Wednesday, May 3, 2017

VNCH 10 NGÀY CUỐI CÙNG :BỐI CẢNH TRƯỚC THÁNG 4-1975

VIỆT NAM CỘNG HÒA: BỐI CẢNH TRƯỚC THÁNG 4-1975
Những diễn biến đưa đến cuộc tổng tấn công của cộng sản Bắc Việt tại Miền Nam Việt Nam, từ tháng 3 năm 1975 cho đến ngày Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, thật ra đã khởi đầu từ Washington vào mùa Thu năm 1974, từ Mạc Tư Khoa vào cuối năm 1974, tại Hà Nội và tại Saigon cũng vào tháng 12 năm đó và cuối cùng xa hơn nữa là từ Bắc Kinh vào năm 1971.
Sau khi ký Hiệp Định Paris vào cuối tháng 1 năm 1973, Hà Nội đã nhiều lần xin Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa gia tăng viện trơ quân sự nhưng đã bị cả hai quốc gia cộng sản đàn anh bác bỏ. Tuy nhiên một năm rưỡi sau đó thì tình hình hoàn toàn thay đổi, thuận lợi nhiều hơn cho Bắc Việt, chỉ vì một sự kiện chẳng có dính dáng gì đến Việt Nam mà chỉ có liên hệ đến người Nga gốc Do Thái.
Trước khi trở thành Ngoại Trưởng, trong thời gian còn giữ chức Phụ Tá về An Ninh Quốc Gia cho Tổng Thống Nixon, Tiến Sĩ Henry Kissinger đã mở nhiều cuộc thương thuyết nhằm giảm bớt căng thẳng (détente) trong bang giao Mỹ-Liên Xô và cũng nhằm lấy cảm tình với Liên Xô để nhờ đó, đại cường cộng sản nầy có thể gây áp lực với Hà Nội nhằm tiến đến việc ký kết hiệp ước mang lại hòa bình, cho người Mỹ, tại Việt Nam. Với mục tiêu đó, Kissinger đã hứa hẹn với các nhà lãnh đạo Nga Xô rằng Hoa Kỳ sẽ cho Liên Xô được hưởng quy chế tối-huệ-quốc (most-favored nation) và nếu được hưởng quy chế nầy, Liên Xô có thể mở rộng giao thương với Hoa Kỳ và Tây Phương, một mục tiêu mà Liên Xô đang cấp bách tìm cách thực hiện để cứu vãn nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đang trên đà kiệt quệ.
Để đáp lại thiện chí nầy, lãnh tụ Liên Xô Brezhnev đã áp lực với Hà Nội phải ngưng việc đòi hỏi phải loại bỏ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu như là một trong những điều kiện căn bản để ký kết Hiệp Định Paris và sau khi Hiệp Định Paris được ký kết vào đầu năm 1973, mặc dù cộng sản Bắc Việt đã nhiều lần khẩn thiết yêu cầu, Liên Xô chỉ viện trợ kinh tế và đã từ khước không chịu gia tăng viện trợ quân sự cho cộng sản Hà Nội ví không muốn làm mất lòng Hoa Kỳ.
Vì lý do đó, kể từ sau Hiệp Định Ba Lê được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, tuy cộng sản Hà Nội cũng có trắng trơn vi phạm hiệp định rất nhiều lần, nhưng trong hai năm 1973 và 1974 không có trận đánh quan trọng nào xảy ra tại Miền Nam ngoài những trận đụng độ trong chiến dịch chiếm đất dành dân giữa hai bên và các trận Cửa Việt, Sa Huỳnh, Hồng Ngự, Trung Nghĩa và Tống Lê Chân… Đến cuối 1973, cộng sản khởi sự các chiến dịch triệt hạ các tiền đồn và căn cứ ở những vùng hẻo lánh của Việt Nam Cộng Hòa: Căn cứ Lê Minh (Plei D’jerng) là căn cứ đầu tiên bị thất thủ vào tháng 9 năm 1973, tiếp theo là căn cứ Ngọc Bảy, căn cứ Dak Song, và Kiến Đức căn cứ Núi Bạch Mã, Gia Vực, Minh Long bị tràn ngập và căn cứ Tống Lê Chân bị di tản vì không chịu nổi sự bao vây và pháo kích hơn 10.000 đạn đại bác của cộng sản chỉ trong vòng 4 tháng trời. Trận quan trọng nhất là trận Thường Đức ở Quảng Nam còn được gọi là Đồi 1062, nơi mà 2 Lữ Đoàn 1 và 2 Nhảy Dù đã chiến đấu chống lại các trung đoàn 29, 31 và 66 thuộc sư đoàn 2, 324B và 304 của cộng sản Bắc Việt. Trong trận nầy, về phía cộng sản có 2000 người chết, 5000 bị thương và về phía Việt Nam Cộng Hòa thì 500 Nhảy Dù bị tử thương, hai ngàn bị thương.
Đối với người Mỹ thì Hiệp Định Ba Lê đã mang lại hòa bình cho họ, nhưng đối với Miền Nam Việt Nam thì cái gọi là “Hiệp Định Về Chấm Dứt Chiến Tranh, Lập Lại Hòa Bình ở Việt Nam ngày 27 tháng 1 năm 1973″ (danh từ do chính Lưu văn Lợi, trợ lý của Lê Đức Thọ tại hội nghị Ba Lê dùng trong cuốn sách của ông ta) thì lại chẳng thấy hòa bình đâu cả. Theo tài liệu của Đại Tướng Cao Văn Viên thì vào năm 1972, kể cả cuộc “Tiến công Xuân Hè 1972″ tức Mùa Hè Đỏ Lửa thì tại Miền Nam có tất cả 2.072 vụ tấn công, tuy nhiên sau khi Hiệp Định Ba Lê được ký kết thì trong năm 1973 có đến 2.980 vụ tấn công, tức đã gia tăng trên 30 phần trăm.
Về phía việt cộng thì ngày 6 tháng 4 năm 1973, Ủy Ban Tố Cáo Tội Ác Chiến Tranh của họ đã tố cáo rằng “trong thời gian 2 tháng từ 28 tháng 1 đến 28 tháng 2 năm 1973, chính quyền Saigon đã vi phạm hiệp định Paris 7 vạn (70.000) lần…”
Trong cuốn hồi ký “Kết Thúc Cuốc Chiến Tranh 30 Năm” Trần Văn Trà tiết lộ về thời gian “hòa bình” nầy: “Kết quả cụ thể riêng một đợt từ tháng 12 năm 1974 đến tháng 2 năm 1975, ta giải phóng hoàn toàn một Tỉnh, 4 Huyện, đã phá hủy 108 máy bay, 110 chiếc tàu, tiêu diệt 56.315 tên địch…” Những con số nầy là những con số không đúng sự thật vì từ tháng 12 năm 1974 cho đến tháng 2 năm 1975 thì Việt Nam Cộng Hòa chỉ mất 1 Tỉnh Phước Long với số tổn thất khoảng 4.000 người thương vong và mất tích (theo Tướng Cao Văn Viên trong The Final Collapse), ngoài ra trong toàn quốc không hề có một trận đánh lớn nào trong suốt khoảng thời gian đó, làm sao mà Trần Văn Trà lại có thể “tiêu diệt” được 56.315 “tên địch” tức là quân số trên 5 Sư Đoàn!?
Tóm lại trong hai năm 1973 và 1974, sau Hiệp Định Ba Lê được ký kết thì đối với người Mỹ, họ đã có “hòa bình trong danh dự”, đối với miến Bắc thì họ cũng có hòa bình vì không bị phi cơ Mỹ oanh tạc, nhưng đối với người Việt Nam tại Nam Việt Nam thì vẫn không hề có hòa bình, tuy nhiên cũng không có trận đánh lớn nào xảy ra.
TỪ HÀ NỘI
Vào khoảng cuối năm 1974, Bộ Tư Lệnh Quân Đội Nhân Dân Bắc Việt đã soạn thảo một kế hoạch quân sự cho năm 1975, theo kế hoạch nầy thì các lực lượng cộng sản sẽ gia tăng đánh phá các chiến trường B2, B3 và B4 (ghi chú: Theo giải thích của Tướng cộng sản Trần Văn Trà trong hồi ký “Những Chặng Dường Lịch Sử của B2 Thành Đồng” thì B1 là ký hiệu của vùng đất từ Quảng Nam vào đến Nha Trang, B3 là vùng Cao Nguyên, B4 là vùng Quảng Trị Thừa Thiên và B2 là vùng đất rộng lớn từ Darlac, Lâm Đồng, Phan Rang vào tới Mũi Cà Mâu, trang 9) để chiếm các tiền đồn, các Quận lỵ hẻo lánh, cô lập các lực lượng của Việt Nam Cộng Hòa rồi sang năm 1976, khi tại Hoa Kỳ đang diễn ra cuộc bầu cử Tổng Thống và tháng 11 thì cộng sản Bắc Việt sẽ mở các cuộc tổng tấn công chiếm trọn Miền Nam. Kế hoạch nầy đã được các cấp lãnh đạo của đảng lao động Việt Nam như Lê Duẫn, Lê Đức Thọ, Phạm văn Đồng và Quân Ủy Trung Ương chấp thuận trên nguyên tắc, tuy nhiên giới lãnh đạo đảng muốn đưa dự án kế hoạch nầy vào thảo luận trước phiên họp khoáng đại lần thứ 23 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam vào ngày 18 tháng 12 năm 1974 để đại hội phê chuẩn.
Kế Hoạch Quân Sự 1975 của Hà Nội: Chỉ Đánh Đồng Bằng, Phá Bình Định.
Trong bức thư gởi cho “anh Bảy Cường” tức Phạm Hùng, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Bí Thư Đảng Ủy Trung Ương Miền Nam mà người Mỹ gọi là COSVN, ngày 10 tháng 10 năm 1974, Tổng Bí Thư Lê Duẫn nói rằng:
Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng đã họp bàn nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước trong hai năm 1975-1976. Hội nghị bắt đầu ngày 30 tháng 9 năm 1974 và đến ngày 8 tháng 10 năm 1974 thì tạm dừng, chớ anh và một số ở chiến trường ra (BVCV: ???). Để kết thúc đợt thảo luận đó, tôi đã phát biểu một số ý kiến. Văn phòng Bộ Tổng Tham Mưu đã ghi và tôi đã xem lại, nay gởi đến anh để nghiên cứu trước khi Bộ Chính Trị họp tiếp.
Quyết tâm của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tấn công và nổi dây cuối cùng đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn quân ngụy, đánh chiếm Saigon, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở trung ương và các cấp, dành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng toàn bộ Miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất đất nước nhà. Ngay từ giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975­1976 (ghi chú: Đảng cộng sản Việt Nam: Đại Thắng Mùa Xuân 1975 Văn Kiện Đảng. Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2005, từ nay sẽ gọi “Văn Kiện Đảng” trang 17-20)
Trong hồi ký của ông, Trần Văn Trà cho biết rằng sau khi gởi chỉ thị cho Phạm Hùng và Trần Văn Trà phải ra Hà Nội để dự hội nghị Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng thì ít lâu sau, Bộ Chính Trị thay đổi ý kiến vì họ muốn hai người nầy phải ở lại Miền Nam để thi hành những chỉ thị của Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương, do đó vào tháng 11 năm 1974, họ đã cho một cán bộ tên là Hai Nhã đang dưỡng bệnh tại Hà Nội, mang chỉ thị về Miền Nam cho Phạm Hùng và Trần Văn Trà.
Trần Văn Trà cho biết rằng Hai Nhã đến gặp Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham Mưu Trưởng và Lê Ngọc Hiền, hait ướng nầy đã nói rõ từng chi tiết cho Hai Nhã để người nầy mang vào Miền Nam. Sau đó Hai Nhã được lệnh đến trình diện Văn Tiến Dũng tại Quân Ủy Trung Ương và khi Văn Tiến Dũng hỏi Hai Nhã đã nắm rõ nhiệm vụ chưa thì Hai Nhã trả lời như sau:
“Tôi phải về ngay mang chỉ thị của Bộ Chính Trị về cho B2, anh Hùng và anh Trà khỏi ra Bắc nữa: Năm 1975 không đánh lớn, chỉ lo đánh phá bình định ở đồng bằng Sông Cửu Long. Ở miền Đông, chủ lực không đánh lớn, B2 định đánh Đồng Xoài, Phước Long nhưng Bộ không đồng ý mà chỉ cho đánh nhỏ, giải quyết một số điểm nhỏ trên đường Quốc Lộ 14 thôi. Năm nay đánh nhỏ, giải quyết là để tích lực lượng chờ đợi thời cơ. Không sử dụng xe tăng, pháo lớn nếu không được Bộ Tổng Tham Mưu duyệt từng trường hợp.”
Nghe xong, Văn Tiến Dũng nói thêm:
“Anh hiểu như vậy là đúng rồi! Phải giữ lực lượng chờ thời cơ. Năm nay chỉ đánh ở đồng bằng, phá bình định. Đạn dược nhất là pháo lớn ta còn kém lắm. Không nên đánh lớn rồi khi có thời cơ không có lực lượng mà đánh. Anh phải hiểu rằng cán Bộ Tham Mưu như các anh phải có trách nhiệm để đạt ý với Tư Lệnh, chứ không phải chỉ có Tư Lệnh chịu trách nhiệm đâu. Như vậy là anh quán triệt được ý kiến cấp trên rồi. Nhưng tôi sẽ viết điện y như nội dung nầy để anh Ba (Lê Duẫn) ký gởi trước vào trong ấy” (ghi chú: Trần Văn Trà: Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm, Nhà xuất bản Văn Nghệ, Saigon, 1982, trang 172-174)
Phạm Hùng không nhận được công điện nầy nên ông ta cùng Trần Văn Trà lên đường và giữa đường cũng không gặp Hai Nhã cho nên cả hai đến Hà Nội vào khoảng giữa tháng 11.
Tại Hà Nội hai ông được Tướng Lê Ngọc Hiền, phụ trách tác chiến thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Bắc Việt cho biết kế hoạch quân sự trong năm 1975 tại Miền Nam đã được quyết định như sau:
Năm 1975 sẽ chia làm 3 đợt:
– Đợt 1 từ tháng 12 năm 1974 đến tháng 2 năm 1975. Đợt nầy chỉ B2 hoạt động vì B2 đã có kế hoạch sẵn.
– Đợt 2 là đợt toàn Miền từ tháng 3 đến tháng 6.
– Đợt 3 từ tháng 8 trở đi là đợt hoạt động nhỏ để chuẩn bị cho năm 1976.
Ngày 18 tháng 12 năm 1974, cuộc họp giữa Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương cùng với sự hiện diện của các Tư Lệnh chiến trường trong đó có Phạm Hùng và Trần Văn Trà, Tư Lệnh Quân Sự B2 tức Miền Nam, đã khai mạc ở Hà Nội. Trần Văn Trà cho biết:
Sau khi các chiến trường báo cáo, đồng chí Lê Ngọc Hiền thay mặt Bộ Tổng Tham Mưu trình bày dự kiến của Bộ về kế hoạch hoạt động của năm 1975.
Kế hoạch dự kiến về xây dựng lực lượng ta trong năm về mở các hành lang thông suốt, về dự trữ vật chất, hậu cần ở các hướng. Năm 1975 phải hoàn thành mọi công tác chuẩn bị thật tốt để đảm bảo đánh lớn, tổng công kích, tổng khởi nghĩa thắng lợi trong năm 1976.
Đồng chí báo cáo cụ thể về các lực lượng quân sự của ta hiện nay ở các chiến trường và ở Trung Ương. Số lượng binh khí kỹ thuật và đạn dược đang có ở các nơi và số dự trữ. Dự kiến phân chia việc sử dụng các loại ở chiến trường trong hai năm. Riêng về số lượng đạn cỡ lớn, đồng chí báo cáo: Số lượng còn lại phía trước và phía sau tổng cộng là 100% sẽ sử dụng: Hơn 10% trong năm 1975, 45% trong năm 1976, còn lại là dự trữ gần 45% …
Tất cả xoay quanh nhận định đánh phá bình định trong, ngoài nước. Ta đánh mạnh, ngụy sẽ ứng phó thế nào ? Mỹ sẽ hành động ra sao ? Có dám can thiệp trở lại không hay có những âm mưu thủ đoạn nào khác ? Phương pháp cách mạng thế nào là đúng nhất? Các bước đi trong hai năm (1975) và (1976) nên bước thế nào cho kịp và cho vững. Năm 1975 nên thế nào ? Và rồi 1976 ? Hai năm cuối cùng của 30 năm khổ cực thì sao thấy nó nhanh quá, sắp đến nơi rồi.
Khi kết luận hội nghị, anh Ba (Lê Duẫn) đã nói: “Chuẩn bị hai năm tuy ngắn đấy nhưng cũng có khi dài đấy”. Và khi phát biểu, anh Phạm văn Đồng nói: “Lúc nào là thời điểm sụp đổ của Ngụy? Không phải chờ đến năm 1976 đâu, có thể nhanh, không phải dần dần đâu”. Và anh Võ cũng như nhiều anh khác nhấn mạnh: Trong hai năm 1975-1976 là đúng. Nhưng kế hoạch cần đề phòng sớm hơn, trong năm 1975 và cả tình huống kéo dài qua năm 1977. Như vậy mới chủ động vững vàng (ghi chú: Trần Văn Trà, Sách đã dẫn, trang 172-187)
Như vậy thì vào cuối năm 1974, Bộ Chính Trị của Đảng Lao Động đã chấp thuận kế hoạch quân sự tại Miền Nam cho năm 1975 là chỉ tấn công những mục tiêu lẻ tẻ để chiếm đất dành dân, làm tiêu hao Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với 10% vũ khí dự trữ và sang đến cuối năm 1976, khi có cuộc bầu cử Tổng Thống diễn ra tại Hoa Kỳ thì họ sẽ tổng tấn công để chiếm Miền Nam.
Trong những phiên họp nầy, đại diện của Trung Ương Cục Miền Nam đã đưa ra đề nghị tấn công và chiếm đóng Tỉnh Phước Long nhắm vào hai mục đích: Về quân sự, khi tấn công Phước Long thì việt cộng sẽ chiếm được 5 tiền đồn quan trọng, sẽ thiết lập con đường chiến lược cho các chiến xa, cơ giới, trọng pháo, xe chở nhiên liệu và binh sĩ từ vùng phi quân sự di chuyển thẳng xuống miền Đông Nam Phần tức lãnh thổ Vùng 3 Chiến Thuật của Việt Nam Cộng Hòa một cách dễ dàng. Cuộc tấn công nầy sẽ cầm chân các đơn vị Tổng Trừ Bị của Việt Nam Cộng Hòa và do đó sẽ không còn quân để tiếp viện cho những chiến trường khác. Về phương diện chính trị, nếu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu để mất Tỉnh Phước Long thì ông sẽ mất rất nhiều uy tín tại Miền Nam vì đã không bảo vệ được lập trường cứng rắn “4 không” của ông và quan trọng hơn cả là để xem Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào khi cộng sản lần đầu tiên chiếm được một Tỉnh tại Miền Nam Việt Nam, nhất là sau khi Tổng Thống Richard Nixon phải từ chức vì vụ Watergate và Tổng Thống Gerald Ford lên thay thế.
Đề nghị của Phạm Hùng và Trần Văn Trà ban đầu đã không được các cấp lãnh đạo trong quân đội Bắc Việt ủng hộ và một trong những người chống đối mạnh nhất lại chính là Thượng Tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội nhân dân Bắc Việt. Lý do mà lúc đầu Tướng Văn Tiến Dũng đã kịch liệt chống lại Trung Ương Cục Miền Nam là vì chính Bộ Tư Lệnh Quân Đội Nhân Dân Bắc Việt của Văn Tiến Dũng đã soạn thảo một kế hoạch quân sự cho năm 1975 tại Miền Nam rồi và kế hoạch nầy đã được các cấp lãnh đạo của đảng chấp thuận, do đó mà Bộ Tham Mưu của ông ta không muốn phải sửa đổi lại kế hoạch nầy để soạn một kế hoạch mới cho cấp dưới tức là Trung Ương Cục Miền Nam đề nghị.
Chính Lê Đức Thọ, nhân vật số 2 trong Bộ Chính Trị của Đảng Lao Động cũng chống lại kế hoạch nầy. Lê Đức Thọ đã nói với Phạm Hùng và Trần Văn Trà một cách rất ngoại giao rằng: Các tài nguyên nhân sự, vũ khí và trang bị cần phải được bảo tồn để dành cho cuộc tổng tấn công tối hậu (được dự liệu vào năm 1976) vì Liên Xô vẫn còn tiếp tục kiểm soát và hạn chế mọi vận chuyển về chiến cụ cho chúng ta. Tình hình ở ngoại quốc rất là phức tạp, do đó chúng ta phải giới hạn các hoạt động quân sự trong năm 1975 (ghi chú: Lark Dougan, David Fulghum: The Vietnam Experience: The Fall of the Suoth, Boston Publishing Company, 1985, trang 16)
TỪ MẠC TƯ KHOA
Gia Tăng Viện Trợ Gấp 4 Lần.
Trong khi hai đại diện của Trung Ương Cục Miền Nam đang vận động cho kế hoạch tấn công Tỉnh Phước Long trong tháng 12 năm 1974 thì ngày 18 tháng, phiên họp khoáng đại kỳ thứ 23 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam đã khai mạc để thảo luận về các kế hoạch quân sự tại Miền Nam trong năm 1975. Một nhân vật ngoại quốc bất ngờ xuất hiện trong phiên họp khoáng đại nầy, đó là Đại Tướng Victro Kulikove, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng kiêm Tư Lệnh Hồng Quân Liên Bang Xô Viết mới từ Mạc Tư Khoa đến Hà Nội.
Như đã nói ở trên, vào giữa năm 1974, sau khi lên làm Ngoại Trưởng, ông Kissinger đã thực hiện lời hứa hẹn với Liên Xô hồi năm 1972, đã vận động với Quốc Hội Mỹ cho Liên Xô được hưởng “tối-huệ-quốc” (most-favored nation) và dự luật nầy đã được Hạ Viện thông qua. Nhưng khi bản dự luật nầy được đưa lên Thượng Viện vào mùa Thu năm 1974 thì Thượng Nghị Sĩ Henry Jackson thuộc Đảng Dân Chủ Tiểu Bang Washington, một Nghị Sĩ thuộc phe “diều hâu” tức là phe ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng ông nầy lại không ưa Tiến Sĩ Henry Kissinger, ông là một trong những Nghị Sĩ đang hy vọng ra ứng cử Tổng Thống vào năm 1976 cho nên vì muốn chiếm được cảm tình của cử tri cũng như khối tài phiệt Do Thái, đã kèm vào dự luật nầy một tu chính án (amendment) liên kết việc thông qua dự luật với điều kiện Liên Xô phải có một chính sách cởi mở hơn trong việc cho phép công dân Liên Xô gốc Do Thái được di dân sang Tây Phương và cứu xét vấn đề nầy một cách dễ dãi hơn. Dự luật nầy về sau được gọi là “tu chính án Vanix-Jackson” và trong thập niên 1990, chính Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại đã vận động Quốc Hội Mỹ áp để dụng chính án nầy nhằm chống đối việc bãi bỏ cấm vận cũng như là ký kết thương ước giữa Hoa Kỳ và cộng sản Việt Nam.
Cũng trong thời gian đó, nhiều Nghị Sĩ khác đã kèm theo nhiều tu chính khác vào bản Hiệp Ước Thương Mại 1974 (the Trade Act of 1974) với Liên Bang Xô Viết nhằm giới hạn việc cho Liên Xô vay nhiều món nợ khác nếu không dành sự dễ dãi cho người Nga gốc Do Thái trong việc di dân sang nước Do Thái. Mạc Tư Khoa kịch liệt phản đối và Ngoại Trưởng Kissinger đã nhiều lần cảnh cáo rằng nếu Quốc Hội thêm vào những tu chính như vậy thì sẽ bị Liên Xô xem là can thiệp vào nội tình của quốc gia họ và sẽ gây ra không có lợi cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên cho đến tháng 12 năm 1974 thì Quốc Hội cũng không nhượng bộ những sự vận động từ phía hành pháp và dự luật về thương mại có kèm theo nhiều tu chính bất lợi cho Liên Xô đã được đa số trong cả Hạ lẫn Thượng Nghị Viện thông qua.
Sự can thiệp của Quốc Hội vào việc thi hành chính sách đối ngoại đã trở thành một trong những mối quan ngại của Tổng Thống Hoa Kỳ Gerald Ford vì ông Ford biết rằng những sự hạn chế của Quốc Hội sẽ làm cho Liên Xô bất bình và vì thế có thể đưa đến những hậu quả tiêu cực trong các lãnh vực khác.
Trong bản Thông Điệp Về Tình Trạng Liên Bang (State of the Union) đọc được trước Quốc Hội vào tháng Giêng năm 1975, Tổng Thống Gerald Ford đã có đề cập đến những trở ngại và khó khăn trong lãnh vực đối ngoại do những biện pháp của Quốc Hội gây ra:
Chúng ta đang gặp phải những khó khăn vô cùng nghiêm trọng mà muốn giải quyết thì cần phải có sự cộng tác giữa Tổng Thống và Quốc Hội. Theo Hiến Pháp và cũng theo truyền thống chính trị của Hoa Kỳ thì việc thi hành các chính sách và đường lối về đối ngoại là trách nhiệm của Tổng Thống.
Nếu muốn cho chính sách đối ngoại được thành công, chúng ta không nên dùng những đạo luật để giới hạn một cách quá cứng rắn những khả năng mà Tổng Thống có thể hành động. Việc theo đuổi những sự thương thuyết sẽ không thích hợp nếu có những sự hạn chế như vậy. Những giới hạn bởi các luật tu chính dù rằng được nhắm vào những mục đích và mục tiêu tốt đẹp nhất cũng có thể đi đến những hậu quả rất xấu như trong trường hợp mà chúng ta được chứng kiến gần đây trong lãnh vực giao thương với Liên Bang Xô Viết (ghi chú: President Gerald R. Ford: Address before a Joint Sesion of Congress on the State of the Union, Washington DC. January 15,1975)
Dù rằng cho đến ngày 3 tháng 1 năm 1975 bản dự luật nầy mới được Tổng Thống Gerald Ford ban hành nhưng về phía Liên Xô thì họ biểu lộ cho thấy họ không thể chấp nhận được việc các Nghị Sĩ và Dân Biểu Hoa Kỳ đã can thiệp vào việc nội chính của Liên Bang Xô Viết, do đó giới lãnh dạo Liên Xô đã nổi giận và tìm cách trả đủa bằng cách “phá” Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Liên Xô phản đối mạnh mẽ đạo luật nầy, họ nói rằng sự “liên kết” (likage) giữa thương mại với vấn đề di dân của người Nga gốc Do Thái là đã vi phạm những sự hứa hẹn của Tiến Sĩ Kissinger. Hãng Thông Tấn Xã Tass của Liên Xô lên tiếng cảnh cáo rằng người Nga sẽ có sự “trả đũa”, họ không nói trả đũa như thế nào, nhưng một tuần sau đó thì Đại Sứ Liên Xô tại Washington đã bị triệu hồi về nước để “tham khảo”, đồng thời Đại Tướng Viktor Kulikov cũng bất thần được Điện Cẩm Linh phái sang Bắc Việt.
Tướng Viktor Kulikov đến Hà Nội vào tháng 12 năm 1974, trên danh nghĩa là tư cách đại diện cho Hồng Quân Xô Viết tham dự lễ Kỷ Niệm 30 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, tuy nhiên sau đó đã tham dự phiên họp khoáng đại kỳ thứ 33 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam. Căn cứ vào sự phân tích của cơ quan Tình Báo KGB và cơ quan Quân Báo GRU về tình hình chính trị tại Hoa Kỳ sau khi Tổng Thống Richard Nixon bị áp lực phải từ chức, Tướng Kulikov nói với các lãnh đạo đảng cộng sản và quân đội Bắc Việt rằng Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ sẽ không chấp thuận thêm viện trợ kinh tế cũng như là quân sự cho Miền Nam Việt Nam nữa, như vậy đây là lúc thuận lợi nhất để mở cuộc tấn công đại quy mô tại Miền Nam và Liên Xô cam kết sẽ ủng hộ kế hoạch tấn công nầy bằng cách tích cực gia tăng viện trợ quân sự cho Bắc Việt.
Sau khi Kulikov trở về Mạc Tư Khoa, Liên Xô đã thực hiện lời hứa của Kulikov và viện trợ quân sự cho Bắc Việt đã gia tăng gấp 4 lần trong những tháng giêng, hai và ba năm 1975. Tướng việt cộng Trần Văn Trà cho biết rằng “Do quyết tâm giành thắng lợi lớn hơn của năm nay tạo điều kiện sắp tới nên các anh có điều chỉnh kế hoạch chi viện. Đã đồng ý cho ta (Miền Nam) năm 75 đúng như ta xin là 27.000 tấn chứ không phải 11.000 tấn như đã thông báo trước đây” (ghi chú: Trần Văn Trà: Sách đã dẫn, trang 180)
Trong khi đó, vì Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ, các đơn vị Quân Đội của Việt Nam Cộng Hòa lại lâm vào cảnh thiếu hụt trầm trọng về vũ khí, đạn dược, nhiên liệu, phương tiện và nhất là phụ tùng cho các loại chiến xa, xe vận tải, máy bay và tàu bè v.v. Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết rằng Quân Đội đã áp dụng những biện pháp tiết kiệm, chẳng hạn như trong toàn quốc, Không Quân chỉ sử dụng từ 4 đến 8 chiếc phi cơ C-130 trong tổng số 32 chiếc mỗi ngày, các hoạt động của Hải Quân bị cắt giảm chỉ còn 28 phần trăm, 600 giang thuyền bị giải tán, khoảng 4.000 xe vận tải không sử dụng được vì thiếu đồ phụ tùng và riêng số đạn dược thì phải giảm từ 73.356 tấn hàng tháng vào năm 1973 nay chỉ còn khoảng 19.808 tấn hàng tháng trong 8 tháng đầu tài khóa 1975 (từ tháng 7 năm 1974 đến tháng 2 năm 1975), tức là giảm đến mức hai phần ba.
Không những chỉ gia tăng viện trợ vũ khí đạn dược, Liên Xô còn cung cấp những tin tức tình báo bằng vệ tinh cho quân đội cộng sản tại Miền Nam. Ngày 16 tháng 4 năm 1975, Liên Xô phóng vệ tinh từ căn cứ Plessetsk với phương giác (góc độ) 65 độ và 8 ngày sau đó lại phóng thêm một vệ tinh thứ 2 với phương giác 80 độ và cả hai vệ tinh nầy đã quan sát được mọi hoạt động trên toàn cõi Việt Nam. Đây là loại vệ tinh mới nhất của Liên Xô có đủ khả năng chụp được những bức không ảnh với hình ảnh những xe cộ và chiến xa rất rõ ràng. Từ Mạc Tư Khoa, những bức không ảnh nầy được chuyển sang Hà Nội trong vòng vài tiếng đồng hồ sau đó và Hà Nội lại chuyển vào Nam cho Tướng Văn Tiến Dũng, nhờ đó cộng sản Bắc Việt biết rõ họ đang phải đối đầu với quân số và đơn vị ở cấp nào trên chiến trường tại Miền Nam Việt Nam.
Sự hiện diện của Tướng Viktor Kulikov cũng không tránh được sự quan sát của các cơ quan Tình Báo của Hoa Kỳ tại Việt Nam và ông Wolfgang Lehmann, Xử Lý Thường Vụ Đại Sứ Hoa Kỳ tại Saigon đã đánh một công điện “mật” về Hoa Thịnh Đốn tường trình vụ nầy. Ngoài việc báo cáo sự hiện diện của Tướng Viktor Kulikov tại Hà Nội mà ông Lehmann nói rằng ông tướng Hồng Quân Liên Xô nầy không phải sang Hà Nội để chúc mừng Giáng Sinh. Bức điện văn của ông Lehmann còn lưu ý và nhắc nhở một sự trùng hợp tương tự về sự hiện diện của Nicolai Pogorny, Chủ Tịch Nhà Nước và Pavel Batitsky, Thứ Trưởng Quốc Phòng Liên Xô tại Hà Nội vào cuối năm 1971 và sau đó Liên Xô đã gia tăng viện trợ quân sự cho Hà Nội để mở các cuộc tấn công vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Tuy nhiên tại Hoa Thịnh Đốn lúc đó, không có ai chú ý đến bức điện văn nầy của viên Xử Lý Thường Vụ Đại Sứ Hoa Kỳ tại Miền Nam Việt Nam gửi về từ Saigon.
Ngoài điện văn của ông Lehmann, Trưởng Văn Phòng CIA ở Saigon là Thomas Polga và Phụ Tá của ông là Frank Nepp cũng gửi một điện văn báo động về việc nầy với CIA ở Washington. Frank Nepp cho biết điện văn nầy lưu ý đến việc các nhân vật trọng yếu Liên Xô viếng thăm Hà Nội vào cuối năm 1971 đã đưa đến việc cộng sản mở cuộc tổng tấn công vào mùa Hè 1972 và báo động với Washington rằng sự viếng thăm nầy cũng có thể đưa đến những diễn tiến tương tự như hồi 1972.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger cũng có biết đến cuộc viếng thăm nầy và ông cũng ghi lại như sau:
Sự quyết tâm của Hà Nội trong nỗ lực gia tăng áp lực quân sự tại Miền Nam lại được một sự hậu thuẫn bất ngờ do ở sự thay đổi chính sách hiển nhiên của Liên Xô. Vào cuối năm 1974, lần đầu tiên sau ngày Hiệp Định Paris được ký kết, một nhân vật cao cấp của Liên Xô bất thần đến viếng thăm Hà Nội. Cuộc viếng thăm nầy không phải là một cuộc viếng thăm xã giao thường lệ. Tướng Viktor Kulikov, Tổng Tham Mưu Trưởng Hồng Quân Liên Xô đã đích thân đến tham dự những cuộc thảo luận về chiến lược của Bộ Chính Trị Đảng Lao Dộng Việt Nam, cũng như lần trước đây, một phái đoàn như vậy đã đến thăm Hà Nội vào năm 1971 trước khi Bắc Việt mở các cuộc tổng tấn công vào mùa Hè 1972.
Chúng ta không thể nào biết rõ được Liên Xô đã cố vấn cho Hà Nội như thế nào, nhưng mà sau đó dường như rằng là Liên Xô đã bãi bỏ một số hạn chế trước đây: Viện trợ về vũ khí chiến cụ cho Bắc Việt đã gia tăng gấp 4 lần trong những tháng kế tiếp. Cho đến khi nào mà văn khố Liên Xô được giải mật thì chúng ta cũng không thể nào rõ được mục tiêu của Liên Xô lúc đó là gì ? Có phải chăng họ đã hành động như vậy để trả đũa những sự công kích của Quốc Hội Hoa Kỳ qua tu chính án Jackson và Thỏa Ước Vladivosstok mà Tổng Thống Geral Ford vừa ký kết với Tổng Bí Thư Brezhhnev, hay là việc đó chỉ là chính sách chiến lược của Liên Xô ủng hộ cho Bắc Việt ?
Dù câu trả lời thế nào đi chăng nữa thì đó là một điều vô cùng rõ ràng là Liên Xô đang khuyến khích Hà Nội gây hấn tại Miền Nam Việt Nam”(ghi chú: Henry Kissinger: Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, New York 2003, trang 500­501)
TỪ WASHINGTON
Cắt Giảm Viện Trợ Cho Việt Nam Cộng Hòa
Thực ra thì chẳng cần phải nhờ tới cơ quan Tình Báo KGB mới biết được chiều hướng chính trị đang trên đà giải kết tức là bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ. Trong bộ sách The Vietnam Experience, cuốn “The Fall of the South”, các tác giả bộ sách nầy đã nói rằng:
Các cấp lãnh đạo cộng sản chỉ cần đọc báo chí Tây Phương cũng đủ biết rõ về sự suy giảm trong vấn đề viện trợ cho Miền Nam Việt Nam, cả về số tiền viện trợ cũng như là thăm dò dư luận. Ngày 22 tháng 5 năm 1974, Hạ Viện biểu quyết không được tăng số tiền viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa trong tài khóa 1974­1975 quá mức 1.126 triệu Mỹ kim dù rằng Ủy Ban Quân Vụ Hạ Viện đã đề nghị 400 triệu. Sau đó, đến ngày 22 và 23 tháng 9 năm 1974, cả Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ lại biểu quyết cắt bớt thêm nữa và chỉ cấp cho Việt Nam Cộng Hòa có 700 triệu Mỹ kim mà thôi (tính luôn cả kinh phí dành cho việc chuyên chở từ Hoa Kỳ sang Việt Nam) vì công luận Hoa Kỳ không muốn nghe nói đến chiến tranh Việt Nam nữa. Sự sút giảm về viện trợ nầy đã đưa đến ảnh hưởng vô cùng sâu đậm cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vì nếu tính thêm vào sự mất giá của đồng Mỹ kim sau khi Tổng Thống Richard Nixon “thả nổi” đồng dollar và giá nhiên liệu, cũng như là tất cả các hàng hóa khác trên thị trường thế giới gia tăng sau cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào năm 1973 thì con số viện trợ khiêm tốn nầy chẳng còn bao nhiêu (ghi chú: The Vietnam Experience: The Fall of The South, trang 11)
Người biết rõ nhất về vấn đề viện trợ quân sự (military aids) cho Quân Đội của Miền Nam Việt Nam không ai khác hơn là Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa suốt từ năm 1965 cho đến tháng 4 năm 1975. Vào đầu năm 1974, chính ông đã được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị phải bay sang Washington để trình bày về tình hình quân sự đang nguy ngập vì những cuộc tấn công quân sự của cộng sản Bắc Việt và vận động với các viên chức trong Ngũ Giác Đài để họ ủng hộ và vận động với Quốc Hội Hoa Kỳ nhằm gia tăng hay ít ra là duy trì mức quân viện cho Việt Nam Cộng Hòa, tuy nhiên sứ mạng nầy đã không thành công.
Trong Chương 4 của cuốn The Final Collapse được xuất bản vào năm 1983 tại Hoa Kỳ, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên đã dành hầu hết một chương để trình bày rất rõ về “Sự Giảm Thiểu Quân Viện Của Hoa Kỳ” và những hậu quả vô cùng trầm trọng đối với các hoạt động của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong năm 1974 và những tháng đầu của năm 1975. Tướng Cao Văn Viên cho biết rõ ràng hơn về sự giảm thiểu quân sự quá nhiều nầy:
“Quốc Hội Hoa Kỳ phủ quyết tất cả ngân sách phụ trội và trong tài khóa 1975 họ chỉ cho 1 tỷ Mỹ kim, nhưng sau đó con số 1 tỷ chỉ còn 700 triệu. Ngân khoản 700 triệu nầy là kể luôn chi phí dành cho các hoạt động của Phòng Tùy Viên Quân Lực Hoa Kỳ (DAO). Con số chính thức về quân viện làm cho Quân Đội và dân chúng Miền Nam hốt hoảng. Sự cách biệt giữa quân viện yêu cầu và con số được chi viện cách nhau quá xa. Không có một sự tiết kiệm, giảm thiểu chi phí hay quản trị ngân quỹ nào có thể lấp đầy được khoảng cách dị biệt đó.
Ngày 2 tháng 1 năm 1975, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ xin Quốc Hội một ngân khoản phụ trội là 300 triệu Mỹ kim và ngân khoản nầy đã được Tổng Thống Ford nâng lên 722 triệu khi đề nghị nầy được đưa sang Quốc Hội ngày 11 tháng 4 năm 1975. Quốc Hội đã bác bỏ đề nghị nầy. Khi ngân khoản nầy bị Quốc Hội phủ quyết thì tình hình đã tuyệt vọng. Vận mệnh quốc gia đã được quyết định.
Với ngân khoản viện trợ là 700 triệu, trừ đi ngân khoản trả lương cho Quân Nhân Hoa Kỳ thuộc Văn Phòng DAO thì chỉ còn 654 triệu Mỹ kim, tức chỉ còn 51 phần trăm nhu cầu cần thiết. Hậu quả là hơn 200 phi cơ các loại tức khoảng 50 phần trăm của Không Quân bị đặt trong tình trạng bất khiển dụng, Hải Quân cũng bị giảm hơn 50 phần trăm và 600 giang thuyền bị “nằm ụ”, về phụ tùng quân cụ và súng đạn thì chỉ còn thay thế khoảng 27 phần trăm, hơn 4.000 quân xa do Quân Đội Hoa Kỳ chuyển giao lại sau 1975 thì không sử dụng được vì thiếu phụ tùng, nhiên liệu thì bị thiếu thốn và đến tháng 5 năm 1975, nếu không được viện trợ thêm thì Quân Đội sẽ không còn đủ nhiên liệu nữa. Về phía đạn dược thì từ tháng 7 năm 1974 cho đến tháng 2 năm 1975, Quân Đội chỉ xài khoảng 19.808 tấn đạn đủ loại, tức là chỉ có 27 phần trăm so với mức tiêu thụ đạn dược trước đây là 73.356 tấn mỗi tháng. Vào khoảng tháng 2 năm 1975, số đạn dược tồn kho của Quân Đội chỉ còn có khoảng 30 ngày, có nghĩa là nếu không được tăng viện thì cho đến hết tháng 3 năm 1975, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ không còn một viên đạn.
Đến giữa tháng 4 năm 1975, chúng ta đã xài hết quân dụng, vũ khí tồn kho vào việc tái trang bị cho các đơn vị di tản từ Vùng I và II. Đến giờ phút muộn màng đó, dù chúng ta có nhận được 300 trăm triệu Mỹ kim viện trợ quân sự bổ túc đi nữa thì tình hình cũng đã quá trễ”
Tướng Cao Văn Viên nhận xét thêm:
“Tin tức về việc Quốc Hội Hoa Kỳ bàn cãi, mức độ viện trợ, số tiền viện trợ thực sự được loan truyền rộng rãi và công khai trên báo chí, đài phát thanh và truyền hình. Với tin tức đó ta và địch biết được những khó khăn và trở ngại nào sẽ đến trong tương lai. Những tin tức đó đối với chúng ta là những lo âu, nhưng đối với quân thù thì lại là một cơ hội tốt vô cùng” [ Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Kỳ Phong dịch từ nguyên tác “The Final Collapse” (1983) Vietnam Bibliography, Virginia 2003, trang 83-93]
Tổng Thống Hoa Kỳ Gerald Ford và Ngoại Trưởng Kissinger cũng rất quan tâm đến ảnh hưởng của sự cắt giảm viện trợ đối với tinh thần của các Quân Nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong một phiên họp của Hội Đồng Nội Các tại Bạch Cung vào ngày 12 tháng 9 năm 1974, Tổng Thống Ford đã nói rằng:
“Tôi có thảo luận về vấn đề Quốc Hội cắt giảm viện trợ cách đây vài ngày. Thông thường thì khi đi tuần tiểu, mỗi người Quân Nhân (Việt Nam) mang theo 8 trái lựu đạn. Bây giờ thì anh ta chỉ còn mang được 2 quả. Điều nầy sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của anh như thế nào ? Tinh thần của họ dĩ nhiên là xuống giốc và điều đó ít nhất cũng đã làm cho tình hình tại Việt Nam càng ngày càng trở nên bất ổn hơn”
Ngoại Trưởng Kissingr tiếp lời:
“Đó là một cái vòng lẩn quẩn. Tình trạng tâm lý thì cũng quan trọng như quân sự. Cho đến tháng 6 (năm 1974) thì người lính Việt Nam Cộng Hòa cảm thấy tốt, không có gì phải lo ngại. Nhưng sau đó thì số đạn dược cấp cho họ bị cắt giảm và tinh thần của họ bị sa sút. Rồi thì họ phải bỏ rơi một vài tiền đồn và sau đó thì tinh thần của họ bị xuống giốc thêm nữa.
Chúng tôi nghĩ rằng Bắc Việt đang sắp sửa phải có một sự quyết định: Có nên chọn con đường tấn công Miền Nam bằng võ lực quân sự hay không ? Trước việc chúng ta cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa như hiện nay thì tôi nghĩ rằng chúng ta đang khuyến khích cho Bắc Việt chọn lựa con đường tổng tấn công bằng võ lực”
Về vấn đề quân sự, Tổng Thống Ford nói: “Tôi hy vọng rằng Việt Nam Cộng Hòa sẽ giữ nguyên quân số vì phe Bắc Việt không hề giảm quân của họ”
Ngoại Trưởng Kissinger:
“Trái lại, các lực lượng của cộng sản Bắc Việt đã gia tăng gấp 3 lần kể ngày ngưng chiến sau Hiệp Định Paris. Bắc Việt đã xây dựng một hệ thống xa lộ tối tân đến nỗi họ có thể chuyên chở vũ khí, chiến cụ và bộ đội từ Bắc vào Nam chỉ trong vòng một vài ngày. [Biên Bản Phiên Họp Hội Đồng Nội Các tại Bạch Cung, Washington DC ngày 12 tháng 9 năm 1974. Tài liệu “Mật” được giải mật ngày 10 tháng 1 năm 2000, hiện đang lưu trữ tại Viện Bảo Toàn và Thư Viện Gerald Ford tại Grand Rapids, Tiểu Bang Michigan]
Chiến thuật của người Mỹ cũng là chiến thuật mà người Mỹ đã huấn luyện cho Quân Đội Việt Nam là dùng võ lực để cứu sinh mạng, nhưng đến mùa Xuân 1974, chiến thuật đó đã bị loại bỏ vì thiếu đạn dược. Trong một cuộc điều trần tại Quốc Hội sau đó có được ghi lại trong biên bản của Congressional Record ngày 6 tháng 3 năm 1975, Thiếu Tướng John Murray đã nói với giọng đầy cay đắng như sau: “máu của người Việt Nam đã dùng thay thế cho đạn dược Hoa Kỳ” [Nguyễn Tiến Hưng & J. Schecter: The Palace file, Harper & Row Publishers, New York, 1986, trang 229]
Vào thời gian đó, Quốc Hội thứ 94 với thêm 75 tân Dân Biểu Đảng Dân Chủ mới đắc cử vào tháng 11 năm 1974, họ cùng với những Dân Biểu và Nghị Sĩ phản chiến nổi tiếng như Mike Mansfield, Edward Kennedy, Hubert Humphrey v.v…đang phát động một chiến dịch chống việc tiếp tục viện trợ cho Việt Nam. Nhóm tân Dân Biểu Dân Chủ đã cùng với một thiểu số đồng nghiệp trong Đảng Cộng Hòa lập một nhóm gọi là Members of Congress for Peace Through Law (Nhóm Dân Cử Vận Động cho Hòa Bình Qua Luật Pháp), họ đã tuyên bố rằng: “Chúng tôi không thấy có một quyền lợi quốc gia hay nhân đạo nào để mà biện minh cho việc tiếp tục viện trợ cho Việt Nam”.
Bồi thêm vào đó, Thương Nghị Sĩ Dân Chủ Edward Kennedy tuyên bố về việc Tổng Thống Ford vận động xin tăng viện bổ túc cho Việt Nam như sau: “Một lần nữa chúng ta lại nghe những luận điệu cũ rích về một cuộc chiến tranh cũng cũ rích. Cuộc tranh chấp đổ máu đang tiếp diễn cần phải được đối phó bằng phương tiện ngoại giao chứ không cần thêm vũ khí đạn dược của chúng ta nữa”.
Nghị Sĩ Dân Chủ Mike Mansfield, Trưởng Khối Đa Số tại Thượng Viện tức là nhân vật có thế lực hàng thứ 3 của nước Mỹ, đã tuyên bố rằng “tôi cảm thấy chán ngán và muốn bệnh khi thấy hình ảnh những người đàn ông, đàn bà và trẻ em Đông Dương đang bị ‘làm thịt’ bởi súng của người Mỹ, đạn của người Mỹ tại những quốc gia mà chúng ta chẳng có quyền lợi nào cả”.
Khi tuyên bố những lời như vậy, ông Mansfield đã quên rằng người Mỹ đã viện trợ vũ khí chiến cụ cho người Do Thái từ cuối thập niên 1940 cho đến ngày nay và theo tài liệu của Phòng Nghiên Cứu Quốc Hội tại Thư Viện Quốc Gia Hoa Kỳ thì sau khi cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1975, Quốc Hội Hoa Kỳ vẫn tiếp tục viện trợ cho Do Thái mỗi năm 1.800 triệu Mỹ kim, tức là một phần ba ngân sách ngoại viện của Hoa Kỳ dành cho cả thế giới. Người Do Thái đã dùng những chiến cụ do Mỹ viện trợ để đánh người Palestine và Ả Rập, đã dùng phi cơ và xe tăng do Mỹ chế tạo tấn công ngay cả vào những trại tỵ nạn của người Palestine trên nước Lebanon, do đó không có một nước Ả Rập nào, không có một người Ả Rập nào có cảm tình với nước Mỹ và hậu quả là nước Mỹ đang sa lầy tại Iraq như hiện nay.
Một nhân vật có rất nhiều thế lực khác tại Thượng Viện Hoa Kỳ là Nghị Sĩ Hubert Humphrey, cựu ứng viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ vào năm 1968 và cũng là người được xem là “kẻ thù” của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đã tuyên bố trên chương trình Face the Nation rằng “gia tăng quân viện bổ túc cho Việt Nam chỉ kéo dài nỗi thống khổ cho nhân dân” và ông nói thêm rằng Tiểu Ban Ngoại Viện của ông sẽ biểu quyết để cấp ngân khoản viện trợ dành cho thực phẩm và nhân đạo mà thôi. [The Vietnam Experience: The Fall of the South, trang 31]
Tướng cộng sản Văn Tiến Dũng cho biết rằng Tổng Bí Thư Lê Duẫn có nhận định như sau vào tháng 10 năm 1974:
“Sự mâu thuẩn càng ngày càng gia tăng trong chính phủ cũng như là các chính đảng tại Hoa Kỳ. Vụ Watergate đã làm rúng động nước Mỹ. Viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Saigon đang trên đà suy giảm đến mức độ mà Hoa Kỳ ‘không thể cứu vớt chính phủ Saigon khỏi bị sụp đổ’. Cuộc tổng tấn công năm 1975 sẽ là một trắc nghiệm cho lập luận nầy. Các giới Tướng lãnh (Bắc Việt) đều đồng ý rằng kế hoạch tấn công vào năm 1975 chỉ là một sự khởi đầu cho chiến thắng toàn diện vào năm 1976 hay là 1977″. [Văn Tiến Dũng: Đại Thắng Mùa Xuân, trang 19-20]
Như vậy thì việc Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa lúc đó, mọi người, kể cả Hà Nội, đều biết rõ và cả hai phía Việt Nam Cộng Hòa cũng như Hoa Kỳ đều rất lo ngại về việc cán cân lực lượng đang nghiên mạnh về phía cộng sản Bắc Việt. Do đó, sự có mặt của Tướng Kulikov tại Hà Nội vào tháng 12 năm 1974 cũng là một yếu tố đáng lo ngại mà về phương diện tình báo chiến lược thì cần phải được phân tích kỹ càng.
Mấy tháng sau ngày cộng sản Bắc Việt thanh toán toàn bộ Miền Nam thì chính phủ Hoa Kỳ mới biết được rằng Liên Xô đã tích cực khuyến khích Bắc Việt mở cuộc tổng tấn công tại Miền Nam, chính Liên Xô lại gia tăng viện trợ quân sự gấp 4 lần cho cộng sản Hà Nội, chính Liên Xô đã cố vấn cho Hà Nội rằng Quốc Hội Mỹ đã nhất quyết không viện trợ thêm về kinh tế cũng như là quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa có nghĩa là Hoa Kỳ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa và chính vì những hành động, những cố vấn và khuyến khích đó của Liên Xô mà cộng sản Bắc Việt đã quyết định mở các cuộc tổng tấn công tại Miền Nam vào mùa Xuân 1975.
Khi người Mỹ biết rõ như vậy thì lúc đó mọi sự đã quá trễ rồi!
MÓN NỢ 7 NĂM VỀ TRƯỚC
Vụ Bà Anna Chennault
Việc Quốc Hội Hoa Kỳ do Đảng Dân Chủ kiểm soát quyết tâm cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1975 và cắt hoàn toàn viện trợ quân sự cho tài khóa 1975-1976 dường như là bắt nguồn từ một nguyên nhân từ 7 năm về trước, đó là cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ giữa hai ứng cử viên Hubert Humphrey, đại diện Đảng Dân Chủ và Richard Nixon, đại diện cho Đảng Cộng Hòa.
Lúc bấy giờ, có một số dư luận tại Washington cho rằng giới lãnh đạo của Đảng Dân Chủ tại Quốc Hội Hoa Kỳ đã có một trí nhớ thật dai và họ đã chờ cho có cơ hội nầy để trả thù và thanh toán một món nợ với Tổng Thống Richard Nixon và Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu từ 7 năm về trước.
Lewis Storley, tác giả cuốn A Better War đã viết như sau:
“Sir Robert Thompson đã nói vào năm 1974 rằng: Sau khi viếng thăm hàng trăm Xã Ấp, Trung Tâm Huấn Luyện, Trại Tạm Cư Người Tỵ Nạn và những đơn vị Bán Quân Sự, tôi đã học hỏi được nhiều điều và tôi nhận thức được sự quật khởi của người Việt Nam, sự can đảm, sự kiên trì và sự chịu đựng của họ. Họ đã vượt qua những cuộc khủng hoảng của đất nước cũng như là khủng hoảng của cá nhân họ, những sự khủng hoảng ghê gớm có thể làm tan nát những dân tộc khác và mặc dù những tổn thất lớn lao của họ, mà nếu đó là trường hợp của Hoa Kỳ thì cũng đã gây kinh hoàng và có thể đưa đến sự sụp đổ của nước Mỹ, vậy mà người Việt Nam vẫn còn duy trì được hơn 1 triệu quân sau hơn 10 năm chiến tranh. Bây giờ Hoa Kỳ sắp sửa đền bù sự cương dũng của người Việt Nam bằng cách bán đứng Đồng Minh một thời của họ. Điều duy nhất còn lại cho Miền Nam Việt Nam là sự thiếu hụt về ngân sách và Quốc Hội Mỹ đã sắp xếp chuyện đó với một sự trả thù (vengeance) [ Lewis: A Better War, Hartcourt Brace & Company, New York, trang 365-366]
Tại sao trả thù ?
Ông Nguyễn Tiến Hưng, tác giả cuốn Palace File cho biết:
“Ông Nguyễn Văn Thiệu tin là ông Richard Nixon đã mắc ông một món nợ chính trị, đó là việc ông từ chối không chịu ủng hộ nỗ lực tìm kiếm hòa bình của Tổng Thống Lyndon Johnson chỉ một thời gian ngắn trước cuộc bầu cử Tổng Thống tại Hoa Kỳ vào năm 1968. Dù không bao giờ nói như vậy một cách công khai, ông Thiệu tin chắc rằng vì ông từ chối tham gia vào cuộc hòa đàm với Bắc Việt và việt cộng khi Tổng Thống Johnson ra lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt vào ngày 31 tháng 10 năm 1968, chỉ 5 ngày trước bầu cử, và sự từ chối đó đã đóng một vai trò quyết định trong việc ông Richard Nixon đánh bại Phó Tổng Thống Hubert Humphrey trong cuộc bầu cử nầy. Khi Tiến Sĩ Hưng về Saigon đảm nhận chức vụ Phụ Tá Đặc Biệt cho Tổng Thống Thiệu vào năm 1973, ông Thiệu đã mô tả những cảm nghĩ này với ông Hưng. Tổng Thống Thiệu đã nói chuyện hàng giờ với ông Hưng trong những bữa ăn khi họ cùng thảo luận và phân tích về những mục tiêu và chính sách của Hoa Kỳ. Ông Hưng nhờ đó bắt đầu hiểu được đường lối của Tổng Thống Thiệu và lý do tại sao mà dù bị lệ thuộc vào người Mỹ, Tổng Thống Thiệu đã nhiều lần chống lại những đòi hỏi của Hoa Kỳ. [ Nguyễn Tiến Hưng: Sách đã dẫn, trang 1]
Hồi đó, sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của phe phản chiến và nhất là việc hai Thượng Nghị Sĩ “bồ câu”, Eugene McCarthy và Robert Kennedy em trai của cố Tổng Thống John F. Kennedy, đang kịch liệt chỉ trích chiến tranh Việt Nam và chính sách về Việt Nam của Tổng Thống Johnson để ve vãn phe phản chiến nhằm mục đích tranh chức ứng cử viên của Đảng Dân Chủ trong các cuộc bầu cử sơ bộ (primaries) tại các Tiểu Bang trước khi Đảng Dân Chủ họp đại hội vào mùa Hè để bầu người đại diện của đảng ra tranh cử Tổng Thống vào tháng 11 năm 1968. Ngày 31 tháng 3 năm 1968, Tổng Thống Johnson tuyên bố ông đã quyết định không ra tái tranh cử Tổng Thống ngõ hầu được tự do tìm kiếm một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Tổng Thống Johnson đã đơn phương ra lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt như một thiện chí hòa bình của Hoa Kỳ và kêu gọi cộng sản Bắc Việt tham dự một cuộc hòa đàm ngõ hầu tìm một giải pháp hòa bình tại Việt Nam. Tổng Thống Johnson tuyên bố rằng: “Hoa Kỳ sẵn sàng gởi đại diện đến bất cứ diễn đàn nào, bất cứ lúc nào để thảo luận những phương thức ngõ hầu đưa đến sự kết thúc cho cuộc chiến tranh bỉ ổi nầy”.
Ba ngày sau, Hà Nội chấp thuận đề nghị của Tổng Thống Johnson và đến ngày 13 tháng 5 thì hai phe Mỹ-Bắc Việt gặp nhau lần đầu tại Paris, nhưng trước đó, vào ngày 5 tháng 5, cộng sản Bắc Việt đã mở một cuộc tấn công toàn diện vào 119 địa điểm trên toàn quốc, kể cả Đô Thành Saigon và Gia Định. Cuộc tấn công nầy sau đó được mệnh danh là “cuộc tổng công kích đợt hai”, tuy nhiên cộng sản đã thất bại trong chiến dịch nầy, trong khi đó các cuộc thương tuyết giữa Mỹ và Bắc Việt vẫn diễn ra tại Paris và các nhà báo gọi việc nầy là “đánh đánh đàm đàm”.
Sau khi Thượng Nghị Sĩ Robet Kennedy bị ám sát tại Los Angeles vào mùa Hè năm 1968, đại hội Đảng Dân Chủ đã đề cử Phó Tổng Thống Hubert Humphrey đại diện cho Đảng ra tranh cử với ứng cử viên Richard Nixon của Đảng Cộng Hòa. Đến tháng 10 năm 1968, cả Hoa Kỳ và Bắc Việt đồng ý mời thêm Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cùng ngồi vào bàn hội nghị, tuy nhiên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chống đối mãnh liệt việc cùng ngồi vào bàn hội nghị với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Hoa Kỳ dùng nhiều biện pháp để gây áp lực đối với Việt Nam Cộng Hòa với mục đích ép Việt Nam Cộng Hòa phải thỏa thuận ngồi vào bàn hội nghị trước ngày bầu cử Tổng Thống vào đầu tháng 11 năm 1968 và nếu được như vậy thì sẽ có lợi cho liên danh ứng cử viên Tổng Thống và Phó Tổng Thống của Đảng Dân Chủ.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phản đối việc Mỹ chấp thuận cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tham dự hội nghị Paris như là một thành viên ngang hàng với Việt Nam Cộng Hòa. Hoa Kỳ gây nhiều áp lực cho đến nỗi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phẩn nộ và ông đã hỏi Phó Đại Sứ Mỹ Samuel Berger rằng “ông đại diện cho ai, Washington hay là Hà Nội ?” Ngày 30 tháng 10, Đại Sứ Bunker phúc trình với Tổng Thống Johnson là ông ta đã thất bại trong việc thuyết phục Việt Nam Cộng Hòa tham dự Hội Nghị Paris mở rộng.
Ngày 31 tháng 10, Tổng Thống Johnson đọc diễn văn trên vô tuyến truyền hình thông báo với dân chúng Mỹ rằng ông đã “Ra lệnh cho Quân Lực Hoa Kỳ ngưng các cuộc oanh tạc từ trên không, dưới biển và trọng pháo vào lãnh thổ Bắc Việt kể từ 8 giờ sáng, giờ Washington DC. Tôi đã ra lệnh như vậy vì tôi tin tưởng rằng hành động nầy sẽ dẫn đến tiến bộ nhằm giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam m ột cách hòa bình”. Tổng Thống Johnson nói thêm một cách hờn lẫy rằng: “Việt Nam Cộng Hòa có quyền tự do nếu muốn tham dự hội nghị Paris mở rộng”.
Ngày hôm sau, 1 tháng 11, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố rằng Việt Nam Cộng Hòa không chống lại việc ngưng oanh tạc Bắc Việt, tuy nhiên trong lúc nầy Việt Nam Cộng Hòa sẽ không gởi đại diện sang tham dự hòa đàm tại Paris. Ngày thứ Bảy 2 tháng 11, kết quả thăm dò dư luận của hãng Gallup cho thấy ông Nixon dẫn 42 phần trăm so với ông Humphrey chỉ có 40 phần trăm, sang đến ngày thứ Hai 4 tháng 11, một ngày trước ngày bầu cử, kết quả thăm dò của hãng Harris cho thấy ông Humphrey vượt lên và dẫn 43 so với 40 phần trăm dành cho ông Nixon.
Ngày thứ ba 5 tháng 11, Đại Sứ Munker lên Đài Phát Thanh của Quân Đội Hoa Kỳ tại Saigon (AFRS) kêu gọi Việt Nam Cộng Hòa ngưng việc tẩy chay tham dự hội nghị Paris thì sau đó, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã trả lời rằng: “Chúng tôi sẽ không bao giờ tham dự hội nghị Paris nếu Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được đối xử như là một phái đoàn độc lập”. Cũng trong ngày hôm đó, 73 triệu cử tri người Mỹ đi bầu Tổng Thống và ông Nixon đã thắng ông Humphrey không đầy 500.0000 phiếu, tức là chỉ có 7 phần 10 của 1 phần trăm tổng số phiếu trên toàn quốc.
Trong cuốn In the Jaws of History, cựu Đại Sứ Bùi Diễm nói rằng vì cuộc gặp gỡ giữa ông với ứng cử viên Richard Nixon, ông ta đã bị “cáo buộc là đã gây ảnh hưởng một cách không đứng đắn đến kết quả của cuộc bầu cử Tổng Thống tại Hoa Kỳ. Nhân vật mà người ta nói rằng đã gây ra cái ảnh hưởng đó là một người đàn bà khả ái và đầy mưu mẹo, đó là bà Anna Chennault” [ Bùi Diễm with David Chanoff: In the Jaws of History. Houghton Mifflin Company, Boston, 1987, trang 234]
Anna Chennault là ai ?
Bà Anna Soong Chennault là phu nhân của cố Thiếu Tướng Claire Channault, Tư Lệnh Không Quân Hoa Kỳ tại chiến trường Trung Hoa thời Đệ Nhị Thế Chiến, bà là công dân Hoa Kỳ gốc Trung Hoa, là người nổi tiếng về việc ủng hộ và vận động cho Đài Loan tại Hoa Thịnh Đốn, được biết đến qua cái tên “China Lobby”. Bà cũng là người thuộc Đảng Cộng Hòa và được xem như là rất thân cận với giới lãnh đạo bảo thủ Đảng Cộng Hòa mà một trong những lãnh tụ của phe nầy là ông Richard Nixon, ứng cử viên Tổng Thống năm 1968 và trong cuộc bầu cử nầy, bà Anna Chennault là Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Hoa Kỳ Ủng Hộ Richard Nixon.
Bà Chennault là người trong “đại gia đình họ Tống”, một gia đình giàu có và nổi tiếng nhất tại Thượng Hải vào đầu thế kỷ 20, bà cũng là em họ của bà Tống Khánh Linh, phu nhân của Bác Sĩ Tôn Dật Tiên, người được xem như là Quốc Phụ của nước Trung Hoa Dân Quốc sau cuộc cách mạng lật đổ nhà Mãn Thanh vào năm 1911, sau năm 1949 bà Tống Khánh Linh trở thành Phó Chủ Tịch Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Một người chị khác của bà Anna Chennault lại là bà Tống Mỹ Linh, phu nhân của Thống Chế Tưởng Giới Thạch, Tổng Thống chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan. Bà cũng có liên lạc rất mật thiết với Đặc Sứ Nguyễn Văn Kiểu tại Đài Bắc, ông Kiểu là anh ruột của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Trước cuộc bầu cử Tổng Thống ở Hoa Kỳ, vào 2 tháng 9 và 10 năm 1968, bà Chennault đến Đài Bắc và sau đó bay sang Saigon nhiều lần, với lý do chính thức là sang tham dự hội nghị của Liên Minh Thế Giới Chống Cộng tại Saigon, thăm người em gái đang sống tại Chợ Lớn và thanh tra các hoạt động của công ty Hàng Không Flying Tigers mà bà là Chủ Tịch. Công ty Flying Tigers lúc đó đang có khế ước với Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đảm nhận việc chuyển vận vật liệu cũng như là Quân Đội từ Hoa Kỳ sang Việt Nam.
Vào thời gian nầy, người viết có được hân hạnh tiếp xúc với hai nữ nhân vật nổi tiếng ở Hoa Kỳ đến viếng thăm Việt Nam.
Người thứ nhất là bà Juanita Castro, em gái của Tổng Thống Cuba Fidel Castro. Bà Castro đã rời bỏ Cuba sang tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ và trở thành một nhân vật chống cộng sản rất mãnh liệt trong Cộng Đồng Cuba cũng như trên khắp thế giới, bà đến Saigon với tư cách là diễn giả danh dự trong Đại Hội Liên Minh Thế Giới Chống Cộng tại Saigon vào tháng 10 năm 1968.
Người thứ hai là bà Anna Chennault. Bà Chennault đến Saigon với tư cách là một trong những đại diện của Hội Thái Bình Dương Tự Do (Free Pacific Association) của Linh Mục Raymond de Jaegher, trụ sở chính đặt tại Riverside, New York, để tham dự Đại Hội Lần Thứ Hai của Liên Minh Thế Giới Chống Cộng họp tại Saigon vào khoảng tháng 10 năm 1968. Linh Mục Raymond Jaegher là tác giả cuốn sách rất nổi tiếng hồi thập niên 1950 là cuốn “Kẻ Nội Thù” (The Ennemy Within) và cuốn “Vệ Binh Đỏ” (Red Guards) trong thập niên 1960, ông cũng là Chủ Nhiệm Nguyệt San Free Front của Liên Minh Á Châu Chống Cộng. Linh Mục Raymond de Jaegher là Cố Vấn về các vấn đề cộng sản cho Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch và Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm. Trụ sở của Hội Thái Bình Dương Tự Do tại Việt Nam nằm bên cạnh Nhà Thờ Cha Tam trong Chợ Lớn, đó là nơi mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu đến cầu nguyện lần cuối trong đời trước khi hai ông “được” Hội Đồng Cách Mạng đưa thiết vận xa M-113 đến đón rồi bị Sĩ Quan Tùy Viên của Dương Văn Minh giết chết trên đường về Bộ Tổng Tham Mưu vào ngày 2 tháng 11 năm 1963.
Ông Bùi Diễm, cựu Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Washington đã dành một chương dài 12 trang trong cuốn In the Jaws of History của ông để nói về “The Anna Chennault Affair”.
Đại Sứ Bùi Diễm cho biết rằng hồi tháng 6 năm 1968, bà Chennault đã đề nghị rằng ông nên gặp Richard Nixon, người được xem như là ứng cử viên đang dẫn đầu (front runner) trong số các đảng viên Cộng Hòa để dành ghế ứng cử viên Tổng Thống của đảng nầy trong cuộc bầu cử tháng 11 năm đó. Đại Sứ Bùi Diễm nói rằng việc Đại Sứ nước Việt Nam Cộng Hòa đến gặp ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa trước ngày bầu cử có thể rất nguy hiểm vì việc đó mang hàm ý là ông Đại Sứ đang qua mặt Đảng Dân Chủ và nếu Phó Tổng Thống Hubert Humphrey đắc cử thì sẽ rất là bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, trong một cuộc họp với Ông William Bundy, Phụ Tá của Ngoại Trưởng Dean Rusk trong chính phủ Dân Chủ của Tổng Thống Johnson, Đại Sứ Bùi diễm đã có đề cập đến chuyện nầy. Vốn là một nhà ngoại giao lão luyện và cũng là người bạn thân, ông Bundy thông cảm hoàn cảnh của Đại Sứ Bùi Diễm, nhất là sau khi được ông Diễm bảo đảm rằng sẽ chỉ nói chuyện với ông Nixon một cách đại cương chứ không đi vào chi tiết về vấn đề hòa đàm tại Paris. Đại Sứ Bùi Diễm cũng quyết định rằng ông sẽ gặp ứng cử viên Nixon với tư cách độc lập chứ không thông báo với Saigon, như vậy thì sau nầy nếu cần, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có thể phủ nhận việc nầy.
Ngày 12 tháng 6, qua sự giới thiệu của bà Anna Chennault, Đại Sứ Bùi Diễm bay lên New York và gặp ông Nixon tại Khách Sạn Perre, nơi ông ta đặt Văn Phòng Trung Ương của Ủy Ban Bầu Cử. Đại Sứ Bùi Diễm kể lại rằng ông Nixon chăm chú lắng nghe ông Diễm trình bày một cách tổng quát về tình hình cuộc chiến cũng như những khó khăn về quân sự nhất là nhu cầu khẩn thiết của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa về những loại vũ khí tối tân, nhất là súng M-16. Ông Nixon sau đó nói với Đại Sứ Bùi Diễm rằng Ban Tham Mưu của ông sẽ liên lạc với ông Đại Sứ qua ông John Mitchell, Trưởng Ban Vận Động Tranh Cử và bà Anna Chennault.
Đại Sứ Bùi Diễm nói rằng sau đó vì công vụ đa đoan, ông quên hẳn đi chuyện gặp gỡ ông Nixon cho đến ngày 30 tháng 10, theo lệnh từ Saigon, ông đến Bộ Ngoại Giao để đòi hỏi Hoa Kỳ phải làm sáng tỏ vấn đề mà Đại Sứ Harriman đã nói với ông Trần Văn Lắm ở Paris rằng Hoa Kỳ không thể ép buộc cộng sản Bắc Việt phải thương thuyết “nghiêm chỉnh và trực tiếp” với Việt Nam Cộng Hòa. Đại Sứ Bùi Diễm kể lại rằng ông Bundy, vốn là người bạn thân, đã không thèm mời ông Diễm ngồi và bằng một giọng lạnh lùng mà ông Diễm chưa từng nghe, ông Bungdy nói rằng “cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ không hề có liên hệ bất cứ dưới hình thức nào đến cuộc thương thuyết đang diễn ra tại Paris”. Sau đó ông Bundy quay lưng lại và nói lẩm bẩm một mình mà ông Diễm chỉ nghe được vài tiếng như “không đàng hoàng” (improper), không đúng đạo lý (unethical), “không thể chấp nhận được” (unacceptable), rồi thì vẫn còn quay lưng lại không thèm nhìn ông Diễm, ông Bundy bắt đầu trách móc và nói bóng gió đến chuyện ông Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa Bùi Diễm đã liên lạc với phe ông Mixon. Đại Sứ Bùi Diễm nói ông ngỡ ngàng nhưng ông vẫn giải thích cho ông Bundy rằng ông đã cam kết với ông ta là sẽ không đề cập đến vấn đề hòa đàm với ông Nixon hồi tháng 6 và ông hoàn toàn phủ nhận bất cứ sự đồn đại nào cho rằng ông đã có làm điều gì bất chính đáng trong việc liên lạc với phe Cộng Hòa.
Đại Sứ Bùi Diễm nói rằng sau nầy Thomas Powers, tác giả cuốn The Man Who Kept the Secrets đã tiết lộ rằng trong tuần lễ cuối tháng 10 năm 1968, Tổng Thống Johnson đã ra lệnh cho FBI nghe lén điện thoại của Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Washington, đồng thời cũng nghe lén và theo dõi các hoạt động của bà Anna Chennault. Ngày Thứ Bảy 2 tháng 11, Đại Sứ Bùi Diễm nhận được điện thoại của Saville Davis, Trưởng Văn Phòng của Báo Christian Science Monitor ở Washington, yêu cầu ông phối kiểm về một bản tin của Beverty Deepe, Đặc Phái Viên của báo nầy ở Saigon nói rằng “Đại Sứ Bùi Diễm đã gởi cho Tổng Thống Thiệu một điện văn kêu gọi không nên gởi phái đoàn sang dự hòa đàm Paris. Có nhiều tin đồn trong giới báo chí ở Saigon cho rằng Việt Nam Cộng Hòa cố tình dậm chân tại chỗ để phá hoại những tiến bộ chính trị của ứng cử viên Humphrey trong những ngày sau khi Tổng Thống Johnson loan báo ngưng oanh tạc toàn diện, như vậy thì sẽ có lợi hơn cho ông Nixon và nếu đắc cử thì ông ta sẽ nhớ ơn và sẽ yểm trợ cho Việt Nam Cộng Hòa nhiều hơn là phe Dân Chủ”. [ Bùi Diễm, Sách đã dẫn, trang 243]
Đại Sứ Bùi Diễm nói rằng bấy giờ ông ta mới hiểu rõ lý do tại sao ông Bundy tỏ ra giận dữ với ông cách đó mấy hôm. Ông ta đã sững sờ đọc đi đọc lại nhiều lần. Ông cũng như là ký giả Davis đều biết rằng nếu bản tin nầy được đăng tải thì sẽ tạo ra một xì-căng-đan chính trị và sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng cho kết quả của cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Đại Sứ Diễm cuối cùng trả lời nhà báo Davis rằng “tôi không thể phủ nhận cũng như xác nhận nguồn tin nầy”. Đại Sứ Diễm cho biết rằng ông Davis sau đó đã không cho đăng bản tin nói trên, tuy nhiên sau nầy, ông William Safire, một trong những phụ tá của ông Nixon lúc đó, đã viết một cuốn sách nhan đề Before the fall nói rằng “nếu không nhờ ông Thiệu (tẩy chay tham dự hòa đàm), ông Nixon có lẽ đã không trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ” [ Bùi Diễm: Sách đã dẫn, trang 244]
Ông Nguyễn Tiến Hưng trong cuốn The Palace File đã nói rõ hơn về vấn đề nầy. Trong chương 2 “Nixon and Thiệu: A Political Debt” (Nixon và Thiệu: Một món nợ chính trị), ông đã viết rằng:
“Nguyễn Văn Thiệu tin rằng Richard Nixon đã mắc ông một món nợ chính trị, đó là kết quả của việc ông Thiệu từ chối ủng hộ nỗ lực hòa bình của Tổng Thống Johnson trước ngày bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Tuy không bao giờ nói ra một cách công khai, ông Thiệu tin chắc rằng việc ông từ chối không tham dự hòa đàm với cộng sản Bắc Việt và việt cộng khi Tổng Thống Johnson ngưng oanh tạc Bắc Việt vào ngày 31 tháng 10 năm 1968, chỉ có 5 ngày trước ngày bầu cử, đã đóng một vai trò quyết định trong sự chiến thắng của ông Nixon đối với ông Humphrey năm 1968″ [ Nguyễn Tiến Hưng: Sách đã dẫn, trang 21]
Trong tháng 10 năm 1968, Tổng Thống Thiệu đã có nhiều lần nỗ lực trì hoãn việc tham dự hòa đàm Paris mở rộng theo lời yêu cầu của Tổng Thống Johnson vì chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không chấp nhận việc Hoa Kỳ xem cái gọi là “Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam” là một thành phần ngang hàng với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra việc tham dự hội nghị với sự có mặt của việt cộng là đi ngược với một trong “4 không” của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “không thương thuyết với cộng sản”. Tuy nhiên, theo dư luận của một số người trong giới chính trị thì ông Thiệu đã “mua thời gian” (buy time) để giúp cho ứng cử viên Nixon.
Theo tin đồn đại thì nhiều người nói rằng khi bà Anna Chennault sang Saigon hồi tháng 9, bà ta có đến gặp Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và đã chuyển lời nhắn của phe Cộng Hòa khuyên Tổng Thống Thiệu hoãn việc tham dự hòa đàm tại Paris vì nếu ông Nixon được đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ thì sẽ có lợi cho Việt Nam Cộng Hòa nhiều hơn là Tổng Thống Hubert Humphrey.
Bà Chennault có nói rằng “ông Thiệu đang bị phe Dân Chủ áp lực nặng nề. Nhiệm vụ của tôi là giúp cho ông ta giữ vững lập trường và ngăn cản không để cho ông ta thay đổi ý kiến”.
“Trong tuần lễ cuối cùng trước ngày bầu cử, ông John Mitchell, người điều hợp Ủy Ban Vận Động Bầu Cử của Nixon liên lạc với bà Chennault gần như hàng ngày để thuyết phục bà giữ ông Thiệu đừng để cho ông Thiệu cử phái đoàn đi dự hòa đàm Ba Lê. Họ biết rằng các cuộc điện đàm của họ đang bị cơ quan FBI nghe lén và bà ta đã nói diễu khi hỏi lại ông Mitchell ‘ai đang nghe ở đầu dây bên kia ? Ông Mitchell có vẻ như là không thích nói giỡn và đã nói với bà Chennault ‘gọi cho tôi ở ngoài máy điện thoại công cộng. Đừng có nói chuyện trong văn phòng của bà. Lần nào gọi cho bà Chennault, lời nhắn của ông Mitchell không bao giờ thay đổi: ‘đừng có để cho ông ta đi’. Chỉ vài ngày trước ngày bầu cử, ông Mitchell đã gọi cho bà Chennault để nhờ bà ta nhắn với Tổng Thống Thiệu thông điệp sau đây: ‘Anna, tôi nói với bà nhân danh cho ông Nixon. Thật là vô cùng quan trọng đã cho những người bạn Việt Nam của chúng ta (chính phủ Nguyễn Văn Thiệu) hiểu rõ lập trường của Đảng Cộng Hòa và tôi hy vọng rằng bà phải làm cho họ hiểu rõ điều đó” [ Nguyễn Tiến Hưng: Sách đã dẫn, trang 23-24]
Việc bà Chennault đại diện cho ông Mitchell để liên lạc với Tổng Thống Thiệu không dấu được sự theo dõi của phe Dân Chủ vì họ đang nắm chính quyền cho nên có rất nhiều phương tiện. Tổng Thống Johnson đã nhận được báo cáo đấy đủ về các hoạt động của bà Chennault qua sự theo dõi cũng như nghe lén điện thoại của bà do hai cơ quan FBI và CIA phụ trách và ông có thông báo cho ứng cử viên Humphrey biết về chuyện nầy, tuy nhiên cả hai người đã không hề công bố cho công chúng biết điều đó.
Những người hiểu rõ nền chính trị Hoa Kỳ ai cũng đều biết rằng người Mỹ tối kỵ và không bao giờ tha thứ cho việc người ngoại quốc gây ảnh hưởng để làm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử tại Mỹ. Người Mỹ cũng tối kỵ và không tha thứ cho cá nhân hay nhóm người nào, kể cả các vị Dân Biểu và Nghị Sĩ trong Quốc Hội Hoa Kỳ, đã cố can thiệp vào sự quyết định việc thi hành chính sách đối ngoại của nước Mỹ vì chỉ có Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mới có được cái quyền đó do Hiến Pháp quy định. Trong bài diễn văn về Tình Trạng Liên Bang vào tháng Giêng năm 1975, chính Tổng Thống Gerald Ford đã phiền trách Quốc Hội về việc can thiệp vào chính sách và đường lối của ông đối với Liên Xô như sau: “Theo Hiến Pháp và cũng theo truyền thống chính trị của Hoa Kỳ thì việc thi hành các chính sách và đường lối về đối ngoại là trách nhiệm của Tổng Thống”.
Vào tháng 11 năm 1968, nếu Tổng Thống Thiệu quả thật có nghe lời của phe Cộng Hòa mà trì hoãn việc tham dự hòa đàm Paris để gây bất lợi cho ứng cử viên Hubert Humphrey trong cuộc bầu cử năm 1968 và gây ảnh hưởng đến việc Tổng Thống Johnson của Đảng Dân Chủ đang tìm cách chiến tranh của người Mỹ tại Việt Nam thì đó là một điều mà phe Dân Chủ sẽ không bao giờ tha thứ được.
Trong cuốn hồi ký của ông, cựu Tổng Thống Lyndon Johnson chỉ nói sơ lược rằng:“chúng tôi có nhận được những tin tức cho biết rằng có những người tự xưng là họ nói chuyện nhân danh ứng cử viên Đảng Cộng Hòa đang cố tìm cách gây ảnh hưởng với người Việt Nam để cho họ ‘Dậm chân tại chỗ’ trong cuộc hội đàm tại Paris” [ Lyndon B. Johnson: The Vantage Point: Perpectives of the Presidency, 1963-1969. New York: Holt, Rhinehart and Winston. 1971, trang 521]
Tác giả Theodore White, người viết về sự thắng cử của Nixon năm 1968 nói rằng: “khi Bộ Tham Mưu của Nixon biết được phe Dân Chủ đã hay biết về chuyện bà Anna Chennault ‘đi đêm’ với Tổng Thống Thiệu thì Đảng Cộng Hòa đã rất lo sợ vì nếu báo chí biết được chuyện nầy thì ông Nixon sẽ mất uy tín rất nhiều và sẽ bị thân bại danh liệt”.
Theo Ted Van Dyk, cộng sự viên thân tín của Tổng Thống Humphrey thì “Hai ông Johnson và Humphrey không tiết lộ về chuyện nầy vì Tổng Thống Johnson không muốn công chúng biết chuyện ông ra lệnh cho FBI nghe lén điện thoại của bà Chennault vì việc nghe lén nầy là bất hợp pháp và cũng vì cả hai ông đều không muốn làm điều gì bất lợi cho Luật Sư Thomas Corcoran, bạn thân của cả hai ông và cũng là nhân vật đầu não trong Đảng Dân Chủ với biệt danh ‘Ông Dân Chủ’ (Mr. Democrat). Bà Anna Chennault lại là ‘bạn rất thân’ của ông Corcoran. Phó Tổng Thống Humphrey nhờ Luật Sư James Rowe, người ủng hộ ông và cũng là partner (đồng nghiệp) của Corcoran trong Tổ Hợp Luật Sư của họ yêu cầu bà Chennault bỏ việc đó nhưng ông Rowe trả lời cho hay rằng ‘việc đó không xong rồi, ông Thiệu vẫn giữ lập trường’. Phó Tổng Thống Humphrey nghe báo cáo về điều nầy khi ông đang ở trên phi cơ đi vận động tranh cử. Ông rất giận dữ khi Van Dyk phúc trình với ông rằng ‘Vào năm 1968 mà China Lobby hồi xưa vẫn còn sống’. Ứng cử viên Humphrey đã chạy lui chạy tới trên máy bay và đã lớn tiếng chửi thề tôi sẽ ‘God-damned’ (xin không dịch cụm từ nầy) nếu mà nhóm China Lobby (của bà Chennault) lại có thể quyết định về số phận cả chính phủ nầy”. Sau đó ông chỉ thị cho Van Dyk cho phổ biến một bản thông cáo nói rằng “Phó Tổng Thống Hubert Humphrey không còn ủng hộ chế độ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu”. Tuy nhiên ông Van Dyk đã khôn khéo không phổ biến bản thông cáo nầy mà chỉ phổ biến một lời tuyên bố nói rằng “nếu chính phủ Miền Nam Việt Nam không đi tham dự Hội Nghị Paris thì Hoa Kỳ cũng sẽ tham dự mà không cần sự hiện diện của Việt Nam Cộng Hòa”
Sau cuộc bầu cử, người ta đã khen ngợi ông Hubert Humphrey đã không đưa vụ bà Chennault ra trước công luận trước ngày bầu cử, tuy nhiên sau nầy ông Ted Van Dyk nói rằng “nếu ông Nixon và bà Chennault không đi với ông Thiệu thì phe Dân Chủ có thể đã thắng cử vì vào thời gian đó đà thắng lợi đang nghiêng về phía Humphrey” [ Nguyễn Tiến Hưng: Phỏng vấn Ted Van Dyk ngày 17 tháng 12 năm 1985. Sách đã dẫn, trang 485-486]
Với tư cách là Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa và là Trưởng Phái Đoàn Việt Nam Cộng Hòa tại Hội Nghị Ba Lê hồi cuối năm 1968, có lẽ ông Nguyễn Cao Kỳ không ít thì nhiều cũng đã biết đến vụ bà Anna Chennault. Trong cuốn “Buddha’s Child” xuất bản vào năm 2002, ông Kỳ đã tiết lộ cho thấy ông biết rõ vụ nầy cũng chẳng kém gì Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu:
“Nếu hòa đàm có thể giúp cho ứng cử viên Humphrey thắng cử thì hòa đàm cũng sẽ trở nên bất lợi cho Nixon. Không giống như trường hợp của Humphrey, ông ta là đương kim Phó Tổng Thống và những người ủng hộ ông có thể gây áp lực trong guồng máy chính phủ để giúp ông ta, ứng cử viên Nixon không có khả năng làm được điều đó trong bộ máy chính quyền.
Ông Nixon đã tìm thấy một con đường khác.
Ông ta đã gởi sang Saigon bà quả phụ xinh đẹp của một người Tướng lãnh Không Quân hào hùng để nói chuyện với ông Thiệu và Tôi. Chồng bà Anna Chennault là một người đã đưa Phi Đoàn Flying Tigers gồm những người Phi Công Mỹ tình nguyện sang chiến đấu chống lại quân đội Nhật Bản ở Trung Hoa trong thời Đệ Nhị Thế Chiến (trước khi Hoa Kỳ tham chiến sau trận Trân Châu Cảng). Bà Chennault nói với chúng tôi (Tổng Thống Thiệu và Phó Tổng Thống Kỳ) rằng “ông Nixon là người chống cộng mạnh hơn là ông Humphrey và nếu mà ông Nixon được đắc cử thì ông ta sẽ tiếp tục viện trợ cho Việt Nam cho đến khi nào thắng trận. Bà Chennault nói tiếp rằng: Nhưng mà trước hết, ông Nixon cần sự giúp đỡ của chúng tôi. Chúng tôi có thể giúp cho ông Nixon bằng cách là đừng có chấp thuận đi tham dự Hòa Đàm tại Paris cho đến sau cuộc bầu cử Tổng Thống tại Mỹ.Bà Chennault giải thích rằng nếu chúng tôi từ chối không tham dự hòa đàm thì ông Nixon có thể sẽ kết án ông Humphrey và Đảng Dân Chủ là những người yếu đuối. Sẽ không có ánh sáng ở cuối đường hầm, không có hy vọng gì cho một nền hòa bình nhanh chóng”.
Johnson là bạn của tôi. Tôi tin tưởng ở ông ta và sẽ là điều gì ông ta nói. Nếu Johnson đích thân gọi cho tôi và yêu cầu tôi giúp cho ông Humphrey, tôi sẽ nhận lời yêu cầu của ông ta và lên đường sang Paris ngay. Nhưng mà Johnson chẳng có gọi cho tôi và tôi không biết cũng như không thích ông Humphrey như là tôi quen biết và kính trọng ông Nixon.
Hơn nữa, ngay từ đầu người Mỹ đã bắt ép chúng tôi không những là phải tham dự Hội Nghị Paris mà còn phải chấp nhận việt cộng như là một thế lực ngang hàng với chính phủ của chúng tôi. Tôi không biết chắc là có nên tin tưởng ở ông Nixon hay không, nhưng mà chúng tôi không hề tin tưởng ở đại diện của Tổng Thống Johnson ở Hội Nghị Paris, đó là ông Harriman và Cyrus Vance. Tôi quyết định là tình hình chưa đúng lúc để đi sang Paris[Nguyễn Cao Kỳ with M. Wolf: Buddha’s Child, My Fight To Save Vietnam, St Martin Preess, New Yok, 2002, trang 290-291]
Cũng như Phó Tổng Thống Kỳ, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng không thích Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Hubert Humphrey. Tổng Thống Thiệu đã gặp Phó Tổng Thống Hubert Humphrey lần đầu tiên khi ông ta đại diện Tổng Thống Hoa Kỳ đến Saigon tham dự Lễ Tuyên Thệ Nhậm Chức của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ vào ngày 30 tháng 10 năm 1967. Sau Lễ Tuyên Thệ, Tổng Thống Thiệu đã tiếp kiến Phó Tổng Thống Humphrey trong Dinh Độc Lập với sự hiện diện của Đại Sứ Bunker và Phụ Tá của ông Humphrey là Ted Van Dyk.
Ông Nguyễn Tiến Hưng kể lại rằng: “Phó Tổng Thống Humphrey đã nói với Tổng Thống Thiệu là ông ta lo ngại về sự Mỹ-hóa (Americanization) về quân sự cũng như là kinh tế tại Việt Nam. Phó Tổng Thống Humphrey nói thêm: “Tổng Thống cần phải hiểu rõ cái hình thái chính trị (political picture)ở Hoa Kỳ: Không còn đủ thì giờ nữa và cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp để đẩy mạnh vấn đề tự túc cho Việt Nam”. Tổng Thống Thiệu trả lời:“Vâng, chúng tôi hiểu, nhưng mà chúng tôi cũng hiểu rằng các ông (người Mỹ) cũng cần phải ở lại đây với mức độ như hiện tại” Phó Tổng Thống Humphrey nhắc lại những mối quan tâm của ông một lần nữa rồi nói với Tổng Thống Thiệu: “Viện trợ về quân sự và kinh tế với mức độ hiện tại cho Việt Nam trong nhiều năm nữa thì không phải là con bài của Mỹ”. Tổng Thống Thiệu lắng nghe rất kỹ nhưng ông không trả lời và cuộc tiếp xúc kết thúc”. Khi ra khỏi Dinh Độc Lập, Phó Tổng Thống Humphrey hỏi Đại Sứ Bunker: “Tôi có quá cứng rắn đối với ông Thiệu không ?” Đại Sứ Bunker trả lời: “Thưa Phó Tổng Thống, không”.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng Thống Hubert Humphrey trở thành kẻ thù từ đó” [ Nguyễn Tiến Hưng & J. Schecter: Sách đã dẫn, “interview with Nguyễn Văn Thiệu”, May, 1985, trang 22]
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tin rằng nếu Phó Tổng Thống Humphrey đắc cử thì điều đó có nghĩa là sẽ có sự đơn phương ngưng oanh tạc Bắc Việt và một chính sách mềm dẽo hơn của Hoa Kỳ đối với việt cộng, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ông Thiệu nói tiếp: “nếu Phó Tổng Thống Humphrey đắc cử thì sẽ có một chính phủ liên hiệp trong vòng 6 tháng, với ông Nixon thì ít ra chúng ta còn có cơ may” [ Nguyễn Tiến Hưng & J. Schecter: Sách đã dẫn, “interview with Nguyễn Văn Thiệu”, May, 1985, trang 21]
Hồi năm 1967, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không thích ông Humphrey vì ông Humphrey nói rõ với Tổng Thống Thiệu rằng “cần phải đẩy mạnh việc tự túc cho Việt Nam”, tuy nhiên ông Thiệu đã không nhớ rằng vào cuối năm 1963, người Mỹ đã ngưng chương trình viện trợ Commodity Import Program (CIP) khiến cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải nói thẳng với toàn thể đồng bào trong thông điệp của ông nhân ngày Quốc Khánh 26 tháng 10 năm 1963 rằng: “mục tiêu của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa là phải Tự lực, Tự cường để tiến tới Độc lập về kinh tế”. Người Mỹ đã cúp viện trợ để cảnh cáo ông Diệm và đó là một trong những lý do mà các tướng lãnh, trong đó có cả ông Thiệu, đã đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm và đã giết ông đúng 7 ngày sau đó. Phó Tổng Thống Humphrey đã báo trước cho Tổng Thống Thiệu về vấn đề viện trợ của Hoa Kỳ và đúng 8 năm sau, tuy rằng ông Humphrey không còn làm Phó Tổng Thống nhưng người trong Đảng Dân Chủ của ông đã thực hiện lời cảnh báo đó khi các Nghị Sĩ và Dân Biểu thuộc Đảng Dân Chủ đã không chấp thuận viện trợ thêm “một xu teng” nào, theo lời của Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy, cho Việt Nam Cộng Hòa vào tháng 4 năm 1975.
Một nhân chứng đã từng ngồi bên cạnh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu để thông dịch cho ông trong những cuộc hội đàm về việc tham dự hòa đàm Paris với Tiến Sĩ Henry Kissinger và Đại Sứ Ellsworth Bunker hồi cuối tháng 10 năm 1968 là ông Hoàng Đức Nhã, lúc bấy giờ là Bí Thư kiêm Tham Vụ Báo Chí tại Phủ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa. Mới đây, ông Hoàng Đức Nhã đã lên tiếng kể lại chi tiết về việc nầy trong một bài đăng trên báo Ngày Nay tại Houston Texas và đã được nhật báo Người Việt trích đăng lại trong số ra thứ Bảy 4 tháng 1 năm 2003, trong bài nầy ông Hoàng Đức Nhã đã phủ nhận việc bà Anna Chennault đã thuyết phục được Tổng Thống Thiệu từ chối tham dự hòa đàm Paris để giúp cho ứng cử viên Richard Nixon như cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ tiết lộ trong cuốn Buddha’s Child. Theo ông Hoàng Đức Nhã thì:
“Lúc ấy hai đối thủ trong cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ là ông Hubert Humphrey thuộc Đảng Dân Chủ và ông Richard Nixon thuộc Đảng Cộng Hòa. Vấn đề chấm dứt chiến tranh Việt Nam bằng cách hòa đàm là một trong những vấn đề có ảnh hưởng lớn trong cuộc vận động tuyển cử. Hai ứng cử iên đều hứa sẽ chấm dứt chiến tranh trong danh dự và bảo tồn chủ quyền và nền độc lập của Miền Nam Việt Nam.
Chính quyền Johnson lúc ấy có đưa ra đề nghị chấm dứt chiến tranh và cố thúc đẩy Miền Nam đến bàn hội nghị tại Ba Lê.
Tòa Bạch Ốc ra chỉ thị cho Sứ Quán Hoa Kỳ tại Saigon cố thuyết phục Tổng Thống Thiệu đưa phái đoàn đi Ba Lê để bắt đầu hội đàm. Trong lúc đó, phía ứng cử viên Nixon thì nhờ trung gian thuyết phục Việt Nam Cộng Hòa đừng đưa phái đoàn đi Ba Lê. Người trung gian ấy đã dùng những đường dây mà họ cho là có ảnh hướng với Tổng Thống Thiệu, đó là Sứ Quán Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Thịnh Đốn và Đại Sứ Bùi Diễm cũng như là Sứ Quán Việt Nam Cộng Hòa tại Đài Bắc và Đại Sứ Nguyễn Văn Kiểu, anh ruột của Tổng Thống Thiệu.
Lúc đó với tư cách Bí Thư của Tổng Thống, tôi được giao trách nhiệm phân tách tình hình và tham khảo với cấp lãnh đạo trong chính phủ để đề xướng ra lập trường của Việt Nam Cộng Hòa đối với việc thương thuyết tại Ba Lê. Tôi nhận được các phúc trình mật cũng như được Tổng Thống tường thuật lại những cuộc điện đàm hoặc những cuộc tiếp xúc giữa ông ta với Đại Sứ Bunker, Đại Sứ Diễm và Đại Sứ Kiểu.
Tổng Thống Thiệu và chính phủ lúc ấy đứng trước tình thế khó xử, một mặt đáp ứng lời yêu cầu của Tổng Thống Johnson đến Ba Lê mà không hề biết được lập trường của phía Đồng Minh ra sao và mặt khác thì nghĩ như thế nào khi các Sứ Giả của mình cho rằng nếu không đi Ba Lê thì sẽ giúp cho ứng cử viên Nixon thắng và sau nầy sẽ làm việc dễ dàng hơn với chính quyền Hoa Kỳ.
Sau cùng Tổng Thống đã quyết định không gởi phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa qua Ba Lê, không phải là để giúp cho ứng cử viên Nixon như Sứ Giả đặc biệt của ông ta là Anna Chennault sau nầy đã từng tuyên bố, hoặc là được các Sứ Giả của Việt Nam Cộng Hòa tuyết phục. Lý do quan trọng nhất sau lưng sự quyết định đó là việc phía Hoa Kỳ không hề đồng ý với phía Việt Nam Cộng Hòa về lập trường chung phải như thế nào và những điều kiện phía cộng sản sẽ phải chấp thuận trước khi bắt đầu cuộc thương thuyết. Hoa Kỳ đều bác bỏ rất nhiều đề nghị của phía Việt Nam Cộng Hòa, từ những điểm then chốt của lập trường phía Đồng Minh cho đến những chi tiết như là hình thù của bàn hội nghị, cách danh xưng v.v…” [ Nhật báo Người Việt, thứ Bảy 4 tháng 1 năm 2003]
Như vậy thì ông Hoàng Đức Nhã đã phủ nhận lời của cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ và ngay cả cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Trong phần phụ chú của cuốn The Palace File, hai tác giả Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold Scheecter nói rằng: “Trong những cuộc phỏng vấn của chúng tôi với ông Nguyễn Văn Thiệu, chúng tôi có hỏi ông rằng: Ông có cảm thấy rằng ông Nixon đã mắc ông một món nợ vì ông đã ủng hộ ông Nixon trong cuộc bầu cử năm 1968 hay không?. Ông Thiệu đã trả lời rằng “dĩ nhiên, dĩ nhiên” [ Nguyễn Tiến Hưng: Sách đã dẫn, trang 483]
Cuốn sách The Palace File của ông Nguyễn Tiến Hưng được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1986, lúc đó cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu còn sống và chắc chắn là ông đã có đọc cuốn sách nầy, tuy nhiên người ta không hề nghe ông Thiệu đính chính hay phủ nhận điều gì trong cuốn sách nầy cả.
Ông Loyd C. Garner, Giáo Sư Sử Học tại Trường Đại Học Rutgers, tác giả nhiều cuốn sách về lịch sử trong đó có cuốn “Pay Any Price, Lyndon Johnson And The Wars For Vietnam” cũng có tiết lộ về vai trò bà Anna Chennault như sau:
“Đúng vào cái ngày Tổng Thống Johnson ra lệnh cho Đại Tướng Creighton Abrams (Tổng Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam) phải trở về Mỹ để trực tiếp tường trình với ông về tình hình quân sự tại Việt Nam thì ông đã nhận được được một hồ sơ trên bàn giấy của cơ quan Điều Tra Liên Bang FBI về những hoạt động của bà Anna Chennault, quả phụ của Tướng Claire Chennault, vị anh hùng của “Đoàn Cọp Bay” (Flying Tigers) trong trận Đệ Nhị Thế Chiến. Một trong những người con gái của đại gia đình họ Tống nổi tiếng ở Trung Hoa, họ hàng với bà Tống Mỹ Linh tức là bà Tưởng Giới Thạch (một người nổi tiếng khác trong gia đình nầy là bà Tống Khánh Linh tức là bà Tôn Dật Tiên), bà Anna Soong Chennault là một nhân vật nòng cốt của “China Lobby”, một nhóm lobby chống Trung Hoa cộng sản rất mạnh tại Quốc Hội Hoa Kỳ, bà đã quyên tiền lên tới một phần tư triệu Mỹ kim cho quỹ vận động tranh cử của ông Richard Nixon và đồng thời đã tình nguyện đứng ra làm trung gian giữa phe Cộng Hòa với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Bà Chennault đã liên lạc qua hai nhân vật chính là Luật Sư John Mitchell, Trưởng Ban Vận Động Bầu Cử của Ông Richard Nixon và ông Bùi Diễm, Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Washington. Thông điệp mà chính ông Mitchell giao cho bà Chennault chuyển sang Saigon qua ông Đại Sứ Bùi Diễm là: Nếu Tổng Thống Lyndon Johnson tuyên bố đơn phương ngưng oanh tạc Bắc Việt thì ông Thiệu phải chống lại việc cùng tham dự vào bàn hội nghị. Như vậy thì quyết định ngưng oanh tạc sẽ có kết quả bất lợi cho phe Dân Chủ, sẽ giúp cho ông Nixon thắng cử và sẽ có lợi nhiều hơn cho Miền Nam Việt Nam” [ Loyd C. Garner: Pay Any Price, Lyndon Johnson and the Wars for Vietnam. Ivan R. Dee, Chicago, 1995, trang 501­502]
Một sử gia khác, ông Frank E. Vandiver thuộc Học Viện Mosber Institute for International Policy Studies của Trường Đại Học Texas A&M University đã viết về vấn đề nầy như sau:
“Ông Nixon vỗ tay vào túi áo và nói rằng ông ta có một ‘kế hoạch bí mật để chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam’
Bí mật thì có đấy, nhưng bí mật thật sâu chạy ngước trở lại căn nhà của ông Nixon ở chung cư Khách Sạn Pierre ở New York và những khuynh hướng lỗi thời trong nên chính trị của người Mỹ. Theo Hiến Pháp thì các vị Tổng Thống là những người chịu trách nhiệm về đối ngoại nhưng họ lại thường nhận được những sự giúp đỡ, mà chính họ cũng không muốn, không những từ phía Quốc Hội mà lại còn từ những cá nhân, và những cá nhân nầy cũng gây ra lắm sự lỗi lầm. Có hai nhân vật hành động với tư cách bán chính thức qua tổ chức vận động bầu cử của ông Richard Nixon đã làm rối loạn và gần như làm hỏng cuộc hòa đàm tại Paris: Đó là ông Bùi Diễm, Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Washington và bà Anna Soong Chennault, em gái của bà Tưởng Giới Thạch, quả phụ của Tướng Claire Chennault của Không Đoàn Flying Tigers danh tiếng thời Đệ Nhị Thế Chiến và bà cũng là Chủ Tịch của Hội Nữ Cộng Hòa Ủng Hộ Richard Nixon. Chính bà Anna Chennault đã giới thiệu Đại Sứ Bùi Diễm với ông Nixon và ông Nixon yêu cầu ông Diễm cộng tác với Luật Sư John Mitchell. Có nhiều tin đồn về những chuyện đã xảy ra, nhưng mà rõ ràng là ông Thiệu đã có một cái cảm tưởng rất rõ rệt, đó là ông Nixon sẽ mang lại cho Saigon nhiều giải pháp tốt đẹp và có lợi hơn ông Johnson sắp sửa hết nhiệm kỳ. Một cuộc ngưng oanh tạc có nghĩa là sẽ có nhiều bất lợi cho Saigon tại cuộc hòa đàm.
Có nhiều bản phúc trình tình báo gởi đến Tòa Bạch Ốc về các nhân vật Bùi Diễm, Anna Chennault, Mitchell và Nixon Luật Sư Clark Clifford, Bộ Trưởng Quốc Phòng của Tổng Thống Johnson, đã nhận thấy rằng việc Đảng Cộng Hòa can thiệp vào diễn tiến thương thuyết hòa bình là một việc ‘có tiềm năng bất hợp pháp’ vì thật là rõ ràng đó là một sự can thiệp trực tiếp vào việc thi hành chính sách đối ngoại của Tổng Thống Hoa Kỳ. Tổng Thống Johnson suy nghĩ thật nhiều, ông ta rất muốn bật mí để cho toàn thể công chúng Hoa Kỳ biết chuyện bất hợp pháp nầy của phe Cộng Hòa, tuy nhiên vấn đề nầy lại đặt ra nhiều câu hỏi và sự mơ hồ vì không có một bằng chứng rõ rệt nào để quy trách nhiệm trực tiếp cho ông Nixon, hơn nữa nếu mà phanh phui việc có một sự can thiệp từ phía bên ngoài vào chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ thì sẽ có thể làm suy mòn lòng tin tưởng của người Mỹ đối với bất cứ ứng cử viên nào đắc cử sau nầy. Đó là một quyết định mà Ngoại Trưởng Dean Rusk hoàn toàn ủng hộ và Bộ Trưởng Clark Lifford cho rằng đó là một cái tát vào mặt Phó Tổng Thống Humphrey, ứng cử viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ. [ Frank Vandiver: Shadows Of Vietnam, Lyndon Johnson’s Wars, Texas A&M University Press, 1997, trang 337-338]
Đại Sứ Bùi Diễm kể lại rằng ngày thứ Bảy 9 tháng 11 năm 1968, chỉ 4 ngày sau ngày bầu cử, ông ngồi làm việc một mình trong Tòa Đại Sứ thì thấy Thượng Nghị Sị Everett Dirkson, Trưởng Khối Thiểu Số (Cộng Hòa) tại Thượng Viện đến thăm mà không báo trước. Nghị Sĩ Dirkson nói thẳng với Đại Sứ Diễm rằng “tôi đến đây với tư cách là đại diện cho cả hai vị Tổng Thống: Tổng Thống đương nhiệm Lyndon Johnson và Tổng Thống đắc cử (president-elect) Richard Nixon. Thông điệp của cả hai vị Tổng Thống rất là đơn giản như sau: Miền Nam Việt Nam phải gởi một phái đoàn đi dự hòa đàm Paris trước khi “quá muộn” [ Bùi Diễm: Sách đã dẫn, trang 245]
Đại Sứ Bùi Diễm nói thêm rằng chỉ một tiếng đồng hồ sau khi Thượng Nghị Sĩ Dirkson ra về, ông Joe Alsop, một nhà bình luận hàng đầu của báo chí Mỹ, một người bạn thân của cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát và cũng là bạn thân của Miền Nam Việt Nam, đến Tòa Đại Sứ. Ông Joe Alsop nói với ông Diễm rằng “nầy ông bạn, Tổng Thống của ông bạn, Tổng Thống Thiệu, đang chơi một trò chơi chết người (deadly game). Tôi mới gặp ‘ông già’ (Tổng Thống Johnson) ngày hôm qua và ông ta thật sự giận ông Thiệu vô cùng”. Sau đó ông Joe Alsop, với tư cách là bạn của Đại Sứ Bùi Diễm, khuyên ông ta nên về Saigon để đích thân thuyết phục Tổng Thống Thiệu. [ Bùi Diễm: Sách đã dẫn, trang 246]
Sau hai vị khách nầy, Đại Sứ Diễm đã nhận được điện thoại từ Bộ Ngoại Giao và sau đó người Mỹ đã đến Tòa Đại Sứ để nối một đường giây điện thoại đặc biệt của Ngũ Giác Đài để ông Diễm nói chuyện trực tiếp với Tổng Thống Thiệu tại Saigon. Ngày hôm sau, Chủ Nhật, Đại Sứ Bùi Diễm gặp ông Bundy một lần nữa rồi qua ngày thứ Hai 13 tháng 11 năm 1968, ông lên máy bay về Saigon. Gần 2 tuần sau, ngày 26 tháng 11, Tổng Thống Thiệu loan báo sẽ gởi một phái đoàn do Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu sang dự hòa đàm Paris và ông Kỳ đã đến Thủ Đô Pháp vào ngày 8 tháng 12 năm 1968.
Trong cuốn “The Palace File”, ông Nguyễn Tiến Hưng có cho biết là bà Anna Chennault đã rất phẩn nộ về việc Tổng Thống Nixon đã “phản bội” Tổng Thống Thiệu: Sau khi ông Thiệu đã giúp cho ông Nixon đắc cử thì chính ông Nixon lại đòi hỏi Tổng Thống Thiệu phải tham dự Hội Đàm Paris và vì thế bà đã từ chối không thèm nhận chức vụ Đại Sứ do ông Nixon đề nghị. Ngày 29 tháng 4 năm 1975, bà Anna Chennault lại gặp ông Thiệu một lần nữa tại Đài Bắc, lần nầy bà đại diện cho Tổng Thống Gerald Ford và được Tổng Thống Ford yêu cầu nói với ông Thiệu rằng: “Đây chưa phải đúng lúc để ông Thiệu sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ và tốt hơn hết thì ông Thiệu nên chọn một nước khác để xin tỵ nạn”.
Cựu Tổng Thống Thiệu đã cay đắng nói với bà chennault rằng: “Làm kẻ thù của nước Mỹ thì thật là quá dễ, nhưng làm một người bạn của Mỹ thì lại quá khó” [ Nguyễn Tiến Hưng: Sách đã dẫn, trang 332-333]
Cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ cũng có kể lại việc nầy trong cuốn hồi ký của ông“Chẳng bao lâu sau ngày tôi khởi đầu cuộc đời tỵ nạn, bà Anna Chennault đã mời tôi tới dùng cơm tối tại nhà bà trên lầu thượng của cư xá Watergate tại Washington, chỉ có bà và tôi mà thôi. Bà Chennault vừa mới từ Đài Loan trở về và nói với tôi rằng “Tôi đi Đài Loan để nói với ông Thiệu rằng tại vì sự “mang tiếng” (reputation) của ông cho nên ông sẽ không được đón mừng (welcome) ở Mỹ” [ Nguyễn Cao Kỳ with M. Wolf: Sách đã dẫn, trang 350]
Sau năm 1975, nhân một buổi họp mặt với Linh Mục Raymond de Jaegher tại Riverside, New York, người viết có hỏi bà Anna Chennault về vấn đề nầy, tuy nhiên sau một hồi trầm ngâm suy nghĩ, bà ta đã nói với người viết rằng: “Sometimes we’ve got to do whatever we’ve got to do” (đôi khi chúng ta cũng phải làm bất cứ việc gì mà chúng ta phải làm)
Tuy bà Chennault không xác nhận hay phủ nhận nhưng người viết có cảm tưởng rằng lúc đó bà ta cố gắng làm bất cứ điều gì để giúp cho ông Nixon, một chính trị gia mà chính người Trung Hoa Quốc Gia ai ai cũng nghĩ rằng sẽ ủng hộ chế độ Đài Loan vô điều kiện và có lợi hơn là ông Humphrey của Đảng Dân Chủ. Cũng như người Việt Nam, sau nầy người Đài Loan vô cùng thất vọng vì chỉ mấy năm sau thì chính Tổng Thống Nixon sang thăm Bắc Kinh và dưới thời Nixon thì Trung Hoa Quốc Gia bị trục xuất ra khỏi Liên Hiệp Quốc để nhường cho Trung Cộng và chính phủ Hoa Kỳ chính thức thiết lập bang giao với Trung Hoa cộng sản trên cấp bậc Đại Sứ, do đó Tòa Đại Sứ Trung Hoa Dân Quốc tại Hoa Thịnh Đốn đã được thiết lập từ thập niên 1940 lại bị đóng cửa. Cho đến ngày nay, Trung Hoa Dân Quốc hay Đài Loan không hề có một cơ sở đại diện ngoại giao nào với Hoa Kỳ dù chỉ trên cấp bậc Lãnh Sự.
Tác giả Frank Snepp cho biết rằng hồi tháng 4 năm 1975, Ngoại Trưởng Henry Kissinger có nhắn với cựu Tổng Thống Thiệu ở Đài Loan rằng: “Ông đừng có trông đợi chiếu khán được vào định cư tại Hoa Kỳ (nơi người con gái của ông đang theo học Đại Học) ít ra là cho tới sau cuộc bầu cử Tổng Thống tại Mỹ vào tháng 11 năm 1976″. Sau đó ông Thiệu sang tỵ nạn tại Anh Quốc cho đến thập niên 1980 thì được con gái của ông bà bảo trợ cho sang sống tại Boston, Tiểu Bang Massachussets và ông đã từ trần tại Thành Phố nầy hồi cuối năm 2001. Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sống ở Mỹ với tư cách là thường trú nhân (permanent resident) và không hề xin nhập tịch Hoa Kỳ.
Đó là sơ lược về vụ bà Anna Soong Chennault vận động với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trì hoãn việc cử đại diện cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sang tham dự cuộc hòa đàm Paris trước ngày bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 1968 giữa hai ứng cử viên Richard M. Nixon và Phó Tổng Thống Hubert Humphrey. Ông Nixon đã đánh bại Phó Tổng Thống Hubert Humphrey để trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ váo tháng 1 năm 1969.
Trong cuốn The Bunker Papers, Tiến Sĩ Douglas Pike đã cho trích lại tất cả những bản phúc trình của Đại Sứ Ellsworth Bunker gởi về hàng tuần cho Tổng Thống Johnson và sau đó Tổng Thống Nixon trong suốt thời gian ông làm Đại Sứ tại Việt Nam từ 1967 cho đến 1973. Có lẽ vì chưa được giải mật cho nên không có bản phúc trình nào của Đại Sứ Bunker về thất bại của ông trong vai trò thuyết phục chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đồng ý tham dự Hòa Đàm Paris vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm 1968 và cũng không có nói gì về những cuộc viếng thăm của bà Chennault tại Saigon.
Cho đến năm 1975, cả hai Viện Quốc Hội Hoa Kỳ đều do Đảng Dân Chủ kiểm soát và dĩ nhiên là họ không có mấy cảm tình với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, không có mấy cảm tình với Việt Nam Cộng Hòa, nhất là sau khi Tổng Thống Nixon từ chức vì vụ Watergate vào năm 1974, đại đa số các vị Nghị Sĩ Hoa Kỳ đều bỏ phiếu chống lại việc gia tăng viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa, đã bỏ phiếu giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa và nhất là chống lại đề nghị viện trợ bổ túc cho Miền Nam Việt Nam vào đầu năm 1975.
Trong bối cảnh chính trị đó, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Trưởng Phát Triển Kinh Tế và Kế Hoạch, theo lệnh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đã rời Saigon vào lúc 1 giờ 30 trưa ngày 15 tháng 4 năm 1975 sang Washington DC với sứ mạng vận động với Quốc Hội Hoa Kỳ xin vay 3 tỷ Mỹ kim gọi là “trái khoán Tự Do” (Freedom Loan) để cứu vãn tình hình đang trên đà sụp đổ tại Miền Nam Việt Nam.
Cả Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng như Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng đều không biết được rằng một ngày trước đó, vào ngày 14 tháng 4 năm 1975, Ủy Ban Ngoại Vụ của Thượng Viện Hoa Kỳ do Đảng Dân Chủ kiểm soát đã yêu cầu được gặp Tổng Thống Gerald Ford tại Bạch Cung để thảo luận khẩn cấp về vấn đề Đông Nam Á. Trong cuộc hội kiến bất thường nầy, các Nghị Sĩ đã khuyến cáo Tổng Thống Ford phải “rút ra thật nhanh”(get out, fast) và họ sẽ “không cung cấp một đống nickel (5 cents) nào về viện trợ quân sự cho Việt Nam”.
Sau khi đến Thủ Đô Washington và đang chuẩn bị tiếp xúc với dư luận cũng như là các vị Dân Biểu Nghị Sĩ Hoa Kỳ về dự án “trái khoán Tự Do” nầy thì sáng ngày 18 tháng 4 năm 1975, các hãng Thông Tấn loan tin cho biết Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Hoa Kỳ đã biểu quyết bác bỏ hoàn toàn vấn đề viện trợ quân sự bổ túc cho Việt Nam Cộng Hòa và đồng thời Ủy Ban Ngoại Vụ Thượng Viện cũng đã thông qua một nghị quyết cho phép Tổng Thống Gerald Ford được quyền sử dụng Quân Lực Hoa Kỳ để di tản người Mỹ ra khỏi Việt Nam.
Sứ mạng của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng bất thành từ trong trứng nước vì các đại diện của Đảng Dân Chủ trong Quốc Hội Hoa Kỳ đã có một trí nhớ thật dai, họ đã trả được mối hận mà ông Nguyễn Văn Thiệu gây ra khiến cho ông Hubert Humphrey, đại diện đảng nầy đã bị thất cử trong đường tơ kẻ tóc vào năm 1968.
Ông Nguyễn Tiến Hưng không phải là người Việt Nam đầu tiên thất bại trong sứ mạng sang Hoa Kỳ cầu viện.
Trước đó đúng 100 năm, vào năm 1875, ông Bùi Viện mang Quốc Thư của Vua Tự Đức lần thứ hai sang Hoa Kỳ yêu cầu Tổng Thống Ulysses S. Grant trợ giúp cho triều đình Nhà Nguyễn chống lại cuộc xâm lăng của người Pháp tại Việt Nam, nhưng sự yêu cầu nầy không được chính phủ Hoa Kỳ cứu xét và nước Việt Nam đã bị thực dân Pháp đô hộ trên 80 năm.
TỪ DINH ĐỘC LẬP, SAIGON
Trong thời gian Tướng Kulikov đang viếng thăm Hà Nội và cam kết Liên Xô sẽ gia tăng viện trợ quân sự cho Bắc Việt, ngày 6 tháng 12 năm 1974, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã triệu tập một cuộc họp với các cấp lãnh đạo quân sự của Việt Nam Cộng Hòa tại Dinh Độc Lập nhằm ước đoán về những cuộc tấn công của cộng sản Bắc Việt tại Miền Nam vào mùa khô năm 1975. Trong phiên họp này, các nhà lãnh đạo quân sự Miền Nam đã ước tính rằng cộng sản Bắc Việt sẽ mở những cuộc tấn công trong Vùng Đồng Bằng sông Cửu Long và miền Cao nguyên Trung Phần, tuy nhiên sẽ không có tầm mức đại quy mô như các cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân hồi năm 1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
Hội nghị quân sự này cũng ước tính rằng các lực lượng quân sự của cộng sản vẫn còn trong tình trạng yếu kém và chưa đủ khả năng để tấn công và chiếm giữ bất cứ một Tỉnh hay Thành Phố lớn nào tại Miền Nam Việt Nam. Trong vùng chung quanh Thủ Đô Saigon, hội nghị này cho rằng cộng sản sẽ mở các cuộc tấn công vào phía Tây Tỉnh Tây Ninh, gần biên giới Việt-Miên, vào khoảng thời gian trước hay là sau Tết tức là vào đầu tháng 2 năm 1975 và sẽ tiếp diễn cho đến khi mùa mưa bắt đầu vào khoảng tháng 6 năm đó. Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng đã đi đến quyết định là sẽ không gia tăng phòng thủ vùng phía Tây Quân Khu II và bắt đầu thiết lập một lực lượng trừ bị chiến lược để phòng thủ vùng vòng đai Saigon.
Trong cuốn sách The Final Collapse được xuất bản vào năm 1983 Đại Tướng Cao Văn Viên, cựu Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày 27 tháng 4 năm 1975, đã cho biết về phiên họp này như sau:
“Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chấm dứt năm 1974 với một thẩm định về tình hình quân sự. Một buổi họp cấp cao diễn ra vào ngày 6 tháng 12 năm 1974 dưới sự chủ tọa của Tổng Thống Thiệu, gồm có Tư Lệnh và các sĩ quan cao cấp của 4 Vùng Chiến Thuật và nhân viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Buổi bọp kết luận rằng năm 1975 là năm cộng sản sẽ tấn công Miền Nam để phá hoại cuộc bầu cử (Tổng Thống) của Việt Nam Cộng Hòa trong năm 1975 và gây tiếng vang trong cuộc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ vào năm 1976. Cán cân quân sự đang nghiêng về phía cộng sản. Họ đã tích lũy được một số dự trữ đủ để duy trì liên tục một cuộc tổng tấn công quy mô trong 18 tháng như cường độ cuộc tổng tấn công năm 1972.
Hình thức của cuộc tấn công mới sẽ là kết hợp giữa lối tấn công năm 1968 và 1972 của cộng sản: Đánh vào thành thị và cắt đứt các thông lộ huyết mạch. Chúng ta đã dự liệu cộng sản sẽ tấn công vào các Thành Phố Saigon, Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ. Cộng sản Bắc Việt tin tưởng nếu các Thành Phố lớn bị chiếm các Thành Phố nhỏ không cần đánh cũng đầu hàng. Vào những ngày cuối năm 1974 chúng ta có tin cộng sản Bắc Việt chuẩn bị xâm nhập những sư đoàn tổng trừ bị 316, 312, 341 và 308 vào Nam.
Ước lượng của ta là cộng sản sẽ tấn công Vùng II để cầm chân và làm tiêu bao lực lượng Tổng Trừ Bị của chúng ta trước khi các cuộc tấn công vào Vùng I và III. Vùng IV chỉ là nơi cộng sản đánh nhử với các cuộc tấn công lẻ tẻ và đóng chốt trên các tuyến lưu thông. Mục tiêu chính của cuộc tổng tấn công là cộng sản muốn thấy Việt Nam Cộng Hòa tạo ra một Hội Đồng Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc và sau đó là chính phủ liên hiệp. Tháng 3 năm 1975 theo dự đoán của chúng ta, sẽ là tháng bắt đầu cuộc tổng tấn công của cộng sản.
Trong phần chú thích, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên nói thêm rằng “đây là một ước tính tình bình địch rất chính xác do Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu đạt được. Từ sự ước tính này, Bộ Tổng Tham Mưu đã có những biện pháp đối phó, nhưng vì tương quan lực lượng hai bên nghiêng về phía cộng sản, chúng ta không đủ quân để đạt được kết quả mong muốn”.[ Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa, trang 96-97.
Gián điệp cộng sản Tại Dinh Độc Lập
Tuy nhiên, một điều mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng như các nhà lãnh đạo quân sự của Việt Nam Cộng Hòa lúc đó không hề hay biết là có một điệp viên của cộng sản Bắc Việt hoặc là đã có mặt trong phòng họp, hoặc là đã đọc được biên bản của phiên họp này. Vào ngày 20 tháng 12 năm 1975, một bản phúc trình đầy đủ về phiên họp, về các sự thảo luận cũng như là các quyết định của các giới lãnh đạo quân sự Miền Nam đã được chuyển đến tận tay giới lãnh đạo Bắc Việt cùng với Tướng Văn Tiến Dũng.
Theo nhà báo Oliver Todd, “CIA của Mỹ ở Saigon tin rằng trong số những người thân cận của Tổng Thống Thiệu, có một gián điệp cao cấp của Hà Nội. Người đó là ai? Trung Tướng Đặng Văn Quang ? Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo ? Hay là một người nào khác”[ Oliver Todd: Cruel Avril: 1975, La Chute de Saigon, éditions Robert Laffont, Paris 1987. Trang 51: “CIA est convaincue que. parmi les proches de Thieu, un agent renseigne Hanoi. Qui ? Quang ? Hao, ou un autre ?”]
Oliver Todd không phải là nhà báo ngoại quốc duy nhất nói đến người “gián điệp cao cấp của cộng sản” bên cạnh Tổng Thống Thiệu.
Trong cuốn Decent Intenval, Frank Snepp cũng cho biết rõ hơn về việc này, tuy nhiên Frank Snepp không có đề cập đến tên của Tướng Quang và Phó Thủ Tướng Hảo như Oliver Todd: Một điệp viên trong Bộ Tham Mưu thân cận của Tổng Thống Thiệu đã gửi một bản báo cáo tối mật về những kế hoạch và ước đoán của chính phủ Saigon cho Bắc Việt. Theo báo cáo của tên gián điệp này thì vào hai ngày 9 và 10 tháng 12 năm l974 có một phiên họp cao cấp về quân sự tại Saigon nhằm vào việc thẩm định những dự tính của Hà Nội trong năm tới. [Trong phiên họp nầy, các Tướng lãnh cùng đồng với quan điểm của Tổng Thống Thiệu là trong những tháng sắp tới, cộng sản “sẽ chiến đấu trên một bình diện đại quy mô” hơn trong năm 1974 tuy nhiên sẽ không tổng tấn công như hồi năm Mậu Thân 1968]. Tên điệp viên nói thêm rằng Tổng Thống Thiệu đã kết luận rằng các lực lượng Bắc Việt sẽ không có đủ khả năng để tấn công chiếm giữ và bảo vệ các Thành Phố lớn, Tổng Thiệu đã tiên đoán rằng cộng sản sẽ nhắm mũi tấn công vào Tỉnh Tây Ninh thuộc Vùng III Chiến Thuật và cộng sản sẽ tấn công mạnh cho đến hết mùa khô vào tháng 6 (năm 1975) rồi sẽ ngưng các cuộc tân công để dưỡng quân, tái tổ chức và trang bị. Tên điệp viên này cũng báo cáo thêm rằng căn cứ trên những ước tính này, Tổng Thống Thiệu đã quyết định sẽ không tăng viện cho Vùng II và sẽ tập trung các lực lương trừ bị trong vùng phiá Nam mà thôi”.
Vốn là một chuyên gia cao cấp về phân tích tình báo chiến lược (Intelligence strategy analyst) tại Văn Phòng CIA Ở Saigon, Frank Snepp nhận định như sau về hậu quả do bản báo cáo của tên gián điệp cộng sản này gây ra:
“Cũng chẳng có gì khó khăn để tưởng tượng ra được các nhà lãnh đạo Bắc Việt đã hồ hởi, khoái chí như thế nào khi họ nhận được bản báo cáo nầy. Đó là một bản báo cáo vô giá. Trong quyết nghị về kế hoạch quân sự tại Miền Nam năm 1975, giới lãnh đạo Bắc Việt còn chưa có quyết định tối hậu vì chưa có đủ yếu tố.
Nếu như ông Thiệu tiên đoán rằng cộng sản sẽ tấn công vào Tây Ninh thì trước hết họ sẽ tấn công vào Tỉnh Phước Long, nếu ông Thiệu nghĩ rằng cộng sản sẽ không tấn công vào Vùng II thì họ sẽ tấn công vào Vùng Cao Nguyên và đó cũng là nơi mà họ sẽ tập trung các lực lượng chính để thôn tính toàn bộ vùng này, nếu ông Thiệu nghĩ rằng cộng sản không có đủ khả năng tấn công và chiếm giữ các Thành Phố lớn thì họ sẽ làm y như vậy: Tấn công Phước Long và kế đến là Ban Mê Thuột rồi thay vì phải rút lui Họ sẽ chiếm giữ luôn những Thành Phố đó”. [Frank Knepp: Decent Intrval, Vintage Book, New York, 1978. Trang 133-135.]
Trong số những người đã đóng góp công trạng cho sự chiến thắng của Bắc Việt, tên gián điệp nằm vùng này trong Bộ Tham Mưu của ông Thiệu phải là người có công lao lớn nhất. Cho đến giờ này thì tên tuổi của tên gián điệp này vẫn còn bí mật, chỉ có Hà Nội là biết rõ, nhưng vào thời gian y cung cấp tài liệu có giá trị vô giá này cho Bắc Việt vào cuối năm 1974 thì văn phòng CIA ở Saigon có một bản danh sách gồm có 4 người trong Bộ Tham Mưu thân tín của ông Thiệu bị tình nghi là có thể làm gián điệp nội tuyến cho Bắc Việt. Một trong 4 người đó là một sĩ quan đang giữ chức Trưởng Ban Phản Gián của Cục An Ninh Quân Đội, người này là bà con rất gần với một nhân viên cao cấp trong Bộ Tham Mưu của Tổng Thống Thiệu.
“Dù rằng có đủ bằng chứng nhưng CIA vẫn không có thể làm gì được đối với họ vì cả bốn người đều là người tâm phúc thân cận với Tổng Thống Thiệu và trong đó có hai người, kể cả người phụ trách về phản tình báo của An Ninh Quân Đội, trớ trêu thay lại là cộng sự viên lâu đời của CIA. Nếu CIA mà làm tới và kết tội họ thì việc đó sẽ làm cho chính CIA bỉ mặt, do đó mà CIA đành phải làm ngơ” [Frank Snepp: Decent Interval, Vintage Books, New York. 1978. Trang 133-135.]
Về chuyện nghe lén trong Dinh Độc Lập thì ông Trần Văn Đôn sau này có cho biết rằng không những người Mỹ mà cả việt cộng cũng đều có thể nghe được:
“Thì ra trong Dinh Độc Lập được sửa chữa lúc Dinh sau vụ ném bom năm 1962, trong mấy nằm trời xây cất, Mỹ đã đặt máy vi âm để nghe tất cả những gì xảy ra trong Dinh Độc Lập. Từ đó suy luận ra thì chắc chắn việt cộng dã cho cán bộ trà trộn làm công việc xây cất chỉnh trang và đã lén đặt máy truyền tin cũng như người Mỹ đã làm.
Năm 1976, tôi bảo trợ cho gia đình ông Lê Ngọc An, Thiếu Úy Cận Vệ của Tổng Thống Thiệu. Tôi không biết ông An nhiều nhưng có người bạn điện thoại cho tôi biết ông An tìm người sponsor nên tôi đồng ý.
Sang đến Mỹ, ông An cho biết ngày việt cộng vào Dinh Độc Lập, chúng nhốt tất cả lại trong Dinh trừ Tổng Thống Dương Văn Minh và Thủ Tướng Mẫu thì chúng chở đi nơi khác. Ông An thấy một người thợ điện làm việc trong Dinh suốt 7 năm trời, lúc bấy giờ ló diện ra là cán bộ cộng sản nằm vùng. Tên thợ điện đó dẫn cán bộ việt cộng đi hết mọi phòng và chỉ dẫn rất rành mạch. Vì vậy không những Mỹ nghe tin mật ở Dinh Độc Lập mà có thể việt cộng cũng nghe được. [Trần Văn Đôn: Việt Nam Nhân Chứng, Xuân Thu, Califomia, 1989]
Nghe lén là một trong những vũ khí quan trọng trong Ngành Tình Báo và cũng rất có thể là một trong những cán bộ cộng sản nằm vùng trong Dinh Độc Lập nhờ nghe lén mà đã phúc trình những tin tức có tầm quan trọng vô giá này cho Bắc Việt.
Trong binh pháp, người xưa đã dạy rằng “bí mật và bất ngờ là hai yếu tố quyết định cho chiến thắng” và Tôn Tử cũng có dạy “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”, do đó, các Tư Lệnh chiến trường bao giờ cũng cố gắng tìm hiểu về các kế hoạch của đối phương trong khi che dấu, ngụy trang các kế hoạch hành quân của mình. Vào cuối năm 1974, các nhà lãnh đạo quân sự cộng sản Bắc Việt đã nắm được những yếu tố chiến lược có tính cách quyết định tại chiến trường Miền Nam qua những tin tức tình báo về buổi họp của các nhà lãnh đạo quân sự cao cấp tại Dinh Độc Lập trong bản phúc trình mà gián điệp cộng sản đã gởi về Hà Nội. Nhờ những yếu tố mới này, cộng sản Bắc Việt đã biết rõ những tiên đoán và kế hoạch đối phó của Việt Nam Cộng Hòa cho năm 1975 và do đó họ đã phối hợp những tin tức tình báo có tính cách chiến lược này với những yếu tố mà họ đã có từ trước để hoàn tất các kế hoạch tổng tấn công cho năm 1975 mà trước đó vẫn chưa được thành hình và chưa có quyết định tối hậu.
Kế hoạch đầu tiên là chấp thuận tấn công Phước Long.
Một ủy viên trong Ban Thường Vụ của Trung Ương Cục Miền Nam và cũng là người được xem như là rất thân cận với Lê Duẫn trong thời gian Lê Duẫn còn làm Bí Thư Xứ Ủy Nam Bộ thời chiến tranh Đông Dương trước năm 1954.
Tưởng cũng nên nhắc lại là con đường này hồi đó được cả hai phe Việt Nam Cộng Hòa và cộng sản gọi là “đường dây ông cụ” chứ chưa được gọi là “đường 559″ hay “đường mòn Hồ chí Minh” như sau này. Luật Sư Đinh Thạch Bích có cho người biết một chuyện lý thú là người đã đặt tên cho con đường bây giờ nổi tiếng là “Đường Mòn Hồ chí Minh” lại chính là một vị Tướng lãnh trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông Bích có phục vụ tại Phòng 2 của Sư Đoàn 22 tại Vùng 2 Chiến Thuật mà vị Tư Lệnh lúc đó là Trung Tá Nguyễn Bảo Trị. Ông Bích nói rằng hàng ngày các sĩ quan trong Bộ Tham Mưu đều thảo luận về “đường dây ông cụ” tức là con đường liên lạc và chuyển vận người cũng như là vũ khí chiến cụ của cộng sản từ Bắc vào Nam. Ông Bích cho biết một hôm trong phiên họp Tham Mưu, ông hỏi “ông cụ nào vậy ?” thì Trung Tá Nguyễn Bảo Trị cười rồi nói “thì đó là Hồ chí Minh chứ còn ai vào đây” Từ đó “đường dây ông cụ” trở thành “đường mòn Hồ chí MInh” và sau này được người Mỹ gọi là “Hochiminh trail”.
Nhờ những nỗ lực và vận động của PhạM văn Đồng, Lê Duẫn đồng ý cho mời Phạm Hùng và Trần Văn Trà đến tư dinh để thảo luận thêm.
Trần Văn Trà hỏi Lê Duẫn lý do tại sao Hà Nội không chấp thuận kế hoạch tấn công Quận Đôn Luân thuộc Tỉnh Phước Long do B2 đề nghị và được Lê Duẫn cho biết Bộ Tổng Tham Mưu đã phúc trình lên Lê Duẫn rằng nếu mở cuộc tấn công này thì những đơn vị chủ lực của chiến trường B-2 sẽ phải được tung hết vào cuộc chiến từ lúc khởi đầu, nếu bị thất bại thì sẽ tổn thất rất nhiều về nhân lực, vũ khí, đạn dược và chiến cụ. Sự tổn thất này sẽ ảnh hưởng quan trọng đến tiềm lực của Trung Ương Cục Miền Nam dành cho các cuộc tấn công dự trù vào năm 1975 và cuộc tổng tấn công tại Miền Nam dự trù vào năm 1976. Lê Duẫn nói rằng chính vì lý do đó mà kế hoạch tấn công Đôn Luân không thích hợp.
Phạm Hùng và Trần Văn Trà, hai đệ tử thân tín của Lê Duẫn thời Nam Bộ Kháng Chiến, đã thuyết phục Lê Duẫn rằng Quân Lực của Việt Nam Cộng Hòa trong vùng Phước Long rất yếu kém, Miền Nam không có đủ khả năng để tiếp viện nếu Phước Long bị tấn công và Quốc Lộ 13 bị cắt đứt. Sau cùng thì Lê Duẫn bị Phạm Hùng, Trần Văn Trà thuyết phục và chính Lê Duẫn lại đứng ra vận động với Bộ Chính Trị về việc tấn công Phước Long. [The Fall of the South, trang 17].
Trong cuốn hồi ký Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm, Thượng Tướng Trần Văn Trà có cho biết rõ hơn về chuyện này:
“Nhân lúc anh Phạm Hùng nói về triển vọng ta thắng lợi nhiều trong mùa khô này vừa dừng lại, tôi hỏi anh Ba (Lê Duẫn): “Vừa rồi anh điện vào không cho đánh Đồng Xoài, vì nguyên do thế nào ?
Anh Ba trả lời: “Bộ Tổng Tham Mưu báo cáo với tôi là các anh tung cả chủ lực ra đánh ngay từ đầu mùa khô. Đánh Đồng Xoài và tiếp theo một loạt các trận đánh lớn khác, như vậy là không phù hợp. Cần phải đánh thế nào để giữ họ giai sức, trong tình hình hiện nay phải luôn nắm trong tay một lực lượng sung sức để khi có thời cơ, anh mới có điều kiện dành thắng lỢi”.
Tôi lại trình bày với anh về ý định của chúng tôi và về cách sử dụng lực lượng. Tôi nói:“Trong đợt đầu mùa khô chúng tôi vẫn nắm một lực lượng dự bị mạnh là sư đoàn 9 và một số trung đoàn khác.”
Anh Phạm Hùng nói thêm vào: “Đánh Đồng Xoài không cần lực lượng lớn đâu và chúng tôi chắc thắng, chúng tôi cũng đã cân nhắc kỹ”
Anh Ba nói: “Nếu đúng như vậy thì cứ đánh chứ có vấn đề gì đâu”
Tôi tưởng tai mình không nghe rõ, liền hỏi lại cho chắc: “như vậy anh cho chúng tôi giải quyết Đồng Xoài để có hành lang thông về phía Đông như kế hoạch chúng tôi đã dự định?
Anh Ba nói: Nhưng chắc thắng và không được sử dụng lực lượng lớn. [ Trần Văn Trà: Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm, Nhà xuất bản Văn Nghệ, Thành Phố Hồ chí Minh, 1982, trang 170.]
Ngay sau khi được Lê Duẫn đổi ý kiến cho phép đánh Đồng Xoài, Trần Văn Trà đánh điện ra lệnh cho Lê Đức Anh và vào ngày 14 tháng 12 năm 1974 thì việt cộng khởi sự tấn công Quận Đức Phong, mở đầu cho chiến dịch tấn công Phước Long. Tuy nhiên, dù đã được Lê Duẫn chấp thuận nhưng dường như phe Văn Tiến Dũng và các Tướng lãnh của Quân Đội Nhân Dân tại Hà Nội mà Trần Văn Trà châm biếm gọi là “lính nhà vua” cũng còn tìm cách chống đối. Trần Văn Trà cho biết rằng ngay hôm đó, Trà viết một mệnh lệnh gửi cho Lê Đức Anh ở B2 nhờ Bộ Tham Mưu của Văn Tiến Dũng gửi đi, nhưng đến chiều hôm đó thì Lê Ngọc Hiền mang trả lại, không chịu gửi với lý do là vì trong bức điện Trà đã cho phép dùng xe tăng và pháo lớn mà những giới hạn mà Quân Ủy không cho phép. Trần Văn Trà nói rằng ông ta giận dữ và nói với Lê Ngọc Hiền rằng: “Việc sử dụng vũ khí lớn tôi đã xin phép rồi, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Yêu cầu đồng chí cho điện đi và đồng chí sẽ phải chịu trách nhiệm nếu điện của tôi chậm trễ, lỡ thời cơ”. Sau khi hăm dọa như vậy thì Lê Ngọc Hiền mới cho đánh bức điện của Trần Văn Trà vào Nam ra lệnh cho Lê Đức Anh khởi sự cuộc tấn công Phước Long” [ Trần Văn Trà: Sách đã dẫn, trang 178.]
Frank Snepp nhận định rằng quyết định gia tăng các cuộc tấn công quân sự tại Miền Nam cũng gặp phải nhiều sự chống đối của phe “bồ câu” và phe ôn hòa trong Bộ Chính Trị Đảng Lao Động vì họ vẫn còn e ngại việc Hoa Kỳ tái can thiệp và những trở ngại trong việc tái thiết sau này. Tuy nhiên, chính Tổng Bí Thư Lê Duẫn đã thuyết phục họ với lập luận rằng Quốc Hội Hoa Kỳ đang thảo luận về viện trợ cho Miền Nam và các cuộc tranh luận này cho thấy rất ít có cơ hội mà người Mỹ sẽ tái can thiệp ở Việt Nam, do đó mà dù Bắc Việt có gia tăng các cuộc tấn công thì cũng chẳng có gì phải lấy làm lo ngại cho lắm. Để trấn an những phần tử còn thận trọng trong Bộ Chính Trị, Lê Duẫn đồng ý sẽ lấy vụ tấn công Phước Long làm một thí nghiệm: Nếu Hoa Kỳ mà không can thiệp để cứu tỉnh này thì điều đó chứng tỏ rằng ông ta đã đúng, còn nếu mà Hoa Kỳ có can thiệp thì Bắc Việt vẫn còn có đủ thì giờ để rút lui.
Sau cùng thì Lê Duẫn thuyết phục được Bộ Chính Trị của Đảng Lao Động và chính Lê Duẫn, nhân danh Bộ Chính Trị, ra lệnh cho khởi sự cuộc tấn công Tỉnh Phước Long. Lê Duẫn đã ra khẩu lệnh cho Phạm Hùng và Trần Văn Trà trước khi hai người này lên đường trở về Miền Nam: “các đồng chí phải chắc rằng chúng ta sẽ chiến thắng ở Phước Long”.
Chiến Dịch Phước Long
Đầu tháng 12 năm 1974, cộng sản cho mở một vài cuộc tấn công gần Tây Ninh để nhử cho Việt Nam Cộng Hòa gởi các đơn vị trừ bị đến tăng cường cho Tỉnh này rồi đến ngày 13 tháng 12, cộng sản khởi sự tấn công vào Tỉnh Phước Long.
Theo Đại Tướng Cao Văn Viên thì đầu tháng 10 năm 1974 qua tin tức thâu thập từ tình báo, phản gián hồi chánh viên và tù binh, Bộ Tổng Tham Mưu đã biết được kế hoạch cộng sản Bắc Việt chuẩn bị đánh chiếm Phước Long. Tin tức nầy đã được chuyển đến Quân Đoàn III và Tiểu Khu Phước Long. Cuộc tấn công của cộng sản vào Phước Long không phải là một sự bất ngờ ngoài sự ước đoán của chúng ta.
Tướng Viên cho biết rằng lực lượng phòng thủ toàn Tỉnh Phước Long gồm có 5 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân khoảng 4.000 người, 48 Trung Đội Nghĩa Quân khoảng 1.000 người và 4 Pháo Đội (Đại Đội) Pháo Binh. Như vậy thì trong khu vực Tỉnh này, chỉ có những lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân đảm trách việc phòng thủ, không có một đơn vị tác chiến nào của Chủ Lực Quân cả, cho đến khi một số tiền đồn của ta bị rơi vào tay địch thì Quân Đoàn III mới tăng viện cho Phước Long một Tiểu Đoàn thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh cùng với hai Pháo Đội và 3 Đại Đội Trinh Sát.
Trong khi đó thì cộng sản Bắc Việt đã sử dụng Quân Đoàn 4 do Tướng Hoàng Cầm làm Tư Lệnh và Đại Tá Bùi Cát Vũ làm Chính Ủy gồm có ba sư đoàn, lúc đó được gọi là “Công trường 7 và 9″ cùng với hai trung đoàn cao-xạ phòng không và nhiều đơn vị pháo binh cũng như là xe tăng tấn công vào 5 mục tiêu trong Tỉnh Phước Long”. [ Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 99-100.]
Theo Đại Tá William E. Leggro, cựu Trưởng Phòng Tình Báo của Phòng Tùy Viên Quân Lực Hoa Kỳ (DAO) tại Saigon thì lúc đó, ngoài những đơn vị tác chiến kể trên, trong vùng lãnh thổ Tỉnh Phước Long, cộng sản còn đặt căn cứ của nhiều bộ chỉ huy chiến thuật và tiếp vận nữa: Đồn điền Bù Dốp-Bố Đức là bản doanh của bộ chỉ huy M-26 của 3 tiểu đoàn chiến xa cách Phi Trường Sông Bé khoảng 45 cây số, bộ chỉ huy của các đơn vị công binh chiến đấu cũng gồm khoảng 3 tiểu đoàn, ngoài ra còn có các đơn vị khác nữa như quân xa, huấn luyện và hậu cần v.v… [ William E. Le Gro: Vietnam.from Cease-fire lo Capitulation. Washington D.C.: US Army Center of Military History, 1981, trang 133].
Ngày hôm sau, 14 tháng 12 năm 1974, cộng sản đã chiếm được hai tiền đồn là hai Quận Bố Đức và Đức Phong, tuy nhiên Quận Đôn Luân do một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân trấn giữ đã anh dũng đẩy lui được đợt tấn công đầu tiên của cộng sản. Vì Quốc Lộ 14 đã bị cộng quân cắt đứt. Không Quân Việt Nam Cộng Hòa phải vận tải tiếp liệu và di tản thương binh cùng thường dân bằng phi cơ C-130 và trực thăng CH- 47, nhưng sau đó cộng quân đã pháo kích vào Phi Trường Phước Bình, tiêu hủy một chiếc C-130, làm hư hỏng một chiếc khác và Phi Trường Phước Bình đã bị cộng quân pháo kích hàng ngàn trái đạn do đó không còn sử dụng được.
Ngày 26 tháng 12 năm 1974, sau 13 ngày anh dũng chống trả lại các cuộc tấn công biển người của cộng sản, tiền đồn Đôn Luân bị thất thủ sau khi bị cộng quân pháo kích hàng ngàn đạn pháo binh rồi sử dụng chiến xa và quân bộ chiến tràn ngập Quận lỵ này. Lúc đó, trừ Quận lỵ Phước Bình và Thành Phố Phước Long, toàn thể Tỉnh này đã hoàn toàn rơi vào sự kiềm soát của cộng sản.
Sau khi Quận Đôn Luân bị thất thủ, một phiên họp khẩn cấp đã được triệu tập tại Dinh Độc Lập với sự chủ tọa của Tổng Thống Thiệu và sự hiện diện của Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Trung Tướng Đặng Văn Quang, Phụ Tá An Ninh và Quốc Phòng, Đại Tướng Cao Văn Viên, Trung Tư­ớng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân, Trung Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Quân Đoàn III và Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Liên Quân kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận. Mục đích của phiên họp này là thảo luận để đi đến quyết định là Saigon có nên tăng viện cho Phước Long hay không và nếu tăng viện thì tăng viện như thế nào về vũ khí, về nhân sự.
Trong cuốn The Final Collapse, Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết trong phiên họp này, Trung Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Quân Đoàn III đã trình bày về tình hình Phước Long và đề nghị xin một Sư Đoàn Bộ Binh hay Sư Đoàn Nhảy Dù lên tăng viện cho Phước Long và đồng thời ông xin được từ chức viện cớ là ông đã không đủ khả năng giải quyết được tình hình quân sự của vùng này. Lời yêu cầu của Tướng Dư Quốc Đống bị Tổng Thống Thiệu bác bỏ.
Tướng Cao Văn Viên cho biết sau khi nghiên cứu tình hình thì kế hoạch tăng viện cho Phước Long bị hủy bỏ dựa vào những lý do sau đây: Bộ Tổng Tham Mưu không còn đủ quân trừ bị, hai Sư Đoàn Tổng Trừ Bị là Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến đang trấn đóng ở Vùng I và tình hình chiến sự ở đây không cho phép rút bất cứ đơn vị nào để tăng viện cho Phước Long, tại Vùng III, hai Sư Đoàn cơ hữu là Sư Đoàn 18 và 25 cũng không thể đưa lên tăng viện cho Phước Long vì còn phải được dùng để án ngữ khu vực Tây Ninh ngăn chân hai sư đoàn cộng sản 5 và 9 tiến về Saigon, nếu giả thử như có thể gửi một Sư Đoàn tăng viện cho Phước Long thì phải mất từ 5 đến 7 ngày mới đến nơi và lúc đó thì chưa chắc quân trú phòng Phước Long còn cầm cự được trước sự tấn công của các lực lượng cộng sản đông gấp mấy lần, về tiếp tế thì cần phải sử dụng Không Quân và Bộ Tổng Tham Mưu phỏng định là không quân sẽ bị thiệt hại rất nặng trước lực lượng phòng không của cộng sản mà sự thiệt hại này sẽ không được thay thế vì ngân sách dành cho Không Quân không còn nữa và sau cùng, lý do quan trọng nhất là về các phương diện chiến lược, kinh tế, chính trị và dân số, Phước Long không quan trọng bằng Tây Ninh, Pleiku hay là Huế. Theo Bộ Tổng Tham Mưu thì trong thời điểm mà ngân quỹ Quốc Phòng đang phải đối diện với một sự thiếu hụt ngặt nghèo, nếu phải giữ đất thì nên củng cố lực lượng để giữ Tây Ninh hay Huế hơn là Phước Long. Buổi họp đi đến quyết định là chỉ sử dụng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù để tăng viện cho Phước Long như đã dùng đơn vị này để tiếp viện cho An Lộc hồi năm 1972.[ Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 106-109].
Như vậy thì sự tiên đoán của Phạm Hùng và Trần Văn Trà nói rằng Việt Nam Cộng Hòa sẽ không có đủ khả năng để tăng viện cho mặt trận Phước Long nếu Tỉnh này bị tấn công là không mấy sai sự thật. Và điều này cũng chứng tỏ cho thấy rằng Việt Nam Cộng Hòa không còn có đủ quân để tăng viện cho Phước Long chứ không phải như những lời đồn đại, những lời bàn luận mà người Saigon hồi đó thường gọi là “lời bàn Mao Tôn Cương” nói rằng khi quyết định không tăng viện cho Phước Long, Tổng Thống Thiệu đã chơi trò “tháu cáy” cố tình để mất Tỉnh này vào tay cộng sản cốt là để thử xem người Mỹ có giữ đúng sự cam kết là sẽ can thiệp nếu Bắc Việt mở các cuộc tấn công ở Miền Nam sau Hiệp Định Paris hay không. Sau phiên họp này, vì lý do thời tiết cũng như là chiến sự, đến sáng ngày 5 tháng 1 năm 1975, Không Quân mới thực hiện được 60 phi vụ oanh tạc để dọn bãi đáp ở phía Bắc Thành Phố và đến 3 giờ chiều thì khoảng 250 Quân Nhân thuộc Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù mới hoàn tất được cuộc đổ bộ và tiếp xúc được với quân trú phòng dưới những cơn mưa pháo mãnh liệt của cộng quân.
Các đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chống trả các cuộc tấn công biển người của 3 sư đoàn cộng quân với sự yểm trợ của chiến xa T-54 và đại pháo 130 ly trong hơn 10 ngày. Biệt Cách Nhảy Dù đã chiến đấu vô cùng gan lỳ và dũng cảm trong nỗ lực phản công tái chiếm lại những mục tiêu đã mất, tuy nhiên sức người có hạn, hơn một nửa tổng số các chiến sĩ Biệt Kích Nhảy Dù đã anh dũng hy sinh trong các trận đánh này. Hơn nữa, cộng sản đã cho thiết kế gắn thêm vào hông xe tăng của họ những cái “khiên kim loại” mới được biến chế khiến cho các loại súng chống chiến xa loại M-72 cũng như là súng không giật 90 ly của Hoa Kỳ chế tạo không còn hữu hiệu nữa.
Sự chiến đấu gan dạ của các Chiến Sĩ 81 Biệt Cách Nhảy Dù cùng các đơn vị Địa Phương Quân trong Thị Xã Phước Long đã khiến cho cuộc tấn công của cộng quân phải chùn lại. Trần Văn Trà đang họp ở Hà Nội cho biết:
“Bỗng một hôm trong lúc đang họp, một đồng chí trong Cục Tác Chiến Bộ Tổng Tham Mưu đưa đến và đọc một bức điện từ chiến trường báo cáo rằng: “vì địch đã tăng viện được Lữ Đoàn 81 Biệt Kích Dù vào Thị Xã, chúng đã cố thủ nên chúng tôi tạm cho dẫn bộ đội ra chấn chỉnh để nghiên cứu đánh lại”.
“Tôi sửng sốt, không tin. Tôi ngồi gần như đối diện với anh Ba (Lê Duẫn,) khi nghe đọc xong, anh ngó thẳng vào tôi có vẻ hỏi tại sao vậy. Trước đây, khi xin được đánh Phước Long và được sử dụng một ít pháo lớn và xe tăng, tôi đã khẳng định với anh Ba rằng ta đánh chắc thắng và địch không thể tăng viện được. Nay nếu đánh không nổi Tỉnh Lỵ Phước Long thì mọi việc đánh giá khác của tôi sẽ khó mà tin được là đúng. Trình độ tác chiến của quân chủ lực ta ở miền Đông rõ ràng sẽ chứng tỏ còn thấp kém.” [ Trần Văn Trà: Sách đã dẫn, trang 189.]
Tuy nhiên sức người có hạn, đến nửa đêm hôm 6 tháng 1 năm 1975, sau khi các vũ khí hạng nặng và trang bị truyền tin bị pháo binh và chiến xa của cộng sản phá hủy hoàn toàn, với biển người trên 30.000 quân cộng sản tấn công ào ạt, một số mấy trăm chiến sĩ thuộc các binh chủng Biệt Động Quân, Biệt Kích Dù, Địa Phương Quân và Nghĩa Quân thuộc Tỉnh Phước Long đã rút được vào những khu rừng rậm quanh Tỉnh Lỵ Phước Bình. Trong tổng số 5.400 chiến sĩ bảo vệ cho toàn Tỉnh Phước Long, chỉ có khoảng 1.000 người trong đó có 121 Quân Nhân Biệt Cách Nhảy Dù đã thoát được và trở về trình diện Quân Đoàn III. Tỉnh Trưởng Phước Long, Quận Trưởng Phước Bình, một số Tiểu Đoàn Trưởng cùng khoảng trên 3.000 Quân Nhân thuộc các đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã được ghi nhận là mất tích và tử vong.
Kể từ khi cộng quân khởi sự tấn công vào ngày 13 tháng 12 năm 1974 cho đến khi Tỉnh Phước Long bị thất thủ vào ngày 6 tháng Giêng năm 1975, khoảng trên 5 ngàn Địa Phương Quân và Nghĩa Quân đã anh dũng cầm cự được với 30 ngàn quân cộng sản trong 23 ngày thì đó cũng là một cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng đáng ca ngợi của các Chiến Sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào những ngày đầu của cuộc tổng tấn công Miền Nam Việt Nam.
Theo nhận định của một Quân Nhân thuộc lực lượng Biệt Kích Nhảy Dù có tham dự cả hai trận An Lộc hồi năm 1972 và Phước Long năm 1975 thì trong trận Phước Long địch quân đánh không giỏi và gan dạ như chúng ta nghĩ. Vấn đề là địch đông quá. Pháo binh của họ mạnh và chính xác hơn là ở An Lộc. Xe tăng của địch được trang bị khác hơn, súng M-72 của ta không ngăn chận được. Khi bị trúng đạn, xe tăng địch khựng một chút rồi tiếp tục tiến lên. Yểm trợ của Không Quân không hữu hiệu vì phi cơ bay quá cao. Chỉ có B-52 như ở An Lộc thì chúng ta mới có thể thắng được. [ghi chú: Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 113].
Nhưng năm 1975 thì không có B-52, ngược lại về phía Hoa Kỳ, không hề có một phản ứng nào, không có một phản kháng nào đối với việc cộng sản Bắc Việt mở cuộc tấn công chiếm Tỉnh Phước Long.
Trong cuốn The Final Collapse, Đại Tướng Cao Văn Viên nhắc lại rằng “Trong dịp sang Saigon vào ngày 18 tháng 10 năm 1972 để trao cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bản sơ thảo viết bằng Anh Ngữ của Hiệp Định Paris, Cố Vấn Kissinger nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giữ các căn cứ tại Thái Lan và Hạm Đội Mỹ ở ngoài khơi Việt Nam để ngăn chận các cuộc xâm lăng của cộng sản…”. [ Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 39.]
Trong thời gian cộng sản tấn công Phước Long, Tiến Sĩ Kissinger đang làm Ngoại Trưởng Hoa Kỳ và lúc đó có một Hạm Đội Hoa Kỳ đang hoạt động trong vùng biển Á Châu, nhưng ông ta đã không nhắc nhở gì với Tân Tổng Thống Ford về lời hứa của ông gần hai năm về trước tại Saigon để cho Tổng Thống Gerald Ford có thể ra lệnh cho một lực lượng Đặc Nhiệm Hải Quân trong đó có Hàng Không Mẫu Hạm nguyên tử Enterprise đang hoạt động trong vùng Thái Bình Dương tiến vào vùng hải phận gần bờ biển Việt Nam, nhưng thay vì ở lại chung quanh vùng biển này như là một hình thức để ủng hộ một cách tượng trưng cho Việt Nam Cộng Hòa thì Hạm Đội này lại được lệnh đi thẳng sang…Phi Châu.
TỪ HÀ NỘI CHIẾN DỊCH 275
Theo Tướng Trần Văn Trà thì trong kế hoạch quân sự tại Miền Nam năm 1975 của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Bắc Việt, có một kế hoạch tấn công Quận Đức Lập thuộc Tỉnh Quảng Đức, một Quận lỵ gần biên giới cách Thành Phố Ban Mê Thuột khoảng 50 cây số về phía Tây-Nam. Theo kế hoạch này, Bắc Việt sẽ sử dụng 3 sư đoàn quân chủ lực của B3 với sự yểm trợ của một tiểu đoàn xe tăng và một tiểu đoàn pháo binh 130 ly để tấn công Quận Đức Lập. Mục tiêu của Bắc Việt trong trận tấn công này là để khai thông con đường tiếp vận cho Miền Nam và thu hút Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đến giải vây mà tiêu diệt.
Khi nghe nói về kế hoạch này, Trần Văn Trà đã nói rằng: “Tôi không đồng ý. Tôi đã cười và nói vui: Thật các anh là những lính “nhà vua”. “Các anh đã đánh và luôn nghĩ đánh theo kiểu dồi dào lực lượng và súng đạn, khác xa với chúng tôi là những lính nhà nghèo ở chiến trường xa và khó khăn, từng viên đạn một, vừa thèm thuồng nhìn các anh.”
Trần Văn Trà bày tỏ ý kiến rằng Đức Lập chỉ là một Chi Khu, một Quận lỵ chẳng có gì quan trọng cho lắm, nhưng nếu B3 đã huy động một lực lượng hùng hậu lên đến 3 sư đoàn như vậy thì tại sao lại không tấn công thẳng vào Ban Mê Thuột, Tỉnh Lỵ và cũng là Tiểu Khu Darlac quan trọng hơn nhiều ?
Trần Văn Trà lập luận rằng:
“đánh giải phóng Ban Mê Thuột là ta chiếm được một mục tiêu có giá trị chiến dịch chiến lược quan trọng, rung động toàn Tây Nguyên và tự khắc hành lang của ta được mở rộng vững chắc. Với lực lượng của ta đủ sức đánh Ban Mê Thuột vì ở đây địch có nhiều sơ hở, chỉ xem như một Hậu Cứ của các Sư Đoàn, Trung Đoàn. Tuy là Tỉnh lớn nhưng địa hình thuận lợi, phòng thủ yếu, lực lượng ít và nhất là địch không nghĩ rằng ta chủ trương đánh Ban Mê Thuột như vậy…
“Theo tôi đánh Kontum và Pleiku là đánh vào nơi địch cứng nhất. Chúng ta chuẩn bị phòng thủ từ lâu. Là đánh vỗ đầu địch. Lâu nay địch luôn phán đoán ta sẽ đánh vào Kontum trước nên dồn lực lượng và mọi sự chú ý vào đây, tuy ta có điều kiện tập trung lực lượng lớn và chuẩn bị mọi mặt thuận lợi, nhưng địch đã đề phòng, ta không phải dễ dàng trong tấn công. Có đánh vào Ban Mê Thuột là đánh đòn bất ngờ hoàn toàn đối với địch, đánh vào phía sau không được phòng bị của địch. Chúng sẽ bị tiêu diệt và tan vỡ mau chóng, ta không cần phải sử dụng lực lượng nhiều…Tôi ví đánh chiếm Ban Mê Thuột đối với các Tỉnh Tây Nguyên còn lại giống như đốn một cây gỗ lớn từ gốc toàn bộ tàn lá và thân cây phải đổ. Đánh như vậy mới là đòn hiểm về chiến dịch chiến lược, dám bảo đảm chắc thắng và thắng to”. [Trần Văn Trà: Sách đã dẫn, trang 181-183]
Dường như sau khi việt cộng chiếm được Tỉnh Phước Long thì ý kiến của Trần Văn Trà trở nên có giá trị hơn và được nhiều người đồng ý hơn, cho nên vào ngày 8 tháng 1 năm 1975 tức là hai ngày sau khi việt cộng chiếm được Tỉnh Phước Long tại Miền Nam, Tổng Bí Thư Lê Duẫn đại diện cho Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương đã đọc một “Bản kết luận đợt hai Hội Nghị Bộ Cbính Trị” tóm tắt lại những điều đã được thảo luận trong hội nghị Bộ Chính Trị vừa qua, trong đó ý kiến tấn công Ban Mê Thuột của Trần Văn Trà đã được chấp thuận.
Sau phần nhận định về tình hình tại Miền Nam hai năm sau Hiệp Định Paris, trong phần nói về “Nhiệm vụ, Kế Hoạch Tác Chiến” của các đơn vị tại Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976, Lê Duẫn nhấn mạnh đến 5 điểm quan trọng:
  1. Thực hiện tiến công và nổi dạy trên quy mô lớn.
  2. Mở những chiến dịch hợp đồng binh chủng.
  3. Kết hợp với đòn tiến công vào quân chủ lực ngụy và đòn đánh phá bình định nông thôn, thực hiện bao vây uy hiếp các thành thị lớn, nhất là Saigon, phát triển phong trào đấu tranh chính trị lên quy mô rộng lớn, đòi hòa bình, hòa hợp dân tộc. Nếu Mỹ lật Thiệu thì nhanh chóng phát động quần chúng nổi dậy đánh đổ ngụy quyền, xách động chính quyền cách mạng ở các cấp bên dưới, đấu tranh lập chính phủ liên hiệp bên trên.
  4. Đẩy mạnh công tác binh vận.
  5. Phá hủy các cơ sở hậu cần và phương tiện chiến tranh của địch.
Một điểm vô cùng quan trọng là trong điểm thứ 3 chỉ thị của Bộ Chính Trị nói rõ rằng nếu Tổng Thống Thiệu bị lật tức là không còn nắm chính quyền nữa thì “đấu tranh chính lập chính phủ liên hiệp bên trên”. Như vậy thì vào đầu tháng 1 năm 1975, khi chưa chiếm được Ban Mê Thuột, cộng sản Bắc Việt còn có dự định “lập chính phủ liên hiệp bên trên” với Miền Nam.
Bản kết luận nói thêm rằng kế hoạch trong năm 1975 chỉ ra nhiệm vụ cho từng chiến trường:
– Chiến trường Nam Bộ có ba nhiệm vụ quan trọng: “đánh phá bình định”, đánh phá quân chủ lực ngụy, vây ép thành thị. Để đánh phá bình định” mà trọng điểm là ở đồng bằng sông Cửu Long, phải sử dụng hai đến ba vạn quân chủ lực ở miền Đông Nam Bộ đánh xuống đồng bằng, kết hợp với những cuộc tiến công và nổi dậy của lực lượng quân sự chính trị tại chỗ, mở vùng giải phóng liên hoàn nối miền Đông với Khu VIII, Khu IX, đồng thời ép mạnh về phía Mỹ Tho, Saigon nhất là Saigon tạo thế cho quần chúng ở đây nổi dậy. Để góp phần vây ép Saigon, quân chủ lực ta phải tiêu diệt cho được một bộ phận quan trọng quân chủ lực ngụy ở miền Đông.
– Chiến trường Khu V, Tây Nguyên: Dùng 3 sư đoàn chủ lực đánh Tây Nguyên, mở thông hành lang nối liền Nam Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, tạo điều kiện để bộ đội chủ lực cơ động nhanh vào miền Đông phối hợp với quân chủ lực Miền để tiến đánh Saigon. Mở trận đánh đầu chiếm Ban Mê Thuột, thọc thẳng xuống Tuy Hòa, Phú Yên, cắt đồng bằng Khu V ra làm đôi, tạo thêm một hướng nữa để tiến nhanh vào phía Nam Saigon.
– Chiến trường Trị Thiên: Đánh chiếm đồng bằng làm chủ vững chắc từ Nam Thành Phố Huế trở vào, chia cắt Huế với Đà Nẵng, vây ép hai Thành Phố nầy không cho địch co cụm về phía Nam, thúc đẩy binh biến ly khai miền Trung.
Trên đây là những đòn tiến công quân sự chủ yếu trong kế hoạch chiến lược năm 1975. Chúng ta đều nhất trí về kế hoạch đó.
Kế hoạch tiếp theo cho năm 1976 sẽ do kết quả thực hiện kế hoạch năm 1975 quyết định. Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”. [Văn Kiện Đảng: Trang 21-30].
Qua những chi tiết trong chỉ thị ngày 8 tháng 1 trên đây thì kế hoạch quân sự năm 1975 của Bộ Chính Trị đảng cộng sản chưa có dự trù tấn công và chiếm giữ một Tỉnh nào ở Miền Nam trừ Ban Mê Thuột và Hà Nội dự trù nếu kế hoạch 1975 đạt được kết quả tốt thì sẽ tiến tới tổng tấn công vào năm 1976. Kế hoạch này không dự trù tổng tấn công “dứt điểm” để chiếm trọn Miền Nam Việt Nam trong năm 1975.
Không thấy Hoa Kỳ có phản ứng gì sau khi Tỉnh Phước Long của Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản chiếm, được sự khuyến khích và tăng viện của Liên Xô, theo tinh thần của phiền họp Trung Ương Đảng kết thúc vào ngày 8 tháng 1 năm 1975, cộng sản Bắc Việt chấp thuận cho thi hành kế hoạch thứ hai, đó là chiến dịch 275 tức là chiến dịch nhằm tấn công và nếu có thể được thì chiếm một số Tỉnh trong khu vực chiến trường B3 tức là Vùng Cao Nguyên và chiến trường B4 tức là vùng phía Nam sông Thạch Hãn thuộc hai Tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Cộng sản Bắc Việt đề cử Thượng Tướng Văn Tiến Dũng, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Tổng Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Nhân Dân vào Nam để đích thân chỉ huy chiến dịch này.
Trần Văn Trà cho biết ngày 15 tháng 1 năm 1975, Phạm Hùng và ông ta còn gặp Lê Duẫn trước khi lên đường về Nam. Lê Duẫn chỉ thị: “Lãnh đạo chỉ đạo chính trị ở Saigon sắc bén lắm mới được vì chính trị thay đổi rất nhanh, từng ngày từng giờ phải kiên quyết và sắc sảo như Lenin. Dành được chính quyền đã khó, nhưng giữ được chính quyền còn khó gấp trăm cho nên ngay từ giờ phút này phải suy nghĩ lo tổ chức ngay. Phải quyết tâm và tin tưởng thắng lợi to năm 1975″
Sau đó hai người gặp Lê Đức Thọ và được cho biết: “Tôi đã đến dự cuộc họp thường trực Quân Ủy Trung Ương, đã truyền đạt quyết tâm của Bộ Chính Trị là đánh Ban Mê Thuột. Chỉ chấp hành lệnh không thảo luận gì nữa”. [Trần Văn Trà: Sách đã dẫn. Trang 197.]
Tại Hà Nội, các cấp lãnh đạo đã nắm chắc được rằng Hoa Kỳ sẽ không còn dám can thiệp quân sự tại Đông Dương nhất là sau khi Quốc Hội Mỹ thông qua Đạo Luật War Powers Act hồi cuối năm I973 cấm Tổng Thống Hoa Kỳ không được sử dụng Quân Đội nếu không được sự chấp thuận của Quốc Hội và nhất là đa số Dân Biểu và Nghị Sĩ Hoa Kỳ thuộc Đảng Dân Chủ đang có khuynh hướng chống lại việc ủng hộ cho Việt Nam Cộng Hòa. Hai ngày sau khi Phước Long bị thất thủ, Phạm văn Đồng đã tuyên bố với các Ủy Viên trong Bộ Chính Trị của Đảng Lao Động rằng:
“Bây giờ thì dù bằng cách nào, người Mỹ cũng không còn có thể gởi Quân Đội sang tham chiến tại Việt Nam được nữa. Họ có thể yểm trợ bằng Không Quân hay Hải Quân, tuy nhiên hai Quân Chủng nầy cũng không thể đem lại sự chiến thắng cũng như là thất bại.
Nói chơi cho vui nhưng mà cũng đúng sự thật là dù có cho ăn kẹo, người Mỹ cũng không dám trở lại Việt Nam”. [Oliver Todd: Cruel Avril, trang 88. Trần Văn Trà: Sách đã dẫn trang 188].
Thực ra thì điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì vào tháng 8 năm 1973 hai Nghị Sĩ Hoa Kỳ là Frank Church và Clifford Case đã đệ trình một dự thảo luật ra trước Thượng Nghị Viện cấm tất cả mọi hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại Đông Dương nếu không được sự thỏa thuận của Quốc Hội. Dự thảo luật này đã được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua và Tổng Thống Richard Nixon ban hành thành luật vào tháng 12 năm 1973. Như vậy, sau khi đạo luật Case-church Amendment được ban hành thì bất cứ một vị Tổng Thống Hoa Kỳ nào muốn can thiệp vào Đông Dương bằng quân sự, chẳng hạn như ra lệnh oanh tạc bằng pháo đài bay B-52, đều phải xin phép Quốc Hội và Quốc Hội hồi năm 1975 thì hoàn toàn do Đảng Dân Chủ kiểm soát, mà đa số đảng viên Đảng Dân Chủ thì lại chống việc Đảng Cộng Hòa tiếp tục ủng hộ cho Việt Nam Cộng Hòa, do đó dù có muốn trợ giúp cho Việt Nam, Tổng Thống Ford cũng khó lòng mà đạt được sự thỏa thuận của Quốc Hội Hoa Kỳ.
Nghị Quyết ngày 20 tháng 1 năm 1975.
Sau hội nghị của Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng vừa kết thúc ngày 8 tháng 1 năm 1975, chưa đầy hai tuần sau đó, Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Việt Nam lại thông qua một bản nghị quyết ngày 20 tháng 1 năm 1975 về “Quyết Tâm Hoàn Thành Cách Mạng Dân Tộc Dân Chủ ở Miền Nam”.
Bản nghị quyết này dài 34 trang, gồm có 3 phần:
– Phần đầu là phần nhận định về tình hình tại Miền Nam từ sau ngày Hiệp Định Ba Lê được ký kết dài 11 trang trong đó có đoạn thú nhận rằng “ta đã chủ trương ký kết Hiệp Định Paris, đuổi được đội quân viễn chinh Mỹ và chư hầu ra khỏi nước ta, mà ta vẫn duy trì củng cố hơn nửa (1/2) lực lượng của ta ở Miền Nam làm cơ sở để phát triển tấn công, lợi dụng tình hình suy yếu của quân ngụy sau khi Mỹ rút đi để từng bước làm thay đổi so sánh (tương quan) lực lượng về mọi mặt, tiến tới tiêu diệt và đánh đổ chúng.
Phần nhận định này đã kết luận như sau:
“Lực lượng của ta là lực lượng độc lập dân tộc của cả nước gắn liền với lực lượng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vì vậy chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn thuận lợi như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất tổ quốc giữa lúc phong trào ba nước Đông Dương đang trên đà tấn công mạnh mẽ dành thắng lơi ngày càng to lớn”.
– Phần thứ hai dài 12 trang nói về Quyết Tâm Chiến Lược: Bộ Chính Trị hạ quyết tâm động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian 1975-1976 đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện tương quan lực lượng trên chiến trường Miền Nam theo hướng có lợi cho ta, tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành công tác chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện chín mùi tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, dành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng Miền Nam, thực hiện một Miền Nam Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, trung lập, phồn vinh tiến tới thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
– Phần thứ ba dài 9 trang nói về việc nắm vững phương hướng một số công tác lớn:
“Kế hoạch chiến lược năm 1975 là thể hiện 3 đòn chiến lược: Đòn chủ lực, đòn phá bình định và đòn đô thị, nhằm tạo điều kiện đầy đủ để tổng công kích, tổng khởi nghĩa.
Kế hoạch năm 1975 có ý nghĩa rất quan trọng là kế hoạch “bản lề”, chuyển nhanh tương quan lực lượng có lợi cho ta, sẵn sàng nắm thời cơ và tạo điều kiện đầy đủ cho tổng khởi nghĩa.
Năm 1976: Khi đã có đủ điều kiện và thời cơ, ta phát động tổng công kích, tổng khởi nghĩa, sử dụng toàn bộ lực lượng của ta ở Miền Nam, có kế hoạch sử dụng lực lượng dự bị chiến lược ở miền Bắc, tập trung lực lượng cao nhất, họp lý nhất ở hướng chủ yếu, tập trung ưu thế binh hỏa lực tiêu diệt từng Sư Đoàn ngụy, vây hãm tập kích Thành Phố, làm tan rã chính quyền địa phương tiến đến thành lập chính quyền cách mạng ở trung ương”.
– Phần thứ tư dài chỉ có 4 trang nói về Tập Trung Chỉ Đạo. Trong phần này, bản nghị quyết nói rằng “Bộ Chính Trị cần có kế hoạch trực tiếp theo dõi tình hình và chỉ đạo phối hợp các mặt đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, động viên nhân lực v.v…Bộ Chính Trị cũng theo dõi và chỉ đạo về tinh thần và tư tưởng của tất cả cán bộ cũng như là tổ chức và sắp xếp cán bộ và sau cùng là lệnh cần phải tuyệt đối giữ bí mật về kế hoạch này
Bản nghị quyết này do chính Lê Duẫn ký nhân danh là Bí Thư Thứ Nhất thay mặt cho Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Việt Nam. [Văn Kiện Đảng: Trang 32-70.]
Bản nghị quyết ngày 20 tháng 1 là một văn kiện vô cùng quan trọng của Bộ Chính Trị, lập trường cứng rắn hơn so với bản nghị quyết ngày 8 tháng 1, tuy nhiên trong bản nghị quyết này, nhóm lãnh đạo Hà Nội vẫn còn nhắc đến mục tiêu năm 1976 và có thể qua đến năm 1977 “Về xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang: Chuẩn bị lực lượng cho năm 1975, năm 1976 và sẵn sàng cho cả năm 1977″. Như vậy thì vào thời gian đó, Hà Nội vẫn còn chưa có định tổng tấn công để chiếm trọn Miền Nam vào năm 1975.
Trận Ban Mê Thuột
Nắm chắc được yếu tố người Mỹ sẽ bỏ rơi Miền Nam, cộng sản Bắc Việt thi hành Chiến Dịch 275 dưới quyền chỉ huy của Thượng Tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Nhân Dân vừa mới được cử vào Miền Nam cùng với Bộ Tham Mưu gồm có Đinh đức Thiện, Trần ngọc Hiền v.v…mang bí danh là Đoàn A-75. Vào ngày 10 tháng 3 năm l975, cộng sản tung năm sư đoàn 312, 316, 320, 341 và F-10 chính quy của cộng sản Bắc Việt tấn công vào Ban Mê Thuột, nơi đặt Bộ Tư Lệnh của Sư Đoàn 23 Bộ Binh của Việt Nam Cộng Hòa cùng với các đơn vị yểm trợ, tuy nhiên các Trung Đoàn chủ lực của Sư Đoàn này thì đang trấn đóng chung quanh Pleiku.
Theo Đại Tướng Cao Văn Viên thì vào đầu năm 1975, Phòng 2 Tình Báo của Quân Đoàn II có đủ ước tính về hoạt động và mục tiêu của địch vào giữa tháng 2 năm 1975, theo đó thì có ít nhất là 5 sư đoàn chính quy của cộng sản Bắc Việt đang hiện diện trong vùng chung quanh Ban Mê Thuột và Pleiku. Tuy nhiên các tin tức tình báo này tường trình lên cho Quân Đoàn không được Thiếu Tướng Phạm Văn Phú lưu tâm và cứu xét vì trong thâm tâm thì vị Tư Lệnh Quân Đoàn II cho rằng các hoạt động của cộng sản chung quanh Ban Mê Thuột chỉ là chiến thuật nghi binh, Ban Mê Thuột chỉ là diện và Tướng Phú nghĩ rằng Pleiku mới là điểm, Pleiku mới chính là mục tiêu của cộng sản Bắc Việt. Với quan niệm như vậy, Tướng Phú giao nhiệm vụ phòng thủ Ban Mê Thuột cho một Liên Đoàn Biệt Động Quân cùng với các lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân mà phần lớn là người Thượng.
Theo Đại Tướng Cao Văn Viên thì: “Đầu tháng 3 năm 1975, khi nhận được tin sư đoàn 320 của Bắc Việt đang di chuyển về hướng Ban Mê Thuột, Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn II đã khẩn cầu Tướng Phú đưa toàn bộ 3 Trung Đoàn của Sư đoàn 23 về phòng thủ Ban Mê Thuột, nhưng vào phút chót nghe theo lời Cố Vấn của vị Tư Lệnh Sư Đoàn 23 là Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tướng Phú mới ra lệnh chỉ cho một Trung Đoàn, Trung Đoàn 53, từ Pleiku về tăng cường phòng thủ cho Ban Mê Thuột”. [Nguyễn Kỳ Phong : Sách đã dẫn. Trang 122-123.]
Một nhân vật khác tại Vùng II là Trung Tá Ngô Văn Xuân có kể lại cho biết chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng biết rõ về dự định tấn công này của cộng sản đúng một tháng trước ngày Ban Mê Thuột bị tấn công. Trung Tá Xuân là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44 thuộc Sư Đoàn 23 cho biết rằng “vào dịp Tết Ất Mão, ngày 11 tháng 2 năm 1975, nhân dịp Tổng Thống Nguyễn Văn Thíệu viếng thăm các Chiến Sĩ ngoài mặt trận, tại Bộ Chỉ Huy hành quân của Trung Đoàn 44 trong căn cứ 801, Trung Tá Điều Ngọc Chuy, Trưởng Phòng 2 Sư Đoàn đã có trình bày và nhấn mạnh đến việc khai thác một hàng binh cộng sản là Thượng Sĩ Sính thuộc sư đoàn 320 của cộng sản Bắc Việt, anh ta cho biết là Bắc Việt sẽ tấn công vào Ban Mê Thuột với 4 sư đoàn: Sư đoàn 320, 968, F10 và một sư đoàn không rõ danh hiệu (về sau thì biết rõ đó là sư đoàn 316) cùng với sự yểm trợ của 1 trung đoàn chiến xa, 2 trung đoàn pháo binh và 1 trung đoàn đặc công.
Sau khi nghe như vậy thì Tổng Thống Thiệu quay sang hỏi Tướng Phạm Văn Phú và Tướng Phú đáp rằng: “Có thể cộng sản đưa ra kế trá hàng nhằm đánh lạc hướng ta”. Theo Tướng Phú thì Ban Mê Thuột chỉ là “diện” còn Pleiku mới là “điểm” vì Pleiku có cơ sở đầu não, nếu địch tiêu diệt được thì chúng sẽ dễ dàng chế ngự toàn thể Vùng Cao Nguyên.
Sau khi nghe như vậy, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Phú đưa toàn bộ Sư Đoàn 23 Bộ Binh và 1 Chi Đoàn chiến xa M.48 về Ban Mê Thuột và hứa sẽ tăng cường cho Quân Đoàn II một Liên Đoàn Biệt Động Quân. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà mãi cho đền ngày 17 tháng 2, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 mới thi hành lệnh của Tổng Thống Thiệu: Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn và Trung Đoàn 45 sẽ di chuyển trước về Ban Mê Thuột, còn Trung Đoàn 44 thì sẽ ở lại chờ bàn giao khu vực trách nhiệm cho Biệt Động Quân rồi sẽ rút sau. Vào khoảng 11 giờ ngày 18 tháng 2, trong lúc đoàn xe của Bộ Tư lệnh Sư Đoàn tại Hàm Rồng sắp sửa di chuyển thì Tướng Tường được Lệnh của Quân Đoàn hủy bỏ kế hoạch tái phối trí. Đến 12 giờ trưa Tướng Tường gọi điện thoại nói cho Trung Tá Xuân biết rằng Tướng Phú vẫn giữ nguyên lập luận cho rằng Ban Mê Thuột chỉ là “diện”, Pleiku mới chính là “điểm” của các cuộc tấn công của cộng sản. [Hà Mai Việt: Thép và Máu, tác giả xuất bản, Texas, 2005, trang 172].
Như vậy thì cả hai nguồn tín này đều cho thấy Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã mắc vào kế “nghi binh” của cộng sản cho nên quá tin tưởng vào lập luận Ban Mê Thuột là diện, Pleiku mới là điểm cho nên khi cộng sản tấn công thì ta chỉ có một Trung Đoàn 53 Bộ Binh phòng thủ Thành Phố này.
Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Darlac có cho biết thêm rằng ông “đã nhiều lần xin tăng cường quân chính quy về phòng thủ Darlac nhưng đến ngày 4 tháng 3 thì Tướng Phú mới bằng lòng cho Trung Đoàn 45 Bộ Binh về Ban Mê Thuột. Lệnh di chuyển đã được ban hành, hai giờ chiều cùng ngày, toàn thể các đơn vị thuộc Trung Đoàn 45 đã lên xe chờ lệnh của Tướng Tường là chuyển bánh. Không ngờ ngay lúc đó, cộng quân Pháo kích vào Thị Xã Pleiku và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II. Tướng Phú đang ở Nha Trang được báo cáo về vụ pháo kích này đã gọi cho Tướng Tường và không ngần ngại hét lên trong máy: “tôi ra lệnh cho Trung Đoàn 45 Bộ Binh không di chuyển về Ban Mê Thuột nữa, ở lại Pleiku vì mặt trận Pleiku dã bùng nổ rồi”.
Đại Tá Luật cũng cho biết là vào ngày 9 tháng 3, một ngày trước khi cộng sản tấn công, Tướng Phạm Văn Phú đã đến Ban Mê Thuột để duyệt xét tình hình. Khi Đại Tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23 trình bày về kế hoạch phòng thủ Ban Mê Thuột với những đơn vị như Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn 23 Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, Bộ Chỉ Huy Chi Khu Ban Mê Thuột, Hậu Cứ của Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh, Kho Đạn Mai Hắc Đế và Trung Đoàn 53 làm trừ bị đóng ở Phi Trường Phụng Dực. Ông cho biết rằng “nghe xong, Tướng Phú có vẻ hài lòng, không chê trách cũng không có chỉ thị đặc biệt nào”.
Đại Tá Luật cho biết thêm là Trung Đoàn 53 do Trung Tá Võ Văn Ân chỉ huy lúc đó đóng ở Phi Trường Phụng Dực tuy gọi là Trung Đoàn nhưng trên thực tế chỉ có Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn và một Tiểu Đoàn Bộ Binh cùng với sự yểm trợ của một Trung Đội Pháo Binh 105 ly mà thôi. Như vậy thì khi cộng quân tấn công vào Ban Mê Thuộc, lực lượng phòng thủ Thị Xã này chỉ có một Tiểu Đoàn Bộ Binh đóng tại Phi Trường Phụng Dực tức là bên ngoài Thành Phố, một vài Tiểu Đoàn Địa Phương Quân và một số đơn vị Tiếp Vận và Hành Chánh, một số Tân Binh đang ở trong thời kỳ huấn luyện, với một lực lượng èo uột như vậy, làm sao mà Ban Mê Thuột lại có đủ khả năng chiến đấu chống lại sự tấn công của 5 sư đoàn Bắc Việt với sự yểm trợ của chiến xa và trọng pháo ?
Không hiểu sau khi nghe tường trình về sự phòng thủ Ban Mê Thuộc, một Thành Phố quan trọng nhất tại Cao Nguyên với một lực lượng như vậy, tại sao mà vị Tư Lệnh Quân Đoàn II lại có thể hài lòng được ? [Hà Mai việt: Sách đã dẫn, trang 334-335]
Theo tài liệu của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn sách “Tổng Hành Dinh Trong Mùa Xuân Toàn Thắng” thì vào lúc đó cộng sản Bắc Việt đang có 4 sư đoàn 10, 316, 320 và 968 cùng với 4 trung đoàn bộ binh 95A, 95b, 25 và 271 trong vùng Ban Mê Thuộc. Ngoài ra còn có 5 trung đoàn cao xạ phòng không và pháo binh, một trung đoàn xe tăng, một trung đoàn đặc công, hai trung đoàn công binh, một trung đoàn truyền tin và các đơn vị hậu cần và vận tải cùng với sự có mặt của Sư đoàn 3 thuộc Quân Khu 5 của cộng sản làm nghi binh. Bộ Tư Lệnh của mặt trận này được mang bí danh là A.75 được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Thượng Tướng Văn Tiến Dũng và hai Tướng lãnh khác là Đinh đức Thiện, em ruột của Lê Đức Thọ và Lê Ngọc Hiền. Trong cuốn “Đại Thắng Mùa Xuân”, Tướng Văn Tiến Dũng sau này cho biết vào đầu tháng 3 năm 1975, khi Quân Ủy Hội của cộng sản Bắc Việt đang họp ở Hà Nội để thảo luận chi tiết về việc đánh Ban Mê Thuột thì Lê Đức Thọ, Ủy Viên Bộ Chính Trị, đã bước vào phòng họp và nghiêm khắc phê bình các cấp chỉ huy quân sự như sau: “Chúng ta có 5 sư đoàn mà không đánh được Ban Mê Thuột là thế nào ?”
Ngoài những đơn vị tác chiến nói trên, cộng sản Bắc Việt còn có thêm một lực lượng pháo binh vô cùng hùng hậu để tham dự vào trận tấn công vào Thành Phố Ban Mê Thuột. Trong cuốn sách “Pháo Binh Xuân 1975″, Tướng Doãn Tuế, Tư Lệnh Pháo Binh của Bắc Việt cho biết rằng họ có hai trung đoàn pháo binh 675 và 40, thêm vào có còn có một trung đoàn pháo của sư đoàn 316, một trung đoàn pháo của sư đoàn 10, như vậy là tổng cộng tất cả là 4 trung đoàn pháo binh, quân số còn đông hơn cả một sư đoàn. Tướng Doãn Tuế cho biết rằng trong ba tiếng đồng hồ, từ 2 giờ rưỡi cho đến 5 giờ rưỡi sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, khi cộng sản mở màn cuộc tấn công vào Thành Phố Ban Mê Thuột, pháo binh của họ đã bắn 500 viên đạn và sau đó từ 8 giờ rưỡi sáng cho đến tối ngày 10 tháng 3 họ đã bắn thêm 5.000 viên đạn. Tướng cộng sản Doãn Tuế cho biết thêm rằng sau đó, cho đến khi họ hoàn toàn chiếm được Ban Mê Thuột, thì pháo binh của họ còn bắn thêm 6.000 viên đạn nữa và như vậy thì Thành Phố Ban Mê Thuột nhỏ bé này đã lãnh tất cả là trên 11.000 viên đạn đại bác của cộng sản trong vòng một tuần lễ.
Tại Vùng Kontum-Pleiku-Ban Mê Thuột thuộc Vùng II Chiến Thuật, về quân số thì Việt Nam Cộng Hòa chỉ có 1 Sư Đoàn Bộ Binh với 3 Trung Đoàn Bộ Binh và 7 Liên Đoàn Biệt Động Quân, tổng cộng vào khoảng 10 Trung Đoàn, trong khi đó về phía cộng sản thì họ có 5 sư đoàn, mỗi sư đoàn có tới 4 trung đoàn, như vậy thì tổng số lên đến 20 trung đoàn. Nếu cộng thêm với những đơn vị pháo binh, chiến xa, phòng không và hậu cần khác, tất cả vào khoảng 15 trung đoàn nữa thì tổng số lực lượng của cộng sản Bắc Việt trong cuộc tấn công vào Ban Mê Thuột lên tới khoảng 35 trung đoàn.
Trong vùng Ban Mê Thuột, về phía Việt Nam Cộng Hòa chỉ có một Trung Đoàn “trừ” vì thực sự chỉ có 1 Tiểu Đoàn Bộ Binh, đó là Trung Đoàn 53 đóng tại Phi Trường Phụng Dực, một Liên Đoàn Biệt Động Quân chừng vài ba Tiểu Đoàn đóng ở Buôn Hô, cách Ban Mê Thuột chừng hơn 30 cây số về hướng Bắc cộng với một số đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, một số các đơn vị yểm trợ như Quân Y, Quân Cụ, Quân Vận, Quân Nhu, Truyền Tin v.v…theo ước tính của người Mỹ thì tổng số binh sĩ trong các đơn vị tiếp vận không tác chiến này được chừng vào khoảng hai Tiểu Đoàn.
Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết rằng “ngày 6 tháng 3, sau khi cộng quân đánh chiếm Thuần Mẫn trên Quốc Lộ 14 và cắt dứt Quốc Lộ 21 ở Bắc Khánh Dương thì Tướng Phú mới bắt đầu nghĩ lại vấn đề. Tuy lo lắng về những biến chuyển, nhung Tướng Phú vẫn chưa dứt khoát với những định kiện của mình về mục tiêu thật của cộng quân. Tướng Phú cho Liên Đoàn Biệt Động Quân đến Ban Mê Thuột không phải để bổ sung cho quân trú phòng mà là để truy lùng và bảo vệ Buôn Hô, một địa điểm cách Ban Mê Thuột khoảng 30 cây số về hướng Bắc. Đích thân Trung Tướng Phú đến Ban Mê Thuột vào ngày 8 tháng 3 để thị sát vị trí phòng thủ và kế hoạch ứng chiến của Thành Phố. Tướng Phú ra lệnh phân phối vũ khí chống chiến xa như súng M 72 và hỏa tiễn TOW. Để đề phòng thêm, ông ra lệnh di chuyển số đạn dược trong kho ra nhiều nơi”. [Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 122-123.]
Như vậy thì tỷ lệ quân tác chiến tại Ban Mê Thuột là khoảng 1 Trung Đoàn của Việt Nam Cộng Hòa phải chiến đấu chống lại một số quân cộng sản Bắc Việt đông gấp 20 lần. Tuy nhiên, dù bị tấn công với một lực lượng quá hung hậu như vậy, Trung Đoàn 53 (trừ) cũng đã cầm cự và gây tổn thất nặng nề cho các đơn vị cộng sản tại Phi Trường Phụng Dực khiến cho mũi tấn công vào khu vực nầy bị khựng lại, các tổ kháng cự khác như kho đạn tại Trại Mai Hắc Đế cũng đã anh dũng đẩy lui các cuộc tấn công của bộ binh và xe tăng cộng sản cho đến khi vị Đại Úy chỉ huy kho đạn nầy bị thương vào trưa ngày 10 tháng 3. Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Ban Mê Thuột chống trả rất mãnh liệt các cuộc tấn công bằng bộ binh và chiến xa của địch cho đến khi Trung Tâm Hành Quân bị địch phá hủy hoàn toàn và không còn liên lạc được với bên ngoài, do đó mà Tiểu Khu phải di tản sang Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 23. Xe tăng và bộ binh của cộng sản Bắc Việt bao vây tứ bề Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, tuy nhiên các chiến sĩ phòng vệ đã chống trả vô cùng mãnh liệt cho đến tối hôm đó. Cộng sản đã cho tăng viện thêm sư đoàn 316 nhằm tấn công đứt điểm Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Sư Đoàn 23, tuy nhiên, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23 đã yêu cầu Không Quân oanh tạc vào quân Bắc Việt sát vòng đai phòng thủ khiến cho nhiều chiến xa bị hủy diệt. Chẳng may một trái bom của ta rơi trúng ngay Bộ Chỉ Huy khiến cho tất cả hệ thống truyền tin bị tiêu hủy và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II cũng như các đơn vị không còn liên lạc được với Bộ Chỉ Huy Tiền Phương và kể từ sang ngày 11 tháng 3 thì Ban Mê Thuột bị xem như thất thủ. Đại Tá Vũ Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23 và Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng Darlac sau đó bị cộng sản Bắc Việt bắt làm tù binh.
Ngày 14 tháng 3, Trung Đoàn 45 và một Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 44 của Sư Đoàn 23 được trực thăng vận từ Pleiku xuống Phước An, một Quận lỵ cách Ban Mê Thuột chừng 30 cây số về huớng Đông với mục đích giải tỏa cho Ban Mê Thuột. Tuy nhiên Phước An là nơi hàng ngàn người tỵ nạn từ Ban Mê Thuột và các vùng phụ cận chạy về, hàng ngàn binh sĩ thất lạc đơn vị cũng chạy về tập trung tại đó khiến cho tình trạng trở nên thiếu trật tự và hỗn loạn. Ngày 18 tháng 10, cộng sản tấn công và tràn ngập Phước An và sau đó thì toàn Tỉnh Darlac bị xem như là hoàn toàn rơi vào tay quân cộng sản.
Nhận định về việc Ban Mê Thuột bị thất thủ, trong cuốn The Final Collapse, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên nói rằng:
“Ban Mê Thuột mất vì chúng ta không đủ quân để phòng thủ khi dịch tấn công. Cộng quân không những có những ưu điểm bất ngờ về chiến thuật, họ có luôn thế thượng phong về quân số với 5 sư đoàn bộ binh và các trung đoàn xe tăng và pháo binh yểm trợ. Khi cộng quân tấn công Ban Mê Thuột, chúng ta không đủ quân để cầm cự với quân của Trung Đoàn 53 (trừ), Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, lực lượng đó không đủ để đối đầu với 3 sư đoàn cộng sản Bắc Việt và các lực lượng thuộc. Khi Quân Đoàn II quyết định đem quân về giải vây Ban Mê Thuột thì quá trễ: Quân tăng viện đến từng toán nhỏ, đường tiến về Ban Mê Thuột hoàn toàn bị cô lập” [Cao Văn Viên: Sách đã dẫn. Trang 121-123.]
Sau Phước Long, Darlac là Tỉnh thứ nhì của Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản Bắc Việt thôn tính, tuy nhiên về phía Hoa Kỳ thì vẫn không hề có một sự phản kháng chính thức nào trước những vi phạm nghiêm trọng đối với bản Hiệp Định Paris mà Bắc Việt đã ký kết với Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1973.
Ngày 11 tháng 3 năm 1975, Hà Nội gửi một bức điện văn mang số 01/TK của “anh Chiến” tức là Võ Nguyên Giáp gửi cho “anh Tuấn” tức là Văn Tiến Dũng chuyển lời khen ngợi của Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương về việc chiếm được Ban Mê Thuột và kèm theo một số chỉ thị như sau: “Cần phải có tinh thần khẩn trương và mạnh bạo, kịp thời lợi dụng thời cơ để dành thắng lợi lớn, phải nhanh chóng tiêu diệt các đơn vị địch còn lại và nhanh chóng phát triển về hướng Cheo Reo, bao vây và tiêu diệt sau” [Văn Kiện Đảng: trang 111-112]
Sau khi nhận được 4 bức điện văn của Hà Nội. Văn Tiến Dũng đã gởi bức điện văn mang số 05 ngày 14 tháng 3 năm 1975 của ”anh Tuấn” gởi cho bộ chính trị và quân ủy trung ương báo cáo những ý kiến sơ bộ qua một số ngày đầu thực hiện chiến dịch mùa khô 1975 và chủ trương tuyên truyền chiến thắng Buôn Mê Thuột. Trong bức điện văn này Văn Tiến Dũng báo cáo những ưu điểm để rút kinh nghiệm áp dụng vào việc tấn công những Thành Phố khác và ca tụng việc để cho ủy ban nhân dân tỉnh tuyên truyền về chiến thắng của ”nhân dân miền Nam” chứ không phải là của 5 sư đoàn Bắc Việt.
Sau khi chiếm được Ban Mê Thuột một cách quá dễ dàng. Lê Duẫn tuyên bố rằng: Trước đây ta dự kiến 2 năm, nay có Phước Long, Ban Mê Thuột ta có thể đẩy mạnh hơn, đây có phải là mở đầu cuộc tổng tấn công và nổi dậy không ?
Cuộc Triệt Thoái Bi Thảm
Ban Mê Thuột bị chính thức xem như là hoàn toàn thất thủ từ ngày 18 tháng 3, vào thời gian đó trong 4 Vùng Chiến Thuật trên toàn quốc, chỉ có Vùng III thì bị mất Tỉnh Phước Long vào đầu tháng Giêng năm 1975 và Vùng II thì mới bị mất Tỉnh Darlac, còn hai Vùng I và Vùng IV thì còn hoàn toàn nguyên vẹn. Hỗn loạn chỉ xảy ra sau khi Quân Đoàn II tại Pleiku được lệnh di tản ra khỏi Vùng Cao Nguyên Trung Phần, ngày nay được cộng sản cải danh là Vùng Tây Nguyên.
Người đã ra lệnh di tản Cao Nguyên là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, với tư cách là Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tuy nhiên sau đó thì lại có những nghi vấn, những điều bàn cãi, tranh luận về vấn đề ai là người phải chịu trách nhiệm trong vụ thảm bại ở Cao Nguyên. Trong số năm nhân vật tham dự phiên họp này tại Cam Ranh thì Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã tử tiết vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã từ trần vào cuối năm 2001, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm và Trung Tướng Đặng Văn Quang không hề tuyên bố hay nói một điều gì một cách công khai, chỉ có Đại Tướng Cao Văn Viên là người duy nhất có tiết lộ một vài điều trong cuốn The Final Collapse được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1983.
Để tìm hiểu về vấn đề này, người viết chỉ tham khảo một số tài liệu của một vài nhân vật về phía Việt Nam và của một cựu Nhân Viên Tình Báo cao cấp của CIA tại Saigon. Những tài liệu này được xem như là có giá trị và đáng tin cậy vì họ là những nhân chứng sống đã có những liên hệ trực tiếp hay gián tiếp trong vụ di tản đầy bi thảm này.
Frank Knepp của CIA
Frank Knepp là một phân tích gia tình báo chiến lược của cơ quan Tình Báo CIA tại Saigon. Ông là Phụ Tá của Thomas Polgar, Giám Đốc Trú Sứ của Văn Phòng CA tại Việt Nam và cũng là người thân cận của Đại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin vì ông là người đã soạn thảo những bản báo cáo về chính trị và quân sự cho ông Đại Sứ. Trong thời gian xảy ra vụ di tản Cao Nguyên thì Frank Snepp là một trong những người ở Tòa Đại Sứ đã liên lạc trực tiếp với đại diện của các cơ quan và Hội Thiện Nguyện Hoa Kỳ tại các Tỉnh ở Vùng II để lo việc di tản cho họ vì phía người Mỹ không hề được một thông báo nào của Việt Nam về quyết định di tản này.
Trong cuốn sách Decent Interval xuất bản vào năm 1977, Frank Snepp cho biết rằng vào ngày 14 tháng 3 năm 1975, Ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã bay ra Cam Ranh chủ tọa một phiên họp đặc biệt về quân sự với các Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Trung Tướng Đặng Văn Quang và Thiếu Tướng Phạm Văn Phú. Frank Snepp nói rằng tối hôm trước, ông Thiệu đã tham khảo với ông “thầy tử vi” của ông và Chuẩn Tướng người Úc hồi hưu Ted Sarong đang làm Cố Vấn cho ông về chiến lược quân sự, người đã đề nghị với Tổng Thống Thiệu từ năm 1974 là nên triệt thoái ra khỏi những vùng “xôi đậu” và chỉ nên giữ những Vùng Duyên Hải mà thôi. Trong khi ông thầy tử vi chỉ đưa ra những ý kiến mơ hồ, Tướng Sarong cho ông Thiệu biết rằng đã quá trễ rồi, nếu bây giờ mới triệt thoái thì không còn kịp nữa. Snepp nói rằng số phận của Vùng Cao Nguyên và có lẽ số phận của cả Miền Nam Việt Nam sau đó sẽ nằm trong tay của ông Thiệu.
Theo Frank Snepp thì Thiếu Tướng Phạm Văn Phú phúc trình lên Tổng Thống Thiệu về tình hình tại Ban Mê Thuột, ông ta nói rằng ông ta bảo vệ được Cao Nguyên trong vòng một tháng nếu Quân Đoàn II được tăng viện về quân số, vũ khí và yểm trợ của Không Quân. Nghe như vậy Tổng Thống Thiệu đã trả lời rằng “chính phủ sẽ chẳng có cung cấp sự tăng viện nào về quân số cũng như là vũ khí chiến cụ gì cả. Quân Đội đã phân tán quá mỏng một cách rất là nguy hiểm trên toàn quốc và các các kho vũ khí chiến cụ thì cần phải được giữ ở gần những nơi nào có thể được bảo vệ một cách dễ dàng. Do đó mà không thể nào có khả năng dồn hết lực lượng cho Pleiku và Kontum. Giải pháp duy nhất là bỏ hai Tỉnh này và dùng những lực lượng đó để tăng cường cho Vùng Duyên Hải và yểm trợ cho cuộc phản công tái chiếm Ban Mê Thuột”.
Frank Snepp cho biết rằng Tướng Phú ngồi nghe trong im lặng không có phản ứng gì. Có thể ông ta đã gật như có vẻ đồng ý nhưng chỉ có vậy thôi. Ông ta không đặt câu hỏi nào cũng như là không phản đối lại.
Thấy đã đạt được vấn đề chính, Tổng Thống Thiệu sau đó quay qua vấn đề kế tiếp vô cùng quan trọng, đó là con đường để triệt thoái. Dù rằng Quốc Lộ 19 từ Pleiku đến Quy Nhơn và Quốc Lộ 1 từ Ban Mê Thuột đi về lãnh thổ Vùng III đều đã bị cộng sản cắt đứt, nhưng vẫn còn có hy vọng là đoàn quân triệt thoái có thể vượt qua được, vậy Tướng Phú muốn sử dụng đường nào ?
Đến đây Đại Tướng Cao Văn Viên ngắt lời và cho biết rằng cả hai con đường này đều không đủ điều kiện để cho một đoàn quân, như quân của Tướng Phú hiện đang có, sử dụng để triệt thoái, như vậy thì chỉ còn lại Liên Tỉnh lộ 7B chạy từ phía Nam Pleku qua Tỉnh Phú Bổn về Tuy Hòa. Đây chỉ là một con đường nhỏ lâu nay chỉ được giới “xe be” tức là xe chở cây và gỗ sử dụng, tuy nhiên ta sẽ có được hai lợi điểm: Thứ nhất là không có sự hiện diện của quân cộng sản mà ta đã biết và thứ hai là cộng sản không thể ngờ được rằng ta sẽ dùng con đường đó. Khi Tướng Cao Văn Viên hỏi Tướng Phú ông ta nghĩ như thế nào về sự chọn lựa này thì vị Tư Lệnh Quân Đoàn II lại cũng chỉ gật đầu” [Frank Snepp: Sách đã dẫn. Trang 193.]
Như vậy thì theo Frank Snepp, Tổng Thống Thiệu đã ra lệnh triệt thoái khỏi Pleiku và Kontum và một cách gián tiếp Tướng Cao Văn Viên đề cập đến con đường duy nhất còn có thể dùng được là Liên Tỉnh lộ 7B. Frank Snepp cũng như không có một người Mỹ nào khác đã tham dự phiên họp tại Cam Ranh này, tuy nhiên sự tường thuật của Frank Snepp có thể tin được vì một trong 5 vị Tướng lãnh dự phiên họp này là người của cơ quan Tình Báo CIA của Hoa Kỳ. Frank Snepp cho biết rằng: “Ngày hôm sau 15 tháng 3, Polgar có một cuộc tiếp xúc ngắn ngủi với Trung Tướng Đặng Văn Quang, một “cộng tác viên tại Dinh Độc Lập (palace contact) [Frank Snepp: Sách đã dẫn. Trang 196.]
Trong một đoạn khác, Frank Snepp cho biết thêm rằng: “Cơ quan Tình Báo CIA đã trả lương và nâng đỡ ông Quang trong bao nhiêu năm và đã bảo đảm giúp cho ông ta có một địa vị (Phụ Tá Tổng Thống về An Ninh) bên cạnh ông Thiệu”. [Frank Snepp: Sách đã dẫn. Trang 495.]
Hội Nghị Cam Ranh xảy ra trước khi Miền Nam rơi vào tay Bắc Việt hơn một tháng rưỡi và trong thời gian đó cơ quan Tình Báo CIA có rất nhiều thì giờ để làm “debriefing” (rút ưu khuyết điểm) với những nhân viên địa phương (local contacts,) tức là những người Việt Nam làm việc cho họ, trong đó có cả những nhân vật cao cấp như là Tướng Quang, do đó mà những sự tường trình của Frank Snepp có thể nói không phải là không có căn cứ và xa sự thật là bao nhiêu.
Phạm Huấn, Tùy Viên của Tướng Phú
Nhân vật thứ hai có nói về phiên họp tại Cam Ranh ngày 14 tháng 3 năm 1975, tuy cũng có mặt tại Cam Ranh nhưng không được tham dự cuộc họp, đó là Thiếu Tá Phạm Huấn, cựu Tùy Viên Báo Chí của Tướng Phú. Ông Phạm Huấn cho biết rằng “Ngay sau khi phiên họp chấm dứt, Tướng Phú nói với tôi: Những quyết định trong buổi bọp vừa qua, tôi sẽ nói cho anh hay. Anh là người duy nhất (ngoài 5 vị Tướng lãnh trong buổi bọp) biết những điều đó vì ngay cả vợ tôi tôi cũng không tiết lộ cho biết”. Như vậy thì theo ông Phạm Huấn, dù Tướng Phú đã tự vẫn nhưng trước đó đã có kể lại những chi tiết về buổi họp này cho ông Phạm Huấn biết.
Trong cuốn sách Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975 xuất bản vào năm 1987, ông Phạm Huấn cho biết rằng ông đã được lệnh đi theo Tướng Phạm Văn Phú từ Nha Trang vào Cam Ranh vào sáng ngày 14 tháng 3 năm 1975. Buổi họp được diễn ra tại “Tòa Bạch Dinh” ở Cam Ranh, ngôi nhà do Quân Đội Hoa Kỳ xây cất để đón tiếp Tổng Thống Lyndon Johnson khi ông ghé Cam Ranh để thăm viếng và ủy lạo binh sĩ Hoa Kỳ vào năm 1966. Trong phiên họp này, Tổng Thống Thiệu nói rằng:
“Tôi đã tham khảo ý kiến với các Tướng lãnh hiện diện (Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Đặng Văn Quang) trong quyết định “tái phối trí” lại các lực lượng chính quy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để phòng thủ và chống trả hữu hiệu các cuộc tấn công khác của cộng sản Bắc Việt trên bai chiến trường Quân Khu I và Quân Khu II”. Ngừng một chút, Tướng Thiệu hỏi Tướng Phú: Thiếu Tướng Phú, nếu anh được lệnh mang tất cả Chủ Lực Quân, chiến xa và pháo binh của Quân Đoàn II về phòng thủ và bảo vệ những Tỉnh đông dân cư Vùng Duyên Hải, anh sẽ tổ chức, điều động ra sao ?
Tướng Phú hình như đã chờ đợi sẵn để trả lời câu hỏi này của Tướng Thiệu:
– Thưa Tổng Thống, cho tôi được “tử thủ” Pleiku, giữ Cao Nguyên.
Tướng Thiệu cười nhạt:
– Tử thủ? Với quân số, đạn dược hiện có, liệu anh chiến đấu được bao nhiêu ngày với cộng sản?
-Thưa Tổng Thống từ 40 đến 60 ngày.
– Rồi sao nữa ?
– Tôi sẽ chiến đấu đến cùng, cho đến khi không còn được tiếp tế súng đạn, lương thực nữa.
Tướng Thiệu lấy điếu xì gà thứ ba châm hút rồi chậm rãi nói:
– Tôi ra lệnh cho anh mang Chủ Lực Quân, chiến xa, đại bác, máy bay về phòng thủ duyên hải và tổ chức hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột. Lệnh này từ cấp Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng trở xuống không được biết. Có nghĩa là các lực lượng Địa Phương Quân vẫn ở lại chiến đấu. Các cơ sở hành chánh 3 Tỉnh Pleku, Kontum, Phú Bổn vẫn tiếp tục làm việc cùng với Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng như thường lệ. Ngừng một lát, Tướng Thiệu kéo một bơi thuốc thật dài. Mặt ông tự nhiên đanh lại nhìn vào các Tướng Khiêm, Viên rồi dõng dạc nói:
– Quyết định mang tất cả Chủ Lực Quân, chiến xa, pháo binh, máy bay của Quân Đoàn II khỏi Pleiku, Kontum, tôi đã thảo luận với các Tướng lãnh. Đây là một quyết định chung của Hội Đồng Tướng Lãnh, như quyết định hôm qua cho Tướng Trưởng ngoài Quân Đoàn I.
– Thưa Tổng Thống, nếu Chủ Lực Quân , Thiết Giáp Pháo Binh rút đi, làm sao mà Địa Phương Quân chống đỡ nổi khi cộng sản đánh? Hơn 100.000 dân hai Tỉnh Pleiku, Kontum và gia đình anh em binh sĩ ?
– Thì cho “thằng cộng sản” số dân đó! Với tình hình nặng nề hiện tại, mình phải lo phòng thủ, giữ được nhũng vùng dân cư đông đúc màu mỡ hơn là bị “kẹt” quá nhiều quân trên Vùng Cao Nguyên.
Ông Phạm Huấn cho biết thêm rằng:
13 giờ 03 phút ngày 14 tháng 3 năm 1975, lệnh triệt thoái Cao Nguyên coi như được hợp thức hóa và ban hành. Không một Tướng lãnh nào chống đối hoặc phát biểu thêm về lệnh nầy. Khi được Tướng Thiệu hỏi về Quốc Lộ 19 và Quốc Lộ 21 để rút quân thì Tướng Viên cho biết Quốc Lộ 19 và Quốc Lộ 21 coi như là không thể sử dụng được bởi vì Quốc Lộ 14, khoảng giữa Pleiku-Ban Mê Thuột địch đã cắt. Lực lượng cộng sản Bắc Việt hiện có 3 sư đoàn quân chính qui tại chiến trường Ban Mê Thuột. Đoàn quân triệt thoái sẽ không thể nào thoát đi được để sử dụng Quốc Lộ 21 từ Ban Mê Thuột về Nha Trang.
Quốc Lộ 19 nối liền Pleiku-Quy Nhơn, nếu lựa chọn, cũng khó thành công. Hai phía Đông và Tây Đèo An Khê đã bị cắt. Lực lượng cộng sản Bắc Việt hiện có 3 sư đoàn quân chánh quy tại chiến trường Ban Mê Thuột. Đoàn quân triệt thoái sẽ không thể nào thoát đi được để sử dụng Quốc Lộ 21 từ Ban Mê Thuột về Nha Trang. Trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam trước đây, nhiều chiến đoàn lưu động Pháp bị đánh tan trên đào nầy và không có một cuộc rút quân nào trên Quốc Lộ 19 thành công. Tướng Thiệu quay nhìn Tướng Phú đổi giọng thân mật:
– Thế nào Phú? Toa có ý kiến gì không ?
Tướng Phú:
– Trình Tổng Thống và quí vị Tướng lãnh, để giữ được yếu tố bất ngờ, tôi xin đề nghị chọn “đường số 7″ để rút quân khỏi Cao Nguyên vì trên trục lộ nầy không có chủ lực quân Bắc Việt.
Tướng Thiệu:
– Anh nói “đường Liên Tỉnh Lộ số 7″ nối liền Pleiku-Phú Bổn-Phú yên ?
– Trình Tổng Thống, đúng vậy!
– Đường Liên Tỉnh Lộ số 7, hình như đã lâu không được sử dụng. Có nhiều cầu bị hư và mìn, bẫy do các lực lượng Đồng Minh gài từ trước chưa được gỡ bỏ.
Tướng Phú:
– Trình Tổng Thống, ngay từ ngày đầu lên Quân Đoàn tử thủ duyên hải và tái chiếm Ban Mê Thuột (?) Vì tính cách vô cùng quan trọng của cuộc hành quân nàv và để giữ được yếu tố bất ngờ với địch, anh chỉ cho các Tướng lãnh, cấp chỉ huy dưới quyền được biết từng phần của lệnh này và ra lệnh tuyệt đối giữ bí mật với dân chúng.
Tướng Thiệu đứng dậy. Trước khi rời phòng họp, ông bắt tay Tướng Phú:
– Cố gắng nghe Phú! Phải chuẩn bị, tổ chức, tính toán hết sức cẩn thận “plan” thời gian cho thật đúng để giữ được yếu tố bất ngờ. Nếu không, bị quân chính quy cộng sản Bắc Việt kéo tới đánh, một người lính anh cũng không mang ra được khỏi Cao Nguyên.
Tướng Phú đứng nghiêm chào Tướng Thiệu:
– Xin tuân lệnh Tổng Thống. Tôi hiểu ý Tổng Thống dạy.
Phiên họp lịch sử về “quyết định Canh Ranh 14 tháng 3 năm l975″ chấm dứt lúc 13 giờ 29. Tổng cộng 117 phút!!!”
Trong phần ghi chú, tác giả Phạm Huấn ghi rằng: “Quyết Định Cam Ranh 14.3.1975″ được viết qua tiết lộ của Tướng Phạm Văn Phú”. [Phạm Huấn: Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên l975. Tác giả xuất bản, San Jose, 1987. Trang 84-89.]
Đại Tướng Cao Văn Viên
Nhân vật thứ ba được xem như là một nhân chứng quan trọng nhất vì ông là một trong 5 vị Tướng lãnh đã tham dự phiên họp tại Cam Ranh ngày l4 tháng 3 năm 1975, đó là Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Trong cuốn sách The Final Collapse, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết rằng vào ngày 11 tháng 3 năm 1975 -một ngày sau khi Ban Mê Thuột bị tấn công Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã mời Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng, Trung Tướng Đặng Văn Quang, Cố Vấn về An Ninh Quốc Gia và Đại Tướng Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đến ăn sáng tại Dinh Độc Lập.
Trong buổi họp này, sau khi đề cập đến tình hình nguy kịch trên đất nước, Tổng Thống Thiệu đã nói rằng: “Với khả năng và lực lượng chúng ta đang có, chắc chắn chúng ta không thể bảo vệ được tất cả lãnh thổ chúng ta muốn bảo vệ. Như vậy chúng ta nên “tái phối trí” lực lượng và bảo vệ nhưng vùng đông dân, trù phú vì những vùng đất đó mới thật sự quan trọng.
Quyết định của Tổng Thống Thiệu cho chúng tôi thấy đây là một quyết định ông đã suy xét thận trọng. Hình như Tổng Thống Thiệu đã ngần ngại về quyết định đó và bấy giờ chỉ thổ lộ ra cho ba người chúng tôi trong bữa ăn sáng Tổng Thống Thiệu phác họa sơ những vùng ông nghĩ là quan trọng, gồm Vùng III và IV miền duyên hải và thềm lục địa. Một vài vùng đất quan trọng đang bị cộng sản chiếm, chúng ta sẽ cố gắng lấy lại bằng mọi giá. Những vùng đất cần chiếm lại là nơi đông dân, trù phú có giá trị về lâm sản, nông sản và kỷ nghệ, nhất là Vùng Duyên Hải, nơi thềm lục địa vừa được khám phá ra dầu hỏa. Cuối cùng là vùng đất mà chúng ta không thể nào để mất là Saigon, các Tỉnh lân cận và đồng bằng sông Cửu Long”.
Tướng Cao Văn Viên nói rằng “Tổng Thống Thiệu bình thản tiếp tục độc thoại về địa lý chính trị của Miền Nam. Chỉ vào vùng Cao Nguyên Trung Phần, Tổng Thống Thiệu nói: Ban Mê Thuột quan trọng hơn hai Tỉnh Pleiku và Kontum nhập lại vì tài nguyên và dân số của Ban Mê Thuột”. Như vậy, chỉ sau vài lời sơ khảo, Tổng Thống Thiệu đã đi đến một quyết định quan trọng. Hậu quả của quyết định đó như thế nào thì chưa biết được nhưng nhìn về quan điểm quân sự, quyết định của Tổng Thống Thiệu có nhiều vấn đề. Tướng Viên nói thêm rằng: “Là cố vấn quân sự của Tổng Thống tôi bắt buộc phải có ý kiến về quyết định của Tổng Thống Thiệu. Tuy nhiên tôi tránh phát biểu gì thêm vì tôi thấy Tổng Thống Thiệu đã quyết định nên ông ta không muốn nghe những ý kiến trái ngựơc. Đã là Tổng Thống, ông Thiệu có thẩm quyền và trách nhiệm chỉ đạo cuộc chiến: Ông ta phải biết ông đang làm gì”.
Về phiên họp 3 ngày sau đó tại Cam Ranh, Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết rằng sau khi Tướng Phú phúc trình về tình hình quân sự tại Quân Khu II, “Tổng Thống Thiệu Chỉ hỏi một câu quan trọng nhất: Tướng Phú có thể nào chiếm lại được Ban Mê Thuột không? Câu trả lời của Tướng Phú không xác định mà cũng không phủ định, ông chỉ xin Tổng Thống Thiệu thêm quân tiếp viện. Tổng Thống Thiệu quay qua Tướng Viên: Chúng ta còn bao nhiêu quân trừ bị có thể cung cấp cho Tướng Phú? Tướng Viên nói rằng “Hỏi nhưng chắc chắn Tổng Thống Thiệu đã biết câu trả lời: Bây giờ thật sự chúng ta không còn đơn vị trừ bị nào để tăng viện cho Tướng Phú”.
“Đến lượt Tổng Thống Thiệu phát biểu. Đứng trước tấm bản đồ Miền Nam Việt Nam, trong khi Tướng Phú lắng nghe chăm chú, Tổng Thống Thiệu nói đến một chiến lược mới cần được áp dụng. Dùng tay chỉ rõ những vùng đất Tướng Phú cần phải giữ, ông nói Ban Mê Thuột quan trọng hơn Pleiku và Kontum nhập lại về phương diện kinh tế, dân số. Nhiệm vụ của Quân Đoàn II là tái phối trí các đơn vị cơ hữu của Quân Đoàn để chiếm lại Ban Mê Thuột. Và đó là lệnh của Tổng Thống. Sau đó Tổng Thống Thiệu hỏi Tướng Phú tái phối trí ra sao và dùng đường nào để đem quân trở lại Ban Mê Thuột?
Theo Tướng Phú thì Quốc Lộ 19 đã bị cô lập. Quốc Lộ 14 từ Pleiku xuống Ban Mê Thuột cũng bị cô lập, do đó không thể sử dụng được. Quốc Lộ 21 về Nha Trang. Tướng Phú dự định sử dụng Liên Tỉnh Lộ 7B, một con đường phụ tách khỏi Quốc Lộ 14 khoảng 32 cây số ở phía Nam Pleiku, chạy qua hướng Đông Nam qua Phú Bổn (Cheo Reo) về Tuy Hòa ở miền duyên hải. Liên Tỉnh Lộ 7B là một con đường nhỏ, lồi lõm, bị bỏ hoang từ lâu. Trừ một đoạn ngắn bắt đầu từ nhánh chẻ Quốc Lộ 14 về Hậu Bổn có thể sử dụng được, tất cả các đoạn đường còn lại không ai biết tình trạng như thế nào. Nhưng có hai chi tiết chúng ta biết chắc là cầu bắc qua sông Ba phía Nam Cùng Sơn bị phá hủy không còn sử dụng được và đoạn đường chót đi vào Tuy Hòa rất nguy hiểm vì Quân Đội Đại Hàn đã gài mìn phong tỏa trong thời gian bọ phòng ngự vùng nầy.
Tướng Phú nói yếu tố bất ngờ về chiến thuật là quan trọng và sự chọn lựa của ông đặt nặng vào yếu tố bất ngờ đó. Tướng Phú chỉ xin Bộ Tổng Tham Mưu cung cấp vật liệu tiền chế để làm cầu vượt Sông Ba và Tướng Cao Văn Viên chấp thuận ngay yêu cầu đó của Tướng Phú”. Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 129-142.
Như vậy thì người ra lệnh “tái phối trí các lực lượng của Quân Đoàn II là ý là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và theo ông Phạm Huấn cũng như là Đại Tướng Cao Văn Viên thì người đề nghị sử dụng Liên Tỉnh Lộ 7B để triệt thoái các đơn vị này là Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II chứ không phải là Đại Tướng Viên như là Frank Snepp đã nói.
Hai ngày sau cuộc họp tại Cam Ranh, vào ngày 16 tháng 3 thì các đơn vị của Quân Đoàn II bắt đầu rút ra khỏi Pleiku và trong hai ngày đầu tiên thì không gặp trở ngại gì. Đến ngày 18 tháng 3 khi đoàn quân đến Hậu Bổn, Tỉnh Phú Bổn, thì bị việt cộng pháo kích và tấn công vào đoàn người và đoàn xe đang bị kẹt. Quân lính và thường dân bị chết và bị thương nằm la liệt, một số binh sĩ người Thượng thuộc Địa Phương Quân và Nghĩa Quân đào ngũ, cướp giật khiến cho tình hình chung quanh Hậu Bổn hoàn toàn náo loạn, không còn trật tự gì nữa. Trong khi đó cây cầu qua Sông Ba vẫn chưa được hoàn tất khiến cho đoàn người bị mắc nghẽn và cộng sản Bắc Việt đã ra lệnh cho hai sư đoàn 320 và 968 liên tục tấn công và pháo kích vào đoàn quân và dân chúng, do đó con số thương vong lại càng gia tăng gấp bội. Ngày 22 tháng 3 cây cầu Sông Ba được ráp xong nhưng vì xe và người tràn lên cầu quá đông khiến cho cầu sập phải mất thêm một thời gian nữa để sửa cầu và cho đến ngày 27 tháng 3 thì đoàn người này mới về đến Tuy Hòa vào khoảng 9 giờ đêm.
Theo Đại Tướng Cao Văn Viên thì “nhìn từ quan điểm quân sự, cuộc triệt thoái hoàn toàn thất bại, hầu như tất cả các đơn vị rút về Kontum-Pleiku đều bị thất bại. Theo Đại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, chỉ có 5 ngàn quân
Cuộc triệt thoái Cao Nguyên là một thất bại chiến lược về phương diện quân sự: 75 phần trăm lực lượng của Quân Đoàn II gồm Sư Đoàn 23, Biệt Động Quân, Thiết Kỵ, Pháo Binh, Truyền Tin và Công Binh bị tiêu diệt chỉ trong vòng có 10 ngày. Kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột cũng thất bại vì quân đoàn không còn quân. Cộng sản chiếm được Kontum và Pleiku mà không tốn một viên đạn. Với chiến thắng này, 3 sư đoàn F10, 316 và 320 càng phấn khởi đánh mạnh hơn. Đến lúc đó, cộng sản biết rõ Quân Đoàn II chỉ còn có Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù là lực lượng cuối cùng ngăn cản bước tiến của họ ở Khánh Dương.”
Tướng Viên nói thêm rằng “Sự tan rã của Quân Đội chúng ta ở Vùng II là một ác mộng cho Quân Đội và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa về phương diện tâm lý và chính trị. Trong thâm tâm, mọi người cảm thấy nghi ngờ, lo lắng, trách móc và đổ lỗi cho nhau về sự thất bại. Lời đồn đại về việc nhường đất cho cộng sản được loan truyền ra và một làn sóng người tìm mọi cách rời Vùng II tìm về vùng đất chưa bị cộng sản chiếm đóng. Vùng I ở hướng Bắc cũng bị ảnh hưởng từ những chấn động đó. Dân chúng rồi lính thất lạc hay bỏ ngũ ùn ùn kéo nhau về hướng Nam. Họ đến Phan Rang, rồi Phan Thiết, rồi từ đó về Saigon”. [Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 153-155].
Một số sĩ quan cao cấp thuộc Quân Đoàn II còn sống sót sau trận Ban Mê Thuột và cuộc di tản bi thảm này cũng đã chỉ trích Tướng Phạm Văn Phú về cuộc hành quân triệt thoái đó về tổ chức cũng như là hệ thống chỉ huy. Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột nói rằng Tướng Phú đã bị lừa để mất Ban Mê Thuột vì không biết địch sẽ tấn công ở đâu và nếu ông biết đọc truyện Tàu đời xưa thì đã biết được trận đánh giữa Hàn Tín với Hạng Võ.
Đại Tá Nguyễn Văn Đồng, Tư Lệnh Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh là người đã di tản trên Quốc Lộ 7B và ông gay gắt chỉ trích đích danh Tướng Phạm Văn Phú đã “nằm trong phòng lạnh ở Nha Trang mà chỉ huy một Quân Đoàn lối 100.000 tay sung đang bị bao vây tại Phú Bổn”. Đại Tá Đồng nói rằng: Suốt 4 ngày đạn rơi máu chảy ở Cheo Reo Phú Bổn, tôi, Đại Tá Nguyễn Văn Đồng, Tư Lệnh Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh đang cùng với các chiến sĩ của Tây Nguyên và Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân từ Cần Thơ ra tăng cường, nhưng tuyệt đối tôi không thấy hoặc nghe một tiếng nói nào của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II kể cả Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn. tôi không nhận được một lệnh hành quân, không có một phóng đồ hành quân, không có phụ bản tổ chức lực lượng, không có tin tức tình báo, không có kế hoạch yểm trợ, không có quân trừ bị. Quân Đoàn II chỉ áp dụng luật rừng, vô tổ chức, vô kỷ luật, không dự trù, không tính toán, không họp bàn, không tìm đường lối hành động tốt nhất để điều quân. Tất phải đi đến chỗ thảm bại ê chề, nhục nhã. [Hà Mai Việt: Sách đã dẫn. Trang 342-347.]
Có lẽ Đại Tướng Cao Văn Viên cũng có nhận xét không có gì trái ngược lắm với những ý kiến của Đại Tá Nguyễn Văn Đồng. Trong phần nói về Ban Mê Thuột, Đại Tướng Cao Văn Viên dường như đã nói một cách khéo léo ám chỉ rằng việc thất thủ Ban Mê Thuột đưa đến việc mất cả Vùng II và Quân Đoàn II bắt nguồn từ việc thay thế Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn bởi Thiếu Tướng Phạm Văn Phú. Tướng Cao Văn Viên nói rằng:
“Thiếu Tướng Phạm Văn Phú về thay Trung Tướng Nguyên Văn Toàn làm Tư Lệnh Vùng II Quân Khu II vào tháng 12 năm 1974. Thiếu Tướng Phú từng giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh ở Vùng I từ tháng 10 năm 1970 cho đến tháng 7 năm 1972. Từ năm 1972 cho đến khi nhận nhiêm vụ mới, Tướng Phú chỉ huy Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.
Phó Tổng Thống Trần Văn Hương đề nghị thay Tướng Toàn vì Tướng Toàn bị tố cáo tham nhũng. Tổng Thống Thiệu bổ nhiệm Tướng Phú theo sự khẩn nài của Phó Tổng Thống Hương dù biết rằng Tướng Toàn là một sĩ quan có khả năng tác chiến. Tướng Toàn rời Vùng II về chỉ huy Thiết Giáp vào tháng 2 năm 1975 và sau khi Trung Tướng Dư Quốc Đống từ chức Tư Lệnh Vùng III thì Tướng Toàn được bổ nhiệm vào luôn chức vụ đó. Sự thay đổi chức vụ Tư Lệnh Vùng II Quân Khu II là một trong những biến cố đưa đến sự thất thủ Ban Mê Thuột và một thời gian ngắn sau, một cả Vùng II”. [Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 114.]
Tuy ông Cao Văn Viên không nói rõ nhưng ai cũng có thể hiểu rằng khi ông viết cuốn The Final Collapse tại Hoa Kỳ sau năm 1975 thì đoạn văn trên đây cho thấy ý của ông muốn nói: Chính Tướng Phạm Văn Phú là người chịu trách nhiệm về vụ thất thủ Vùng II để sau đó Vùng I cũng thất thủ theo trong vòng tháng 3 năm 1975 và một tháng sau đó là cả Miền Nam bị rơi vào tay cộng sản Bắc Việt.
Đại Úy Nguyễn Văn Nhựt, cựu Sĩ Quan Tùy Viên của Tổng Thống Trần Văn Hương có tiết lộ cho người viết biết rằng hồi cuối tháng 4 năm 1975, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú có gửi lên Cụ Hương một lá thư “rất dày” nhưng Cụ Hương không mở ra đọc và ra lệnh cất lá thư đó vào tủ sắt. Trước khi Cụ Hương từ chức để “trao quyền” lại cho Dương Văn Minh, Đại Úy Nhựt có nhắc với Cụ Hương về lá thư của Tướng Phú thì Cụ Hương ra lệnh đem đốt đi. Đại Úy Nhựt hỏi Cụ Hương tại sao trước khi đốt Cụ không mở ra đọc để cho biết Tướng Phú nói gì thì Cụ Hương nghiêm giọng nói rằng: “Tướng Phạm Văn Phú đang bị điều tra về tội đã có trách nhiệm trong việc Quân Đoàn II tan rã, cuộc điều tra chưa kết thúc do đó nếu Tướng Phú cần nói điều gì thì nên nói thẳng với Ủy Ban Điều Tra chứ một người đang giữ vai trò lãnh đạo đất nước như Cụ thì không nên nghe hay đọc những gì mà ông ta viết”. Đại Úy Nhựt cho biết vào ngày cuối cùng, chính ông đã đốt lá thư đó trước mặt Cụ Hương.
Tưởng cũng nên nhắc lại chính Thủ Tướng Trần Văn Hương là người đã đề nghị, đã yêu cầu gần như “ép” Tổng Thống Thiệu thăng Đại Tá Phạm Văn Phú lên Chuẩn Tướng khi ông đang giữ chức Tư Lệnh Biệt Khu 44 vào năm 1969 sau trận Tà Nu. Ông Thiệu không hề dự định thăng Tướng cho Đại Tá Phú vào dịp đó nên không có sẵn sao, nhưng vì nể Thủ Tướng Trần Văn Hương nên ông đã lấy hai sao trên cổ áo của Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi để gắn cho ông Phú.
Nhận xét về cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên của Quân Đoàn II Việt Nam Cộng Hòa, Tướng việt cộng Trần Văn Trà nói rằng: “Và như trên kia tôi đã ví như cây bị đón từ gốc, Ban Mê Thuột mất thì toàn bộ Tây Nguyên không thể nào giữ được. Thiệu không ra lệnh rút bỏ ngay hai Tỉnh Pleiku và Kontum, mong lấy quân về giữ các Tỉnh ven biển thì không lâu đâu, hai Tỉnh ấy cũng sẽ bị mất thôi”.
Vùng I Tan Rã
Sau khi Tướng Phú nhận được lệnh di tản Quân Đoàn II ra khỏi vùng Cao Nguyên thì giới lãnh đạo Bắc Việt thấy rằng đây là một cơ hội mà Trần Văn Trà gọi là “nghìn năm có một” vì thấy rằng như vậy là họ đã chiếm được trọn vùng này, từ đó đánh thọc xuống Vùng Duyên Hải để cô lập Vùng I ở miền Trung.
Ngày 15 tháng 3, “anh Chiến” Võ nguyên Giáp lại gửi cho “anh Tuấn” Văn Tiến Dũng bức điện văn số 11-ĐB nói rằng đã hội ý với Lê Duẫn và Lê Đức Thọ và chỉ thị cho Văn Tiến Dũng phải tập trung lực lượng đầy đủ trong vùng Ban Mê Thuột để đề phòng Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm Tỉnh này, đồng thời ra lệnh chuyển lên tiêu diệt địch ở Cheo Reo và bao vây Pleiku. Vào thời gian đó Hà Nội chưa biết được Quân Đoàn II đang sắp sửa triệt thoái ra khỏi Thành Phố nầy. Ngoài ra, trong bức điện văn này, Võ Nguyên Giáp cũng cho biết sẽ ra lệnh cho bộ đội Trị-Thiên tăng cường hoạt động. [Văn Kiện Đảng: Trang 146.]
Tại vùng địa đầu giới tuyến, ngày 8 tháng 2 năm 1975, Lê Đức Thọ thay mặt cho Bộ Chính Trị đã ký nghị quyết số 2328-NQ-NS/TW cho thành lập Đảng Ủy Mặt Trận Trị-Thiên với Lê tự Đồng làm Bí Thư và 10 ủy viên để lãnh đạo mặt trận Trị- Thiên.
Ngày 10 tháng 2, Võ nguyên Giáp đại diện cho Quân Ủy Trung Ương lại gửi thêm điện văn số 727 nói về nhiệm vụ của Quân Khu Trị-Thiên và Quân Đoàn 2. Trong phần nói về nhiệm vụ, Quân Ủy chỉ thị Quân Khu Trị-Thiên phải chuẩn bị cắt ngang Quốc Lộ số 1 giữa Huế và Đà Nẵng tại khu vực Đèo Hải Vân và đặc biệt là tiên liệu trường hợp Việt Nam Cộng Hòa có thể bỏ Huế để rút về Đà Nẵng. Ngoài ra trong bức điện văn này, Quân Ủy Trung Ương đã chỉ thị cho Quân Khu Trị-Thiên: “luôn luôn có lực lượng dự bị để vừa tranh thủ rèn luyện nâng cao sức chiến đấu, vừa sẵn sàng nắm thời cơ phát triển thuận lợi. Ngày nổ súng chậm nhất là ngày 5 tháng 3 năm 1975.
Trong đợt 2, vào mùa Thu, tháng 7 và 8 năm 1975 chiến trường Trị-Thiên và chiến trường Khu V có điều kiện đánh lớn.
Ngày 5 tháng 3 đã qua đi nhưng vẫn không có biến chuyển gì trên chiến trường Trị-Thiên, tuy nhiên khi Quân Đoàn II bắt đầu cuộc di tản thì Hà Nội liền cướp thời cơ, ra lệnh cho Đảng Ủy Trị-Thiên mở cuộc tấn công hai Tỉnh địa đầu giới tuyến. Ngày 17 tháng 2 năm 1975, Quân Ủy Trung Ương đã gửi điện văn mang số 860 do Võ nguyên Giáp ký gửi cho Thường Vụ và Quân Khu B4 (Trị-Thiên) và Thường Vụ Đảng Ủy B5 (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên v.v…) để “chỉ dạo Trị- Thiên khẩn trương đẩy mạnh hoạt động mọi mặt”.
Điện văn này nói rằng “Ta thắng to, tình hình phát triển nhanh và thơi cơ lớn đang đến sớm hơn ta dự kiến, Quân Ủy Trung Ương ra lệnh Trị Thiên đẩy mạnh tấn công để chia cắt chiến lược giữa Huế-Đà Nẵng, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ở vùng ven Huế, đẩy mạnh binh vận v.v…”. [Văn Kiện Đảng: Trang 148.]
Vào đầu tháng 3 năm l975, tình hình tại Vùng I tương đối chưa có gì trầm trọng vì vùng này đang được bảo vệ bởi một lực lượng trên 5 Sư Đoàn: Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Sư Đoàn Nhảy Dù và Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến chịu trách nhiệm phòng thủ từ Huế ra Quảng Trị, tại vùng Quảng Nam-Đà Nẵng và Quảng Ngãi- Quảng Tín có hai Sư Đoàn 2 và 3 Bộ Binh cùng với 2 Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, 4 Liên Đoàn Biệt Động Quân và 1 Lữ Đoàn Thiết Kỵ. Về phía cộng sản, có các sư đoàn 341, 325C, 324B, 711 và nhiều trung đoàn độc lập như trung đoàn 52, 4, 5, 6, 27, 31, 48, 51, 270 và 271 cùng với 3 trung đoàn đặc công 4, 5, 126, ba trung đoàn xe tăng 202, 203 và 573 thêm vào đó còn có 12 trung đoàn cao xạ phòng không và 8 trung đoàn pháo binh. Như vậy, về quân số thì cán cân lực lượng đã nghiêng về phía Bắc Việt, nhưng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Vùng I rất lạc quan vì ông tin tưởng rằng các đơn vị của ông có đủ khả năng để đương đầu với quân cộng sản.
Tuy nhiên tình hình thay đổi rất bất ngờ sau khi cộng sản chiếm Ban Mê Thuột: Vì Bộ Tổng Tham Mưu không còn quân trừ bị, Tổng Thống Thiệu ra lệnh rút Sư Đoàn Nhảy Dù từ Vùng I về Saigon. Ngày l3 tháng 3 Trung Tướng Trưởng về Saigon tham dự một phiên họp tại Dinh Độc Lập dưới sự chủ tọa của Tổng Thống Thiệu và sự hiện diện của Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Đại Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng Đặng Văn Quang và Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn Tư Lệnh Vùng III.
Theo Đại Tướng Cao Văn Viên thì trong phiên họp này, “Tổng Thống Thiệu đã phân tích tình hình chung và những khó khăn của Việt Nam Cộng Hòa . Tổng Thống Thiệu tuyên bố rằng trong hoàn cảnh nầy, Quân Đội đang trong hoàn ảnh này Quân Đội không làm gì khác hơn là thay đổi chiến lược, tái phối trí lực lượng để giữ các vùng đất đai đa phì nhiêu có nhiều tài nguyên. Nếu chúng ta phải bỏ một số rừng núi cho cộng sản để giữ lại những vùng màu mỡ, nhiều khoáng sản gồm có thềm lục địa thì chúng ta cũng phải chấp nhận. Thà vậy còn hơn phải đứng chung một chính phủ liên hiệp với cộng sản. Vùng đất mà Tổng Thống Thiệu nói đến là Đà Nẵng.
Về vấn đề tái phối trí quân chuyện này tự Tổng Thống Thiệu nghĩ ra một mình, chưa hề tiết lộ trong một buổi bọp nào. Sư Đoàn Nhảy Dù sẽ rời Vùng I, kế đó là Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, nếu tình bình phòng thủ của Vùng I không bị ảnh hưởng khi hai đơn vị trên rút đi. Rút hai đơn vị trên ra khỏi Vùng I sẽ cho phép Quân Đội tái lập các lực lượng Tổng Trừ Bị.
Cùng với việc rút quân khỏi Vùng I, Tổng Thống Thiệu cũng cho phép Trung Tướng Toàn rút quân ra khỏi An Lộc và sử dụng lực lương đó vào những kế hoạch phòng thủ nơi nào cần nhất Ở Vùng III”.
Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết thêm là 6 ngày sau, 19 tháng 3 Dinh Độc Lập lại gọi Tướng Trưởng về họp thêm lần nữa với thành phần như lần trước, tuy nhiên lần này còn có thêm sự hiện diện của Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Tướng Trưởng trình bày hai kế hoạch rút quân:
  1. Sử dụng Quốc Lộ 1 làm trục chính và cùng lúc rút quân từ Huế về Đà Nẵng và từ Chu Lai về Đà Nẵng.
  2. Giả định cộng quân cắt đứt Quốc Lộ 1, trong trường hợp đó ta sẽ rút về 3 cứ điểm Chu Lai, Huế và Đà Nẵng, tuy nhiên Chu Lai và Huế chỉ là những nơi tập trung quân, từ đó dùng phương tiện Hải Quân về Đà Nẵng. Đà Nẵng sẽ là điểm phòng thủ chính với 4 Sư Đoàn Bộ Binh và 4 Liên Đoàn Biệt Động Quân.
Trong hai kế hoạch này thì kế hoạch 1 gặp nhiều khó khăn vì cộng sản gia tăng hoạt động đóng chốt Quốc Lộ 1 và làn sóng dân tỵ nạn cũng ùn ùn chạy về Đà Nẵng, Quân Đội khó bề di chuyển. Do đó, theo Tướng Trưởng thì chỉ còn một sự chọn lựa, đó là kế hoạch 2 và chúng ta phải thi hành trước khi quá trễ.
Sau đó Tướng Trưởng cũng hỏi thẳng Tổng Thống Thiệu về tin đồn ông muốn đưa Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến về Vùng III ông muốn biết ý định của Tổng Thống Thiệu vì nếu đó là sự thật thì kế hoạch của ông sẽ bị ảnh hưởng.
Tổng Thống Thiệu ở trong tình trạng khó xử vì ông là người ra lệnh di tản và cuộc di tản ở Cao Nguyên là một thất bại, gây nao núng cho tinh thần Quân Đội vì cũng có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch khác. Do đó ông không nhắc gì đến chuyện di tản mà chỉ ra lệnh cho Tướng Trưởng giữ những phần đất nào ông còn có thể giữ được với số quân dưới tay ông, kể cả Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến.
Sau khi tránh trả lời câu hỏi của Tướng Trưởng, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho Trung Tướng Quang soạn cho ông một bài diễn văn để ông đọc trên Đài Phát Thanh cho toàn dân biết ý định của ông: Ông muốn trấn an dân chúng, cho bọ biết là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sẽ bảo vệ Huế đến cùng. Tổng Thống Thiệu không nhắc gì đến vấn đề dân tỵ nạn hay di tản. Ông và Thủ Tướng Khiêm không đá động gì đến vấn đề của Tướng Trưởng đặt ra về tỵ nạn. [Cao Văn Viên: Sách đã dẫn. Trang 161-164].
Tuy nhiên theo tin của người Mỹ thì Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm sau đó đã nói riêng cho Trung Tướng Trưởng biết rằng quả thực có kế hoạch rút Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến về Saigon. [The Fall of the South: Trang 69.]
Khi Tướng Trưởng về đến Đà Nẵng vào lúc 6 giờ chiều ngày 19 tháng 3 thì Trung Tướng Lâm Quang Thi, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn I báo cáo cho ông biết là Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của ông tại Huế đang bị cộng quân pháo kích và quân cộng sản đã tiến qua sông Thạch Hãn mở các cuộc tấn công vào các đơn vị ở Quảng Trị.
Vào ngày 17 tháng 3, vốn là những người đã có quá nhiều kinh nghiệm với cộng sản trong những ngày đầy chết chóc năm Mậu Thân, với sự pháo kích vô nhân đạo vào người thường dân chạy loạn trên “Đại Lộ Kinh Hoàng” trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, khi đoán biết việt cộng sắp sửa mở cuộc tổng tấn công, người dân Quảng Trị đã ùn ùn chạy vào Huế và Đà Nẵng khiến cho sự lưu thông trên Quốc Lộ Số 1 bị kẹt và gây ra hỗn loạn tại nhiều nơi.
Ngày 19 tháng 3 Thường Vụ Trung Ương Cục gửi điện văn TVFRO số 295/TV ngày 19 tháng 3 gửi các T (các Tỉnh,) và P.10 (Saigon-Gia Định) thông báo việc địch đã bỏ chạy ra khỏi Quảng Trị tất cả các Ty Sở toàn Tỉnh Quảng Trị chuyển cả về Huế. Quảng Trị nay đã trở thành thành “Thành Phố bỏ ngỏ”, hầu hết dân chúng ở Quảng Trị chạy về Đà Nẵng và Huế. 40 phần trăm công chức Huế chạy vào Đà Nẵng và Saigon. Dân tình Huế hoang mang và cũng chạy vào Đà Nẵng và Saigon. [Văn Kiện Đảng: Trang 152.]
Tỉnh Quảng Trị rơi vào tay cộng sản vào ngày 19 tháng 3 sau đó Quân Đoàn I ra lệnh cho các đơn vị thuộc Sư Đoàn 1, Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân rút về lập tuyến phòng thủ ở sông Mỹ Chánh, cách Thành Phố Huế chừng 10 cây số về phía Bắc. Sáng ngày 20 tháng 3 Tướng Trưởng bay ra Bộ Chỉ Huy của Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến và đã chủ tọa một phiên họp với các cấp chỉ huy chiến trường để bàn về kế hoạch phòng thủ Huế như Tổng Thống Thiệu đã ra lệnh phải giữ bằng mọi giá. Vào giờ phút đó, nói chung thì tuy Quảng Trị bị thất thủ nhưng tình hình ở Huế vẫn chưa có gì quá bi quan và tinh thần quân sĩ cũng rất cao, nhất là sau khi Tổng Thống Thiệu đọc hiệu triệu vào lúc 1 giờ 30 ngày 20 tháng 3 trên Đài Phát Thanh: Ông nhấn mạnh đến lệnh tử thử Huế bằng mọi giá.
Theo Tướng Cao Văn Viên thì khi Tướng Trưởng trở về Đà Nẵng vào buổi chiều ngày hôm đó thì ông nhận được một Quân Lệnh mật của Dinh Độc Lập gửi khẩn cấp qua Bộ Tổng Tham Mưu: Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Trưởng là nếu tình hình bắt buộc thì chỉ cần bảo vệ Đà Nẵng mà thôi. Tổng Thống Thiệu lý luận rằng Quân Đoàn I không đủ quân để bảo vệ ba cứ điểm Chu Lai, Huế và Đà Nẵng cùng một lúc. Cũng trong lệnh này, Tổng Thống Thiệu ra lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù phải về Saigon ngay lập tức và ngay trong đêm đó, Sư Đoàn Dù lên đường về Saigon.
Theo nguồn tin của Mỹ, cũng trong ngày 20 tháng 3 căn cứ vào những tin tức mà gián điệp cộng sản trong Dinh Độc Lập cung cấp, Bắc Việt đã biết rõ ý định rút quân về 3 cứ điểm Huế, Chu Lai và Đà Nẵng, do đó Hà Nội đã ra lệnh cho các đơn vị cấp tốc mở những cuộc tấn công để ngăn không cho các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa từ Huế và Chu Lai rút về Đà Nẵng để bảo toàn lực lượng. Hai sư đoàn 324B và 325C bắt đầu tấn công mãnh liệt vào các đơn vị phòng thủ Huế, nhất là Sư Đoàn 1 và Liên Đoàn 15 Biệt Động Quân. Ngày 21 tháng 3 cộng sản đánh vào Quận Phú Lộc ở giữa Huế và Đà Nẵng và tuy chống trả mãnh liệt nhưng đến trưa ngày 22 tháng 3 thì lực lượng Việt Nam Cộng Hòa bị đẩy lui. Cộng sản chiếm Phú Lộc làm cho sự lưu thông của đồng bào tỵ nạn trên Quốc Lộ 1 bị tắt nghẽn khiến cho tình hình trở nên hỗn loạn. Đến ngày 23 tháng 3 thì Huế hoàn toàn bị cô lập, không còn liên lạc được với Đà Nẵng bằng đường bộ. Thành Phố Huế bắt đầu bị pháo kích lẻ tẻ, tuy không gây thiệt hại gì nhưng đã làm cho tinh thần dân chúng hoang mang kinh sợ và bắt đầu hỗn loạn. Người Mỹ ra lệnh di tản tất cả các Cố Vấn Mỹ còn lại vào Đà Nẵng bằng trực thăng.
Trong thời gian đó, tình hình ở các Tỉnh phía Nam Đà Nẵng cũng rất là bi quan: Cộng sản chiếm hai Quận Hậu Đức và Tiên Phước của Tỉnh Quảng Tín và sau đó thì đến lượt hai Quận Sơn Trà và Trà Bồng của Tỉnh Quảng Ngãi phải di tản. Ngày 24 tháng 3 sư đoàn 711 và trung đoàn 52 xe tăng của cộng sản tấn công vào Tam Kỳ và sau đó thì Tỉnh Quảng Tín bị thất thủ. Hàng chục ngàn đồng bào tỵ nạn ùn ùn kéo nhau về Đà Nẵng khiến cho tình hình vô cùng hỗn loạn. Cùng thời gian đó, cộng quân tấn công vào Tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh này cũng bị rơi vào tay cộng sản. Một số đơn vị thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh và Tiểu Khu Quảng Ngãi phải rút về Chu Lai rồi từ đó di tản sang Cù Lao Ré cách bờ biển Chu Lai chừng 50 cây số.
Như vậy là vào ngày 24 tháng 3 hai Tỉnh cực Nam của Vùng I Chiến thuật là Quảng Tín và Quảng Ngãi và Tỉnh cực Bắc là Quảng Trị đã bị cộng sản chiếm đóng, Vùng I chỉ còn có một phần Tỉnh Quảng Nam, Huế và Đà Nẵng. Sáng hôm đó, Tướng Trưởng ra lệnh cho Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến rút về bãi biển Thuận An dưới sự yểm trợ của một số đơn vị thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Từ Thuận An, Hải Quân sẽ phụ trách di tản Sư Đoàn này về Đà Nẵng.
Đến ngày 25 tháng 3 lực lượng của Quân Đoàn I đã bị thiệt hại đáng kể, tinh thần binh sĩ xuống thấp vì lo cho số phận gia đình của họ.
Trong khi đó, Tướng Trưởng lại nhận thêm một lệnh mới của Tổng Thống Thiệu: Dùng 3 sư đoàn cơ hữu để phòng thủ Đà Nẵng, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến sẽ làm trừ bị. Vì Quốc Lộ 1 đã bị tràn ngập đồng bào tỵ nạn và cộng sản đã cắt Quốc Lộ 1 tại Phú Bài và các vùng phía Nam Huế, Tướng Trưởng ra lệnh cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh phải rút về Cửa Tư Hiền, tại đó Hải Quân và Công Binh sẽ bắc một cây cầu đi vào đất liền và đoàn quân có thể đi bộ qua Đèo Hải Vân về Đà Nẵng.
Mặc dù gặp nhiều trở ngại phải mất nhiều thì giờ để tách ra khỏi đồng bào tỵ nạn bám sát theo họ, nhưng Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến vẫn đến được Thuận An để được di tản bằng đường thủy. Phó Đề Đốc Hải Quân Hồ Văn Kỳ Thoại, cháu nội của Nhà Văn Hồ Biểu Chánh, dù chỉ mới nhận được lệnh tối hôm trước, nhưng ông đã thành công trong việc tổ chức di tản gần 50.000 người bằng 100 chiếc tàu đủ loại: Tàu Hải Quân, ghe đánh cá, thuyền buôn, xà lan v.v…bất cứ phương tiện nào mà ông tìm được ở Đà Nẵng.
Sư Đoàn 1 Bộ Binh theo sau Thủy Quân Lục Chiến không được may mắn như vậy. Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 đã tập họp một số sĩ quan và binh sĩ dưới quyền ông để nói vài lời từ biệt vô cùng cảm động và ông kết thúc với câu “mạnh ai nấy chạy”, sau đó thì một số binh sĩ đã bỏ hàng ngũ để đi tìm thân nhân, gia đình của họ, hàng chục ngàn binh sĩ và thường dân đã tranh nhau tìm đường thoát thân khiến cho con đường từ Thuận An vào phía Nam trở thành hỗn loạn. Quân cộng sản Bắc Việt đã biết được ý định của Sư Đoàn 1 Bộ Binh tìm cách di tản vào Đà Nẵng cho nên họ đã gia tăng pháo kích truy tập các đơn vị này và đã làm cho nhiều người bị thiệt mạng. Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm cũng bị thiệt mạng trong thời gian đó.
Thành Phố Huế được xem như là bị bỏ ngỏ từ tối hôm 25 tháng 3 sau khi Sư Đoàn 1 Bộ Binh rút về Thuận An và Cửa Tư Hiền.
Ngày 26 tháng 3 sóng to gió lớn tại vùng bờ biển Tỉnh Thừa Thiên khiến cho việc di tản bằng đường biển gặp rất nhiều trở ngại, thủy triều lại dâng cao cho nên việc xây cầu tại Cửa Tư Hiền cũng không thể hoàn tất. Cộng quân pháo kích liên miên vào đám binh sĩ và người tỵ nạn lên tới gần 100 ngàn người bị kẹt lại tại đây do đó đã làm cho họ kinh hoàng và trở thành hỗn loạn không còn kiểm soát được. Theo Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết thì chỉ có một phần ba tổng số quân về được đến Đà Nẵng nhưng khi về đến nơi thì trừ các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến, phần còn lại cũng không còn hữu dụng nữa vì họ lo đi tìm thân nhân, gia đình thất lạc tại các trại tỵ nạn chứ không còn theo hàng ngũ hay đơn vị nào nữa. Một nhân viên của Phòng Tùy Viên Quân Lực Hoa Kỳ DAO ghi nhận rằng ông ta nhìn thấy những người lính mặc quân phục theo người tỵ nạn từ các ghe thuyền đi xuống nhưng không hề có ai, không hề có đại diện của một đơn vị nào được tổ chức để đón tiếp họ và họ cũng trở thành người tỵ nạn.
Ngày 27 tháng 3 tất cả kế hoạch phòng thủ Đà Nẵng trở thành vô hiệu trước sự rối loạn và phẫn nộ của những người tỵ nạn. Trong khi đó, từ hướng Bắc Đà Nẵng, hai sư đoàn 324B và 325C cùng với một trung đoàn xe tăng và hai trung đoàn pháo binh của cộng sản tiến theo thung lũng Núi Tượng bao vây hướng Tây Thành Phố, từ hướng Nam, sư đoàn 711 phối hợp với sư đoàn 304 và một số đơn vị yểm trợ đã đánh dọc theo sông Thu Bồn chiếm hai Quận Đại Lộc và Dục Đức [Đức Dục]. Từ giây phút đó, Đà Nẵng nằm trong tầm đại bác của cộng sản.
Ngày 28 tháng 3 Tướng Trưởng họp khẩn cấp với các Chỉ Huy Trưởng và một số biện pháp đã đưc áp dụng để vãn hồi an ninh trật tự và tái trang bị các đơn vị di tản đang hiện diện trong Thành Phố Đà Nẵng. Một số Quân Nhân được xung vào Quân Vụ Thị Trấn Đà Nẵng nhằm giữ trật tự, nhưng trật tự không thể nào vãn hồi được vì với làn sóng người tỵ nạn từ Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Tín Quảng Ngãi đổ về, Thành Phố Đà Nẵng lúc đó đã tăng lên trên hai triệu người. Thành Phố Đà Nẵng đang chìm trong hỗn loạn và vô Luật Pháp.
Sáng sớm ngày 28 tháng 3 Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng đã cho di tản tất cả nhân viên và người ngoại quốc còn lại xuống 2 chiếc xà lan và được tàu kéo đưa ra tàu chở hàng hóa Pioneer Contender đậu ngoài khơi Đà Nẵng. Kể từ khi Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẵng vào ngày 8 tháng 3 năm 1965, đúng 10 năm 20 ngày sau đó thì người Mỹ cuối cùng rời khỏi Đà Nẵng trong hỗn loạn.
Tối 28 tháng 3 cộng quân pháo kích vào Phi Trường, căn cứ Hải Quân, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn và các căn cứ Quân Sự rất mãnh liệt và chính xác nhờ những đặc công trà trộn vào đám người tỵ nạn hướng dẫn tác xạ. Tướng Trưởng báo cáo với Bộ Tổng Tham Mưu tình hình tại Đà Nẵng và ông cũng gọi cho Tổng Thống Thiệu xin di tản ra khỏi Đà Nẵng bằng đường biển. Theo Tướng Cao Văn Viên thì trong cuộc điện đàm này:
“Tổng Thống Thiệu không cho Tướng Trưởng lệnh rõ ràng. Tổng Thống Thiệu không nói thẳng là ông muốn Tướng Trưởng rút quân hay nằm lại tử thủ. Ông chỉ hỏi Tướng Trưởng có thể di tản bao nhiêu quân về nơi an toàn được trong tr­ường hợp phải di tản. Có thể ông ta lo lắng về các sự việc đã xảy ra. Cuộc tái phối trí nầy có thể trở thành một thảm kịch như đã diễn ra ở Cao Nguyên. Ông ta muốn tránh cho mình các nỗi đau khổ khi phải ra lệnh như vậy một lần nữa.
Sau cuộc điện đàm, mọi liên lạc giữa Saigon với Quân Đoàn I bị cắt đứt vì pháo kích của địch. Tướng Trưởng lập tức ra lệnh triệt thoái quân khỏi Đà Nẵng khi thấy tình hình không còn hy vọng. Tướng Trưởng họp với Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh Hai Quân Vùng I và các Chỉ Huy Trưởng để hẹn địa điểm rút quân. Ba địa điểm tập họp để xuống tàu là dưới chân Đèo Hải Vân, núi Non Nước và cửa khẩu Hội An.
Rạng sáng ngày 29 tháng 3 năm 1975, sương mù bao phủ dọc theo bờ biển, ngoài khơi tàu Hải Quân có mặt ở điểm hẹn, nhưng thủy triều xuống thấp nên tàu không tiến sát gần bờ được. Binh lính phải lội ra xa để lên tàu nhưng cuộc di tản không gặp nhiều trở ngại cho lắm cho đến khi quân cộng sản nhìn thấy được quân ta đang rút lui cho nên đã pháo kích vào các điểm tập trung quân cũng như tàu đang đậu ngoài khơi làm cho rất nhiều binh sĩ bị chết vì đạn đại bác cũng như là bị chết chìm. Đoàn tàu của Hải Quân di tản được khoảng 6.000 Thủy Quân Lục Chiến, 3.000 Quân Nhân thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh và một số Quân Nhân thuộc nhiều đơn vị khác. [Cao Văn Viên: Sách đã dẫn. Trang 172-174.]
Kể từ khi cộng sản Bắc Việt khởi sự tấn công Tỉnh Quảng Trị vào ngày 19 tháng 3 cho đến khi Đà Nẵng và toàn thể các Tỉnh thuộc Vùng I Chiến Thuật thất thủ vào ngày 29 tháng 3 năm 1975, chỉ vỏn vẹn có 10 ngày mà không hề có một trận đánh lớn nào xảy ra. Hai Tướng lãnh tại Vùng I là Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại và Thiếu Tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến phải lội bộ đến một khu bờ biển sỏi đá rồi bơi ra một tàu Hải Quân đang đậu ở ngoài bờ. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I và Vùng 1 Chiến Thuật phải lội xuống biển và nhờ một Sĩ Quan Tùy Viên nâng đỡ, ông mới leo lên được một chiếc tàu tuần tiễu rồi sau đó được đưa lên soái hạm của Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.
Đại Úy Nguyễn Văn Nhựt cho người viết biết rằng khi Đại Tướng Cao Văn Viên nhận lời Tân Tổng Thống Trần Văn Hương ở lại giữ chức vụ Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sau khi ông Thiệu từ chức, ông có gửi một văn thư lên Tổng Thống Trần Văn Hương đề nghị cử Trung Tướng Ngô Quang Trưởng giữ chức vụ Phó Tổng Tư Lệnh nhưng Cụ Hương để hồ sơ đó sang một bên. Đại Úy Nhựt nói rằng mấy ngày sau, ông cố ý để hồ sơ đó trước mặt Cụ Hương một lần nữa nhưng Cụ lại gạt sang một bên và nói với Đại Úy Nhựt rằng: “Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cũng đang bị điều tra về trách nhiệm ở Vùng I cho nên đến chừng nào mà cuộc điều tra chưa kết thúc thì không thể giao cho ông ta một chức vụ nào cả”.
TỪ WASHINGTON
Vào cuối tháng 3 năm 1975, sau khi những Tỉnh thuộc Vùng I và II lần lượt bị cộng sản Bắc Việt thôn tính, trong khi tình hình ngày càng trở nên nguy kịch và đầy tuyệt vọng thì theo Đại Tướng Cao Văn Viên “với tất cả biến động nguy ngập xảy ra, Miền Nam vẫn còn trông đợi, hy vọng một phép nhiệm mầu nào đó sẽ xảy ra để có thể cứu vãn được tình hình”
Người Miền Nam và nhất là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đó dường như ai nấy cũng đều đặt hết hy vọng vào một phép lạ nào đó, vào một sự thay đổi chính sách nào đó hay vào những sự hứa hẹn hoặc cam kết nào đó từ phía Hoa Kỳ từ phía Hoa Thịnh Đốn.
Trước việc Việt Nam Cộng Hòa bị mất 4 Tỉnh Phước Long, Ban Mê Thuột, Pleiku và Kontum rồi ngay đến Vùng I Chiến Thuật và những Tỉnh ở miền Trung sau đó, Hoa Kỳ không hề có một sự phản đối nào. Ngoại Trưởng Kissinger đang bù đầu về vấn đề Trung Đông, Tổng Thống Gerald Ford họp với Bộ Tham Mưu của ông để nghiên cứu xem Tổng Thống Hoa Kỳ có thể làm được những điều gì có thể giúp cho Việt Nam Cộng Hòa mà không vi phạm Đạo Luật War Powers Act. Tòa Bạch Ốc được Bộ Tham Mưu này phúc trình cho biết rằng Hoa Kỳ không thể làm được bất cứ điều gì để can thiệp tại Việt Nam, không thể dùng phi cơ của Không Lực để can thiệp nhằm yểm trợ và cứu một số Quân Đội của Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, trong Đạo Luật War Powers Act lại có những “khe hở” (loopholes) và nhờ đó mà chính phủ Hoa Kỳ có thể được phép thuê mướn một số thương thuyền và phi cơ dân sự để di chuyển Quân Đội và chiến cụ cho Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi những vùng nguy hiểm cũng như là cứu người tỵ nạn ở ngoài hải phận quốc tế mà thôi.
Đối với tình hình Việt Nam vào tháng 3 năm 1975, không phải là Washington không biết gì về tình hình đang nguy ngập, một số tài liệu được giải mật sau này cho thấy ngược lại là đằng khác.
Những Diễn Tiến Tồi Tệ Ở Việt Nam
Hai ngày sau khi cộng sản Bắc Việt mở cuộc tấn công vào Ban Mê Thuột, vào ngày 12 tháng 3 năm 1975, Ngoại Trưởng Kissinger đã nhận được một bản phúc trình đặc biệt về Việt Nam do Hội Đồng An Ninh Quốc Gia soạn thảo. Bản phúc trình này mang số 1509 của National Security Council với đề mục “Ominous Developments in Vietnam” (Những Diễn Tiến Tồi Tệ Ở Việt Nam) do ông William L. Stearman ký tên đã phúc trình với Ngoại Trưởng Kissinger một số điểm như sau:
“Một số diễn tiến quân sự và chính trị quan trọng ở Việt Nam gần đây đã cho thấy một điềm rất xấu về chiến lựơc và ý đồ của Bắc Việt trong những tháng sắp tới. Những gia tăng về các hoạt động quân sự của Bắc Việt từ ngày 10 tháng 3 năm 1975 đã chứng tỏ rằng quan điểm nầy là đúng.
Những diễn tiến mới này là:
– Vào tháng 12 năm 1974 Đại hội khoáng đại Kỳ Thứ 23 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam đã thông qua một bản nghị quyết mang tên là Nghị Quyết số 23. Nghị quyết này có thể là quyết định về một chính sách mới đối với Miền Nam.
– Vào cuối tháng hai và đầu tháng 3 năm 1975, có nhiều phái đoàn cao cấp của Liên Xô và Trung Cộng đã lần lượt đến viếng thăm Hà Nội. Thứ Trưởng Ngoại Giao Liên Xô là Nicolay Firyubin là người cầm đầu phái đoàn Xô Viết. Sự hiện diện của phái đoàn Trung Cộng cùng với phái đoàn Fiyubin tại Hà Nội có thể là hậu quả của một sự thay đổi về chính sách rất quan trọng của Bắc Việt đối với cuộc chiến tranh tại Miền Nam Việt Nam.
Các nguồn tin tình báo viễn thông (communications in telligence) cho biết kể từ ngày 10 tháng 3 năm 1975, dường như Bắc Việt đã cho phối trí một phần lớn lực lượng mà danh tính cũng như là câp số của đơn vị này chúng ta chưa được biết. Đó là chưa kể đến sự xâm nhập của sư đoàn 341 của Bắc Việt từ Quảng Bình ở Bắc Việt tiến qua vùng Phi Quân Sự vào Tỉnh Quảng Trị và Sư Đoàn 968 từ Lào vào vùng Cao Nguyên Trung Phần.
Những đơn vị tiền phương của Trung Ương Cục Miền Nam (COSVN) đã gia tăng các liên lạc vô tuyến và ít nhất là đã liên lạc thường xuyên với 3 sư đoàn cùng một số đơn vị biệt lập trong vùng Tây Ninh-Mỏ Vẹt. Bộ Tư Lệnh Tiền Phương này có lẽ sẽ trở thành một Bộ Tham Mưu cao cấp trong việc chỉ huy và phối hợp các tấn công trong Vùng III Chiến Thuật của Việt Nam Cộng Hòa. Sự hiện diện của những dợn vị nói trên là bằng chứng hiển nhiên về dự định tấn công với lực lượng gồm nhiều trung đoàn của cộng sản trong vùng này.
– Mức độ xâm nhập của Bắc Việt trong mùa khô năm nay đã gia tăng gấp đôi so với mức xâm nhập nầy trong mùa khô 1973-1974. Nếu mức xâm nhập nầy được tiếp tục với mức độ như hiện nay thì sự xâm nhập vào năm nay sẽ tương đương với mức độ cao nhất hồi năm 1968. (Năm 1975: 125.900 người, năm 1968: 130.300 người).
– Một chương trình tổng động viên đang được thực hiện tại Bắc Việt và chương trình huấn luyện tân binh được rút ngắn từ 4 đến 6 tháng chỉ còn lại khoảng 1 tháng mà thôi. Chương trình huấn luyện rút ngắn này đã giúp cho quân đội Bắc Việt có thể động viên, huấn luyện và gửi vào Miền Nam chỉ trong vòng 1 tháng. Các tân binh được huấn luyện vào tháng Hai thì đến tháng Ba đã lên đường xâm nhập vào Nam Việt Nam.
– Quân đội cộng sản Bắc Việt tiếp tục chuyên chở một số lượng vô cùng lớn lao về vũ khí và đạn dược vào vùng cán chảo Bắc Việt (Vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) trong số đó có rất nhiều đại bác 130 ly. Những vũ khí này sẽ được gửi đi đâu thì chưa được biết nhưng mà gần như chắc chắn rằng những vũ khí đó đang trên đường được đưa vào Miền Nam.
– Các chiến đấu cơ phản lực MIG đã được di chuyển trở lại về vùng phía Nam của Bắc Việt. Các loại chiến đấu cơ phản lực MIG-17 hiện đang được bố trí tại Phi Trường Đồng Hới và các loại MIG-21 tối tân hơn thì được bổ trí tại Vinh. Các lực lượng phi cơ MIG nầy về bản chất thì chỉ được sử dụng với mục đích tự vệ, tuy nhiên loại MIG-17 thì có thể được dùng để tấn công các lực lượng bộ binh trong khi loại MIG-21 thì có thể được dùng để bảo vệ trên không.
– Các binh sĩ của cộng sản Bắc Việt đã được học tập một cách rất tích cực mà trọng tâm của sự học tập nầy là nhắm vào mục tiêu chuẩn bị tinh thần cho việc chiến đấu trong năm 1975 sẽ vô cùng nguy hiểm. Những khẩu hiệu mà đảng cộng sản đang sử dụng để động viên tinh thần binh sĩ là:
– Tái diễn 1968.
– Tấn công như năm 1972.
– Đạt cho đựợc thắng lợi như là Điện Biên Phủ
Tóm lại, nếu tổng kết tất cả những diễn tiến nói trên thì đó là những dấu hiệu cho thấy cuộc tổng tấn công vào mùa Xuân năm 1975 của cộng sản Bắc việt là cực kỳ nghiêm trọng và có lẽ nhắm vào mục đích làm thay đổi hoàn toàn cán cân lực lượng tại Miền Nam Việt Nam. Nhiều nhà phân tích tình báo cho rằng cuộc tổng tấn công này là những bước mở màn cho những sự thương thuyết nhằm thực thi Hiệp Định Paris theo những điều kiện mà cộng sản Bắc Việt đưa ra.
Có lẽ chiến lược của cộng sản Bắc Việt là chiếm được nhiều lãnh thổ trong cuộc tổng tấn công mùa Xuân và mùa Hè năm 1975 rồi sẽ đề nghị một cuộc ngưng bắn trước khi mà Việt Nam Cộng Hòa có đủ thì giờ để tái phối trí những lực lượng đã mất. Lúc đó thì sẽ có những áp lực rất mạnh từ phía Quốc Hội Hoa Kỳ đòi phải chấp nhận những điều kiện của Bắc Việt đưa ra tại vì phía Quốc Hội sẽ xem như đó là một cơ hội nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh và giảm thiểu viện trợ quân sự của Hoa Kỳ. Gần như chắc chắn rằng Miền Nam Việt Nam sẽ không sẵn sàng chấp nhận những đề nghị của Bắc Việt, tuy nhiên Hà Nội sẽ làm áp lực với chúng ta qua Quốc Hội Hoa Kỳ để nhằm ép buộc Tổng Thống Thiệu phải nhượng bộ.
Do đó, rất có thể chúng ta sẽ phải đương đầu với một tình thế mà có rất nhiều áp lực nặng nề đối với ngành Hành Pháp để buộc Tổng Thống Gerald Ford phải chấp nhận những đề nghị của Hà Nội. Có lẽ những đề nghị này sẽ nhắm vào việc thành lập một Hội Đồng Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc với nhiều quyền hạn như là một chính phủ và sẽ cho phép cộng sản được hoàn toàn can thiệp vào số dân chúng đang sống trong vùng do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát. [National Security Council: Ominous Developments in Vietnam, March 12.1975. Hồ Sơ Tối Mật được giải mật ngày 6 tháng 1 năm 2000. Hồ sơ này đang được lưu trữ tại Thư Viện Tổng Thống Gerald Ford, Folder-7501-509.]
Như vậy thì từ tháng 3 năm 1975, trước khi cộng sản Bắc Việt khởi động các cuộc tổng tấn công tại miền Cao Nguyên và vùng Bắc Trung Phần, chính phủ của Tổng Thống Ford đã biết rằng tình hình Việt Nam đã trở thành vô vọng vì Hành Pháp Hoa Kỳ đã bị bó tay bởi Đạo Luật War Powers Act và Quốc Hội thì đã dứt khoát không cứu xét đề nghị viện trợ quân sự bổ túc cho Việt Nam Cộng Hòa nữa. Tuy nhiên lúc đó lại có một tia sáng hy vọng mong manh đối với vấn đề trợ giúp cho Miền Nam Việt Nam phát xuất từ vùng sa mạc Trung Đông.
QUỐC VƯƠNG FAISAL
Muốn Viện Trợ Cho Việt Nam Cộng Hòa
Theo Frank Snepp thì trong những cuộc thương thuyết con thoi giữa các nước Trung Đông nhằm giải quyết hòa bình giữa các nước Ả Rập và Do Thái, vào ngày 19 tháng 3 năm 1975, Ngoại Trưởng Henry Kissinger ghé thăm nước Ả Rập Saudi (Saudi Arabia,) quốc gia sản xuất dầu hỏa hàng đầu của thế giới. Ngày 23 tháng 3 trước khi rời Riyad, Thủ Đô Saudi Arabia, Ngoại Trưởng Kissinger vô cùng ngạc nhiên khi Quốc Vương Faisal, vốn là một người rất mến phục và ủng hộ Tiến Sĩ Kissinger, đã nói riêng với ông là Quốc Vương muốn dành cho Ngoại Trưởng Hoa Kỳ một ân huệ cá nhân.
Quốc Vương Faisal nói rằng ông rất kính phục lòng can đảm của nhân dân Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến đấu để bảo vệ tự do cho chính họ. Vua Faisal nói rằng vì cảm tình đối với nhân dân Miền Nam Việt Nam và một phần cũng vì cảm tình với Ngoại Trưởng Kissinger, nhà vua và chính phủ Ả-Rập Saudi sẵn sàng bảo đảm cho việc viện trợ cho vay một số tài khoản “vĩ đại” (a huge grant-in-aid) cho chính phủ Saigon nhằm bù đắp cho việc viện trợ của Hoa Kỳ bị cắt giảm. Ngoại Trưởng Kissinger ngạc nhiên và vui mừng cho đến độ sững sờ vì đây là một “phép lạ trên sân khấu” (deus ex machina) mà ông hằng mong đợi sẽ xảy ra để giúp cho ông ta thực hiện được chiến lược về ngoại giao của ông tại Đông Dương.
Nhưng bất hạnh thay, đề nghị viện trợ của Ả Rập Saudi cũng trở thành vắn số và phù du như những môn thuốc giải độc khác trước đây nhằm chữa chạy cho cuộc chiến tranh Đông Dương trong gần 30 năm. Chỉ có ba ngày sau khi đưa ra đề nghị này với Kissinger, Quốc Vương Faisal lại bị một người cháu giết chết vì ganh tức và hy vọng viện trợ cho Việt Nam cũng bị chôn vùi cùng với cái chết của Vua Faisal nước Ả Rập Saudi.
Frank Snepp cũng cho biết thêm rằng trong khi tiếp xúc với Ngoại Trưởng Kissinger mấy tuần trước đó, chính Đại Sứ Martin đã đưa ra ý kiến nên tìm cách vận động yêu cầu xin viện trợ từ nước Ả Rập Saudi. Tuy nhiên sau cùng thì chính Quốc Vương Faisal là người đã xúc tiến dự án đề nghị này. Ngay cả sau khi Quốc Vương Faisal từ trần, Đại Sứ Martin vẫn còn thúc đẩy Ngoại Trưởng Kissinger tiếp tục vận động cho kế hoạch viện trợ này nhưng chẳng có đi đến đâu vì người kế vị còn phải chú trọng đến những vấn đề khác. Frank Snepp: Sách đã dẫn. Trang 216.
Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng Trưởng Phát Triển trong những năm cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa cũng có cho biết thêm về chuyện này như sau:
“Cuộc viếng thăm của phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ vào cuối tháng 2 năm 1975 đã cho thấy sự thật hiển nhiên là sự viện trợ của Hoa Kỳ đang đỗ vỡ và sau đó lại còn có thêm nhiều diềm xấu tiếp diễn: Những thất bại tại Cao Nguyên, sự thất thủ của các Tỉnh Miền Trung cùng Đà Nẵng và việc Hoa Kỳ cúp viện trợ là những dấu hiệu tồi tệ nhất.
Thêm vào đó lại còn có vụ Quốc Vương Saud al Faisal của nước Ả Rập Saudi bị ám sát ngày 25 tháng 3 năm 1975. Vua Faisal đã bày tỏ cảm tình và niềm ngưỡng phục về công cuộc chiến đấu chống cộng sản của nhân dân Miền Nam Việt Nam và ông đã đề nghị trợ giúp cho Việt Nam. Vào đầu năm 1975, Quốc Vương Faisal đã chấp thuận trên nguyên tắc sẽ cho Việt Nam vay một số ngân khoản “nhiều trăm triệu” Mỹ kim. Số tiền này sẽ được sử dụng nhằm đẩy mạnh nền kinh tế của Miền Nam Việt Nam và đồng thời cho phép Tổng Thống Thiệu mua nhiên liệu và vũ khí đạn dược của bất cứ quốc gia nào muốn bán cho Việt Nam. Một giải pháp khác được đề nghị cho kế hoạch cho vay này của Quốc Vương Faisal là Ả Rập Saudi sẽ bảo đảm cho việc Hoa Kỳ viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa. Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng nghiêng về phía bảo đảm cho vay hơn là vì điều này sẽ loại trừ được những vấn đề khó khăn có thể xảy ra nếu phải mua những vũ khí chiến cụ của Mỹ ở ngoài thị trường Hoa Kỳ. Sự thật là toàn bộ guồng máy những vũ khí trong chiến tranh Việt Nam đều được sản xuất tại Hoa Kỳ (made in USA) do dó mà không thể nào mua sắm vũ khí đạn dược từ một nước ngoại quốc nào khác.
Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng nhớ lại rằng “Có lẽ dường như là một điều kỳ cục nếu liên kết dầu hỏa của Ả Rập Saudi với sự sống còn của Miền Nam Việt Nam trong nỗ lực tìm kíếm viện trợ về quân sự, tuy nhiên trong những ngày đen tối nhất của tháng 4 năm 1975 thì chẳng có chuyện gì là kỳ cục cả. Khi người ta đang sắp sửa bị chết trôi thì ai cũng đều cố gắng nắm vào cái gì đang nổi trên mặt nước”.
Người Việt Nam tin rằng số phận của họ đã đến chỗ tuyệt cùng: Khi mà kế hoạch của Quốc Vương Faisal sắp sửa được thực hiện thì nhà vua lại bị một người cháu giết chết. Tổng Thống Thiệu đã gửi một bức công điện phân ưu đến Hoàng Gia Ả Rập Saudi và đồng thời khẩn nài chính phủ Ả Rập tiếp tục kế hoạch viện trợ của cố Quốc Vương Faisal. Chính phủ Ả Rập Saudi trả lời rằng họ sẽ cứu xét đề nghị này và Tổng Thống Thiệu đã gửi Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc sang thăm viếng Ả Rập Saudi. Người Việt Nam tự than thở rằng chính số của họ là sẽ bị bỏ rơi.” Nguyễn Tiến Hưng & Jerrold Schecter: Sách đã dẫn, trang 306.
Trong một cuốn sách mới xuất bản vào năm 2005, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng có nói thêm về việc này và cho đăng nguyên văn bức điện văn của Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc gửi cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phúc trình về việc này như sau:
“Vừa vào phòng, ông Thiệu đưa cho tôi xem một công điện đề ngày 14 tháng 4 năm l975 do Ngoại Trưởng Bắc gửi từ Luân Đôn về. Ông Bắc vừa ở Saudi Arabia đi Luân Đôn. Chuyến đi của ông có mục đích xin Quốc Vương Haled Crown (tiếng Anh là Khalid), vừa kế vị Quốc Vương Faisal, đồng ý cho Việt Nam Cộng Hòa vay tiền như phụ vương của ông đã bị ám sát.
Luân Đôn ngày 14 tháng 3 năm 1975
Công tác tôi đi Saudi Arabia đã được kết thúc thành công. Tôi được tiếp kiến Vua Haled Crown, Hoàng Tử Rabed và Hoàng Tử Abdullab (cũng là Thủ Tướng) Đệ Nhất và Đệ Nhị Phó Thủ Tướng. Tất cả, đặc biệt là Vua Haled đã cho tôi những bảo đảm vững chắc về việc tiếp tục yểm trợ và viện trợ kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đã thảo luận kỹ càng với Hoàng Tử Rudal Faisal (Bộ Trưởng Ngoại Giao,) Hoàng Tử Massoud (Thứ Trưởng Ngoại Giao) và ông Amant (Tổng Trưởng Dầu Lửa và Tài Chánh).
Về viện trợ sắp tới tôi đã cung cấp cho chính phủ Saudi một bản giác thư trình bày chi tiết về nhu cầu viện trợ và tình hình tại Miền Nam. Tôi hy vọng là quyết định về khoản tiền và phương thức của viện trợ sẽ được chính phủ Saudi cứu xét sớm” [Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Cơ sở Xuất Bản Hứa Chấn Minh, San Jose, Califoria, 2005, trang 310-311].
Bức điện văn này đề ngày 14 tháng 4 năm l975 và chỉ một tuần sau đó thì Tổng Thống Nguyên Văn Thiệu từ chức, nửa tháng sau đó thì Miền Nam rơi vào tay cộng sản Bắc Việt. Tuy nhiên vào những ngày tháng 4 năm 1975, việc nước Ả Rập Saudi hứa sẽ trợ giúp cho Việt Nam Cộng Hòa cũng phải được xem như là một “phép lạ”, dù rằng đó chỉ là một phép lạ trong ảo tưởng mà thôi.
Sau 1975, người viết có cơ hội làm việc tại Jeddha, nước Ả Rập Saudi, trong một thời gian và có nghe nói đến việc nầy. Một vài người Ả Rập của người viết cho biết rằng vào khoảng cuối năm 1974, Việt Nam Cộng Hòa có tham dự một cuộc triển lãm quốc tế tại Thành Phố Hải Cảng Jeddha, lúc bấy giờ là Thủ Đô thương mại và ngoại giao của Vương Quốc Ả Rập Saudi. Trong cuộc triển lãm nầy, Việt Nam đã gởi sang trưng bày những bức tranh cũng như là một sô bàn ghế sơn mài, đa số là của công ty Thành Lễ và những sản phẩm này đã được dân chúng, nhất là giới thương lưu giàu có trong Hoàng Gia nhiệt liệt tán thưởng, nhờ đó mà họ có cảm tình với Việt Nam Cộng Hòa. Quốc Vương Faisal là một trong những người đó. Họ cũng xác nhận chuyện Vua Faisal có ý định viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa tuy nhiên vì phía
Việt Nam quá chậm chạp trong việc xúc tiến kế hoạch này cho nên sau khi Nhà Vua bị ám sát thì vị Hoàng Thái Tử (crown prince) là Kbalid ibn Abdulaziz lên nối ngôi không biết gì nhiều về việc này, do đó mà kế hoạch đã không được xúc tiến và bất thành.
Dường như đó cũng là vận nước cho nên Miền Nam đã bỏ lỡ mất cơ hội có một không hai này. Số phận của Việt Nam Cộng Hòa cũng gặp nhiều sự không may vì Quốc Vương Khalid (1975-l982) là người có đầu óc bảo thủ, không chú trọng nhiều đến những vấn đề bên ngoài thế giới Ả Rập cho nên ông ta không để ý đến việc Quốc Vương Faisal đã có quyết định trợ giúp cho Miền Nam Việt Nam chống lại cộng sản. Tuy nhiên sau khi lên ngôi, Quốc Vương Khalid lại chọn Hoàng Tử Fabd ibn Adulaziz làm Hoàng Thái Tử kế vị thì ông này lại là người không những am tường về các vấn đề quốc tế mà lại còn là người chống cộng sản rất tích cực. Sau khi Vua Khalid băng hà vào năm 1982, Hoàng Tử Fadb ibn Abdulaziz trở thành Quốc Vương trị vì nước Ả Rập Saudi từ năm 1982 cho đến đầu tháng 8 năm 2005. Trong thời gian trị vì, Vua Fadh đã viện trợ vô cùng tích cực cho phong trào kháng chiến A- Phú-Hãn chống lại cộng sản Liên Xô trong mấy thập niên và sau cùng thì Liên Xô phải triệt thoái ra khỏi A-Phú-Hãn.
Nếu Quốc Vương Fahd lên ngôi thay cho Quốc Vương Faisal ngay từ năm 1975 thì biết đâu tình hình Việt Nam lại chẳng có thể một vài thay đổi ?
TỪ BẮC KINH
Hoa Kỳ Đã Quyết Định Bỏ Rơi Việt Nam Cộng Hòa Từ Năm 1971
Việc người Mỹ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam sau này thì ai cũng đều biết rõ, nhưng có rất ít người biết được rằng Hoa Kỳ đã có ý định rút ra khỏi Việt Nam từ năm 1967 dưới thời Tổng Thống Lyndon Johnson và vào năm 1971 thời Tổng Thống Richard Nixon mà người đã thực hiện chính sách này không ai khác hơn là Tiến Sĩ Henry Kissinger lúc bấy giờ là Cố Vấn về An Ninh Quốc Gia và sau đó trở thành Bộ Trưởng Ngoại Giao trong chính phủ của Tổng Thống Nixon và Tổng Thống Gerala Ford.
Sứ Mạng của Đại Sứ Bunker.
Rút Ra Khỏi Việt Nam
Trong một cuốn sách được dịch ra tiếng Việt và xuất bản vào năm 2000 tại California, Tiến Sĩ Stephen B. Young đã dựa vào những mối liên hệ giữa ông với ông Ellsworth Bunker, cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm l967 cho đến 1973 cũng như là những tài liệu riêng mà ông Bunker để lại và viết thành một cuốn sách mang tựa đề Cuộc Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ nói về những diễn biến chính trị tại Miền Nam Việt Nam.
Tiến Sĩ Stephen B. Young cho biết rằng lúc còn sinh tiền, cựu Đại Sứ Ellsworth Bunker đã tiết lộ cho ông biết rằng vào tháng giêng năm 1967, Tổng Thống Lyndon Johnson đã bổ nhiệm ông Bunker làm Đại Sứ Koa Kỳ tại Saigon với một niệm vụ bí mật: Chuẩn bị việc Hoa Kỳ rút quân chiến đấu ra khỏi Miền Nam Việt Nam.
Stephen Young nói rằng khi ông hỏi Đại Sứ Bunker tại sao ông lại được Tổng Thống Johnson chọn làm Đại Sứ tại Saigon thì ông Bunker đã cho ông biết rằng đó là tại vì nước Cộng Hòa Doninican. Vào mùa Xuân năm 1965, Tổng Thống Johnson đã gửi 25.000 quân Hoa Kỳ sang Cộng Hòa Dominican để ổn định tình hình sau khi một nhóm Quân Nhân thân Fidel Castro, Chủ Tịch nước cộng sản Cuba, sắp sửa c­ướp được chính quyền. Gởi quân sang thì dễ nhưng triệt thoái quân đội trở về mà phe thân cộng sản không nắm được chính quyền mới là chuyện rất khó. Đại Sứ Hoa Kỳ tại Dominican Republic lúc đó là Ellsworth Bunker đã thực hiện được việc khó khăn đó: Phe thân Castro bị thua phe dân chủ, tình hình được ổn định và Quân Đội Hoa Kỳ triệt thoái về nước.
Ông Stephen Young nói rằng: Tương tự như vậy, năm 1967, Tổng Thống Jobnson muốn rút ra khỏi cuộc chiến tranh Đông Dương và yêu cầu tìm ra giải pháp.
Jobnson tránh xác định và tập trung nỗ lực vào công việc chấm dút chiến tranh. Tổng Thống Jobnson chỉ muốn ông Bunker hoàn tất sứ mạng của Hoa Kỳ tại Miền Nam Việt Nam. Bắt đầu là rút quân chiến đấu Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu do cuộc chiến đòi hỏi, ưu tiên hàng đầu là phải tăng cường quân số và quấn luyện Quân Đội Miền Nam Việt Nam để họ có thể chịu trách nhiệm và thay thế những nơi mà Quân Đội Hoa Kỳ sẽ triệt thoái Khi Quân Đội Miền Nam lớn mạnh và đủ khả năng, chừng ấy mới bắt đầu rút các đơn vị chiến đấu Hoa Kỳ. [Stephen B.Young: Cuộc Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ, Nguyễn Vạn Hùng dịch, Thời Luận, Califomia xuất bản 2001. Trang 53-55].
Kissinger: 
Hoa Kỳ Sẽ Rút Khỏi Việt Nam và “Sẽ Không Bao Giờ Trở Lại”
Vào năm 1968, Tổng Thống Johnson không ra tái tranh cử và ông Richard Nixon lên nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ vào tháng Giêng năm 1969. Tân Tổng Thống Nixon được mọi người xem như là một nhân vật chống cộng hàng đầu, tuy nhiên ít có người biết là ông ta cũng theo đuổi đường lối về việc giải kết chiến tranh Việt Nam mà Tổng Thống Johnson đã vạch hối năm 1967 và vẫn giữ ông Ellsworth Bunker làm Đại Sứ Hoa Kỳ tại Saigon cho đến sau Hiệp Định Paris vào năm 1973. Mặt khác cũng có rất ít người, kể cả người Mỹ, lại biết được rằng 2 năm trước khi ký Hiệp Định Paris, chính phủ Nixon đã tiết lộ cho Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai biết rằng Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa và sau khi Quân Đội Mỹ triệt thoái thì sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam.
Trong cuốn sách The Vietnam War Files: Uncovering the Secret History of Nixon-Era Strategy (Hồ Sồ chiến Tranh Việt Nam: Tiết Lộ những Bí mật Lịch Sử Về chiến Lược Thời Đại Nixon) xuất bản vào năm 2004, dựa vào những hồ sơ “tối mật” mới được giải mật, tác giả Jeffrey Kimball đã cho biết rằng từ tháng 7 năm 1971, Tiến Sĩ Henry Kissinger, Cố Vấn về An Ninh Quốc Gia của Tổng Thống Hoa Kỳ, đã thông báo cho Trung Cộng biết rằng Hoa Kỳ sẽ không lưu giữ lực lượng quân sự nào tại Nam Việt Nam để bảo vệ cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Trong trang 5, phần “Indochina” của “tài liệu hướng dẫn” (briefing book) được Ban Tham Mưu của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia soạn thảo để Tiến Sĩ Kissinger thảo luận với Thủ Tướng Chu Ân Lai vào hai ngày 9 và 10 tháng 7 năm 1971, Tiến Sĩ Kissinger đã nói với Thủ Tướng Trung Hoa cộng sản Chu Ân Lai rằng:
“Nhân danh Tổng Thống Nixon, tôi muốn đảm bảo với Thủ Tướng rằng Hoa Kỳ sẵn sàng chuẩn bị một sự giàn xếp mà trong đó mọi diễn biến về chính trị tại Miền Nam Việt Nam sẽ do người Việt Nam quyết định với nhau. Chúng tôi sẵn sàng triệt thoái các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ qua nhưng 4 lịch trình được ấn định rõ ràng và để cho những “thực tế khách quan” (objective realities) hoạch định cho tương lai chính trị. “Chúng tôi muốn có một khoảng thời gian vừa phải (decent interual.) Chúng tôi xin bảo đảm với Thủ Tướng như vậy.
Nếu chính phủ Việt Nam muốn tự quyết định thay đổi chính phủ hiện tại của họ thì chúng tôi sẽ chấp nhận điều đó. Nhưng mà chúng tôi sẽ không quyết định về việc đó cho họ.
Như Tổng Thống Nixon đã nhiều lần tuyên bố, chúng tôi tin tưởng rằng những nguyên tắc sau đây sẽ là những điểm quan trọng hàng đầu cho một sự giàn xếp chính trị tại chính trị Miền Nam Việt Nam:
– Một giải pháp chính trị phải phản ảnh nguyện vọng của nhân dân Miền Nam Việt Nam và cho phép họ được quyết định tương lai của họ mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
– Một giải pháp chính trị hợp lý phải phản ảnh những mối liên hệ hiện nay giữa các lực lượng chính trị tại Miền Nam Việt Nam
– Chúng tôi sẽ tôn trọng những kết quả của diễn tiến chính trị đã đươc thỏa thuận.
Một điều cần phải chú ý là khi người Mỹ nói về các lực lượng chính trị tại Miền Nam có nghĩa là các lực lượng chính trị hoạt động hợp pháp tại Việt Nam Cộng Hòa, các lực lượng của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và cả các lực lượng từ Bắc Việt xâm nhập vào cùng với mấy trăm ngàn bộ đội Bắc Việt, điều đó có nghĩa là ngay từ tháng 7 năm l971, chính sách của Tổng Thống Nixon là triệt thoái Quân Đội Mỹ mà không nhất quyết đòi hỏi cộng sản Bắc Việt cũng phải rút quân đội về Bắc như lập trường đang được đòi hỏi tại cuộc hòa đàm ở Paris.
Trong một phóng ảnh chụp lại trang số 5 của bản ‘ briefing book” này, bên lề phía tay trái, Tiến Sĩ Kissinger có ghi thêm với chính thủ bút của ông như sau: “Chúng tôi muốn có một khoảng thời gian vừa phải”. Chúng tôi cam kết với Thủ Tướng như vậy (We want a decent interual. You have our assurance.)
Tác giả Jeffrey Kimbal cho biết thêm rằng: “khi Kissinger và Chu Ân Lai thảo luận về vấn đề Việt Nam trong hai ngày 9 và 10 tháng 7 năm 1971, Kissinger đưa ra “chiến lược liên kết” (stratagem of linkage) hay là “củ cà-rốt và cây gậy” nhưng ông ta cũng nói rõ giải pháp “một thời gian vừa phải” (decent interval solution) dành cho tương lai của Miền Nam Việt Nam. Chẳng hạn như Kissinger đã nói với Chu Ân Lai rằng: Điều mà chúng tôi cần đòi hỏi là một giai đoạn chuyển tiếp (transition period) giữa sự triệt thoái (của Quân Đội Hoa Kỳ) và mọi diễn biến về chính trị (political evolution.)
Chu Ân Lai hỏi Kissinger: Vấn đề triệt thoái toàn thể Quân Lực Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam có thể nào hoàn tất được chậm nhất là vào năm tới (1972) hay không? Ông Cố Vấn vừa mới rời Saigon ?
Kissinger: Tôi đã đề nghị như sau nhân danh Tổng Thống Richard Nixon: Thứ nhất, chúng tôi sẽ ấn định ngày tháng triệt thoái ra khỏi Việt Nam.
Chu Ân Lai: Ngày tháng triệt thoái toàn diện ?
Kissinger: Đúng vậy. Thứ hai, như là một phần của sự giàn xếp, cần phải có một cuộc ngưng bắn trên toàn lãnh thổ Đông Dương. Thứ ba, cần phải có sự trao trả tất cả mọi tù binh. Thứ tư, cần phải tôn trọng Hiệp Định Genève.
Nhân danh Tổng Thống Nixon, tôi muốn thưa với Thủ Tướng một cách vô cùng long trọng rằng trước hết, chúng tôi chuẩn bị triệt thoái toàn diện ra khỏi Đông Dương và đưa ra một hạn kỳ nhất định, nếu có một cuộc ngừng bắn và trao trả tù binh. Thứ hai, chúng tôi sẽ để cho giải giải pháp chính trị dành cho Việt Nam tự diễn tiến và dành cho người Việt Nam giải quyết với nhau mà thôi.
Chúng tôi thừa nhận rằng một giải pháp phải phản ảnh nguyện vọng của nhân dân Miền Nam Việt Nam và cho phép họ tự quyết định tương lai của chính họ mà không có một sự can thiệp nào cả. Chúng tôi sẽ không bao giờ trở lại (reenter) Việt Nam và sẽ tôn trọng mọi diễn tiến chính trị.
Tổng Thống Nixon đã chỉ thị cho tôi nói với Thủ Tướng rằng Hoa Kỳ tin rằng đã đến lúc cần phải có hòa bình. Dĩ nhiên là chúng tôi không thể nói với Thủ Tướng là Trung Quốc phải làm gì, tuy nhiên chúng tôi tin tưởng rằng cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc thì sẽ thúc đẩy việc cải thiện mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong bất cứ tình huống nào, điều mà chúng tôi mong ước là nhân dân Đông Dương có thể quyết định tương lai của họ mà không cần phải có chiến tranh.
Lập trường của chúng tôi là Hoa Kỳ không nhất định ủng hộ việc duy trì “một chính phủ nào đó” (a particular government) tại Miền Nam Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận những nghĩa vụ về hạn chế sự ủng hộ của chúng tôi đối với chính phủ đó sau khi nền hòa bình được thiết lập và chúng tôi cũng ấn định lại mối liên lạc mà chúng tôi sẽ duy trì với chính phủ đó sau khi hòa bình trở lại.
Điều mà chúng tôi không thể làm được là tham dự vào việc lật đổ những người mà trước đây chúng tôi là đồng minh của bọ, bất cứ cái nguồn gốc của sự đồng minh đó như thế nào.
Nếu mà cái chính phủ đó không được lòng dân như quí vị đã nghĩ thì một khi mà chúng tôi triệt thoái ra khỏi Việt Nam càng sớm chừng nào thì cái chính phủ đó càng sớm bị lật đổ chừng đó. Và nếu mà các chính phủ đó bị lật đổ sau khi chúng tôi rút lui thì chúng tôi sẽ không hề can thiệp.
Điều chúng tôi cần là phải có một giai đoạn chuyển tiếp gữa việc triệt thoái Quân Đội mà các diễn tiến chính trị. Không phải chúng tôi cần giai đoạn nầy để chúng tôi trở lại một lần nữa, nhưng chúng tôi cần giai đoạn đó là để cho nhân dân Việt Nam và các phần khác ở Đông Dương có quyền đinh đoạt lấy số phận của họ.
Ngay cả trong giai đoạn chuyển tiếp, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận những hạn chế về những loại viện trợ nào có thể cung cấp cho các nước tại Đông Dương. Và nếu mà không có quốc gia nào tại Đông Dương sẵn sàn nhận viện trợ quân sự từ bên ngoài thì chúng tôi sẵn sang cứu xét đến việc loại bỏ hẳn các viện trợ về quân sự.
Tôi đã nói với Thủ Tướng ngày hôm qua, và tôi xin nói lại điều đó thêm một lần nữa là nếu sau khi Hoa Kỳ hoàn toàn rút Quân Đội ra khỏi Việt Nam mà nhân dân các nước tại Đông Dương thay đổi chính phủ của họ thì Hoa Kỳ sẽ không bao giờ can thiệp.
Hoa Kỳ sẽ tôn trọng sự quyết tâm và nguyện vọng của nhân dân Đông Dương. Thủ Tướng có nói đến việc hằng triệu người mà Bắc Việt sẵn sàng hy sinh. Tôi xin thưa với Thủ Tướng không cần thiết phải hy sinh thêm một triệu người.
Hoa Kỳ sẵn sàng đạt đến hòa bình nhanh chóng nếu mà nền hòa bình đó được thỏa thuận trong khuôn khổ mà tôi vừa đề cập đến. Những nếu mà Thủ Tướng có đề nghị nào khác về giai đoạn chuyển tiếp nào hoặc là Hà Nội có một đề nghị nào khác, chúng tôi sẵn sàng cứu xét.
Chu Ân Lai trả lời: Chúng tôi ủng hộ đề nghị 7 điểm của bà Nguyễn thị Bình của chính phủ cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ họ. Chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn, chúng tôi còn tiếp tục ủng hộ họ. Sự ủng hộ nầy không những chỉ dành riêng cho nhân dân Việt Nam mà còn cho cả nhân dân Cam-pu-chia và nhân dân Lào. Còn việc họ chọn lựa một chế độ chính trị nào và giải pháp sau cùng mà họ đạt được sau khi lật đổ được những chế độ phản động thì đó là việc của họ, chúng tôi không hề can thiệp” [Jeffrey Kimbal: The Vietnam War Files: Uncovering the Secret History of Nixon-Era Strategy, University Press of Kansas, 2004. Trang 187-192.]
Đó là đại cương những điều Tiến Sĩ Kissinger nói với Thủ Tướng Chu Ân Lai hồi tháng 7 năm 1971, gần một năm rưỡi trước ngày Hiệp Định Paris được ký kết và gần 4 năm trước ngày cộng sản Bắc Việt mở những cuộc tổng tấn công để cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam.
Tuy đã nói với Thủ Tướng Chu Ân Lai như vậy, nhưng 5 tháng sau khi Kissinger rời Bắc Kinh thì vào ngày 31 tháng 12 năm 1971, Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã gửi cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu một lá thư trước khi ông sang viếng thăm Trung Cộng vào tháng 2 năm 1972. Trong bức thư nầy ông Nixon nói với ông Thiệu rằng:
“Xin Tổng Thống tin tưởng một cách tuyệt đối rằng chúng tôi sẽ không bao giờ ký kết một bản thỏa ước nào với Bắc Kinh mà lại phải hy sinh đến quyền lợi hay là những vấn đề liên quan đến sự sinh tồn của các quốc gia khác. Xin Tổng Thống cũng nên biết rằng những sự cam kết của Hoa Kỳ đối với các quốc gia khác sẽ không bị ảnh hưởng gì bởi cuộc thăm viếng Bắc Kinh của tôi.
Nếu mà vấn đề Việt Nam được đưa ra thảo luận tại Bắc Kinh thì tôi muốn bảo đảm với Tổng Thống rằng tôi sẽ đặt vấn đề một cách thẳng thắn và rõ rệt rằng lập trường của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa là cuộc chiến tranh tại Việt Nam phải được kết thúc qua những thương thuyết trực tiếp với Hà Nội và nếu mà không phải như vậy thì chỉ có kết thúc bằng sự lớn mạnh của Việt Nam Cộng Hòa trong việc tự bảo vệ chống lại sự xâm lăng của Hà Nội.
Tôi muốn các nhà lãnh đạo Bắc Kinh phải hiểu một cách rõ rệt rằng cả hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa sẽ luôn luôn sát cánh với nhau trong vấn đề sinh tử nầy” [Nguyễn Tiến Hưng and Jerrold Schecter: The Palace File, Harper & Row Pubhshers. New York. 1986, trang 366: Bức thư thư nhất trong 31 bức thư mà Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon gửi cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.]
Sáu tháng sau cuộc viếng thăm của Kissinger, Tổng Thống Nixon chính thức công du sang Bắc Kinh, lần đầu tiên một vị Tổng Thống Hoa Kỳ sang viếng thăm nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa từ khi nước này được thành lập năm 1949.
Trong một cuộc hội kiến, khi thảo luận về vấn đề Việt Nam, Tổng Thống Nixon đã nói với Thủ Tướng Chu Ân Lai rằng:
Rõ ràng là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa muốn Hoa Kỳ bỏ rơi Đài Loan thì Trung Hoa đã được điều đó, còn điều chúng tôi muốn là Trung Hoa giúp cho chúng tôi về vấn đề Việt Nam thì chúng tôi không nhận được sự giúp đỡ nào.
Tôi muốn Thủ Tướng biết cho rằng dĩ nhiên là chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ quyền lợi của chúng tôi, bảo vệ Quân Đội của chúng tôi và mang tù binh của chúng tôi trở về. Tôi hiểu rằng chính phủ của Thủ Tướng có thể có phản ứng về những việc chúng tôi phải làm. Chúng tôi sẽ không làm điều gì mà chúng tôi không coi rằng điều đó là cần thiết để đạt được mục tiêu của chúng tôi. Và mục tiêu của chúng tôi là triệt thoái sau khi những tù binh của chúng tôi hồi hương. Nhưng nếu chúng tôi không có cơ hội để thương thuyết, thì không phải là chúng tôi mà chính Bắc Việt mới là những kẻ đã bắt buộc chúng tôi phải sử dụng các sử dụng các hoạt động quân sự.
Nhưng thưa Thủ Tướng, vấn đề giải quyết chiến tranh là một việc không thể nào tránh được vì chính tôi đã quuyết định như vậy. Nhưng mà việc đó phải được thực hiện một cách đúng đắn. Điều đó sẽ không còn lâu nữa đâu.
Chu Ân Lai hỏi: Tổng Thống muốn nói chuyện rút quân.
Nixon trả lời: Phải. Triệt thoái toàn diện Quân Đội Hoa Kỳ. Nhưng như tôi đã nói, tôi nhấn mạnh rằng việc đó phải được thực hiện đúng cách. Chúng tôi sẽ không đơn phương rút quân mà không đạt được những mục tiêu của chính sách chúng tôi tại đó”. [Jeffrey Kimball: Sách đã dẫn, trang 202-203.]
Ba tháng sau, ngày 5 tháng 5 năm 1972, sau khi công du Bắc Kinh trở về, Tổng Thống Nixon lại gửi cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu một lá thư nữa, trong đó ông nói rằng:
Tôi muốn bảo đảm với Tổng Thống rằng tôi cũng cùng quan điểm với Tổng Thống: Khả năng tự vệ của Việt Nam Cộng Hòa là chiếc chìa khóa để bảo đảm cho một nền hòa bình lâu dài trong vùng Đông Dương.
Như Tổng Thống cũng nhận thấy, ngoại trừ một sự thống trị toàn diện tại Đông Dương, phe cộng sản ở Đông Dương xem bất cứ một giải pháp nào khác chỉ là một sự ngừng bắn chiến lựơc mà thôi. Đây có lẽ là một điểm mà chúng ta cần phải cảnh giác. Trong bản Thông Cáo Chung tại Thượng Hải ngày 27 tháng 2 năm 1972, tôi đã minh định tại Thượng Hải minh định rằng mục tiêu của Hoa Kỳ tại Á Châu và trên thế giới là đạt được một nền “hòa bình công chính và an ninh” (just and secure) công chính để hoàn thành những nguyện vọng của các dân tộc và các quốc gia mong ước được sống trong tự do và tiến bộ, và an ninh để không phải lo âu gì đến hiểm họa bị ngoại bang xâm lăng. Chính vì một nền hòa bình công chính và an ninh như vậy mà cả hai quốc gia chúng ta đã chiến đấu từ bao năm qua. Tổng Thống có thể tin chắc rằng tôi sẽ làm bất cứ điều gì trong phạm vi khả năng và quyền hạn của tôi để bảo đảm rằng những sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ trở thành vô ích.
Hoa Kỳ không hề có thương thuyết điều gì sau lưng những người bạn của n­ước Mỹ, không hề có “một thỏa ước mật” (secret deals) nào cả. Trong khi thương thuyết với Trung Hoa cộng sản, chúng tôi đã căn cứ trên lập trường vững chắc là Hoa Kỳ luôn luôn tôn trọng những sự cam kết của nước Mỹ. Khi đề cập đến vấn đề Đông Dương tôi đã nhấn mạnh đến lập trường của Hoa Kỳ một cách rõ rệt và cương quyết như đã nói đến trong bản Thông Cáo Thượng Hải. Trung Hoa cộng sản không thể nào có thể nhầm lẫn được về ước vọng chân thành đối với hòa bình của chúng ta và Trung Cộng cũng không thể nào nhầm lẫn được về sự quyết tâm của chúng ta đối với nguyên tắc tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam”. [Nguyễn Tiến Hưng & Jerrold Schecter: Sách đã dẫn, trang 367: Bức thư thứ nhì trong 31 bức thư của Tổng Thống Nixon gửi cho Tổng Thống Thiệu.]
Như vậy thì những điều mà Tổng Thống Nixon “hứa hẹn, cam kết, bảo đảm” với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lại hoàn toàn không đúng như là những lời mà Tiến Sĩ Kissinger, cũng nhân danh Tổng Thống Hoa Kỳ, đã hứa hẹn, đã cam kết với Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai vào tháng 7 năm 1971.
Theo một bản phúc trình của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia gửi cho Ngoại Trưởng Kissinger ngày 12 tháng 3 năm 1975 thì “vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1975, có các phái đoàn cao cấp của Liên Xô và Trung Cộng bất thần đến viếng thăm Hà Nội”. Không hiểu các nhà lãnh đạo của Trung Cộng có tiết lộ điều gì về những sự thương thuyết giữa Tiến Sĩ Kissinger với Chu Ân Lai hồi năm 1971 với cộng sản Bắc Việt hay không, tuy nhiên nếu có, nếu Chu Ân Lai hay một nhân vật Trung Cộng cao cấp nào đó mà tiết lộ với một người của cộng sản Bắc Việt chỉ một câu “chúng tôi sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam” của Tiến Sĩ Kissinger thì giới lãnh đạo cộng sản Bắc Việt cũng đã có đủ yếu tố, có đủ điều kiện cần thiết để quyết định kế hoạch tổng tấn công Miền Nam Việt Nam vào năm 1975 mà không hề lo sợ bị Hoa Kỳ trả đũa.
Chu Ân Lai Sang Hà Nội và Mùa Hè Đỏ Lửa
Sự thật thì chính Chu Ân Lai đã sang tận Hà Nội để “thông báo” cho Bắc Việt biết về những chi tiết liên quan đến Việt Nam trong cuộc tiếp xúc với Tiến Sĩ Kissinger, Cố Vấn của Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon.
Sau năm 1975, trong một cuốn sách nhan đề “Các Cuộc Thương Lượng Lê Đức Thọ-Kissinger Tại Paris”, tác giả Lưu văn Lợi, một phụ tá cho Lê Đức Thọ trong phái đoàn của Bắc Việt tại Hội Nghị Paris và vào năm 1961 đã tham dự Hội Nghị Genève về Lào, có tiết lộ cho biết rằng chỉ hai ngày sau khi Kissinger rời Bắc Kinh thì Chu Ân Lai đã bí mật sang Hà Nội:
“Ngày 13 tháng 7 năm 1971, Thủ Tướng Trung Quốc Chu Ân Lai bí mật qua Hà Nội thông báo việc Kissinger đi Bắc Kinh. Chu Ân Lai nói:
– Vấn đề Đông Dương là quan trọng nhất trong cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi và Kissinger.
Vấn đề quan trọng hơn hết là vấn đề Việt Nam. Chúng tôi nói với Kissinger rằng chúng tôi kiên quyết ủng hộ 7 điểm của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời. Các ông phải rút khỏi Đông Dương không điều kiện, phải rút hết, phải định thời hạn rút hết Hải, Lục, Không Quân, Lính Thủy Đánh Bộ, căn cứ quân sự, Quân Cảng. Nhưng Kissinger nói Mỹ sẽ giữ lại một số Cố Vấn kỹ thuật. Về chính trị, Mỹ không muốn bỏ Nguyễn Văn Thiệu.
Trong cuộc trao đối với Việt Nam (Hà Nội,) Chu Ân Lai nói rõ thêm là Hoa Kỳ không đòi quân đội miền Bắc rút khỏi Miền Nam nhưng họ đòi quân đội miền Bắc phải rút khỏi Lào và Campucbia. Theo ý ông Chu, vấn đề rút quân khỏi Việt Nam trở thành vấn đề số một của Mỹ, việc công nhận Trung Quốc là vấn đề số hai. Cuộc đàm phán Paris trở thành vấn đề then chốt, giai đoạn mấu chót là từ nay đến tháng 5 năm 1972. Các đồng chí Việt Nam bắt bọ rút trong năm nay, Trung Quốc ủng bộ các đồng chí đòi họ rút trong năm nay.
Kissinger còn nói khi về Paris sẽ gặp lại Lê Đức Thọ và nêu lên 4 điểm:
– Mỹ sẽ rút quân trong 12 tháng.
– Tù binh cũng thả trong 12 tháng.
– Phải ngừng bắn toàn diện.
– Phải tôn trọng Hiệp Định Genèce. Lưu văn Lợi-Nguyễn anh Vũ: Các Cuộc Thương Lượng Lê Đức Thọ Kissinger Tại Paris, sách được bán tại Hoa Kỳ, không ghi tên nhà xuất bản, trang 176-177
Sự kiện Thủ Tướng Chu Ân Lai cấp tốc bay sang Hà Nội chỉ hai ngày sau khi gặp gỡ Kissinger cho thấy rằng Trung Cộng rất quan tâm đến vấn đề Việt Nam, không hiểu Chu Ân Lai có tiết lộ gì thêm hay có khuyến cáo gì khác hay không, tuy nhiên theo tài liệu này thì Chu Ân Lai có nói rằng “giai đoạn mấu chốt là từ nay đến tháng 5 năm 1972″ và cộng sản Bắc Việt có lẽ đã nghe theo lời khuyên cáo đó khi họ cho mở những cuộc tổng tấn công tại nhiều nơi ở Miền Nam gây ra chết chóc cho hàng chục ngàn người mà cho đến bây giờ người Miền Nam cũng không ai có thể quên được tháng 5 năm 1972 đó, về sau đã được Nhà Văn Phan Nhật Nam đặt tên là “Mùa Hè Đỏ Lửa” và riêng tại Tỉnh Quảng Trị, Tỉnh địa đầu giới tuyến, hàng vạn người dân vô tội già trẻ lớn bé đã bị giết một cách vô cùng dã man dưới cơn mưa của đạn đại bác do cộng sản Bắc Việt pháo kích trên một đoạn đường hơn mười mấy cây số trên Quốc Lộ số 1 chạy vào Huế, về sau được các ký giả ngoại quốc gọi là “Đại Lộ Kinh Hoàng”.
Đối với những người bình thường thì tháng 5 năm l972 cũng chẳng có gì đặc biệt, tuy nhiên đối với các nhà lãnh đạo Trung Cộng thì tháng 5 năm 1972 lại vô cùng quan trọng vì đó là thời gian mà Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon chính thức sang tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Mạc Tư Khoa với Tổng Bí Thư đảng cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev ngày 21 tháng 5 năm 1972. Ý đồ của Trung Cộng là sau khi đón tiếp Tổng Thống Hoa Kỳ viếng thăm Trung Hoa cộng sản lần đầu tiên vào ngày 18 tháng 2 năm 1972, Mao Trạch Đông âm mưu sẽ dùng đàn em cộng sản Bắc Việt gây áp lực quân sự nặng nề ở Miền Nam Việt Nam trước và trong thời gian Tổng Thống Nixon sang Mạc Tư Khoa và cũng rất có thể tạo ra một nguyên nhân nhằm gây mâu thuẫn trầm trọng khiến cho phía Hoa Kỳ nghĩ đến việc có thể hủy bỏ hội nghị này giữa hai đại cường quốc Hoa Kỳ và Liên Xô. Và Trung Cộng đã suýt thành công trong mục tiêu này.
Ngày 1 tháng 5 năm 1972, cộng sản Bắc Việt xua quân chính quy vượt sông Bến Hải tấn công vào Tỉnh Quảng Trị. Chiều hôm đó, Đại Tướng Creighton Abrams, Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam (MAC-V) đã đánh một bức điện văn trình cho Tổng Thống Nixon biết “Tỉnh Quảng Trị đã rơi vào tay cộng sản Bắc Việt và trận chiến tấn công vào Huế đã bắt đầu. Tướng Abrams nói rằng Tỉnh Quảng Trị không lấy gì làm quan trọng, chỉ có thể ảnh hưởng đến tinh thần của Miền Nam mà thôi, tuy nhiên nếu mất Huế thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng”.
Tổng Thống Nixon sau đó đã nói với Tiến Sĩ Kissinger: “Chúng ta sẽ phải cho những người bạn Xô-Viết của chúng ta biết rằng tôi sẵn sàng hủy bỏ cuộc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Liên Xô nếu đó là cái giá mà họ nghĩ rằng chúng ta sẽ phải trả. Tôi sẽ không dự hội nghị trong bất cứ trường hợp nào nếu mà chúng ta vẫn còn gặp khó khăn tại Việt Nam”.[Richard Nixon: The Memoirs of Richard Nixon, Grosset & Dunlap. New York, 1978. Trang 594-595].
Mấy hôm sau, Tổng Thống Nixon nói thêm: “Bây giờ trong trường hợp này, giác quan thứ sáu cho tôi thấy một điều rất rõ ràng: Bất cứ điều gì khác xảy ra thì chúng ta cũng không thể thua cuộc chiến tranh này Hội Nghị Thượng Đỉnh chẳng đáng giá “con mẹ” gì cả (the summit isn’t worth a damn) nếu cái giá phải trả cho nó là sự thất trận ở Việt Nam” [Richard Nixon: Sách đã dẫn. Trang 602]
Bất chấp đến hậu quả là Liên Xô có thể hủy bỏ cuộc Hội Nghị Thượng Đỉnh Mạc Tư Khoa, sau đó Tổng Thống Nixon ra lệnh tái oanh tạc các mục tiêu quân sự tại Bắc Việt và phong tỏa Hải Cảng Hải Phòng. Liên Xô chỉ phản đối lấy lệ, tuy nhiên ông Dobrynin, Đại Sứ Liên Xô tại Hoa Thịnh Đốn đã nói với Kissinger một câu cay đắng: “Tại sao mà các ông chống lại chúng tôi khi mà chính Hà Nội mới là những kẻ gây sự ?” [R. Nixon: Sách đã dẫn, trang 605.]
Sau đó thì Hội Nghị Thượng Đỉnh vẫn tiếp diễn như thường lệ, các nhà lãnh đạo Liên Xô đón tiếp phái đoàn Tổng Thống Nixon rất trọng thể và thân thiết, tuy nhiên ông Nixon cho biết rằng “Trong một phiên họp kín, Tổng Bí Thư Leonid Brezhnev đã giận dữ la lối lên rằng thay vì cùng nhau hợp tác để tìm kiếm sự kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi đã cố tâm tìm cách dùng Trung Cộng như là một phương tiện để làm áp lực Liên Xô phải can thiệp với Bắc Việt” [R. Nixon: Sách đã dẫn. Trang 613].
Chính Lê Đức Thọ, Cố Vấn Phái đoàn Bắc Việt tại Hội Đàm Paris cũng có nhận định tương tự: “Nixon sang Trung Quốc thì Liên Xô không thể nào không mời Nixon (sang Nga Xô) để Nixon đừng đi quá xa với Trung Quốc chống Liên Xô. Con bài Mỹ đặt ra là làm sao để các nước anh em giảm viện trợ cho Việt Nam nhằm hạn chế thắng lợi của ta. Cái mấu chốt chính của nó là ở đó” [Lưu văn Lợi-Nguyễn anh Vũ: Sách đã dẫn. Trang 223.]
Nhà Ngoại Giao cộng sản Bắc Việt Lưu văn Lợi cho biết về ý nghĩa của cuộc tổng tấn công này như sau:
“Cuộc tiến công Xuân-Hè của ta đã diễn ra sau khi Nixon đi Trung Quốc và trước khi ông ta đi Liên Xô. Không những thế, nó còn kéo dài nhiều tháng nữa…
Điều đó cho thế giới thấy rõ công việc của Việt Nam là do người Việt Nam giải quyết và cũng chứng minh cho Washington biết rằng cả Trung Quốc và Liên Xô vẫn giúp cho ta”[Lưu văn Lợi-Nguyễn anh Vũ: Sách đã dẫn. Trang 216.]
Cuộc “tổng công kích 1972″ mà cộng sản Hà Nội gọi là cuộc tiến công Xuân- Hè đã gây ra cái chết cho trên 30.000 thường dân vô tội tại Miền Nam và hai mục tiêu mà họ “giải phóng” là Thành Phố Quảng Trị thì vài tháng sau cũng được Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm và Tỉnh lỵ An Lộc bị cộng sản vây hãm sau cùng rồi cũng được Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa giải tỏa. Đối với các giới quan sát quốc tế thì cuộc tổng tấn công của cộng sản Bắc Việt tại Miền Nam vào mùa Hè năm 1972 đã không thành công vì sự chống trả mãnh liệt của các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa và nhất là sự quyết tâm của Tổng Thống Nixon trong việc yểm trợ cho Đồng Minh Việt Nam Cộng Hòa. Trong giác thư gửi cho Tổng Bí Thư Brezhnez, ông đã nói rõ: “Chúng tôi chấp nhận việc các ông trợ giúp cho Đồng Minh của các ông và ông cũng không thể nào làm khác hơn được, đó là ta cũng như như tất cả các đại cường quốc hãy cùng nhau trợ giúp cho đồng minh của chúng ta chỉ trong mục đích phòng thù đất nước của họ trong âm mưu mở những cuộc xâm lang các nước lân bang của họ”. [R. Nixon: Sách đã dẫn. Trang 605.]
Vào mùa Xuân năm 1975, ông Richard Nixon không còn ngồi ở chức vụ Tổng Thống Hoa Kỳ nữa vì ông đã từ chức từ năm l974, tuy nhiên Cố Vấn của ông là Tiến Sĩ Henry Kissinger vẫn còn ngồi trong chính phủ của Tổng Thổng Ford trong chức vụ Ngoại Trưởng, tức là chức vụ có trách nhiệm giải quyết vấn đề Việt Nam.
Đối với Ngoại Trưởng Henry Kissinger, một năm rưỡi sau khi Hiệp Định Paris được ký kết cũng là một “quảng thời gian vừa đủ” (decent interval) để cho nước Việt Nam Cộng Hòa có thể tồn tại với sự hiện diện của gần nữa triệu quân đội cộng sản Bắc Việt tại Miền Nam. Ông John Ehrlichman, Phụ Tá của Tổng Thống Nixon về các Vấn Đề Quốc Nội (Assistant to the President for Domestic Affairs) có kể lại rằng sau khi Hiệp Định Paris được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, ngày hôm sau Kissinger trở về _ Hoa Thịnh Đốn. Ông Ehrlichman gặp Kissinger tại Phòng Lincoln trong Tòa Bạch Oc và đã hỏi Kissinger:
– Theo anh thì Miền Nam Việt Nam có thể còn tồn tại được bao lâu nữa ?
Kissinger trả lời như sau: Tôi suy nghĩ rằng nếu may mắn thì họ có thể giữ được chừng một năm rưỡi. John Ehrlichman: Witness to Power, the Nixon Years, trang 288
Từ tháng Giêng năm 1973 cho đến tháng 4 năm 1975 thì cũng gần một năm rưỡi, đó là một khoảng thời gian vừa đủ coi được rồi và người Mỹ nhắm mắt làm ngơ mặc cho cộng sản Bắc Việt muốn làm gì thì làm. Bắc Việt cũng biết rõ như vậy và họ đã cướp thời cơ.
Cướp Thời Cơ
Trong thư của Lê Duẫn, Tổng Bí Thư Đảng Lao Động Việt Nam gửi cho “Anh Bảy Cường” tức là Phạm Hùng, Bí Thư Đảng Ủy Trung Ương Cục Miền Nam Việt Nam ngày 10 tháng 10 năm 1974 có nói rõ về “thời cơ” như sau:
Gửi anh Bảy Cường
Hơn một tuần làm việc, Bộ Chính Trị chúng ta đã hạ quyết tâm hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam. Đây là một sự kiện vô cùng trọng đại để tiến tới kế thúc cuộc chiến tranh cách mạng kéo dài gần 30 năm, kể từ khi chúng ta dành được chính quyền, để hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm vẻ vang đối với dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế lớn lao đối với thời đại.
Hiện nay đã có thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn Miền Nam hay chưa ?
Lúc nầy, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ nầy, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn…
Mỹ thì đã thua, đang rút ra, trước mắt muốn giữ tình hình Miền Nam ổn đinh trong một số năm để ngụy quyền tiếp tục đứng vững và Mỹ có thời gian vượt qua những khó khăn lớn về kinh tế và chính trị trong nước. Riêng “lực lượng so sánh” (tương quan lực lượng) giữa ta và ngụy thì ta đang ở thế thắng, thế tiến lên, trái lại, vì thất bại liên tiếp thế và lực lượng của ngụy cả về chính trị và quân sự, đang xuống dốc.
Xét tất cả các mặt nói trên, chúng ta khẳng định đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng Miền Nam, dành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân đồng thời giúp Lào và Camphuchia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ngoài thời cơ này không còn thời cơ nào khác.
Nếu để chậm mươi, mươi lăm năm nữa, bọn ngụy gượng dậy được, các thế lực xâm lược được hồi phục thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng…
Thời cơ này không cho phép lừng chừng, do dự! [Văn Kiện Đảng: “Thư của Đồng Chí Lê Duẫn gửi Đồng Chí Phạm Hùng Về kết Luận của Hội Nghị Bộ Chính Trị”, trang 7-20].
Bức thư này ký tên “anh Ba” tức là Lê Duẫn đã cho thấy giới lãnh đạo cộng sản Bắc Việt biết rằng thời cơ đã đến.
Thời cơ thực sự đến sau khi Vùng I Chiến Thuật với 5 Tỉnh cực Bắc của Việt Nam Cộng Hòa tan rã.
Ngày 29 tháng 3, ngay sau khi chiếm được toàn thể Vùng 1 Chiến Thuật Lê Duẫn đã nhân danh Bộ Chính Trị gửi một bức điện văn cho “anh Bảy Cường” tức là Phạm Hùng Bí Thư Đảng Ủy Trung Ương Cục Miền Nam “Về Chia Cắt và Bao Vây Chiến Lược Phía Tây Saigon” nguyên văn như sau:
Gửi anh Bảy Cường,
Tình hình biến chuyển mau lẹ. Cuộc cách mạng Miền Nam đang bước vào giai đoạn nhảy vọt.
Sau khi ta giành được những thắng lợi to lớn và dồn dập, địch bị thất bại hết sức nặng nề và bất ngờ, chế độ ngụy đang trước nguy cơ đổ nhanh chóng cả về quân sự và chính trị.
Tôi rất đồng ý với các anh là lúc này cần hành động hết sức kịp thời, kiên quyết và táo bạo. Trên thực tế, có thể có chiến dịch giải phóng Saigon bắt đầu từ đây.
Trong khi gấp rút xúc tiến thực hiện quyết tâm chiến lược đã định, tôi nhấn mạnh một điểm cấp thiết phải làm ngay là mạnh bạo tăng thêm lực lượng thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược phía Tây Saigon ở Vùng Mỹ Tho, Tân An.
Chúc các anh khỏe và thắng to.
Ba (tức là Lê Duẫn) [Văn Kiện Đảng: Trang 220]
Hai ngày hôm sau, Lê Duẫn lại gửi một điện văn đề Ngày 31 tháng 3 vào Miền Nam như sau:
Gửi anh Bảy Cường, anh Sáu (Lê Đức Thọ) và anh Tuấn (Văn Tiến Dũng)
Tình hình biến chuyển nhanh, cần tranh thủ thời gian hành động khẩn trương. Vì vậy anh Tuấn nên sớm vào gặp anh Bảy Cường ở Trung Ương Cục để bàn ngay kế hoạch đánh chiếm Saigon. Anh Sáu sẽ vào luôn trong đó họp. Anh Bảy Cường sẽ không ra Tây Nguyên nữa.
Ba (Lê Duẫn)
Qua ngày hôm sau, 1 tháng 4 năm l975, Lê Duẫn lại gửi diện văn số 956 chỉ thị “Về việc xúc tiến kế hoạch tổng tấn công và nổi dậy ở Saigon-Gia Định. Lập Ban Chỉ Huy và Đảng Ủy Mặt Trận Saigon”
Trong bức điện văn này, đại ý Lê Duẫn nói rằng Hà Nội đã tiêu diệt và làm tan rã được 35 phần trăm sinh lực địch, giải phóng 12 Tỉnh, trước tình hình đó, Bộ Chính Trị nhận định rằng:
“Ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không thể nào cứu vãn được tình thế của ngụy. Cuộc chiến tranh cách mạng ở Miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tấn tổng tiến công và nổi dậy tại Saigon-Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút nầy, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu”
Sau đó, Lê Duẫn chỉ thị phải gấp rút tăng thêm lực lượng ở Saigon, thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược, triệt hẳn đường số 4 và áp sát Saigon, bao vây, cô lập hoàn toàn Saigon từ phía Long Khánh, Bà Rịa-Vũng Tàu, tổ chức sẵn sàng những đơn vị chủ lực được trang bị binh khí, kỹ thuật thật mạnh để lúc thời cơ xuất hiện thì tức khắc đánh chiếm những mục tiêu quan trọng ở Trung Tâm Thành Phố Saigon.
Lê Duẫn cho biết: “Quân Ủy Trung Ương đã quyết định nhanh chóng chuyển Quân Đoàn 3 cùng binh khí, kỹ thuật từ Tây Nguyên xuống đồng thời đã ra lệnh cho Quân Đoàn 2 dự bị vào và đồng thời Bộ Chính Trị quyết định thành lập Bộ Chỉ Huy và Đảng Ủy Mặt Trận Saigon để tập trung, thống nhất cao độ sự lãnh đạo và chỉ đạo đối với chiến trường trọng điểm nầy. Khi anh Sáu, anh Tuấn vào đến nơi thì các anh trao đổi ý kiến để thực hiện ngay” [Văn Kiện Đảng: Trang 221-224.]
Qua ba bức điện văn của Lê Duẫn này, người ta thấy rõ giới lãnh đạo cộng sản Hà Nội đã quyết tâm đánh Saigon để chiếm trọn Miền Nam Việt Nam từ sau ngày Vùng I thất thủ và Hà Nội không hề nghĩ đến chuyện thương tuyết hay lập chính phủ hòa giải hòa hợp dân tộc theo tinh thần Hiệp Định Paris với bất cứ phe nhóm nào, chẳng hạn như “thành phần thứ ba” hay là “Nhóm Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc của khối Ấn Quang, với bất cứ nhân vật nào tại Miền Nam chẳng hạn như là Dương Văn Minh như một số người, kể cả Đại Sứ Pháp Mérillon, đã tưởng tượng.
Chiến Dịch Hồ Chí Minh
Ngày 7 tháng 4 năm 1975, Văn Tiến Dũng triệu tập một phiên họp của toàn thể Ban Chấp Hành Trung Ương của Trung Ương Cục Miền Nam Việt Nam tại Lộc Ninh thì một người khách thình lình xuất hiện, đó là anh Sáu tức là Lê Đức Thọ, Ủy Viên Bộ Chính Trị, “Huy chương Nobel Hòa bình năm 1974″ và cũng là nhân vật số hai của chế độ cộng sản Hà Nội. Đây là lần thứ tư Lê Đức Thọ vào Miền Nam với tư cách là đại diện cho Bộ Chính Trị, trước đó “anh Sáu Thọ” đã vào chỉ đạo cho Trung Ương Cục vào những năm 1967, 1971 và 1972. Lê Đức Thọ mang những huấn thị cuối cùng của Bộ Chính Trị về việc thiết lập một “Bộ Tư Lệnh đặc biệt chỉ huy cả Trung Ương Cục Miền Nam” để phối hợp các cuộc hành quân tấn công Saigon. Trước đó một ngày, Lê Duẫn đã gửi điện văn số 05 ngày 6 tháng 4 chỉ định Tướng Văn Tiến Dũng làm Tư Lệnh Mặt Trận Saigon, Phạm Hùng làm Chính Ủy, Trần Văn Trà làm Phó Tư Lệnh Thứ Nhất kiêm Tham Mưu Trưởng, “Sáu Nam” tức là Lê Đức Anh làm Phó Tư Lệnh và Lê Ngọc Hiền làm Tham Mưu Phó. Dĩ nhiên là Lê Đức Thọ có nhiệm vụ chỉ huy toàn thể Bộ Tư Lệnh đặc biệt này, đó là “Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch 275″ và đến ngày 14 tháng 4 thì Bộ Chính Trị quyết định đổi tên chiến dịch này thành “Chiến Dịch Hồ Chí Minh”. Lê Đức Thọ cũng chuyển đến cho các thành viên trong Bộ Tư Lệnh một văn thư của Chủ Tịch Nhà Nước Tôn Đức Thắng nguyên văn như sau: “Các đồng chí phải chiến thắng. Nếu không thì đừng có trở về”.
Vì có lệnh của Hà Nội như vậy cho nên dù chưa được chuẩn bị sẵn sàng, Bộ Tư Lệnh này đã ra lệnh cho Quân Đoàn 4 khởi sự tấn công vào Xuân Lộc, nơi đặt Bộ Tư Lệnh của Sư Đoàn 18 Bộ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Trận Xuân Lộc
Ngày 9 tháng 4 năm 1975, cộng sản Bắc Việt tập trumg 3 sư đoàn 6, 7 và 341 chính quy tấn công vào Thị Xã Xuân Lộc. Sư Đoàn 18 Bộ Binh của Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo đã anh dũng chống cự lại những đợt tấn công của địch đông gấp 4 lần. Trung Đoàn 43 Bộ Binh đã anh dũng đẩy lui hết đợt tấn công này đến đợt tan công khác của địch và đến ngày 10 tháng 4 thì địch quân vẫn chưa có thể chế ngự được Trung Đoàn này. Ngày 11 tháng 4, cộng quân tấn công Trung Đoàn 52 Bộ Binh ở phía Đông Xuân Lộc, nhưng nhờ có lực lượng Biệt Động Quân và Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù tăng cường, cũng như là Không Quân đã liên tục oanh kích nặng nề vào các đơn vị cộng sản khiến cho địch quân phải rút lui tại nhiều nơi. Ngày 12 tháng 4, Trung Đoàn 43 đã tái chiếm được Thị Xã Xuân Lộc trong khi Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù đang từ từ tiến chiếm lại từng khu vực do cộng quân chiếm giữ từ phía Nam Thị Xã. Trong trận Xuân Lộc, cộng quân đã pháo kích 10.000 viên đạn đại bác 130 ly vào Thị Xã, một số lớn chiến xa, 37 chiếc T54 bị tiêu diệt và kể từ khi mở đầu cuộc tổng tấn công tại Miền Nam, đây là lần đầu tiên quân cộng sản thiếu đạn dành cho pháo binh và chiến xa vì bắn nhiều. Tướng Văn Tiến Dũng phải cho tăng viện thêm hai sư đoàn 325 và 312 cho chiến trường Xuân Lộc. Dù được tăng viện nhưng cộng sản cũng không thể chiếm được Thị Trấn này mà không bị tổn thất nâng nề hơn, Văn Tiến Dũng ra lệnh cho các đơn vị cộng sản tiến vòng qua Thị Xã Xuân Lộc rồi theo Quốc Lộ Số 1 tiến thẳng về Biên Hòa.
Trong cuốn sách “Chặng Đường Mười Ngàn Ngày” do Quân Đội Nhân Dân xuất bản tại Hà Nội vào năm l990, Thượng Tướng Hoàng Cầm, cựu Tư Lệnh Quân Đoàn 4 của cộng sản Bắc Việt tức là đại đơn vị có trách nhiệm tấn công Sư Đoàn 18 ở Xuân Lộc vào năm 1975, đã thú nhận rằng ba sư đoàn 6, 7 và 341 bị tổn thất rất nặng và phải được tăng viện thêm trung đoàn 95B từ Quân Khu 5 vào. Hoàng Cầm cho biết lực lượng của cộng sản bị thiệt hại nặng cho đến nỗi cuộc tấn công bị khựng lại và Bộ Tư Lệnh của ông ta không khỏi lo sợ, do đó mà Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch 275 dưới quyền của Lê Đức Thọ, Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng phải ra lệnh cho Tướng Trần Văn Trà đến ngay mặt trận Xuân Lộc để duyệt xét tình hình. Tướng Hoàng Cầm cũng cho biết thêm rằng ông ta đã yêu cầu hoãn lại cuộc tấn công vào Xuân Lộc một thời gian để tái tổ chức các đơn vị của ông nhưng lời yêu cầu này đã bị bác bỏ. Tướng Trần Văn Trà lúc đó là Tư Lệnh B-2 tức là Miền Nam Việt Nam đã cho biết rằng đó là lệnh của Hà Nội và Bộ Chính Trị ra lệnh phải đánh mạnh và đánh nhanh để tiến về Saigon.
Trong cuốn hồi ký “Kết Thúc Cuộc Chiến 30 Năm”, Tập 5, Trần Văn Trà cũng nhìn nhận là ba sư đoàn của Hoàng Cầm bị thiệt hại quá nhiều và ông ta nhận thấy rằng càng tấn công trực diện vào Xuân Lộc thì càng bị thiệt hại thêm mà cũng chưa chắc gì đã chiếm được Thành Phố này. Do đó Trần Văn Trà đã ra lệnh cho Hoàng Cầm rút quân ra khỏi Xuân Lộc để tái tổ chức rồi tấn công vào Dầu Giây, cắt đứt đường tiếp tế cho Xuân Lộc. Hoàng Cầm tuân theo chỉ thị này và cho quân tấn công chiếm Dầu Giây trên Quốc Lộ Số 1. Sau khi Dầu Giây bị chiếm, phòng tuyến Xuân Lộc không còn hữu ích trong việc ngăn chận sức tiến của quân cộng sản nữa, Quân Đoàn III phải ra lệnh cho Sư Đoàn 18 triệt thoái về hướng Biên Hòa.
Ngày 23 tháng 4 năm l9755, các đơn vị của Sư Đoàn 18, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù cùng các đơn vị địa Phương Quân và Nghĩa Quân thuộc Tiểu Khu Long Khánh triệt thoái về đến căn cứ Long Bình ở Biên Hòa. Khác với cuộc triệt thoái Cao Nguyên trước đây, cuộc rút quân này diễn ra hoàn toàn tốt đẹp và nhiều ký giả ngoại quốc đã không tiếc lời khen ngợi tài chỉ huy của Tướng Lê Minh Đảo trong cuộc hành quân triệt thoái này.
Trận Xuân Lộc giữa Sư Đoàn 18 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với Quân Đoàn 4 của cộng sản Bắc Việt là trận đánh cuối cùng giữa lực lượng của hai Miền Nam và Bắc Việt Nam và trận đánh đó đã biểu dương được tinh thần chiến đấu anh dũng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chỉ có một sư đoàn mà đã chống trả lại sự tấn công của quân địch quân số gấp 4 lần và sau này chính người chỉ huy các lực l­ượng cộng sản Bắc Việt trong trận đánh này là Tướng Hoàng Cầm cũng phải thừa nhận đó là một sự thất bại của họ vào năm 1975.
Trong khi Sư Đoàn 18 đang chống trả lại cuộc tấn công của Quân Đoàn 4 cộng sản Bắc Việt tại Xuân Lộc thì tình hình quân sự chung quanh Saigon càng trở nên tồi tệ hơn và các lực lượng của cộng sản đã bắt đầu gây áp lực trầm trọng và đe dọa Biệt Khu Thủ Đô tức là vùng Thủ Đô Saigon. Tại vùng Tây-Bắc Saigon, Sư
Đoàn 25 Bộ Binh đã rút khỏi Tây Ninh về lập tuyến phòng thủ ở Hiếu Thiện, Đức Hòa, Đức Huệ và Củ Chi. Về phía Bắc, Tiểu Khu Bình Long cũng rút khỏi An Lộc trở về vùng do Sư Đoàn 5 Bộ Binh kiểm soát ở Lai Khê, Tỉnh Bình Dương.
Trong khi tình hình quân sự trên đà suy sụp như vậy thì tình hình chính trị tại Saigon cũng đã bắt đầu có nhiều biến đổi.
Tổng Thống Thiệu Bị Mất Uy Tín
Cho đến đầu tháng 4 năm l975, chỉ trong vòng không đầy 4 tuần lễ sau khi cộng sản mở đầu cuộc tổng tấn công tại Ban Mê Thuột, 20 Tỉnh và Thị Xã, gần một nửa lãnh thổ Miền Nam bị mất và về phía Quân Đội thì 2 Quân Đoàn I và II tức là một nửa Quân Đội bị tan rã.
Đó là những thất bại quá lớn lao, quá nhục nhã cho Miền Nam Việt Nam và do đó, uy tín của Tổng Thống Nguyên Văn Thiệu ngày càng xuống giốc. Từ các Tướng lãnh trong Quân Đội, các đoàn thể chính trị cũng như là tôn giáo, từ giới trí thức cho đến giới bình dân, nhiều người đã bày tỏ sự bất mãn với chính quyền của Tổng Thống Nguyên Văn Thiệu và từ đầu tháng 4 năm 1975, có nhiều tin đồn về một vài âm mưu đảo chánh để loại trừ ông Nguyễn Văn Thiệu ra khỏi chính quyền.
Tổng Thống Thiệu đã phản ứng bằng biện pháp mạnh: Ngày 27 tháng 3 năm 1975, chính quyền của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã cho bắt giữ một số người trong giới chính trị và cả một số ký giả vì họ bị nghi ngờ là có dính líu đến một vài âm mưu đảo chánh, nhưng đây chỉ là một số cá nhân không nắm giữ một chức vụ quan trọng nào.
Thật ra thì sự chống đối Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã bắt đầu từ thời gian hơn một năm về trước.
Phân Bộ Lập Pháp của Đảng Dân Chủ Khuyến Cáo
Trước đó, vào năm 1973 cũng đã có những ý kiến chống đối phát xuất ngay trong hàng ngũ các vị Dân Biểu và Nghị Sĩ ủng hộ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Vào cuối năm 1973 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã mời một số Dân Biểu và Nghị Sĩ trong Phân Bộ Lập Pháp của Đảng Dân Chủ của ông đến dự một buổi họp tại Dinh Độc Lập. Trong buổi họp mặt này Nghị Sĩ Trần Trung Dung, đại diện cho Thượng Viện và Dân Biểu Phạm Văn Út, đại diện cho Hạ Viện đã đọc hai bài diễn văn khá dài và sau khi nghe xong, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và các quan khách như Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm v.v…đều phải giật mình, kinh ngạc.
Trong hai bài diễn văn này, về sau được gọi là “Bản Khuyến Cáo Hành Pháp”, các vị Nghị Sĩ và Dân Biểu thuộc Đảng Dân Chủ đã khuyến cáo Hành Pháp phải sửa đổi đường lối chính sách, phải có chính sách huấn luyện cán bộ, phải đưa những người có khả năng và trong sạch nắm giữ những chức vụ điều khiển then chốt trong Chính Phủ và Quân Đội, phải bài trừ tham nhũng nhất là bài trừ nạn “mua quan bán tước v.v…ngõ hầu có thể đương đầu với những cuộc tấn công sắp tới của cộng sản và khuynh hướng giải kết của Đồng Minh Hoa Kỳ. Bản khuyến cáo nói rằng Miền Nam Việt Nam đang đứng bên bờ vực thẳm, nếu không cải cách và sửa đổi thì không thể nào chống lại được các cuộc tấn công của cộng sản trong những ngày sắp tới không xa và đất nước sẽ bị rơi vào tay cộng sản Bắc Việt.
Một nhân vật cao cấp của Đảng Dân Chủ hồi đó có cho người viết biết rằng hai bài diễn văn đó chỉ là phần nổi của Bản Khuyến Cáo, còn có “phần ngầm” liên quan đến vấn đề quân sự, vấn đề các tiền đồn với quân số ít ỏi trú đóng trong các vùng ven biển, cận sơn hẻo lánh nhằm mục đích chiếm đất dành dân không cho cộng sản chiếm giữ tức là không nhượng đất cho cộng sản. Bản Khuyến Cáo nói rằng giữ các tiền đồn đó mà không có đủ khả năng và phương tiện tiếp viện và giải cứu khi bị cộng sản tấn công với quân số đông gấp bội thì việc đó sẽ gây ảnh hưởng tâm lý vô cùng bất lợi cho tinh thần anh em chiến sĩ, tại nhiều địa phương, vì quân số quá nhỏ, các tiền đồn này đã làm ngơ hay có nhiều khi đồng ý để cho các đơn vị cộng sản lớn hơn đi qua và như vậy thì mất uy tín với dân chúng địa phương. Vì các đơn vị Quân Đội bị phân tán quá mỏng nên không thể đối phó hữu hiệu khi địch mở các cuộc tấn công quy mô, do đó “Bản Khuyến Cáo” yêu cầu chính phủ phải xét lại và thay đổi chính sách về quân sự, nên triệt thoái các tiền đồn ở những vùng xa xôi hay tại những vùng “xôi đậu” để tránh tiêu hao lực lượng và đưa họ về tăng cường cho các đơn vị bảo vệ Vùng Đồng Bằng, như vậy thì sự phòng thủ sẽ hữu hiệu hơn. Thực ra thì điều khuyến cáo này không có gì là mới lạ vì Tướng Tred Sarong, vị Cố Vấn bán chính thức người Úc của Tổng Thống Thiệu cũng đã có đề nghị tương tự như vậy: Ông Sarong đề nghị với Tổng Thống Thiệu là nên triệt thoái khỏi vừng rừng núi cao nguyên mà chỉ nên bảo vệ Vùng Đồng Bằng, duyên hải mà thôi.
Điều quan trọng hơn cả là trong bản khuyến cáo này, các vị Nghị Sĩ và Dân Biểu cũng cảnh cáo về nạn “lính ma lính kiểng” rất trầm trọng trong Quân Đội và sau cùng đòi hỏi hành pháp phải thay thế hai vị Tư Lệnh Quân Đoàn II và Quân Đoàn lV tức là Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn và Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi.
Về nạn “lính ma lính kiểng”, chính Đại Tướng Cao Văn Viên cũng phải thừa nhận: “Sự khiếm khuyết của các lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân (ở Vùng IV) bắt nguồn từ sự yếu kém về tinh thần và “quân số không đầy đủ” ở các đơn vị. Để giải quyết những khuyết điềm trên, Bộ Tổng Tham Mưu mở một cuộc điều tra để tìm nguyên nhân. Tháng 11 năm (1974) cuộc điều tra đưa đến quyết định giải nhiệm Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi Tư Lệnh Vùng IV. [Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 73].
Khi nghe xong hai bài diễn văn đó, Tổng Thống Thiệu đã có thái độ bất bình và giận dữ, ông đã bỏ bữa tiệc ra về cùng với phái đoàn của hành pháp. Tuy các vị đại diện cho Thượng và Hạ Viện đứng ra đọc hai bài diễn văn này nhưng bên trong thì ông Thiệu biết rằng người đưa ra những ý kiến chính trong hai bài diễn văn đó chính là ông Nguyễn Văn Ngân, Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Thống Thiệu. Mấy tháng sau, ông Ngân bị bãi nhiệm, sau đó được sang Hoa Kỳ và Canada “dưỡng bệnh” vào khoảng hơn nửa năm trời mới được cho về nước, nhưng vào đầu tháng 4 năm 1975 thì Tổng Thống Thiệu lại ra lệnh bắt giam ông Ngân sau khi Thượng Viện thông qua quyết nghị lên án chính sách của Tổng Thống Thiệu và bất tín nhiệm Nội Các Trần Thiện Khiêm. Ông Ngân bị giam giữ cho đến ngày 27 tháng 4 năm trước khi “trao quyền” cho Dương Văn Minh, ông được Tổng Thống Trần Văn Hương ra lệnh trả tự do cùng với một số người bị Tổng Thống Thiệu bắt giam hồi đầu tháng 4.
Không rõ Tổng Thống Thiệu có nghe lời khuyến cáo của nhóm Dân Biểu Nghị Sĩ này hay không, tuy nhiên đến tháng 11 năm 1974 thì Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi bị mất chức Tư Lệnh Vùng IV và một tháng sau đó thì Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn cũng bị mất chức Tư Lệnh Vùng II. Riêng về đề nghị rút quân ở những vùng hẻo lánh về tăng cường cho Vùng Duyên Hải thì đến ngày 14 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Thiệu đưa ra chiến lược gọi là “Đầu teo Đít to” (Light at the Top, Heavy at the Bottom) hay là “tái phổi trí lực lượng” và ra lệnh cho Tướng Phú triệt thoái Quân Đoàn II về Vùng Duyên Hải, nhưng lúc đó thì ngay cả Tướng Ted Sarong, người đã đề nghị kế hoạch này, cũng nói với Tổng Thống Thiệu rằng “đã quá trễ rồi”.
Tướng Cao Văn Viên cho biết rằng lần đầu tiên Tổng Thống Thiệu đề cập đến chiến lược này vào ngày 11 tháng 3 một ngày sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, với Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Trung Tướng Đặng Văn Quang và ông tại Dinh Độc Lập: “Với khả năng và lực lượng chúng ta đang có chắc chắn chúng ta không thể nào bảo vệ được tất cả lãnh thổ chúng ta muốn bảo vệ như vậy chúng ta nên tái phối trí lực lượn và bảo vệ những vùng đông dân cư, trù phú vì những vùng đất đó mới thực sự quan trọng”. Ba ngày sau tại Cam Ranh, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú triệt thoái Quân Đoàn II về Vùng Duyên Hải để “tái phối trí lực lượng”. Như vậy thì những điều khuyến cáo của các Nghị Sĩ và Dân Biểu trong Phân Bộ Lập Pháp của Đảng Dân Chủ hồi cuối năm 1973 sau này đều được Tổng Thống Thiệu thực hiện, tuy nhiên theo Đại Tướng Cao Văn Viên thì “chúng ta chỉ có thể hỏi là tại sao Tổng Thống Thiệu phải chờ lâu như vậy để áp dụng kế hoạch tái phối trí” Cao Văn Viên : Sách đã dẫn, trang 129-131.
Chống Đối Từ Phía Thiên Chúa Giáo
Sự chống đối Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lại bùng lên vào nửa năm sau đó, lần này lại phát xuất từ phía các đoàn thể Thiên Chúa Giáo chống lại chính quyền của Tổng Thống Thiệu, cũng là một tín đồ Thiên Chúa Giáo.
Ngày 18 tháng 6 năm 1974, một bản “Tuyên Ngôn Chống Tham Nhũng, Bất Công và Tệ Đoan Xã Hội của Hàng Linh Mục Việt Nam” được công bố tại hội trường Giáo Xứ Tân Sa Châu tại Saigon, mang chữ ký của 301 vị Linh Mục đại diện cho các Giáo Phận, các Viện Đại Học, Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo Việt Nam, Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam, Giám Đốc và Giáo Sư các Chủng Viện, Bề Trên các Dòng Tu, Tuyên Úy Công Giáo trong Quân Đội và các tổ chức khác v.v…Nội dung Bản Tuyên Bố lên án nạn tham nhũng ngày càng trở nên trầm trọng khiến bộ máy chính quyền chẳng những không còn phục vụ quyền lợi quốc gia mà đã thành nơi hoành hành của những tổ chức “Mafia” trong chính quyền, cấu kết với gian thương để bóc lột dân chúng. Bản cáo trạng cũng lên án Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu về nạn mua quan bán tước như sau:
“Những ai buôn và ai bán? Đặc biệt là ai có quyền bán khi sự bổ nhiệm các Tỉnh Trưởng, Thị Trưởng, Sư Đoàn Trưởng và Tư Lệnh Quân Khu đều thuộc quyền Tổng Thống Thiệu ? Nếu ông không bán thì ai bán ? Và như vậy thì vấn đề lãnh đạo được đặt ra”.
Bản cáo trạng kêu gọi và nhắn nhủ Giáo Dân hưởng ứng Bức Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 29 tháng 9 năm 1973 và Bản Tuyên Ngôn ngày 10 tháng 1 năm 1974 cũng của Hội Đồng Giám Mục lên tiếng để báo động về việc đất nước có thể mạt vong vì nạn tham nhũng và kêu gọi mọi người tham gia vào một cuộc cách mạng để cứu nước.
Bản Tuyên Ngôn của Hàng Linh Mục Việt Nam kết luận như sau:
“Bảy trăm năm trước,Thánh Thomas D’Aquin đã nói: “Chính quyền chuyên chế là bất công vì không hướng đến công ích mà chỉ hướng đến tư lợi của người cầm quyền. Cho nên sự lật đổ chế độ đó không có tính cách phản nghịch. Chính quyền chuyên chế đã phản nghịch bằng cách gây xáo trộn, rối loạn trong dân chúng họ cai trị để thống trị được chắc chắn hơn (Summa Ila Ilahe).”
Các huấn thị của Hội Thánh nói trên phù hợp với tinh thần dân chủ Đông Phương như Mạnh Tử đã nói “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, cũng như với trào lưu dân chủ hiện đại mà Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa đã long trọng công nhận khi ghi vào Điều I khoản 2 như sau: “Chính quyền Quốc gia thuộc về toàn dân” Mặc dầu thế, chúng tôi không muốn gây xáo trộn bởi quốc gia đã chịu quá nhiều xáo trộn. Chúng tôi chỉ muốn lên tiếng cảnh tỉnh vì sự sống còn của dân tộc để chính quyền kịp thời sửa sai, thay đổi hoàn toàn chính sách và nhân sự hầu tránh sụp đổ trước khi quá muộn. Nếu không chịu sửa sai để đất nước này lâm vào thế mạt vong thì chắc chắn Quân, Dân sẽ không chịu cúi đầu cam chịu làm vật hy sinh mãi cho một thiểu sổ tham nhũng không còn biết đến Dân tộc và Tổ quốc là gì nữa. Khi ấy, cùng tất biến, những, những gì phải xảy ra sẽ xảy ra, ngoài ý muốn của chúng tôi, bởi lẽ như Thánh Thomas D’Aquin đã nói: “Chính Quyền Đã Phản Nghịch”. Nguyễn Trân: Công và Tội, Xuân Thu Los Alamitos, 1992, trang 729.
Sau Bản Tuyên Ngôn này, ngày 8 tháng 9 năm 1974 một bản cáo trạng mang tên là “Bản Cáo Trạng Số 1″ do Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng Để Cứu Nước và Kiến Tạo Hòa Bình do Linh Mục Trần Hữu Thanh, Phó Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế làm Chủ Tịch, nêu lên những trường hợp tham nhũng và kịch liệt chỉ trích Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và tố cáo ông về 6 vấn đề như sau:
– Sử dụng một Đại Đội Công Binh và 30 triệu đồng của ngân sách quốc gia để tu bổ ba căn nhà trong Bộ Tổng Tham Mưu, ngoài ra ông còn có một biệt thự trên đường Phan Đình Phùng trị giá 40 triệu đồng, một biệt thự ở đường Công Lý trị giá 98 triệu đồng và một căn biệt thự ở Thụy Sĩ. Ông lấy tiền ở đâu ra ?
-Chiếm 5 mẫu đất cạnh Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt trị giá lên tới 60 triệu đồng. Ngoài ra ông còn sở hữu một sở đất sau Trường Đại Học Đà Lạt, mấy trăm mẫu gần Gia Rai trên Quốc Lộ 1, mấy trăm mẫu ở Long Khánh, Gia Định và những nơi khác.
– Bao che cho ông Nguyễn Xuân Nguyên, Chủ Tịch Công Ty Phân Bón Hải Long, anh em cột chèo của ông, đầu cơ tích trữ phân bón khiến cho giá phân trên thị trường tăng lên cao vọt, do đó công ty này đã kiếm lời lên tới hàng chục tỷ đồng. Khi Thượng Viện thành lập một ủy ban điều tra về vụ phân bón và sắp sửa kết tội ông Nguyễn Xuân Nguyên thì Tổng Thống Thiệu đã mời ủy ban này vào Dinh Độc Lập đưa cho ông xem hồ sơ và sau khi xem xong thì ông đã giữ hồ sơ lại và “yêu cầu Ủy Ban đừng làm khó dễ công ty của chúng tôi nữa”. Sau chuyện này, khi Ủy Ban Điều Tra Thượng Viện gửi văn thư mời ông Nguyễn Xuân Nguyên ra điều trần thì ông này ỷ thế vào ông Thiệu mà không thèm ra trả lời những chất vấn của Ủy Ban.
– Dựa vào cuốn sách The Politics of Heroin in Southeast Asia xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 1972 trong đó tác giả Alfred W Mccoy có nói rằng “Việc buôn bán bạch phiến ở Miền Nam Việt Nam được tổ chức dưới sự bảo trợ của hai ông Tổng Thống và Thủ Tướng và tố cáo đích danh Phụ Tá Quân Sự và An Ninh của Tổng Thống Thiệu, Trung Tướng Đặng Văn Quang, là người trực tiếp chỉ buy hệ thống buôn lậu từ nước ngoài và phân phối khắp 4 Quân Khu…” Bản cáo trạng nói rằng nếu Tổng Thống Thiệu cho rằng sự tố cáo này là vô căn cứ thì tại sao ông không đi kiện tác giả cuốn sách này trước tòa án quốc tế vì đây không phải chỉ là riêng cá nhân ông mà cả danh dự quốc gia Việt Nam bị bôi nhọ. (ghi chú của Người Việt. Năm 1975, cựu Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm được hội đủ điều kiện để di dân vào Hoa Kỳ theo quy chế tỵ nạn và đến thập niên 1980 thì cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng được di dân vào nước Mỹ theo quy chế thường trú nhân, điều này có nghĩa là sau cuộc điều tra của các cơ quan an ninh Hoa Kỳ, những lời kết án của Alfred Mccoy bị xem là không có giá trị vì đối với Luật Pháp Hoa Kỳ thì không có một cá nhân nào có dính dáng đến việc buôn bán ma túy mà lại được vào sinh sống tại Mỹ. Riêng trường hợp Trung Tướng Đặng Văn Quang, cựu Phụ Tá về Quân Sự và An Ninh của Tổng Thống Thiệu thì vì những điều tố cáo trong cuốn sách này và những lời khai của nhiều nhân chứng trong đó có một vị cựu Nghị Sĩ, Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện Việt Nam Cộng Hòa là ông Phạm Nam Sách mà ông Quang đã không được cho phép vào tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Ông Quang sau đó được chính phủ Canada cho vào tỵ nạn vì ông có người con đang theo học ở Canada.)
– Điều tố cáo cuối cùng là việc đầu cơ gạo tại miền Trung mà người chủ chốt là thương gia Phạm Sanh, Chủ Tịch Nam Việt Ngân Hàng và bà Ngô Thị Tuyết, cô ruột của Tổng Thống Thiệu và mẹ đẻ của ông Hoàng Đức Nhã, Tổng Trưởng Dân Vận Chiêu Hồi.
Bản Cáo Trạng kết luận như sau:
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trả lời như thế nào với quốc dân và quốc dân phải làm gì đối với ông ?
Đó là 2 vấn đề phải được tức khắc giải quyết tức khắc trên căn bản công bằng:
– Những gì của Quân Đội pbải trả cho Quân Đội.
– Những gì của Quốc Gia phải trả cho Quốc Gia.
– Những gì của Dân Tộc phải trả cho Dân Tộc.
Sau Bản Cáo Trạng số 1, đến ngày 3 tháng 2 năm 1975, “Bản Cáo Trạng Số 2″ ra đời. Người soạn thảo bản cáo trạng số 2 là Nghị Sĩ Phạm Nam Sách, Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện và ông đã tố cáo “Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã phản bội tổ quốc và phá hoại quốc gia để mưu cầu quyền tư lợi riêng”.
Gần đây, một người bạn của người viết ngày xưa đã có thời giữ một chức vụ quan trọng nói cho người viết biết rằng chính một vị Tướng lãnh rất cao cấp đã cung cấp những tin tức liên quan đến việc tố cáo Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho ông Hà Thúc Ký, lãnh tụ Đảng Đại Việt Cách Mạng và ông Ký đã cung cấp những chi tiết này cho Linh Mục Trần Hữu Thanh và Nghị Sĩ Phạm Nam Sách. Tưởng cũng nên nhắc lại, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm đều là đảng viên của Đảng Đại Việt và cả 2 nhân vật nầy đã tuyên thệ vào đảng với ông Hà Thúc Ký vào hồi đầu thập niên 1960.
Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn cũng nói gần như vậy: “Ngoài Cha Thanh là người chống đối mặt nổi còn có ông Hà Thúc Ký hiệp lực “hoạt động chìm” với phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng. Tôi nhờ ông Trần Quốc Bửu liên lạc để tôi được gặp hai nhân vật nầy.Sau khi ông Bửu tiếp xúc với Cha Thanh và ông Hà Thúc Ký, giải thích lập trường và mục tiêu của tôi khi nhận lời lập Nội Các để giúp nước thì Cha Thanh và ông Hà Thúc Ký đồng ý là nếu chưa thay được Tổng Thống Thiệu thì phải thay Thủ Tướng Khiêm…Ngoài ra hai nhân vật nầy cũng ngỏ ý là tôi khỏi phải đến gặp họ để tránh mọi ngộ nhận hầu dị nghị. Thú thật tôi vô cùng phấn khởi trước thái độ cao quí của hai nhân vật lãnh tụ khả kính nầy”. Nguyễn Bá Cẩn: Sách đã dẫn, trang 382-383.
Người viết cũng có dịp hỏi Luật Sư Đinh Thạch Bích, cũng là một thành viên trong Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng của Linh Mục Trần Hữu Thanh về bản cáo trạng này thì được ông cho biết rằng những điều tố cáo trong bản cáo trạng cũng có phần nào sự thật, tuy nhiên ông cho biết rằng ông sinh hoạt với phong trào của Linh Mục Trần Hữu Thanh với tư cách là đại diện cho nhóm Luật Sư Tranh Đấu do Luật Sư Trần Văn Tuyên làm Chủ Tịch chứ không phải là phụ tá của Linh Mục Trần Hữu Thanh như một số người lầm tưởng. Ông cho biết rằng về sau thì ông mới biết rằng ông đã lầm khi ông biết mục đích của Linh Mục Trần Hữu Thanh lúc đó là thi hành một chính sách của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã do Đức Giáo Hoàng Paul II chủ trương nhằm tách rời Giáo Hội ra ngoài ảnh hưởng của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ngõ hầu bảo vệ cho tín đồ Thiên Chúa Giáo và dễ bề đối thoại với phe cộng sản một khi họ thắng và nắm được chính quyền tại Miền Nam.
Phật Giáo Hòa Hảo Chống Đối
Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn giáo lớn tại Miền Nam và trong suốt thời Đệ Nhị Cộng Hòa, không có sự chống đối nào quan trọng giữa Hòa Hảo và chính quyền, tuy nhiên, đến đầu năm 1975 thì gần như toàn thể khối Hòa Hảo ở miền Tây đã nổi lên chống lại chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy cho biết: “Khi Tướng Nguyễn Khoa Nam về làm Tư Lệnh Vùng IV ông đã tiếp xúc với Phật Giáo Hòa Hảo và đề nghị với đoàn thể này thành lập những đơn vị quân sự gia nhập vào Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để bảo vệ vùng châu thổ sông Cửu Long.
Đề nghị của Tướng Nguyễn Khoa Nam phù hợp với nguyện vọng của người Hòa Hảo nên hai bên đã thỏa thuận được với nhau một cách nhanh chóng. Chính phủ thỏa ước nầy và ra lệnh lệnh thảo một quy chế cho các đơn vị Hòa Hảo.
Trong khi đó thì mùa gặt đến. Thường thì đó là thời kỳ mà chính phủ bỏ lỡ việc tìm bắt những người trốn lính để cho việc gặt hái không bị cản trở. Mỗi năm cứ đến mùa gặt, Bộ Nội Vụ lại gởi cho các chính quyền địa phương một công điện ra lệnh không được ngăn trở việc đi lại của công nhân lo việc gặt hái. Đó là tiếng lóng để bảo cho các Cảnh Sát Viên không được bắt những người trốn lính từ các làng xã đi ra và đến các vùng có lúa cần gặt. nhưng nếu muốn không bị Cảnh Sát bắt, những người thợ gặt lại phải nạp cho Cảnh Sát một phần số tiền công họ thâu hoạch được.
Trong mùa gặt năm 1974, Cảnh Sát biết rằng những người Hòa Hảo trốn lính rồi sẽ nhập ngũ vào Quân Đội (theo công thức Nguyễn Khoa Nam), nên đó là lần chót mà họ có thể thâu tiền của những người ấy, do đó đã đòi hỏi một số tiền cao hơn là những năm trước. Trong khi đó người Hòa Hảo thì lại nghĩ rằng rồi đây họ cũng sẽ trở thành binh sĩ và không còn sợ Cảnh Sát nữa nên từ chối mọi “đóng góp”. Cảnh Sát nổi giận nên bắt giam những người có vẻ cứng rắn nhất trong số những người Hòa Hảo đi gặt hái mà họ cho là người cầm đầu rồi đem nhốt những người nầy trong bót. Người Hòa Hảo căm tức, liên lạc với các dân vệ đồng đạo và họ đã dùng võ lực để giải thoát những người bị bắt giam.
Lúc bây giờ, Đại Tá Nhan Văn Thiệt, Tư Lịnh Cảnh Sát Vùng IV báo cáo với ông Thiệu là người Hòa Hảo nổi loạn chống chính phủ. Ông Thiệu bèn ra lệnh giải giới 50.000 dân vệ Hòa Hảo ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Thỏa ước giữa Tướng Nguyễn Khoa Nam với người Hòa Hảo dĩ nhiên là bị hủy bỏ. Vậy thay vì tăng cường được lực lượng với các đơn vị quân sĩ Hòa Hảo, chính phủ Saigon lại có thêm một đoàn thể đối lập mạnh mẽ.” Nguyễn Ngọc Huy: The Final Struggle and the Fall of South Vietnam. Bài thuyết trình tại Đại Học Glassboro. New Jersey ngày 7 tháng 4 năm 1986.
Ông William Cassidy, cựu Cố Vấn Hoa Kỳ tại Miền Tây có cho biết thêm về chuyện giải tán Tổng Đoàn Bảo An của Phật Giáo Hòa Hảo như sau:
“Quyết định giải tán Tổng Đoàn Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành đã bất chấp tuyên cáo của CIA. Cho nên dù lệnh đó đã ban hành rồi phía Hoa Kỳ vẫn chống đối. Sự việc này đã tạo tình trạng bất hòa giữa một sồ viên chức Hoa Kỳ và Cảnh Sát Quốc gia tại Vùng 4…Lệnh của Tổng Trưởng Nội Vụ chỉ thị Đại Tá Nhan Văn Thiệt bắt giam các nhân vật Hòa Hảo là Trân Hữu Bảy tức là Ông Hai Tập), Tổng Đoàn Trưởng Tổng Đoàn Bảo, Lê Trung Tấn và 7 người hộ vệ vào ngày 29 tháng 1 năm 1975… Sau đó Cảnh Sát còn bắt giam các Chỉ Huy Trưởng và Chỉ Huy Phó Bảo An tại Tỉnh An Giang, Quận Huệ Đức Hòa Bình Thạnh, Quận Châu Thanh, Quận Thốt Nốt. Nhiều vị Chỉ Huy Bảo An trong Quận Chợ Mới và Châu Thành cũng bị bắt. Trong việc nầy, Cảnh Sát đã cung cấp cho các Cố Vấn Hoa Kỳ Vùng 4 những tin tức sai lạc. Các báo cáo sơ khởi cho biết rằng có 600 Bảo An bị bắt, 184 võ khí bị tịch thâu.
Cố Vấn Hoa Kỳ lập tức phản đối và yêu cầu Tổng Thống Thiệu giải thích về hành động này. Ông trả lời rằng đã giao cho Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo thương lương, nhưng Cố Vấn Mỹ) không tin vào điều đó vì có những nguồn tin từ phía Việt Nam cho họ biết rằng Tổng Thống Thiệu đã quyết định giải giới và giải tán Bảo An để phòng ngừa việc Phật Giáo Hòa Hảo có thể trực tiếp thương thuyết ngưng bắn với phía cộng sản.
Tháng 2 năm 1975, tình hình Miền Nam suy đồi mau chóng, dư luận không còn chú ý đến vấn đề Bảo An nữa. Ba tháng sau, Miền Nam thất thủ.”[William cassidy: Thư viết cho tập san Đuốc Từ Bi Phật Giáo Hòa Hảo. Califomia. Số 26 ngày 1 tháng 5 năm 1987].
Đa số dân chúng Miền Nam theo Phật Giáo và những người theo Phật Giáo cũng như là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tức là phe Ấn Quang, trước đây vẫn thường chống ông Thiệu, nay lại có thêm những Bản Tuyên Bố và cáo trạng xuất phát từ phía những người theo Thiên Chúa Giáo mà ông Thiệu lại là một tín đồ của tôn giáo này, thêm vào đó ông Thiệu lại bị khối Phật Giáo Hòa Hảo với trên 3 triệu tín đồ chống đối, như vậy thì đây là một dấu hiệu cho thấy Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã bị mất uy tín quá nhiều trong quần chúng, tuy nhiên ông Thiệu vẫn không hề nghĩ đến chuyện từ chức, có lẽ vì ông nghĩ rằng Quân Đội và người Mỹ vẫn còn ủng hộ ông.
Trong mấy thập niên, điều kiện cần và đủ để lãnh đạo Miền Nam Việt Nam là sự ủng hộ của người Mỹ và Quân Đội. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tin rằng ông vẫn còn được người Mỹ ủng hộ và sự chống đối chính quyền của ông, nếu có đi chăng nữa, thì cũng không mấy quan trọng vì ông vẫn còn được Quân Đội ủng hộ, dù rằng ông cũng có nghe những tin đồn về đảo chánh.
Trước đó khoảng hơn một tuần lễ, sau khi Bắc Việt đã chiếm được các Tỉnh Phước Long, Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum và Phú Bổn, sau khi Tỉnh Quảng Trị tại vùng địa đầu giới tuyến bị cộng sản Bắc Việt xâm chiếm vào tối ngày 19 tháng 3 và Huế đang bị cô lập vì quân cộng sản đã cắt đứt Quốc Lộ Số 1 từ Huế vào Đà Nẵng, Tổng Thống Gerald Ford đã gửi một bức thư cho Tổng Thống Thiệu. Bức thư này được chuyển từ Bạch Cung đến Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Washington vào ngày 22 tháng 3 và đã được Đại Sứ Trần Kim Phượng chuyển về Saigon bằng công điện. Trong thư này, Tổng Thống Ford có nói như sau:
“Những cuộc tấn công này của Bắc Việt đã mang đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho cả hai quốc gia chúng ta. Đối với Tổng Thống và nhân dân Việt Nam, đây là lúc mà quý vị phải chịu đựng những sự hy sinh tối thượng, đây là thời điểm đánh dấu sự quyết định về định mệnh của đất nước của quý vị.
Tôi tin chắc rằng dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống, Quân Đội và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa sẽ tiếp tục công cuộc chiến đấu kiên trì để chống lại những âm mưu xâm lược mới này của Bắc Việt. Tôi cũng tin tưởng một cách chắc chắn rằng nếu có thêm sự ủng bộ từ bên ngoài thì Tổng Thống và nhân dân Miền Nam sẽ thắng trong công cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ quyền tự quyết của mình.
Tôi, về phần chính cá nhân tôi, đã quyết tâm rằng Hoa Kỳ sẽ cương quyết ủng bộ Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn quyết định đầy sinh tử này. Nhắm vào mục đích tôn trọng những trách nhiệm của Hoa Kỳ trong tình trạng nầy, tôi đang theo dõi mọi biến chuyển một cách vô cùng thận trọng và tham khảo một cách khẩn cấp với các Cố Vấn của tôi về những biện pháp để đối phó với tình hình đang đòi hỏi và Luật Pháp cho phép. Về phần trợ giúp quân sự cho Quân Đội Việt Nam, xin Tổng Thống tin tưởng một cách chắc chắn rằng tôi sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng được mọi nhu cầu mà Quân Đội của quý vị đang cần tại chiến trường.
Để dứt lời, tôi mong được nhắc lại ở đây rằng tôi tiếp tục vô cùng ngưỡng mộ về sự quyết tâm của Tổng Thống cũng như là lòng kiên quyết và can đảm của nhân dân Việt Nam Cộng Hòa. [Nguyễn Tiến Hưng & Jenold Schecter, Sách đã dẫn. Trang 437: “Letter 35- Ford to Thieu, March 22, 1975″ với ghi chú: “thư này sau khi được giải mã (decoded) đã có nhiều lỗi về Anh ngữ và chính tả”].
Như vậy thì cho đến cuối tháng 3 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tin rằng ông vẫn còn được Tổng Thống Ford của Hoa Kỳ “ủng hộ”, “ngưỡng mộ”, có nghĩa là người Mỹ vẫn còn ủng hộ ông, do đó mà cho đến khi Miền Nam Việt Nam đã mất gần một nữa phần lãnh thổ ông vẫn không hề có ý định từ chức.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ đọc qua bức thư của Tổng Thống Gerald Ford cho nên không hiểu được ẩn ý trong lá thư ngoại giao này: Ông Ford đã nói rằng “tôi” và nhấn mạnh thêm “về phần cá nhân tôi” tức là ông ta có ý nói rằng ông ta chỉ viết lá thư nói trên nhân danh cho riêng cá nhân của ông “đã quyết tâm rằng Hoa Kỳ sẽ cương quyết ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn quyết định đầy sinh tử nầy” chứ không có nhân danh nước Mỹ vì lúc đó ông ta đã biết rất rõ rằng Quốc Hội thứ 94 với thêm 75 Tân Dân Biểu Đảng Dân Chủ mới đắc cử vào tháng 11 năm 1974 đã cùng với những Dân Biểu và Nghị Sĩ phản chiến nổi tiếng như Hubert Humphrey, Mike Mansfield, Edward Kennedy v.v…đang phát động một chiến dịch không những chống lại mà còn chấm dứt việc tiếp tục viện trợ cho Việt Nam.
Trong khoảng thời gian này, một số người Mỹ đã có nhận định như sau về Tổng Thống Thiệu: “Trong mùa Đông đầy giá buốt của sự bất mãn tại Nam Việt Nam, Nhà Vua (ông Thiệu) ngồi không yên trên ngai vàng của ông”. [The Vietnam Experience: “The False Peace”. Trang 156: “In the chill winter of South Vietnam’s discontent, the king sat uneasy on his throne”].
Hai Viện Quốc Hội Chống Tổng Thống Thiệu
Vào cuối tháng 2 năm 1975, một sự kiện chính trị được xem như là vô cùng quan trọng diễn ra ngay tại Thủ Đô Saigon, lần này những người chống đối không phải là các vị Thượng Tọa, Đại Đức của Phật Giáo, cũng không phải là các vị Giám Mục, Linh Mục của Thiên Chúa Giáo và cũng không phải là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo mà lại là các vị Dân Biểu Quốc Hội: Một số Dân Biểu đã đập bàn la ó và đốt hình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại trụ sở Hạ Nghị Viện để phản đối chính sách của ông.
Mùa Đông càng trở nên buốt giá hơn sau khi Đà Nẵng bị thất thủ vào ngày 29 tháng 3 rồi thì những Tỉnh còn lại của Vùng I Chiến Thuật liên tiếp bị rơi vào tay quân Bắc Việt ngày 2 tháng 4 năm 1975, một sự kiện chính trị quan trọng khác lại diễn ra tại Saigon và lần này thì cơ quan hiến định còn lại của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã bày tỏ sự mất tin tưởng đối với chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Trong một phiên họp tại Hội Trường Diên Hồng vào ngày 2 tháng 4, Thượng Nghị Viện Việt Nam Cộng Hòa đã thông qua một bản quyết nghị kết tội Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu về những thất bại quá nhục nhã của Miền Nam Việt Nam: Một nửa lãnh thổ bị mất và một nửa Quân Đội bị tan rã. Trong phần mở đầu của Bản Quyết Nghị, các vị Nghị Sĩ đã không nêu lên vấn đề bất tín nhiệm ông Thiệu vì việc đó không có quy định trong Hiến Pháp, tuy nhiên họ đã bày tỏ sự một tin tưởng vào sự lãnh đạo của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Sau đó, Thượng Nghị Viện đã bày tỏ việc bất tín nhiệm chính phủ của Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, một điều có ghi rõ trong Hiến Pháp, và đòi hỏi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải cải tổ chính phủ để thành lập một Tân Nội Các được mở rộng với sự tham gia của các thành phần đối lập.
Thượng Nghị Viện của Việt Nam Cộng Hòa gồm có 60 vị Nghị Sĩ và từ trước cho đến lúc này thì ông Thiệu luôn luôn được sự ủng hộ của đa số Nghị Sĩ, tuy nhiên trong khi bỏ phiếu thì có 42 phiếu ủng hộ bản quyết nghị này và chỉ có 10 phiếu chống, như vậy có nghĩa là trong số 60 Nghị Sĩ, chỉ còn có 10 người ủng hộ Tổng Thống Thiệu mà thôi. Một vị Nghị Sĩ trước đây từng ủng hộ Tổng Thống Thiệu đã bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, có cho biết rằng chiều 2 tháng 4 năm 1975, khi ông vào văn phòng của vị Chủ Tịch Thượng Viện thì thấy Nghị Sĩ Trần Văn Lắm đầu bù tóc rối đang gục trên bàn, mặt mũi bơ phờ như người mất hồn và ông Lắm cho biết rằng ông vừa mới trình cho ông Thiệu biết về kết quả của cuộc bỏ phiếu hồi sáng hôm đó. Nghị Sĩ Trần Văn Lắm là một trong những người lãnh đạo nhóm đa số ủng hộ Tổng Thống Thiệu tại Thượng Nghị Viện.
Hai ngày sau khi Bản Quyết Nghị này được Thượng Nghị Viện biểu quyết thông qua, vào khoảng nửa đêm về sáng ngày 5 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia bắt giam một số nhân vật chính trị trong đó có ông Nguyễn Trân, cựu Tỉnh Trưởng Nha Trang và Mỹ Tho, nhà báo Đinh Từ Thức, ông Lê Văn Thái, một người được dư luận trước đó xem như là có nhiều liên hệ mật thiết với Tướng Nguyễn Cao Kỳ và đặc biệt là ông Nguyễn Văn Ngân, cựu Phụ Tá về Liên Lạc Quốc Hội của chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu v.v…
Quân Đội Dự Định Đảo Chánh ?
Về phía Quân Đội thì sau vụ hai miền Cao Nguyên và miền Trung bị thất thủ, cũng có nhiều tin đồn nói rằng sẽ có đảo chánh để lật đổ chính quyền của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Ông Trần Văn Đôn cho biết rằng “Đầu tháng 4 năm 1975, có một số sĩ quan định đảo chính. Tôi không hiểu kế hoạch và dự án đảo chánh này, tôi chỉ biết là họ sẽ cho ông Thiệu lưu vong ở Tân Tây Lan rồi ở trong nước họ sẽ làm theo kế hoạch và đường lối của Mỹ. Trong số sĩ quan được chỉ thị đem quân đảo chánh là Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Trường Thiết Giáp ở ngoại ô Saigon. Đảo chánh muốn thành công phải nhờ ở Thiết Giáp vì đó là Binh Chủng có phương tiện hữu hiệu. Trước khi vô chiếm Saigon thì ông Đại Tá đó nói với Hoàng Đức Nhã, lúc đó không còn làm chức vụ gì nhưng vì là bà con nên ông Nhã nói lại với ông Thiệu. Ông Thiệu lập tức ra lệnh cho Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn III đang ở miền Đông Saigon ra lệnh báo động về quân sự, cấm không được di chuyển đơn vị nào và chuẩn bị sẵn sàng ứng chiến.” [Trần Văn Đôn: Sách đã dẫn, trang 445].
Tin đồn về đảo chánh do ông Trần Văn Đôn tiết lộ ở trên không những không có gì đáng tin cậy mà lại còn có vẻ khôi hài vì có không có người nào dự định đảo chánh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mà lại đi “nói với Hoàng Đúc Nhã” cả, ngay cả một đứa con nít ở Miền Nam cũng phải biết rằng ông Hoàng Đức Nhã là em cô cậu của Tổng Thống Thiệu.
Những tin đồn loại này không có gì kiểm chứng và hồi đó không có Tướng lãnh nào xác nhận, tuy nhiên gần đây, Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, cựu Tư Lệnh Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh và Lực Lượng Xung Kích Quân đoàn III có viết một bài trên báo nói về vai trò của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh và trong đó Tướng Khôi có nhắc qua về chuyện này:
“ở Saigon có âm mưu lật đổ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tôi đươc móc nối đảo chánh nhưng cương quyết từ chối và tuyên bố chống lại. Tôi cho những người này là một bọn mù quáng, ngu xuẩn, không thấy hiểm họa cộng sản ngay trước cổng nhà mình.” [Hà Mai Việt: Sách đã dẫn, trang 369.]
Tướng Trần Quang Khôi đã đích thân nói ra như vậy thì đó là một nguồn tin đáng tin cậy. Tuy ông không nói rõ ai là người móc nối và ai là người chủ xướng âm mưu đảo chánh, nhưng những tin đồn phát xuất từ phía Hoa Kỳ cho biết rằng người đó là cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.
Trong Decent Interval, Frank Snepp cho biết rằng sau khi Nha Trang thất thủ và Thượng Viện thông qua quyết nghị lên án Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và bất tín nhiệm chính phủ Trần Thiện Khiêm thì “ông Nguyễn Cao Kỳ nghĩ rằng một quyết nghị như vậy chẳng có gì là hữu ích cho nên bắt đầu chuẩn bị làm đảo chánh. Vì nhóm “không quân” của ông ta chẳng còn có thực lực cho nên ông đã đi tìm sự hậu thuẫn của nhiều “bạn bè cũ” đang cầm quân và một trong những người đó là Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo đang làm Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh tại Xuân Lộc. Nhưng Tướng Đảo từ chối tham gia nếu không có sự đồng ý của Bộ Tổng Tham Mưu. Ông Kỳ bèn đến gặp Tướng Cao Văn Viên vào buổi trưa ngày 2 tháng 4 để yêu cầu ông Viên tham gia nhưng ông Viên chỉ “ừ à” rồi hẹn sẽ trả lời trong vòng một vài ngày. Chiều hôm đó, Đại Tướng Cao Văn Viên gặp Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và báo cho ông Khiêm chuyện âm mưu đảo chánh. Ông Viên đề nghị ông Khiêm “phối kiểm” với người Mỹ xem họ có đứng sau lưng ông Kỳ hay không. Trong vòng khoảng một tiếng đồng hồ, ông Khiêm hỏi Thomas Polgar (trùm CIA ở Saigon) về chuyện đảo chánh thì được Polgar cho biết một cách rất minh bạch rằng người Mỹ không hề ủng bộ một cuộc đảo chánh do ông Kỳ hay phe của ông Kỳ chủ trương vì cả đám này không hội đủ điều kiện để được xem như là những thành phần “ôn hòa” hay “trung dung” để thương lượng với cộng sản Bắc Việt.
Frank Snepp cho biết thêm rằng sau đó Tổng Thống Thiệu nghe phong phanh chuyện này, nhất là sau khi ông Hoàng Đức Nhã báo cáo với ông về âm mưu đảo chánh do một người quen ở Trường Sĩ Quan Thủ Đức cho biết, ông ta trở nên nghi ngờ cả Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và do đó khi biết được như vậy, ông Khiêm đã xin từ chức Thủ Tướng vào ngày 3 tháng 4 năm l975. [Frank Snepp: Sách đã dẫn, trang 286-287.]
Đại Sứ Hoa Kỳ cũng có nghe nói về những tin đồn đảo chánh. Vào ngày 17 tháng 4 năm 1975, Đại Sứ Graham Martin đã phúc trình với Ngoại Trưởng Kissinger rằng “Có tin đồn một số Tướng lãnh đang dự định lật đổ Tổng Thống Thiệu một khi mà Quốc Hội Mỹ bác bỏ đề nghị viện trợ bổ túc cho Việt Nam Cộng Hòa. Tôi (Đại Sứ Martin) tin tưởng rằng nếu có một cuộc thương thuyết thì sự hiện diện của Tổng Thống Thiệu sẽ là một trở ngại và trừ khi Ngoại Trưởng (Kissinger) không cho phép, tôi dự định sẽ nói chuyện thẳng với ông Thiệu rằng vai trò của ông Thiệu trong lịch sử sẽ được nhớ đến một cách tốt đẹp hơn với những thành quả mà ông đã làm, trái lại nếu ông ta còn ngồi lại quá lâu thì ông ta sẽ bị xem như là người đã thất bại, người đã ngăn cản những nỗ lực nhằm cứu vãn cho phần đất còn lại của Việt Nam còn có được một phần nào tự do. Tôi sẽ nói rõ ràng như pha lê với Tổng Thống Thiệu rằng đây chỉ là ý kiến của cá nhân tôi, như là “một người bạn luôn luôn chỉ muốn nói sự thật” và sẽ kết luận một cách rất khách quan rằng nếu ông Thiệu không làm điều này thì các Tướng lãnh của ông sẽ ép buộc ông phải ra đi” [The Vietnam Experience: The Fall Ofthe South. Trang 132].
Trước những sự chống đối từ nhiều phía và nhất là có những tin đồn về đảo chánh như vậy nhưng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn chưa cho thấy có dấu hiệu nào ông ta sẽ từ chức. Ngày 14 tháng 4 năm 1975, trong khi Lê Duẫn gửi điện văn ra lệnh đổi tên chiến dịch giải phóng Saigon thành “Chiến Dịch Hồ Chí Minh” Tổng Thống Nguyên Văn Thiệu đã chủ tọa lễ trình diện tân Nội Các của Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn và cho đến ngày 18 tháng 4 năm 1975, sau khi chính quê hương của ông là Tỉnh Ninh Thuận (Phan Rang) bị rơi vào tay quân đội cộng sản Bắc Việt, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn chưa hề có ý định từ chức vì lúc đó, về phía người Mỹ, chưa có ai chính thức đề cập đến chuyện này.
Dường như lúc đó, trong thâm tâm, Tổng Thống Thiệu vẫn còn mang hy vọng rằng sẽ có áp lực, có một sự giàn xếp nào đó của quốc tế để cho cộng sản phải ngưng cuộc tổng tấn công, lập một nước do “Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời” cai trị ở những vùng do cộng sản mới chiếm đóng và chấp nhận một nước do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cai trị ở những vùng lãnh thổ còn lại.
Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên, Phó Thủ Tướng trong chính phủ Trần Thiện Khiêm có cho biết một chi tiết về chuyện này như sau: “Về giả thuyết Việt Nam chia làm ba, tôi nhớ sự việc diễn ra như sau: Bữa đó, Phó Thủ Tướng Trần Văn Đôn vừa đi quan sát ở Mỹ và Âu Châu về. Tổng Thống Thiệu tiếp Đôn để nghe báo cáo và cùng chung tôi lên Dinh Độc Lập ăn cơm. (Theo ông Trần Văn Đôn ghi lại trong cuốn ‘Việt Nam Nhân Chứng” thì hôm đó là ngày 5 tháng 4 năm 1975) Khi đi ngang qua chỗ đang sửa chữa vì vừa bị dội bom, ông Thiệu thấy có treo một lá cờ vàng ba sọc đỏ, ông liền nói “không biết các anh có tin dị đoan hay không chớ còn tôi, tôi nghĩ ba gạch tượng trưng cho đất nước mình sẽ chia làm ba!” Có lẽ ý kiến này đã thoáng qua tâm trí của ông Thiệu lúc đó. Không ai phản ứng hay bình phẩm gì. Trong số quan khách, có cả Bác Sĩ Phan Quang Đán.” [Lâm Lễ Trinh: Mạn Đàm Với Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên: Tại Hội Nghị La Celle St-Cloud Những Ngày Việt Nam Cộng Hòa hấp hối đăng trên nhiều báo tại Califomia, 2001].
Theo như chuyện Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên kể lại ở trên thì điều đó đã chứng tỏ cho thấy dường như ông Thiệu lúc đó còn hy vọng rằng nước Việt Nam sẽ bị chia thành 3 phần: Phần thứ nhất ở miền Bắc vẫn do chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của cộng sản Bắc Việt cai trị, phần thứ hai là những vùng cộng sản vừa chiếm được ở miền Trung và Cao Nguyên thì sẽ do “chính phủ các mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam” của việt cộng cai trị và phần thứ ba thì đo chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mà ông Thiệu đang làm Tổng Thống cai trị, tức là ông Thiệu vẫn sẽ làm Tổng Thống dù chỉ còn lại có một nửa dân số, quân đội và lãnh thổ mà thôi.
Người Mỹ Không Muốn Lưu Lại Bằng Chứng
Trong ngày thứ sáu 18 tháng 4, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật về viện trợ quân sự cho tài khóa 1976 trên 3 tỷ đô-la nhưng trong số những quốc gia nhận được quân viện không có Việt Nam Cộng Hòa. Như vậy có nghĩa là sau ngày 30 tháng 6 năm 1975, dù có còn tồn tại, Việt Nam Cộng Hòa cũng không còn nhận được một số tiền viện trợ nào dành cho quân sự nữa.
Sau khi Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa, Đại Sứ Graham Martin cho biết là vào ngày 18 tháng 4 năm 1975, Ngoại Trưởng Henry Kissinger đã chỉ thị ông rằng “Tổng Thống Ford đã chấp thuận để cho Đại Sứ Martin đề nghị với Tổng Thống Thiệu là ông ta nên từ chức”.
Theo cựu Đại Sứ Bùi Diễm thì sau khi ông về đến Saigon vào trung tuần tháng 4 năm 1975, Đại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin đã nói với ông rằng: “ông phải nói sự thật với ông Thiệu”. Cái sự thật mà Đại Sứ Martin muốn nói là “ông Thiệu đã hết thời rồi” (Thiệu was finished) và nếu cần thì chính ông Martin sẽ đích thân nói với ông Thiệu điều đó. Tuy nhiên ông Martin muốn nhờ ông Bùi Diễm vào gặp để nói với ông Thiệu như vậy và yêu cầu ông Diễm cho ông ta biết ngay sau khi đã nói chuyện với ông Thiệu về vấn đề này. Đại Sứ Bùi Diễm cố gắng liên lạc nhưng vẫn không gặp được Tổng Thống Thiệu. Đến ngày thứ sáu 18 tháng 4 thì ông gặp Đại Sứ Martin và đã cho ông Martin biết như vậy, rồi qua ngày hôm sau thứ bảy 19 tháng 4, lại nói chuyện điện thoại lần nữa với ông Đại Sứ Mỹ. Lần nầy Đại Sứ Diễm cho ông Martin biết rằng ông đã nhắn với Tổng Thống Thiệu qua Đại Tá Chánh Văn Phòng Võ Văn Cầm và cả cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn, Tổng Trưởng Quốc Phòng, nhưng ông Thiệu vẫn chưa trả lời. Đại Sứ Graham Martin nói với ông Bùi Diễm rằng: “được rồi như vậy thì tôi phải đích thân vào gặp ông ta.” [Bùi Diễm with David Canoff: In the Jaws ofhistory, Houghton Mifflin Company, Boston, 1987, trang 332]
Thực ra thì Đại Sứ Martin đã đề cập đến chuyện ông Thiệu từ chức với Ngoại Trưởng Kissinger vào ngày hôm trước và đã được Kissinger đồng ý. Trong cuốn sách ‘ Khi Đồng Minh Tháo Chạy” của Nguyễn Tiến Hưng được xuất bản vào đầu năm 2005 thì: “ngày 17 tháng 4, ông Martin đề nghị với Kissinger trong một công điện tối mật để đồng ý cho ông thuyết phục ông Thiệu từ chức:
Nếu Quốc Hội bỏ phiếu chống viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa thì địa vị của ông Thiệu là hết rồi. Bởi vậy, trừ khi có chí thị không đồng ý tôi sẽ cố gắng thuyết phục ông Thiệu và cho ông ta biết rõ đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi với tư cách là một người bạn chân thành. Sau khi suy nghĩ mọi đàng, tôi đã đi đến kết luận là chỗ đứng của ông ta trong lịch sử sẽ được bảo đảm hơn nếu xét tất cả những gì ông đã làm cho đất nước này. Nếu ông ta không chịu mà cứ tham quyền cố vị thì cơ hội cuối cùng để cứu vãn Miền Nam Việt Nam như một quốc gia còn có chút tự do sẽ không còn nữa.
Tôi sẽ cho ông Thiệu rõ tôi đã đi đến một kết luận vô tư là nếu ông ta không chịu xuống thì các Tướng lãnh dưới quyền ông sẽ bắt buộc ông làm việc này. Có một cách rút lui êm đẹp và trang trọng nhất là ông tự ý từ chức và nói cho đồng bào biết rằng ông phải làm như vậy để bảo vệ Hiến Pháp và để chính phủ kế vị có thể dễ dàng điều đình cứu vãn nước Việt Nam Tự Do. “ông Kissinger đồng ý”. [Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, trang 388.]
Ông Nguyễn Tiến Hưng cho biết thêm rằng không phải đến ngày 17 tháng 4 mà còn sớm hơn nữa:
“Ở đây tôi còn nhớ, khi tạm biệt Đại Sứ Martin để lên đường đi công tác Washington ngày 15 tháng 4 tự nhiên ông hỏi tôi:
Nhân tiện tôi muốn hỏi ông bao giờ thì Tổng Thống của ông từ chức ?
Hết sức ngạc nhiên: Tôi không biểu ông Đại Sứ muốn nói gì cả! Tôi đáp. Tôi để ý đây là lần đầu tiên thấy ông Martin dùng từ ngữ “Tổng Thống của ông” thay vì “ông Tổng Thống” hay là “Tổng Thống Thiệu”. Tôi thông báo cáo cho ông Thiệu ngay về câu hỏi trớ trêu này trước khi lên máy bay”. [Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, trang 387-388.]
Theo Oliver Todd, tác giả Cruel Avril thì Đại Sứ Pháp Philippe Richer đến Hà Nội vào ngày 27 tháng 1 năm 1975. Cựu sinh viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh gọi tắt là ENA, tức là bạn đồng môn với Tổng Thống Pháp Giscard d’Estaing, Nhà Ngoại Giao Richer vốn là tù nhân của Đức Quốc Xã trong trại tập trung Buchenwald, cựu sĩ quan trong Quân Đội Pháp đã từng phục vụ tại Lào và ông ta rất hiểu rõ cộng sản. Vài tuần trước khi ông Richer đến Hà Nội, Thủ Tướng cộng sản Phạm văn Đồng đã nhờ ông Francois Missoffe, Sứ Giả đặc biệt của chính phủ Pháp tại Á Châu, đòi người Mỹ phải áp lực để Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi. Phạm văn Đồng tiếp Đại Sứ Philippe Richer lần đầu tiên vào cuối tháng giêng năm 1975 và trong cuộc gặp gỡ này, Phạm văn Đồng đã nói với tân Đại Sứ Pháp: “Tôi hy vọng rằng ông Đại Sứ mang đến cho tôi sự trả lời”. Đại Sứ Richer chỉ trả lời một cách ỡm ờ vì ông không hề nhận được chỉ thị rõ rệt nào của chính phủ Pháp về vấn đề này.
Vào ngày 22 tháng 3 năm 1975, trong một bữa tiệc khoản đãi Ngoại Giao Đoàn tại Hà Nội, một cán bộ cộng sản đến nói với Đại Sứ Richer: “Thưa ông Đại Sứ, Thủ Tướng muốn nói chuyện với ông ngay bây giờ”. Trong cuộc tiếp xúc này Đại Sứ Richer đã hỏi Phạm văn Đồng: “Thủ Tướng nghĩ thế nào về lực lượng thứ ba tại Miền Nam ?” Phạm văn Đồng trả lời. “Nhóm đó là bạn của các ông. Bây giờ thì tình thế không thể thay đổi được nữa”, người Pháp các ông phải làm một cái gì. Thiệu phải ra đi” [Oliver Todd: Sách đã dẫn, trang 185.]
Đại Sứ Philippe Richer suy nghĩ cặn kẽ và đến hai ngày sau thì ông mới phúc trình việc này về Bộ Ngoại Giao Pháp.
Theo Paul Dreyfuss, tác giả cuốn Et Saigon Tomba, thì vào ngày 24 tháng 3 năm 1975, trong một cuộc tiếp xúc với Đại Sứ Pháp Philippe Richer tại Hà Nội, Thủ Tướng Bắc Việt Phạm văn Đồng đã nói với Đại Sứ Richer bằng một giọng đầy thúc giục: “thế nào, bao giờ thì người Pháp mới hành động ? Bây giờ đã đến lúc các bạn của ông trong phe thứ ba ở Saigon nên bỏ bớt dè dặt để lật đổ Nguyên Văn Thiệu và thành lập một chính phủ khả dĩ có thể nói chuyện được với chúng tôi”.
Vì lời lẽ khẩn khoản này của Phạm văn Đồng, Đại Sứ Philippe Richer vội vã bay về Paris để tường trình lên Chính phủ Pháp đề nghị mới này của cộng sản Bắc Việt. [Dreyfuss: “Et saigon tomba”, trang 171.]
Theo Oliver Todd thì vào ngày 8 tháng 4 năm 1975, sau khi cộng sản chiếm Đà Nẵng, Phạm văn Đồng lại tiếp kiến Đại Sứ Philippe Richer và ông ta đã nói với Đại Sứ Pháp rằng Bắc Việt sẽ cần đến sự hợp tác của các chuyên viên cũng như là các nhà đầu tư người Pháp để giúp cho họ khai thác những mỏ dầu hỏa tại Miền Nam thay thế cho các công ty Hoa Kỳ. Tuy được xem như là một người có khuynh hướng thiên tả, Đại Sứ Philippe Richer không mấy tin tưởng gì đến những lời của Phạm văn Đồng và ông ta tin rằng khi chiếm được Miền Nam thì chỉ có đảng cộng sản nắm quyền và sẽ không có lực lượng thứ hai thứ ba nào khác. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Oliver Todd vào năm 1986 tại Paris, cựu Đại Sứ Richer đã cho biết rằng trong một trong những bức công điện gởi về Bộ Ngoại Giao Pháp đề cập đến những đề nghị của Phạm văn Đồng, ông có trình bày ý kiến riêng của ông như vậy và do đó mà cả Bộ Ngoại Giao cũng như Tổng Thống Giscard d’Estaing không có ai ưa ông. Oliver Todd nói rằng thật là một điều nực cười khi mà Đại Sứ Richer, một người được xem như là thiên tả, lại chẳng tin tưởng gì đến những lời đường mật của cộng sản Bắc Việt, trong khi đó thì Đại Sứ Jean-marie Mérillon, cũng là cựu sinh viên trường ENA, một người được xem như là khuynh hữu, lại nghĩ rằng có thể tin được vào những lời hứa hẹn của Bắc Việt qua lời của Phạm văn Đồng.
Chính phủ Pháp liên lạc với Hoa Kỳ để tìm hiểu quan điểm của người Mỹ, tuy nhiên chính phủ của Tổng Thống Gerald Ford lúc đó đang bị cả hai Viện Quốc Hội do Đảng Dân Chủ kiểm soát trói tay trói chân và không thèm quan tâm cứu xét đến những yêu cầu của Tổng Thống Ford nhằm viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam Cộng Hòa, do đó Hoa Kỳ đồng ý để cho Pháp vận động hòa bình cho Miền Nam Việt Nam. Sau khi được sự đồng ý của Hoa Kỳ, Tổng Thống Pháp Giscard d’ Estaing đã ra lệnh cho Đại Sứ Pháp tại Saigon nỗ lực dàn xếp với mọi phe phái ngõ hầu tìm cho được một giải pháp thuận lợi hơn cho Miền Nam Việt Nam.
Đó là lý do tại sao Đại Sứ Pháp tại Saigon Jean-marie Mérillon đã tiếp xúc với Đại Sứ Mỹ Graham Martin ngày 18 tháng 4 năm 1975 và với sự khuyến khích của Đại Sứ Martin, ông đã đến gặp Tổng Thống Nguyên Văn Thiệu tại Dinh Độc Lập hai ngày sau đó. Trong khi cuộc tấn công của cộng sản đang bị Sư Đoàn 18 của Việt Nam Cộng Hòa chống trả mãnh liệt tại Xuân Lộc, trong khi Đại Sứ Mérillon đang tiếp xúc với Đại Sứ Martin ở Saigon để tìm cách thuyết phục Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức ngỏ hầu tìm kiếm hòa bình cho Miền Nam Việt Nam thì Trung Ương Cục Miền Nam của cộng sản đã thi hành quyết định của Hà Nội chuẩn bị tiếp thu Saigon và các Tỉnh, Thị Xã, không hề có một chỉ thị nào về vấn đề thương thuyết với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Trung Ương Cục đã đánh bức điện văn mang số 458/TV ngày 18 tháng 4 năm 1975 gửi cho các Khu Ủy, B.6 (Tây Ninh,) N.50 (Bình Phước,) P.10 (Saigon-Gia Định,) Quân Ủy Miền và các Ban, Ngành KBN (KBN là bí danh của Trung Ương Cục Miền Nam) chỉ thị về việc “chớp thời cơ tấn công địch ở các Thành Phố Thị Trấn, Thị Xã và vùng tôn giáo”. Chỉ thị nầy ra lệnh các cấp bộ địa phương phải tập trung chỉ đạo, tập trung sức mạnh với các lực lượng quần chúng để nổi dậy, khởi nghĩa nắm lấy chính quyền và đồng thời cho biết rằng sẽ có những chỉ thị riêng về việc “tiếp thu quản lý xây dựng sau khi dứt điểm giải phóng các Thành Phố, Thị Xã, thị trấn v.v…” và ngay cả việc đối xử với tù hàng binh ở Miền Nam.
Chính Sách Đối Xử Với “Ngụy quân, Ngụy Quyền”.
Cũng trong ngày hôm đó tại Hà Nội, các cấp lãnh đạo đảng cộng sản đã hoàn tất việc quy định về sự phân loại và chính sách đối xử với tù binh và hàng binh tại Miền Nam. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính sách này lại được áp dụng cho tất cả các công chức, cán bộ và Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa mà cộng sản gọi chung là “ngụy quân, ngụy quyền” sau khi đi trình diện để “học tập cải tạo”.
Ngày 18 tháng 4 năm 1975, Ban Bí Thư Trung Ương đảng cộng sản đã gửi Chỉ Thị mang số 218-CT/TW đến tất cả các đảng ủy tại Miền Nam về chính sách đối với tù và hàng binh Miền Nam.
Vì nhận thấy chính sách đối với “ngụy quân, ngụy quyền” này của cộng sản Bắc Việt trước ngày 30 tháng 4 có ảnh hưởng đến gần như hầu hết Quân Cán Chính của Việt Nam Cộng Hòa sau này, người viết xin trích đăng lại nguyên văn bản “chỉ thị của Ban Bí Thư số 218-CT/WT ngày 18 tháng 4 năm 1975″ này để làm tài liệu:
“Trong tình hình mới hiện nay, số lượng tù binh, binh sĩ địch giác ngộ trở về và làm binh biến khởi nghĩa ngày càng lớn, vùng giải phóng của ta ở Miền Nam ngày càng mở rộng và hoàn chỉnh. Ban Bí Thư quy định phân loại và chính sách đối xử như sau:
PHÂN LOẠI
1- Binh sĩ khởi nghĩa: Là những binh sĩ địch có hành động chống lại địch, đi với cách mạng như khởi nghĩa làm binh biến, làm nội ứng, phá hoại địch, trực tiếp hay gián tiếp hay tiếp giúp cho cuộc chiến đấu của ta.
2- Binh sĩ giác ngộ trở về với cách mạng: (không nên gọi là hàng binh) là những binh sĩ địch chủ động bỏ hàng ngũ địch sang hàng ngũ cách mạng.
3- Tù binh: Là những binh sĩ địch bị ta bắt trong chiến đấu hoặc sau chiến đấu.
4- Tàn binh ra trình diện: Là những binh sĩ địch bị ta đánh phải bỏ chạy trốn, sau đó ra trình diện với cơ quan chính quyền cách mạng.
CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TỪNG LOẠI
1- Binh sĩ khởi nghĩa: Về chính trị, coi như quần chúng cách mạng, về sinh hoạt vật chất được đãi ngộ như cán bộ, chiến sĩ ta, được xếp công tác tùy treo trình độ giác ngộ chính trị và năng lực từng người. Ai có công với cách mạng thì được khen thưởng. Ai có năng lực chuyên môn kỹ thuật thì được sử dụng theo tài năng, ai bị thương vong trong khi hàng động cách mạng thì được đối xử như thương binh tử sĩ ta.
2- Binh sĩ giác ngộ trở về với cách mạng: Được hưởng quyền công dân, được đối xử về tinh thần và vật chất như những công dân bình thường.
3- Tù binh: Được đối xử nhân đạo theo đúng chính sách của ta. Trong tình hình hiện nay, giải quyết như sau:
a/ Đối với những Binh Lính và Hạ Sĩ Quan:
– Số có gia đình ở vùng giải phóng thì giải thích chính sách rồi cho về nhà, giao cho chính quyền địa phương đăng ký và giáo dục.
– Số quê ở lùng địch tạm chiếm hoặc ở xa chưa về được thì tạm thời tập trung lại để quản lý giáo dục và dùng làm lao động. Khi có điều kiện sẽ cho về với gia đình.
b/ Đối với Sĩ Quan: Tất cả đều phải tập trung giam giữ, quản lý giáo dục và lao động, sau này tùy sự tiến bộ của từng người sẽ phân loại và sẽ có chính sách giải quyết cụ thể.
Những người có chuyên môn kỹ thuật (kể cả lính và sĩ quan) mà ta cần thì có thể dùng vào từng việc trong một thời gian nhất định, nhưng phải cảnh giác và phải quản lý chặt chẽ, sau này tùy theo yêu cầu của ta và tùy theo sự tiến bộ của từng người mà có thể tuyển dụng vào làm ở các ngành ngoài quân độ.
c/ Đối với các phần tử ác ôn, Tình Báo An Ninh Quân Đội, Sĩ Quan Tâm Lý, Bình Định Chiêu Hồi, đầu sỏ của đảng phái trong Quân Đội, thì bất kể là Lính, Hạ Sĩ Quan hay Sĩ Quan đều phải tập trung cải tạo dài hạn, giam giữ riêng ở nơi an toàn và quản lý chặt chẽ.
d/ Đối với những người vốn là Quân Nhân của ta nhưng đã đầu hàng địch, tham gia Quân Đội ngụy thì sẽ xử như tù binh. Kẻ nào làm việc cho địch như Gián Điệp, Tâm Lý Chiến, Bình Định Chiêu Hồi, chỉ huy đánh phá cách mạng thì xử án như bọn ác ôn.
4- Tàn binh địch ra trình diện:
a/ Những người ra trình diện và tích cực làm những công việc ta giao hoặc có công phát hiện những sự bí mật, kho tàng và tài liệu của địch, chỉ cho ta những tên đầu sỏ phản động còn lẩn trốn, giúp ta sử dụng những vũ khí kỹ thuật của địch, kêu gọi được nhiều tàn binh ra trình diện thì đối xử như binh sĩ giác ngộ trở về với nhân dân.
b/ Còn nói chung đổi xử tương tự như tù binh, nhưng cần chú ý.
– Binh Lính Hạ Sĩ Quan thì đăng ký, thu vũ khí, giải thích chính sách, nếu quê ở vùng giải phóng thì cho về nhà ngay, giao cho chính quyền địa phương quản lý giáo dục. Số quê ở vùng địch còn kiểm soát hoặc ở xa chưa về được thì tập trung giáo dục và dùng làm lao động.
Đối với Sĩ Quan, phải giữ lại để giáo dục cải tạo, nhưng tùy hoàn cảnh chính trị từng nơi mà có cách làm thích hợp để bọn còn lẫn trốn không quá sợ hãi, dám ra trình diện. Lúc đầu, có thể chưa cần giam giữ ngay, tùy tình hình sẽ lần lượt tập trung lại sau.
– Những tên ác ôn Gián Điệp và những tên có nhiều tội ác thì bắt giữ ngay.
– Những tên không chịu ra trình diện theo thời gian quy định thì phải bắt giữ. Tên nào lẫn trốn để chống phá ta thì sẽ bị trừng trị theo tội phá hoại hiện hành.
5- Riêng đối với Phòng Vệ Dân Sự và Dân Vệ đã tan rã:
– Phòng Vệ Dân Sự thì giải tán tổ chức, tịch thu vũ khí, trang bị phương tiện quân sự và coi họ như dân thường.
Dân Vệ thì giao cho chính quyền địa phương đăng ký, quản lý giáo dục, không tập trung lại như tù binh.
– Những tên là Quân Chủ Lực, Bảo An phái sang chỉ huy và làm nòng cốt trong Dân Vệ, Phòng Vệ dân sự và những tên là ác ôn Tình Báo, thì phải xử trí như các loại tù binh nói trên.
Các loại Binh Lính Sĩ Quan địch đã bỏ ngũ về nhà, về hưu, giải ngũ, thì coi như dân thường. Người nào trong số nầy có tội ác thì do chính quyền địa phương xử trí theo chính sách chung đối với những người phạm tội.
6- Những trường hợp khác:
– Những Quân Nhân của địch biệt phái sang làm việc ở Ngành Hành Chánh, Cảnh Sát thì do cơ quan an ninh của ta xử trí.
– Những Sĩ Quan có ảnh hưởng trong các dân tộc thiểu số và các tôn giáo, nếu cần thiết cho việc tranh thủ quần chúng thì có thể có chính sách chiếu cố thích hợp.
Đối với những sĩ quan cấp Tướng hoặc Đại Tá, nếu xét cần sử dụng có lợi cho cách mạng thì có thể có chính sách đối xử thích hợp.
– Tù Binh là Quân Nhân Mỹ và các Quân Nhân nước ngoài khác, phải giam riêng, phải đối xử nhân đạo.
– Những tù binh ngụy bị bắt hồi 1972 hiện nay còn giữ thì xử trí như tù binh hiện nay. Những tên là Lính và Hạ Sĩ Quan nếu đã cải tạo tốt, có quê ở vùng giải phóng thì cho về với gia đình.
CHÚ Ý:
  1. Những cơ sở binh vận, quân báo và an ninh của ta được cử vào hoạtt động trong Quân Đội địch đều là cán bộ chiến sĩ của ta phải giải quyết chính sách chu đáo, tuyệt đối không được lẫn lộn với binh sĩ địch.
  2. Hiện nay không lấy tù binh, tàn binh để bổ sung quân số cho các lực lượng vũ trang của ta.
  3. Tất cả các loại tù binh, tàn binh đều giam giữ ở B, không đưa ra A, trừ những trường hợp còn khai thác gấp để phục vụ yêu cầu của ta.
T/M Ban Bí thư
TỐ HỮU
[Văn Kiện Đảng, trang 286-290]. Ghi chú: Trong thời gian này, Tố Hữu còn là Ủy Viên Trung Ương Đảng phụ trách Ban Bí Thư, về sau mới được đề cử vào Bộ Chính Trị và giữ chức Trưởng Ban Văn Hóa Tư Tưởng.
Có một điều đáng chú ý là trong loại 6 “Những trường hợp khác” có một câu nói rằng“những tù binh ngụy bị bắt hồi 1972 hiện nay còn giữ thì xử trí như tù binh hiện nay”. Điều này chứng tỏ rằng sau khi ký Hiệp Định Ba Lê vào năm 1974 cộng sản Bắc Việt vẫn còn giam giữ và đã không trao trả một số tù binh bị họ bắt giữ trước năm 1973 cho Việt Nam Cộng Hòa đúng theo tinh thần của hiệp định. Lưu văn Lợi, phụ tá của Lê Đức Thọ tại hội nghị Ba Lê cho biết rằng vấn đề trao trả tù binh và tù dân sự đã được thảo luận sôi nổi giữa Bắc Việt và Hoa Kỳ trong phiên họp ngày 17 tháng 10 năm l972. Trước đó, vào ngày 14 tháng 10, Phái đoàn Bắc Việt đã gửi cho Phái đoàn Hoa Kỳ một công hàm nói rằng:
“Theo Luật Pháp quốc tế trong cuộc chiến tranh khi chiến sự chấm dứt thì tất cả những người của các bên bị bắt phải được trao trả ngay. Hơn thế nữa, với tính chất của cuộc chiến tranh ở Miền Nam Việt Nam thì sau khi ngừng bắn, việc trao trả những người dân sự cũng như việc trao trả những người quân sự của các bên bị bắt giữ là một nghĩa vụ mà không bên nào được thoái thác và trì hoãn.
Phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cho rằng trong vấn đề này phía Hoa Kỳ bên vực cho một lập trường rất sai trái để một bên có thể tiếp tục giam giữ những người dân sự của bên kia”. [Lưu văn Lợi và Nguyễn anh Vũ: “Các Cuộc Thương Lượng Lê Đức Thọ-Kissinger tại Paris”, xuất bản tại Hoa Kỳ, trang 309].
Vào năm 1993 khi Trần Văn Trà được cử làm Trưởng Phái đoàn của “Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời” trong Ban Liên Hợp 4 Bên tại Tân Sơn Nhứt Saigon, ông ta đã tuyên bố rằng “chúng ta đã trả tất cả tù binh Mỹ-ngụy mà ta giữ” Hai năm sau, chỉ thị về chính sách đối với tù hàng binh của Bắc Việt do Tố Hữu thay mặt Ban Bí Thư của Đảng Lao Động Việt Nam ký ngày 18 tháng 4 năm 1975 cho thấy là Trần Văn Trà đã nói láo, rõ ràng chỉ thị này đã thừa nhận cộng sản Hà Nội không trao trả một số tù binh của Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1973, Hà Nội đã vi phạm Hiệp Định Ba Lê do chính họ ký kết và như vậy thì theo lời của chính Hà Nội trong công hàm gửi cho Hoa Kỳ ngày 14 tháng 10 năm 1972 thì “đó là trái đạo lý, không công bằng và vô nhân đạo”.
Trần Đông Phong
(trích: VIỆT NAM CỘNG HÒA 10 NGÀY CUỐI CÙNG)

No comments:

Post a Comment