Đoàn 2 và TĐ7ND đóng ở An Lỗ và Quảng Điền, Tiểu Đoàn 5 ND được điều động về Đà Nẳng. Tiểu đoàn 9 chúng tôi đóng quân chung quanh thị trấn bảo vệ thành phố Quảng Trị. Đại đội 92 ở phía Đông Nam, Đại đội 94 bảo vệ làng Tri Bưu. Dọc bờ sông Thạch Hãn, phía Tây thành phố là Đại đội 93. Riêng Đại đội 91 của Đại uý Mễ, đóng chung với Đại đội Chỉ Huy Tiểu đoàn, làm thành phần trừ bị .
Ngay ngày 30 Tết, Tiểu đoàn được “Mật lệnh” của Chiến đoàn Trưỏng Lê Quang Lưỡng, nghi ngờ rằng địch sẽ tấn công. Nên mặc dù hưu chiến, các đại đội cũng bung ra tuần tiểu, lục soát. Ban đêm lo đặt mìn định hướng Claymore, mìn chiếu sáng, và đào hầm hố chiến đấu phòng thủ cẩn thận. Trong khi Địa Phương quân, Nghĩa quân, Sư Đoàn 1 Bộ binh, hầu như xả trại (hoặc trốn trại) về nhà ăn Tết, tiểu đoàn chúng tôi được lệnh cấm trại chặc chẻ, đề phòng địch tấn công bất ngờ vào thị xã.
Mồng Một Tết, khoảng 3 giờ khuya, nhằm lúc mọi người đang ngon giấc vì mệt mỏi bởi đêm qua say sưa chè chén trong các buổi tiệc dã chiến,đón Giao Thừa truyền thống đầu năm. Bỗng nhiên mọi người đều tỉnh giấc, vì súng địch đồng loạt khai hỏa khắp mọi nơi. Chúng tôi vội nhào ra hố chiến đấu và bắn trả mãnh liệt. Đại đội 92 phòng thủ dọc theo bờ làng, lúc đó sương mù dầy đặc, binh sĩ cứ bắn bừa ra ngoài đồng ruộng phía trước mặt. Qua máy truyền tin, tôi vô cùng sững sờ xúc động: Đại đội 94 đang bị địch tràn ngập. Ban Chỉ Huy Đại đội, ở trong nhà thờ Tri Bưu, bị tấn chiếm. Đại uý Thừa, Đại đội trưởng, viên Cố vấn Mỹ, Trung uý Lê Phát Lộc, và Nguyễn Văn Hổ,bạn đồng khoá 20 ĐL của tôi, đều bị hy sinh ngay từ đợt tấn công đầu tiên! Chuẩn úy Trần Ngọc Chỉ thấy địch quân quá đông, nên vừa chống trả vừa tìm cách hướng dẫn binh sĩ còn lại rút lui an toàn, tránh sự truy kích của địch quân.
Đại uý Thừa, tốt nghiệp khoá 8 Võ Khoa Thủ Đức, là một sĩ quan trẻ tuổi dũng cảm của sư đoàn Dù, đã lập rất nhiều chiến công hiển hách. Đặc biệt trong trận Đại Bàng 800 ở Vùng II Chiến Thuật, anh đã chỉ huy đại đội tấn công và truy sát địch, tịch thu được rất nhiều chiến lợi phẩm, vì thế Tướng tư lệnh Vùng đáp trực thăng tới gắn cấp bậc Đại úy đặc cách cho anh ngay tại chiến trường. Nguyễn văn Hổ rất tốt với bạn bè, chính anh lúc ở trong trường đã dạy tôi đờn vọng cổ bằng Tây ban cầm. Còn bạn Lê Phát Lộc thì rất hiền lành, tướng phúc hậu, hai trái tai dài thòng xuống như lỗ tai Phật, bạn bè ai cũng nghĩ anh có phúc tướng, sẽ sống rất thọ, không ngờ chiến tranh thật tàn nhẫn, nó không nể vì một ai! Thấy Đại đội 94 như vậy, chúng tôi hết sức cẩn trọng, dùng hỏa lực cá nhân và chỉ được yểm trợ bằng súng cối 60 ly cơ hữu. Không có pháo binh, hải pháo, hoặc không trợ hùng hậu, mà bất cứ cuộc hành quân thường lệ của các đơn vị nhảy dù nào cũng phải có. Sau nầy tôi mới biết, lúc đó anh Đồng Minh Mỹ định giả vờ làm ngơ, để thử tài hai con gà chọi nhau. Thử xem Miền Nam có đủ sức tự lực tự cường, cho đàn anh dễ bề rút tay ra khỏi cuộc chiến đầy tốn kém. Tiện thể vồ anh Việt Cộng một vố lớn, chẳng biết mấy anh Bộ Chính Trị ngoài Bắc và Cục R trong Nam có biết không?
Hừng Đông vừa ló dạng, các trung đội tung ra lục soát và bắt sống hơn 10 tù binh. Quân địch toàn trẻ măng, khoảng 16, 17 tuổi, nói giọng Quảng Bình, mặt mày đỏ ngây, ngơ ngơ ngác ngác. Sau nầy tôi mới biết họ đã dùng thuốc “Hùng Binh” của Trung Cộng chế. Thuốc nầy là loại kích thích, khi uống vào thì hăng máu và không hề sợ chết.
Đến 8 giờ sáng, Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn đang bị địch đe dọa tấn công, tôi nghe tiếng the thé của Đại úy Đỉnh, sĩ quan ban 3, gọi Thành “Râu”, kéo binh về tiếp viện. Thành Râu ra lệnh tôi dẫn nhanh trung đội, dọc theo Quốc Lộ I, từ Ngả ba Long Hưng, hướng về Bộ chỉ huy Tiểu đoàn, gần cầu Thạch Hản, tiếp theo là trung đội của Thiếu uý Minh, và Chuẩn uý Khải. Chúng tôi đang đi trên Quốc lộ I, vừa tới ngả tư đường về nhà thờ La Vang, gần BCH Trung đoàn 3 BB, thì địch bắn hàng loạt đạn, từ xóm nhà bên trái, tôi vội hô to: – Địch phục kích trái!
Cả trung đội liền la: “Xung phong”!
Và lập tức nhào về hướng phát ra tiếng súng. Chúng tôi vừa bắn vừa hô xung phong vang rền cả khu vực, hai trung đội của Khải và Minh cũng bị lôi cuốn và hành động theo. Binh sĩ chạy vượt qua chòm nhà, vừa xả đạn vừa hô xung phong liên hồi, chúng tôi tiến mãi tới gò mả, giữa BCH Trung Đoàn 3 BB và bờ làng, thì gặp phải sức kháng cự mãnh liệt!
Tôi và hạ sĩ Đình, mang máy truyền tin, vội nhào nhanh tới hố lỏm để tránh đạn. Áo field jacket bị bắn rách tung toé, tôi hoảng hốt vì không biết mình có bị thương hay không? (theo kinh nghiệm: vì đạn vô ngọt sớt nên khi bị thương, không có đau liền). Sau khi lấy lại bình tỉnh, tôi bắn yểm trợ cho Đình nhảy tới sau phên vách đất, rồi Đình bắn yểm trợ lại cho tôi.
Quan sát lại thấy hơn mười binh sĩ bị hy sinh! Có anh vừa bò tới nắm chân tôi vừa nói: “Trung uý ơi em bị thương!”, miệng lẩm bẩm niệm kinh rồi từ từ lịm dần, khiến lòng tôi se thắt!! Đáng thương nhất là hạ sĩ Lực, nhà ở làng Tri Bưu, mới cưới vợ ăn Tết hơn hai tuần lễ, và binh nhất Thương, hằng ngày giúp tôi nấu cơm nhà binh tuy đạm bạc nhưng đầy hương vị đậm đà!!! Lực và Thương cùng tổ ăn cơm với tôi!
Lúc đó từ trong máy truyền tin, tiếng Thành Râu rồi anh Đỉnh, gọi thúc hối tôi dẫn 3 trung đội về BCH Tiểu đoàn. Nhìn lại xác anh em và súng chưa kịp lấy lại được, số thương binh nằm rải rác chung quanh. Hơn nữa danh dự binh chủng Nhảy Dù không thể nào để cho mất súng và mất xác, nhất là xác của các chiến hữu đã hằng ngày tíu tít quấn quít rất dễ thương, họ đã nhiều phen cùng hoạn nạn, cùng sinh tử, nên tôi quyết định cãi lại quân lệnh.
Tôi nói trong máy với anh Thành Râu: – Thà là ra toà án quân sự, tôi nhất định không rút, vì binh sĩ và xác chết còn kẹt ở đây. Rồi bảo Đình phụ nạp đạn, tôi đứng nơi vách đất, vừa nhắm bắn vừa điều động cả 3 trung đội. Minh và Khải thấy tôi la hét “Xung phong” cũng phụ giúp đốc thúc binh sĩ mình. Dựa vào vách đất, tôi có thể quan sát rõ địch đang núp từng chòm mả một; hễ tên nào ló đầu lên, tôi bắn ngay, khiến chúng hụp xuống. Nhờ vậy anh em ba trung đội cứ nhích lên dần. Có thể nói đây là trận để đời của tôi, vì hầu như đánh xáp lá cà với lực lượng chính qui, đông đảo quân số của địch. Tôi vừa thúc hối ba trung đội, bằng cách bắn dọa trên đầu họ, vừa hô xung phong, mà mỗi lần chỉ lên được vài bước.
Tôi và Đình cách cây thượng liên của địch khoảng mười lăm thước (chỉ 15 thước nên thấy đầu nòng súng địch rõ mồn một), trong khi đó binh sĩ 3 trung đội dàn dài bên trái, phía sau tôi khoảng 10 thước.
Các binh sĩ đang còn e ngại hỏa lực địch, thì đột nhiên Binh nhứt Nguyễn văn Ba, y tá đại đội, bò sát lên trước và hạ được tên xạ thủ thượng liên, Ba dơ cao súng địch, khiến đồng đội phấn khởi, đứng lên vừa bắn vừa hô xung phong, đuổi địch ra khỏi nghĩa địa. Ba kể lại, khi xạ thủ thượng liên thấy anh chĩa súng bất ngờ, vội đưa hai tay lên, Ba vì súng bị kẹt đạn (lại là y tá nên hơi lạng quạng), anh lính quýnh không dám cho y đầu hàng, sợ hắn biết rồi bóp cò thượng liên, vì thế mới ném lựu đạn để tự vệ. Binh sĩ đại đội lo thu lượm súng và xác của bạn cùng rất nhiều súng địch. Tám lọ, anh hề của đại đội, ôm một bó súng to, toàn AK-47 và B-40. Đột nhiên một tên bên kia đường,tựa gò mả bắn qua, tôi nghe một tiếng “Rẹt”, đáy quần bị bắn rách, rờ thấy “Hắn” còn nguyên, đùi bị rướm máu, nhưng chỉ trầy da. Tôi vừa bắn trả cầm chân vừa ra lệnh rút về BCH Tiểu đoàn. Thật là hú hồn, giằng co suốt buổi, tôi đã đứng bắn hàng trăm viên đạn AR-15, áo quần rách tả tơi, mà chỉ bị thương rách một chút xíu ở vành tai trái và bắp đùi phải!
Lúc về BCH, gặp Thiếu tá Nhã, Tiểu đoàn trưởng, ông vẫn giữ vẻ mặt nghiêm, nhưng không trách phạt vi lệnh mà còn bảo anh lính phục vụ kiếm khúc bánh mì cho tôi lót bụng. Còn anh Thành và anh Đỉnh thì cười kín đáo, tỏ ý hân hoan khuyến khích. Nhưng cũng nhờ cú “Bốc đồng” này, nên sau khi về Sàigòn, mặc dù thương tích đầy mình (bị thêm lần nữa tại Hồ Tỉnh Tâm, trong thành nội Huế, vào mùng mười Tết). Nghe tiếng điện thoại của anh Nguyễn Đình Bảo gọi :
-Tiểu đoàn định cho ông làm Đại đội trưởng ĐĐ91, thay thế thằng Mễ, vậy vô đây gấp để nhận bàn giao!
Tôi mừng rỡ trả lời :
– Tôi sẽ vô ngay, đích thân!
Vì lúc đó còn trẻ háo thắng, nên tôi rất vui mừng và chịu bỏ phép nghỉ bịnh, để nhận cái nhiệm vụ làm đại đội trưởng thực thụ của một binh chủng thiện chiến nầy.
Cũng nên nhắc lại một câu chuyện nhỏ về trường hợp đặc biệt của anh Thiện, bác sĩ tiểu đoàn. Đêm ba mươi Tết, anh được mấy bác sĩ bạn, làm ở bệnh viện Tiểu khu, mời tới nhà họ, để đón giao thừa cho có không khí đầm ấm của gia đình. Thấy anh nhậu đã say mèm, nên tài xế vội lấy xe Jeep cứu thương, chở về Bộ chỉ huy Tiểu đoàn. Dọc đường có đầy địch nằm phục kích sẵn hai bên, nhưng rất may là lúc đó họ chưa có lệnh đồng loạt tổng công kích, nên chúng không dám khai hỏa,sợ hỏng kế hoạch chung. Thật là hú vía nếu anh ở trể chừng một tiếng đồng hồ, thì chắc lãnh đủ!!
Sáng Mùng 3 Tết, thị xã Quảng Trị tổ chức tuyên dương công trạng bảo vệ thành phố của TĐ9ND, dân chúng đa số là người công giáo di cư năm 1954. Tinh thần chống cộng rất cao, họ đem nhiều quà tặng, nào bánh chưng, bánh tét, dưa món,…còn có cả vòng hoa nữa. Nhưng quý giá nhất là ở tấm lòng chân thật và lời cám ơn giản dị : …”Nhờ các “En”mà thành phố Quảng Trị không bị chi cả”…Phải, chúng tôi chiến đấu chỉ vì thế thôi:
“Sự Bình An Của Dân Chúng.” .( Còn Tiếp )
( TG, Trương Dưỡng. K20 )

No comments:

Post a Comment